Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Ba Tuần XXVI Mùa Thường Niên - THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội thánh - Lễ kính | Mt 18,1-5 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ BA TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội thánh - Lễ kính

 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (18,1-5)

1 Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước trời?”. 2 Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào nước trời. 4 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong nước trời. 5 Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.

SUY NIỆM

Khi hỏi ai là người lớn nhất trong nước trời, thiết nghĩ các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu vẫn còn suy nghĩ theo lối lớn nhỏ, địa vị, quan quyền, chức tước như ở trần thế. Điều này nó phù hợp với những tranh luận về ai là người làm lớn trong vương quốc của Chúa, và ai sẽ ngồi bên hữu bên tả Chúa… Câu trả lời của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho các ông bối rối, chưng hửng và không khỏi động não, tại sao là phải trở nên giống một đứa trẻ và tại sao phải coi mình như trẻ nhỏ.

Có ba điều mà Chúa Giêsu trả lời cách dứt khoát và rành mạch cho các tông đồ: (1) Trở nên như trẻ nhỏ để được vào nước trời; (2) Người tự hạ như trẻ nhỏ là người lớn nhất trong Nước Trời; và (3) Ai đón tiếp trẻ nhỏ vì danh Thầy là đón tiếp Thầy. Các tông đồ không ngờ Chúa Giêsu lại lấy một đứa trẻ ra làm khuôn mẫu. Chắc hẳn phải có lý do.

Thực tại nước trời chắc hẳn khác với suy nghĩ của thế gian. Nên vào nước trời không phải để tranh giành địa vị, đặc quyền, đặc lợi, kể cả những người đang theo Chúa đây là các môn đệ. Và vì thế, có lần họ hỏi Chúa Giêsu: nào chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng con sẽ được gì? Câu hỏi đó hoàn toàn là thế gian. Bỏ cái này thì được cái khác, đánh đổi cái này thì có nhiều cái khác. Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ suy nghĩ này, khi đưa một đứa bé đặt giữa các ông mà giải thích. Tâm điểm một đứa trẻ là nó không sở hữu một cái gì khác ngoài sự che chở và tình thương của cha mẹ. Một tâm hồn ngây thơ, trong trắng, không vướng bận bất cứ cái gì dơ bẩn thuộc trần thế. Trẻ thơ, vì thế, được ví như các thiên thần. Vào được nước trời là phải gột rửa tâm hồn mình như một đứa trẻ như vậy: hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn lệ thuộc, hoàn toàn trong sạch. Và khi tâm hồn chúng ta đủ sự trẻ thơ thì cũng không còn sự kiêu ngạo nào có thể làm cho chúng ta tự tôn mà coi mình quan trọng hay chức quyền với người khác.

Nhìn gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta hiểu vì sao Hội thánh lại tôn kính ngài cách đặc biệt đến vậy. Ngài thực sự là một đứa trẻ trong nhà Chúa và trở nên cao trọng vì tâm hồn trẻ thơ.

Lạy Chúa, con khao khát luôn được Chúa che chở, giữ gìn. Con cũng khao khát được là một đứa trẻ trong nhà Chúa để Chúa chăm nom. Amen.

Tin bài khác
Xem tất cả »

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.