CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 4,31-37'
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: 1 Cr 2,10-16
Phaolô, khi lên án tài hùng biện và sự khôn ngoan của loài người, ông có lên án mọi nỗ lực suy tư của con người không? Không có như thế đâu. “Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các Kitô hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan nhưng không phải lẽ khôn ngoan của thế gian” (1 Cr 2,6). Khi con người đã chịu “nhường bước” cho Thiên Chúa, nhìn nhận nỗi thiếu thốn và cảnh nghèo hèn của mình, thì bấy giờ cả một phạm vi rộng lớn đang mở ra để trí khôn con người mặc sức tìm hiểu.
Thưa anh em, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
Lãnh vực tìm hiểu thật bao la và sâu thẳm. Điều đó ở ngoài tất cả những khả năng con người kiêu căng, khi dựa vào sức riêng của mình.
Chính Thiên Chúa mới “dò thấu” tất cả.
Tất cả. Tất cả. Thiên Chúa biết tất cả. Thiên Chúa không chống đối sự thông minh: Chính Người là sự Thông Minh tuyệt đối.
Vậy ai trong loài người biết những gì nơi con người? Nếu không phải là thần trí của con người nơi con người? Cũng vậy, không ai biết gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa?
Khi nào tôi muốn biết một “sự vật” thì tôi phân tích, đo lường và cân nhắc nó. Vũ trụ vật chất là một cuốn sách mở rộng để khoa học khám phá dần dần.
Khi tôi muốn biết rõ “một người nào” thì có một phương thức duy nhất là chờ đợi họ tỏ lộ cho tôi.
Một nhà bác học vĩ đại nhất thế giới, có thể phân lượng chất nguyên tử mà không thể khám phá được điều gì vợ ông đang suy nghĩ … nếu bà muốn giấu ông. “Bí mật của tôi, tôi giữ lấy cho tôi. Nếu tôi muốn, tôi sẽ nói cho bạn biết. Nếu tôi yêu bạn, tôi mới nói”.
Điều ấy cho ta hiểu rằng cái khác biệt vô biên giữa sự hiểu biết về phương diện khoa học hay lý trí và sự hiểu biết về “Đức tin” hay “mạc khải”.
Người ta chinh phục một sự vật. Người ta tiếp nhận một con người.
Duy chỉ Thần Khí của Thiên Chúa mới biết được điều gì nơi Thiên Chúa.
Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Sự khôn ngoan của Phaolô là sự khôn ngoan của một tín hữu, bắt nguồn trong chính Thần Khí Thiên Chúa. Chỉ “đón nhận” chứ không “chinh phục” được.
Khi con người chỉ có sức tự nhiên.
Đây là một kiểu nói tuyệt vời, nhằm hạ bệ con người khỏi lòng tự phụ của mình.
Thì không thể đón nhận các ân huệ Thần Khí của Thiên Chúa.
Như thế, sự khôn ngoan mới mẻ này được thông ban nhờ những kẻ đã được Thần Khí dạy dỗ. Nhưng để được Thần Khí dạy dỗ cần phải mở rộng tâm hồn đón nhận.
Không có như vậy, thì sự khôn ngoan này chỉ là điên rồ, phi lý.
Nhưng khi con người sống theo Thần Khí, thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó. Kinh Thánh hỏi: “Ai đã biết tư tưởng của Chúa?”. Ồ! Thế thì chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô!
Chỉ có thế thôi, và chính Phaolô cũng tự thấy mình vừa “sợ sệt và run rẩy”. Không, Đức tin không phải là một đặc ân cho thành phần ưu tú, cho hạng người học cao biết rộng: Sự hiểu biết thực sự về Thiên Chúa thì tất cả những ai để mình cho “Thần Khí” “tác động” đều có thể đạt tới.
Cảm biết được như thế, thật là thâm thúy.
Bài đọc II: 1 Tx 5,1-6.9-11
Về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.
Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự như thế (Lc 12,39) khi từ chối trả lời sự tò mò của con người làm cho chúng ta náo nức với những chi tiết rõ rệt: “Ngày của Chúa” không thể tưởng tượng ra được, chúng ta không có một quy chiếu cụ thể nào về sự sống lại, là hiện tượng loại thần linh hay về sự vĩnh cửu, cũng thuộc loại thực tại thần linh.
