Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXII Mùa Thường Niên (Lc 5,1-11) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 5,1-11

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Cr 3,18-23

Dựa theo các bản văn của Phaolô, chúng ta đoán biết được Hội Thánh ở Côrintô có nhiều chia rẽ. Các nhóm nhỏ, các trào lưu tư tưởng khác nhau, đều giữ lập trường và quan điểm mình về các sự việc, một cách triệt để. Làm sao tìm hiểu sự thật trong tất cả các điều ấy?

Thưa anh em, đừng ai tự lừa dối mình.

Đúng vậy, trước tiên phải tự ngờ vực mình, đừng khư khư nắm giữ lập trường mình cách kiêu hãnh. Khi làm hết sức để bênh vực ý tưởng mình, thì cuối cùng ta đâm ra thích thú vì quan điểm của mình, rồi chỉ nghe mình nói mà không muốn nghe quan điểm của người khác … thế là ta tự đóng kín trong biện luận riêng của mình.

Xin cho chúng con nhận ra phần nào chân lý trong các ý kiến của những người không đồng quan điểm với chúng con.

Xin làm cho chúng con chấp nhận phần sai sót trong các quan điểm của mình.

Nếu ai trong anh em tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là điên rồ trước mặt Chúa.

Dù sao đi nữa, phải trở nên “điên rồ” để tuyệt đối hóa hệ thống nhân loại. Tất cả cái gì mà loài người đều mơ hồ, mỏng dòn và tạm bợ. Thiên Chúa cho phép tương đối hóa mọi sự. Chỉ dựa vào những lý luận phàm nhân, vào các tiêu chuẩn của “thế giới này”, thì chưa đủ cho một Kitô hữu.

Đặc tính của các hệ thống triết lý hay chính trị, nhắm tới những thực tại quan sát được: đó là giới hạn thông thường. Nhưng đối với Đức tin, thế giới không tự đóng kín được: Vì sự tự do con người và tự do của Thiên Chúa luôn can thiệp cách đột xuất. Lịch sử không thể thu tóm cách đơn thuần vào các cơ cấu vật chất. Ai có thể tiên đoán được mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa, cảnh Đức Giêsu bị đóng đinh? Thế mà, sự việc đã xảy đến. Tưởng tượng ra những sự việc như vậy là một cách điên rồ.

Đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà ta không đoán trước được.

Như có lời chép rằng: “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của nó… Tâm tưởng kẻ khôn ngoan: Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài!”

Biết bao phong trần lịch sử lớn lao, trong quá khứ, đã “hứa hươu hứa vượn” và đã đổi hướng nửa chừng, làm cho những ai đặt tin tưởng vào họ, phải thất vọng. Các lời hứa của họ, thật như “cơn gió thoảng qua”.

Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan đích thực. Và mặc dù bên ngoài xem ra nghịch lý, dự định của Người cũng sẽ thành tựu. Các Kitô hữu Côrintô, lúc bấy giờ, chỉ là một nhóm rất nhỏ bé, chìm ngập trong thế giới ngoại giáo đầy quyền lực và xuôi theo các trào lưu tư tưởng bề ngoài rất đắc thắng.

Theo cách ước lượng của loài người, thì nền “văn minh Hy Lạp” là một nền văn minh sáng lạng, để lại bao di tích lộng lẫy quanh vùng biển Địa Trung Hải, phải vượt hẳn nhóm Kitô hữu kia. Thế mà “Thiên Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của nó”: nghĩa là, trong thực tế, “Kitô giáo”, một “nhóm nhỏ bé các kẻ nghèo hèn” quy tụ chung quanh Phaolô để nghe lời Thiên Chúa và bẻ bánh, sẽ có một tương lai.

Bởi vì tất cả thuộc về anh em: Dù là Phaolô hay Apollô hay Kêpha, dù cả thế gian này, và sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai: tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, mà Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.

Thật là những lời can đảm.

