Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXX Mùa Thường Niên (Lc 13:22-30) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 13,22-30

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ep 6, 1-9

Hôm nay, trong các lời khuyên thực hành mà chúng ta sắp nghe, chúng ta đừng bất bình khi Phaolô ám chỉ một trạng huống xã hội hoàn toàn khác hẳn với xã hội chúng ta: như Phaolô không tỏ bày ý kiến về tính cách hợp pháp của chế độ nô lệ. Phaolô là con người thực tiễn. Nếu người ta muốn hiểu sâu xa về điều ông muốn nói trong trang sách này, người ta sẽ thấy, khi để ý đến tình trạng xã hội thời ấy, ông khôn khéo xen vào đó, một sự thay đổi căn ab3n về tâm trạng cũng như tâm hồn, để ngày kia sẽ đi đến sự thay đổi các cơ cấu.

Kẻ làm con, hãy nghe lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính cha mẹ để được hạnh phúc.

Thực sự, điều đó, khá mới mẻ. Bổn phận thứ nhất là: Biết “nghe”! Chắc hẳn, nghe là điều kiện thứ nhất của sự vâng lời. Nhưng điều đó đã nhấn mạnh được cách vâng lời có ý thức: con đã nghe chưa, con có hiểu lời mẹ bảo không ?

Đi xa hơn nữa, tại sao người ta lại không nói được nghe là điều kiện đầu tiên của đối thoại… và thế cũng là tình thương đích thực. Dạy cho một đứa trẻ biết “nghe”, nghĩa là đưa nó ra khỏi “chính mình”, thế là nó đã “hướng tới với một người khác”, thế là dạy nó tác động căn bản của tình thương.

Hỡi các nhà giáo dục, chính chúng ta cũng phải học nghe! hỡi kẻ làm con, hãy học nghe, đó là giá trị cao cả của loài người.

Hỡi các bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận. Hãy giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy thay mặt Chúa.

Điều này cũng rất mới mẻ. Phaolô biện hộ cho việc tôn trọng trẻ con: “Đừng dồn chúng vào bước đường cùng… đừng làm chúng tức giận vì những lệnh truyền tỉ mỉ”. Không được, bậc làm cha mẹ không có tất cả mọi quyền hành. Họ không được quyền hành hạ con cái mình như súc vật nhỏ bé mà người trêu chọc đến phát khùng.

Đừng có tàn bạo. Cũng đừng buông thả chúng.

Và đây là lý do sâu xa: cũng như trẻ con phải “biết nghe theo lời Chúa”, thì cha mẹ phải “giáo dục chúng theo lời Chúa”.

Hỡi kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ sợ sệt, với lòng đơn sơ như vâng lời Đức Kitô, đừng chỉ vâng lời trước mặt như muốn đẹp lòng người ta... Anh em biết đấy, mỗi người được Chúa “trả công” dù là nô lệ hay tự do.

Người ta có thể giải thích bản văn này với hai ý nghĩa nghịch nhau. Một mặt người ta chỉ thấy lời kêu gọi về sự tùng phục. Nhưng mặt kia, cũng thấy một lời mời gọi lạ thường phải thăng tiến để cuối cùng, khỏi làm nô lệ cho chính lòng mình. Được giải thích sự sợ hãi ông chủ. Chỉ hành động bởi xác tín nội tâm và vì lòng vâng phục Thiên Chúa. Đó là một cuộc “giải phóng” lạ thường, một sự “thăng tiến kỳ diệu của phẩm giá nhân loại”. Và tận thâm tâm, có được niềm xác tín về sự bình đẳng căn bản giữa mọi người : nô lệ hay ông chủ, ông ấy cũng như tôi, chúng tôi sẽ lãnh một đồng lương xứng với sự xét đoán của Thiên Chúa về hai chúng ta.

Hỡi các ông chủ hãy đối xử như thế đối với họ. Đừng doạ nạt nữa. Anh em biết rằng Chúa của họ cũng Chúa của anh em, ngự trên trời, và Người không thiên vị ai.

Đúng là một trong các chất men cách mạng lan ra rất xa. “Thiên Chúa không thiên vị ai”.

Sẽ có một ngày, trong các luật lệ và các cơ cấu xã hội, người ta tìm gặp được phương thế để làm nổi bật sự bình đẳng này, sự “không thiên vị”.