Trong cõi trường sinh không còn trước sau, không có thời gian, không có thời giấc niên biểu: Đây là một thế giới khác. Một cách giản dị, ta phải tin tưởng và chấp nhận liệu thực hiện bước nhảy xa trong niềm tin vào Thiên Chúa.
Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó, tai họa thình lình giáng xuống trên họ.
Điều chắc chắn duy nhất chúng ta biết được, là “ngày của Chúa” (1 Cr 1,8) đến bất chợt và phải “luôn sẵn sàng”.
Lúc này, tôi có sẵn sàng không?
Chúng ta đã nghe biết Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu đề phòng chúng ta khỏi bị tê liệt lương tâm, khỏi sự vô tri của những người tự mãn và bình tâm “ăn uống” (Mt 24,38) không biết đặc cho mình vấn nạn tôi sẽ đi đâu? Điều gì xảy ra sau khi tôi chết?
Như cơn đau xảy đến cho người mang thai.
Đây cũng là một hình ảnh Chúa Giêsu đã dùng (Mt 24,8) và là điều thường xuyên trong mạc khải (Is 21,3; Gr 30,6 ; Hs 13,13 ; Mc 4,9 ; Rm 8,22).
Những đau đớn của việc sinh nở!
Điều đó gợi lên cho chúng ta ý nghĩa biểu trưng: sự bất chợt … Và khía cạnh tích cực. Bởi vì: Đây là những đau đớn dẫn đến sự sống và niềm vui (Gr 16,20-22).
Họ không sao thoát khỏi.
Cả những người không ý thức, cả những ai không muốn đặt thành vấn nạn, đều bó buộc phải đặt ra cho mình.
Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt bất chợt anh em như kẻ trộm.
Lạy Chúa, ước gì thật sự được như vậy! Ước gì con không bị ngỡ ngàng, không bị bắt bất chợt.
Vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày, chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm.
Con cái sự sáng! Chính là người thuộc về ánh sáng, người có trong mình ánh sáng sự sống (Lc 16,8; Ga 12,36). Vẫn là những lời của Tin Mừng.
Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.
Rất nhiều dụ ngôn nhắc lại điều đó (Lc 12,35-46; Mt 25).
Tỉnh thức: thức giấc trong tình trạng kiên trì chờ đón.
Điều độ! Làm chủ chính mình, và điều độ trong những ước mơ, để mình đừng bị tê liệt.
Vì Thiên Chúa đã tiền định để chúng ta chiếm lãnh ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để chúng ta được cùng sống với Người. Bởi đấy, anh em hãy an ủi nhau, hãy lo xây dựng cho nhau.
Viễn cảnh về sự chết rất mực tích cực, và cả cuộc sống chúng ta đã chuẩn bị và xây dựng cho nó: Việc sống với Chúa Giêsu! Chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ tới đó cho đủ: Trời đã khởi đầu.
BÀI TIN MỪNG: Lc 4,31-37
Đức Giêsu giảng dạy… Thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên về cách Người giảng dạy, vì lời Người nói là lời của Đấng có thẩm quyền.
Ta đang ở vào những ngày đầu đời công khai truyền giáo của Đức Giêsu. Các Thánh sử đều nhấn mạnh đến quyền năng phi thường, đến thế giá toát ra từ con người và lời nói của Người. Giới Do Thái thời đó chịu ảnh hưởng rất lớn của các “trường phái”, các nhóm kinh sư chuyên giải thích Kinh Thánh bằng cách trích dẫn, tham chiếu Cựu ước.
Còn Đức Giêsu có lối chú giải mới, không nương dựa vào một trường phái tư tưởng nào cả. Tự Người đưa ra một tư tưởng bậc thầy, gây uy tín ngay lập tức. Người không cần dựa vào truyền thống của trường phái, mà trực tiếp kêu gọi lương tri của những kẻ đối thoại với Người.
Lạy Chúa Giêsu, con nguyện là thính giả mê say lời giảng dạy cao cả của Chúa, mỗi ngày càng chăm chú lắng nghe và trở nên môn đệ của Chúa hơn.
Trong hội đường, có một người bị quỷ ám la to lên rằng: “Này ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”.
Một con người bị “quỷ ám”. Một con người “mất tự do”. Một con người “không còn phải là mình nữa …”.
Quỷ luôn là thế. Ngày nay cũng vậy. Nó đè nặng trên tự do của con người, để trói buộc, để “chiếm đoạt” con người! Tôi không còn là tôi nữa ở những điểm nào? Cái gì xiềng xích tôi? Sự ác nào đang đè nặng trên tự do của tôi? Những tập quán, tội lỗi, quyến rũ nào?