Các Tông đồ phục vụ các tín hữu, không phải các tín hữu phục vụ các Tông đồ! Anh em nói “tôi thuộc về Phaolô, còn tôi thuộc về Apollô”. Ồ, thật là trái ngược. Anh em không thuộc về các thừa tác viên, chính họ là các người phục vụ anh em! Cảm xúc vì lòng nhiệt tình này, Phaolô dám nói rằng toàn thể vũ trụ này là để phục vụ một nhóm phu bốc vác nghèo hèn, lúc đó đang quy tụ ở Côrintô. Thật là vinh dự cao cả cho các Kitô hữu.

Bài đọc II: Cl 9,9-14

Từ ngày chúng tôi nghe biết về anh em, chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em.

Đây là những Kitô hữu không hề gặp, Phaolô đã không hề ở Côlôsê. Người đã chỉ nghe nói về họ. Dầu vậy, Ngài không ngừng cầu nguyện cho các tín hữu vô danh này. Trong vô hình, vượt mọi ngăn cách và sự vô danh, tôi có thể cầu nguyện với một tấm lòng rộng mở như thế không?

Xin cho anh được đầy đủ sự hiểu biết Thánh Ý Chúa, với tất cả sự khôn ngoan và sự thông hiểu thiêng liêng.

Phaolô thường nhấn mạnh về sự cần thiết “phải tiến tới trong sự hiểu biết” (Pl 1,9; Plm 6,5 ; P 1,17 ; Cl 2,2-3). Đối với bước tiến này, Ngài xin hai ơn của Thánh Linh: Khôn ngoan và Thông hiểu.

Như ta đã biết, Phaolô sợ rằng dân Côlôsê để cho mình bị lôi cuốn bởi những giáo thuyết sai lầm có mùi bí truyền ngộ đạo: Để đề phòng họ chống lại những tư duy kiểu tri thức bí nhiệm, Ngài cầu nguyện để cho họ có được sự hiểu biết chân chính về Đức tin của họ.

Vào thời chúng ta nữa, chúng ta bị cám dỗ đi tới những lầm lạc về giáo thuyết do ảnh hưởng của những luồng tư tưởng chung quanh. Đó là lý do để chúng ta đào sâu hơn những hiểu biết của chúng ta.

Để anh em ăn ở xứng đáng, đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, và sinh hoa kết quả trong mọi việc lành, cùng phát triển trong sự nhận biết Thiên Chúa.

Điều Phaolô đề ra phòng phải là một lý thuyết thuần túy dành cho những bậc thức giả: sự hiểu biết Thiên Chúa thường là những đặc ân dành cho những kẻ bé mọn, và nó trước hết là một thái độ, một đối xử cụ thể, một “cách ăn ở xứng với Thiên Chúa”. Đức tin được phô diễn trong đời sống thực tế.

Lạy Chúa, xin làm cho cách cư xử của con đẹp lòng Chúa luôn … cho đời con sinh hoa kết quả … không ngừng tiến triển …

Được củng cố bằng một sức mạnh dồi dào, chiếu theo quyền năng cả sáng của Người, anh em nhẫn nại và vui mừng khoan dung trong mọi sự. Anh em cảm tạ Chúa Cha.

Đây là bốn kết quả của sự hiểu biết chân thực về Thiên Chúa: Kiên trì, nhẫn nại, vui mừng, tạ ơn. Đó là những dấu chỉ chứng tỏ Thiên Chúa hiện diện ở đó.

Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp Các Thánh trong ánh sáng.

Bằng nhiều cách, Kinh Thánh lặp lại với chúng ta rằng: Thiên Chúa đã quyết định ban mình, ngay từ đời này cho các tín hữu Người, đảm bảo sự kết hiệp sung mãn mà đời sau sẽ là dịp hưởng kiến Thiên Chúa.

“Lãnh phần gia nghiệp với các Thánh”. Đây là hình ảnh Đất Hứa, nay được mở ra cho các lương dân, cho mọi người (Ep 1,11-14.2,19).

Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi, nhờ máu Người, và được tha tội.

Định nghĩa sâu xa nhất về con người: “Sinh vật có khả năng được có Chúa” … “Sinh vật được hoạch định để trở thành Thiên Chúa” … “một tạo vật Thiên Chúa đã quyết định tạo thành theo hình ảnh Người” … “một sinh vật mà Thiên Chúa đưa vào trong lĩnh vực Thần Linh của riêng Người”. Thánh Lêô, vị Giáo Hoàng vĩ đại của thế kỷ thứ V chắc chắn đã theo tinh thần đoạn văn này của Thánh Phaolô, khi Người nói bài giảng lừng danh lễ Giáng Sinh: “Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình. Được thông dự bản tính Thiên Chúa, ngươi đừng trở lại với sự thấp hèn ban đầu của ngươi mà sống cách bất xứng với hoàn cảnh của ngươi. Hãy nhớ rằng ngươi đã được nhổ khỏi bóng tối tăm và được trồng vào trong ánh sáng và Nước Chúa”.

BÀI TIN MỪNG: Lc 5,1-11

Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe Lời Thiên Chúa.

Đó là một cảnh sống động cụ thể. Tôi thử hình dung lại tôi có ham muốn như họ không?

Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và bảo ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.

Khi Đức Giêsu vừa đặt chân xuống thuyền, thuyền chòng chành một chút. Nhưng Simon biết lấy lại thăng bằng. Đó là một người dày dặn kinh nghiệm với nghề biển.

Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy dân chúng.

Tôi ước ao biết được sự hiện diện trên bãi biển này, giữa đám thính giả!

Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu …”.

Ra khơi hay chỗ nước sâu.

Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vã suốt đêm mà không bắt được gì cả, nhưng Thầy đã bảo thì tôi xin thả lưới”.

Simon lại căng buồm và ghim lại mái chèo … Người ta rẽ sóng khơi, Đức Giêsu ở mạn thuyền.

Đức Giêsu thường đòi ta làm những việc dị kỳ và vô lý như thế đó! Lại ra khơi đánh cá, khi người ta không bắt được con nào suốt một đêm vất vả! Đức tin cũng giống như thế đó! Tin vào Đức Giêsu. Không tin vào những suy luận riêng của ta. Ra khơi, tiến đến những mầu nhiệm: Thánh Thể … Thiên Chúa Ba Ngôi … Nhập Thể … Phục Sinh … Lạy Thầy, vì lời Thầy, con tin và con thả lưới.

Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp … Họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Tôi nhìn hai chiếc thuyền đầy ứ, có nguy cơ nước ập chìm, đang trở về bến.

Trong cuộc đời, tôi đã trải qua kinh nghiệm về sự tràn đầy mà Chúa mang đến như thế này chưa? Được dư dật không? Hãy cầu nguyện khởi đi từ những thành công, những vui mừng của tôi …

Giữa những ngày khô khan, hãy nhớ lại những hồng ân đó, như Phêrô đã từng tưởng nhớ lại sau này … giữa những thất bại trong đời Tông đồ của ông.

Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mình dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Thầy, xin tránh xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi” … Ong kinh ngạc …

Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, sự kinh ngạc này là dấu hiệu biểu lộ người ta đã đến gần Thiên Chúa.

Não trạng hiện đại của ta hầu như coi đó là điều quá đáng. Tuy nhiên, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đừng làm ra vẻ ranh mãnh trước Thiên Chúa. Không nên rơi vào tình trạng sợ hãi bệnh hoạn và thiếu lành mạnh (vì Thiên Chúa vô cùng tốt lành), nhưng chúng ta không thể tái khám phá sự thánh thiện và quyền năng của Thiên Chúa sao? (Vì Thiên Chúa vô cùng cao cả).

Và như Phêrô, ta không nhận ra mình bất xứng khi hiện diện trước người sao!

Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, con không xứng đáng đón nhận Chúa.

Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi lưới người như lưới cá”.

Đừng sợ! Đó là lời trấn an Thiên Chúa thường lặp đi lặp lại. Tự nhiên con người dễ run sợ trước Thiên Chúa. Nhưng chính Chúa tìm cách trấn an ta. Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa.