Tôi biết ông là ai: Ong là Đấng Thánh của Thiên Chúa!
Quyền lực của sự ác sắp bị tiêu diệt: Chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, sự hoàn hảo tuyệt đối của tình yêu đang giao tranh trên bãi chiến trường.
Sự trong sạch của Đức Giêsu sẽ chiến thắng những nhơ bẩn trong ta.
Tình yêu của Người sẽ đánh bại những vị kỷ của ta.
Mối liên kết kỳ diệu đầy tình con thảo của Đức Giêsu với Chúa Cha, sẽ dạy ta cầu nguyện. Lòng can đảm của Người sẽ cướp đi những khiếp nhược và trễ nải của ta.
Lạy Chúa Giêsu chí thánh, xin luôn can thiệp, cứu giúp và giải thoát chúng con.
Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy ra khỏi người này!”. Quỷ vật người ấy ngã giữa đám đông, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.
Đây là Phép lạ đầu tiên đều được các Tin Mừng Nhất lãm thuật lại. Một cuộc giải phóng. Một con người “bị xiềng xích” được giải thoát khỏi sự xâm đoạt của quỷ dữ, đang đè nặng trên hắn.
Một người trở lại tình trạng bình thường, trở lại một con người thực sự. “Không làm hại gì anh ta” … Sức mạnh xấu ác bị chế ngự thực sự. Quỷ dữ đã gặp phải một Đấng mạnh hơn nó. Đó là Đức Giêsu. Ngày từ ngày đầu tiên, một Cứu Chuộc.
Mọi người đều kinh ngạc nói với nhau: “Lời ấy lạ lùng thật! Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho quỷ và quỷ phải xuất”.
Đức Giêsu đã dùng chính uy quyền trong “Lời” phán quyết của Người để dạy dỗ đám đông, để truyền lệnh cho quỷ dữ. Dư luận truyền lan trong làng Nagiarét. Người ta kinh ngạc. Người ta nhìn Người một cách khác thường. Như vậy, Người là ai? Người ta cứ tưởng hiểu biết Người, nhưng giờ đây mới thấy mình lầm. Tuy nhiên, trong suốt ba mươi năm trời, họ vẫn nhìn thấy Người sống. Họ là dân làng, là người láng giềng, là bạn hữu, là bà con họ hàng với Người.
Như thế, ta cần phải bỏ qua tiên kiến về một người nào đó … để khám phá ra nét mới mẻ nào khác trong nhân cách thâm sâu của họ.
Tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
Ngày nay cũng vậy, Đức Giêsu vẫn là nhân vật “thời danh”. Dư luận vẫn xôn xao về Người, nhưng ta có biết vượt trên những dư luận bề ngoài đó, để khám tìm chính Người, trong mầu nhiệm Ngôi Vị sống động của Người không?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ ám
HOÀN CẢNH:
Bỏ Na-da-rét ra đi, Đức Giê-su và bốn môn đệ đầu tiên (Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an) tới cư trú tại Ca-pha-na-um. Nơi đây, Người thể hiện sứ vụ cứu thế bằng lời giảng dạy và bằng các phép lạ
Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giê-su giảng dạy và trừ quỷ để thể hiện vai trò cứu thế của Người.
TÌM HIỂU:
31-32 “Người xuống Ca-pha-na-um…”
Câu này cho thấy uy quyền của Đức Giê-su trong giáo huấn của Người
33-35 “Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập…”:
Ở đây đức Giêsu tỏ quyền năng của Người qua việc trừ quỷ. Và như vậy Chúa Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế của Người bằng việc chữa lành đầu tiên là việc trục xuất quỷ và giải thoát con người khỏi quyền lực sự dữ.
Diễn tiến câu chuyện trừ quỷ:
*Tên quỷ nhận ra người trừ tà và chống cự lại (4,34).Quỷ biết đích xác Chúa Giê-su là ai và nó gán cho Người một tước hiệu có tính cách kitô học: Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69). Dĩ nhiên sự hiểu biết như chưa hẳn là lời tuyên xưng đức tin (Gc 2,19)
*Người trừ tà nói lên lời hăm dọa hay một lệnh truyền (4,35)
*Quỷ xuất ra cách công khai. Để chứng minh thực tại của việc trục xuất này, kẻ quỷ nhập “té nhào xuống” trước mặt những người chứng kiến
*Cảm tưởng của người chứng kiến (4,31-32): Đây là một sự sợ hãi có tính cách tôn giáo dẫn đến sự tự vấn về nguồn gốc của lời quyền năng của Đức Giê-su. Đối với chúng ta, dã có niềm tin vào Đức Giê-su, thì đó là Thần khí mà Chúa Giê-su đã lãnh nhận.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Câu chuyện Chúa Giê-su giảng dạy, cảm phục nơi thính giả tại Ca-pha-na-um, cho chúng ta nhận ra rằng:
2. Thay vì rụt rè giải thích và luôn nại đến quyền thế của Môsê và các pháp sư như các luật sĩ thường làm, Chúa Giê-su giảng như tự ý mình và phán quyết như người ra lề luật. Người tông đồ khi giảng dạy, như xác quyết điều mình giảng qua sự học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, phải cảm nghiệm từ cuộc sống những điều mình giảng, để nhờ đó dễ gây tín nhiệm và cảm phục của người nghe.
- Thay vì tỷ mỷ trình bày những đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý tứ ngay lành và tâm hồn ngay thẳng, làm nhẹ lòng thính giả về gánh nặng hình thức của lề luật, và đưa thính giả đến tình mến yêu chân thật đối với Thiên Chúa và tha nhân. Người tông đồ khi giải thích các chân lý và lề luật của Chúa, cần nhấn mạnh đến tính chất của việc tuân giữ hơn là hình thức phải tuân giữ, để một phần làm giảm nhẹ gánh nặng cho việc tuân giữ và gây được lòng mến yêu đối với Thiên Chúa
3. Câu chuyện về người bị quỷ ám được Chúa chữa lành gợi lên cho chúng ta ý thức rằng:
*Trước tiên, sự cố chấp của con người muốn bảo thủ những tư tưởng của họ, đó là sự phản đối của những người trong hội đường na-da-rét. Người tông đồ cũng có thể gặp khó khăn do những người “quen quá hóa nhàm”, hoặc vì sự chai lỳ, cố chấp và cứng lòng của người nghe
*Sau nữa, Chúa Giê-su gặp một kẻ thù chống đối khác là quỷ!
Đó là hai sự chống đối mà bất kỳ mọi hoạt động rao giảng Tin Mừng nào cũng phải tiên liệu trước.
- Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông?”:
Dù không muốn khiêu khích đi nữa, thì môn đệ của Chúa Giê-su bao giờ cũng làm cho kẻ thù của Thiên Chúa khó chịu, không thể tránh được! Cần phải nhận thức điều đó, không phải để sợ nhưng để biết rằng luôn luôn có kẻ thù và phải cần đến sức mạnh của Thiên Chúa để chiến thắng chúng. Sức mạnh này luôn có trong tâm hồn những ai là bạn với Chúa Kitô. Chúng ta trau dồi sức mạnh để chiến đấu với quỷ bằng sự cầu nguyện, hy sinh hãm mình khổ chế và chay tịnh.
4.“Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”:
Người Do-Thái không chấp nhận Chúa Giêsu vì họ chỉ nhìn Người với cái vẻ bên ngoài của con mắt tự nhiên. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn bằng con mắt xác thịt và sự hiểu biết theo lý lẽ của trí khôn con người, thì chúng ta cũng không thể nào đón nhận được những thực tại thiêng liêng, tức là những sự cao đẹp của ơn Chúa qua các phép bí tích. Vì thế chúng ta khó cảm nghiệm sự mộ mến, gắn bó và trân trọng các phép bí tích!
5. “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình…”:
Dân làng Na-da-rét muốn đòi hỏi Chúa làm phép lạ để được dương danh hầu cho họ được tín nhiệm và hãnh diện. Trong đời sống đạo, người kitô hữu cũng có những cám dỗ đòi hỏi Chúa hay ít ra khao khát Chúa tỏ bày quyền năng bằng những phép lạ để tỏ uy quyền và dương danh với người ta! Nhưng Chúa chỉ làm phép lạ để cứu giúp con người chứ không để dương danh mình và để khuất phục người ta.
6. “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”:
Ở đây Chúa có ý khiển trách người đồng hương không đón nhận Người. Cũng vậy, Chúa cũng khiển trách khi chúng ta coi thường và nhàm chán việc nghe và sống lời Chúa, hoặc đón nhận và sống các ơn của bí tích…chỉ vì “quen quá hoá nhàm!”