“Anh sẽ đi lưới người như lưới cá” … Đó là ơn Chúa kêu gọi. Thiên Chúa thay đổi cả một vận mệnh.

Thế là họ bỏ hết cả mọi sự mà theo Người.

“Mọi sự”. Từ bỏ tất cả. Thái độ của tôi thế nào?

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. “Đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa…”:

Chi tiết này cho thấy:

- Chúa Giê-su vừa là Đấng Thánh đang can thiệp vào trần gian, đem Tin Mừng và sức mạnh của Người vào trần gian: Thiên Chúa đến ở giữa dân Người

- Chúa Giê-su vừa là Đấng ở gần và ở giữa nhân loại mà không mất vẻ cao cả và siêu vời của mình.

Trong Hội thánh và qua các phép bí tích, chúng ta được diễm phúc sống gần Chúa và sống trong Chúa để được đón nhận Tin Mừng và được sức của Chúa.

2. Thánh sử Lu-ca đặt câu chuyện mẻ lưới được đầy cá với câu chuyện Chúa chọn bốn môn đệ đầu tiên vào thời gian Chúa Giê-su đang giảng đạo, để gợi ý rằng những thành công của Hội thánh sau Phục Sinh thực ra đã bắt đầu và đã được bảo đảm ngay khi Chúa còn tại thế. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm tin tưởng vào Hội Thánh. Dù bề ngoài, đời sống Hội Thánh như không có gì lạ lùng, nhưng cũng như cuộc đời trần gian của Chúa Cứu Thế, hiện tại Hội Thánh đang chất chứa nhiều hứa hẹn và thành quả trong tương lai. Chúng ta hãy tin tưởng và gắn bó với Hội Thánh.

3. Nhận thức về việc Chúa Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên:

Chúa Giê-su, với uy quyền Con Thiên Chúa, gặp con người trong đời sống thường nhật của họ. Người mời gọi họ và giao cho họ một sứ mệnh. Những người này chấp nhận, bỏ tất cả và đi theo Chúa Giê-su. Cuộc gặp gỡ đích thực giữa ta với Chúa, trong các việc đạo đức, bao giờ cũng sinh hiệu quả là chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để dấn thân theo Chúa; nến không có hiệu quả như vậy thì chúng ta chưa gặp Chúa thực sự

4. Nhận thức về câu chuyện mẻ lưới đầy cá:

- Chúa Giê-su nói riêng với Si-mon: Hãy ra khơi. Nhưng sau khi bắt được cá, chúng ta thấy toàn thể các môn đệ cùng chung sức để đưa cá vào bờ.

- Cá nhân Phêrô đã nói: “Lạy Chúa, con là người tội lỗi”, và Chúa Giê-su cũng trả lời cho riêng cá nhân ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá”. Nhưng có cả một đoàn người sau lưng Phê-rô lên đường theo Chúa Giê-su.

Những chi tiết trên diễn tả rằng: Toàn thể Hội Thánh đều có sứ mạng truyền giáo trong thế giới. Hội Thánh có một vị trách nhiệm kế vị Phêrô là Đức giáo Hoàng.

- Phêrô trình bày sự bất lực của con người (Vất vả cả đêm mà không bắt được gì) và sự khốn nạn của con người tội lỗi. Chúa Giê-su trả lời: “Đừng sợ!” Sức mạnh của bất kỳ một tông đồ nào cũng phải do bởi theo sát Chúa Giê-su, Đấng trao sứ mạng cho họ.

- “Chúng con đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì! Nhưng thầy đã bảo thì con xin thả lưới”:

Đức Giê-su thường đòi ta làm những việc nghịch thường và vô lý như thế! Đức tin cũng giống như thế đó! Tin vào Đức Giê-su, không tin vào những suy luận riêng của ta. Ra khơi có nghĩa là đón nhận những mầu nhiệm: Nhập thể, Cứu Chuộc, Thiên Chúa Ba Ngôi, Phục Sinh…Lạy Chúa, vì lời Chúa, con tin. Xin Chúa cho con được sống theo niềm tin này!

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.