Bài đọc II: Rm 8, 28-30

Chúng ta đang suy gẫm những trang sách có một sự phong phú thiêng liêng đặc biệt. Phải cầu nguyện hơn nữa để Chúa Thánh Thần linh hứng cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta sắp nghe những mạc khải cốt yếu về Đức tin ; sự đề xướng về một ý niệm phi thường về con người… một thực thể mà “thần trí” được sinh động bởi “Thánh Thần” của Thiên Chúa.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự hèn yếu của chúng ta, vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả.

Hợp với tiếng than của tạo thành mong được giải thoát khỏi hư không, là tiếng than của mọi người kêu lên Thiên Chúa. Như một tiếng than thứ ba, “tiếng than khôn tả” tiếp sức, tiếng than của Thánh Thần. Qua mọi sự của sự sôi động tranh đấu và than van trong thế giới, chính Thiên Chúa muốn biến đổi thế giới này!

Không, Thiên Chúa không xa cách, vắng mặt trong chiến đấu, nỗ lực của chúng ta …Người ở trong lòng, bên trong! chính Người khơi chúng dậy.

Chính Người kêu lên trong chúng ta, khi chúng ta đòi sự sống, tình yêu, niềm vui..khi chúng ta khẩn nài được giải thoát khỏi những giới hạn, yếu đuối và những sức nặng thuộc mọi bậc đè trên chúng ta.

Và Thiên Chúa Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn… Người biết.

Lạy Chúa, con muốn đặt niềm tin tưởng vào Chúa và xin Chúa soi sáng.

Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Trong chúng ta, tận đáy lòng ta. nhưng trong chúng ta có biết tiếp nhận “ý muốn” này không? Chúng con có sẵn sàng với điều Chúa muốn, HÔM NAY, chẳng hạn không ?

Chúng ta biết…

Điều Chúa “hiểu”, điều Chúa “biết” đạt tới đáy lòng ta. đức tin là đó: là sự vang vọng trong ta điều Chúa “biết” và chúng ta biết.

Chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được lành.

Lại một lời Chúa, nguyên vẹn, có thể trở thành “kinh nguyện”.

Lạy Chúa, dầu khó tin, điều Chúa nói với chúng con là đó! “Mọi sự” đều là ân phúc! Mọi sự: những đau khổ, tấn công, tội lỗi? của chúng con và của những người khác chung quanh con  Đó có phải là điều Chúa nói với chúng con không? “Không gì” có thể cản trở! Không gì hết! Tất cả đều trở thành “phương tiện” để nên thánh.

“ Những người yêu mến Thiên Chú!”. Đó là điều kiện của cuộc phục hồi bao quát và khả giác, sẽ đến biến đổi mọi sự “nên tốt”.

Những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Người trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc.

Sự thánh thiện tuyệt vời của Chúa Giêsu, tình hiếu thảo lạ lùng của Người, cũng được “tiền định” cho chúng ta nữa! Chúng ta được tạo dựng để nên giống “Người”.

Lạy Chúa, bất kể nỗi khốn cùng hiện thời của con, một ngày kia, con sẽ giống “như Chúa Giêsu” chiêm ngưỡng Người, con chiêm ngưỡng hình ảnh của chính con sẽ trở thành, khi đời con “hoàn tất”, “chấm dứt”. Lạy Chúa, xin hãy nêu rõ trong con ước muốn được nên giống Chúa. HÔM NAY, xin cho con được ơn này là tiến gần hơn một chút nữa tới hình ảnh Chúa.

Chúa Kitô, “hình ảnh” hoàn hảo của Chúa (Cl 1, 25).

Con người “hình ảnh” Chúa Kitô (rm 8, 29).

BÀI TIN MỪNG: Lc 13, 22-30

Trên đường lên Giêrusalem, Đức Kitô đi ngang qua các thành thị và làng mạc và giảng dạy.

Đức Giêsu lên đường. Người “du hành”.

Đó là một trong những kiểu nói Luca ưa thích. Ong sử dụng đến 88 lần, so với 150 lần được dùng trong tân ước. Cũng như Đức Giêsu, Phaolô mà Luca có dịp đồng hành là một nhà du hành vĩ đại. Từ ngữ này diễn tả thân phận của các Tông-đồ. Đó là những kẻ đi đường, là những người đầy nhiệt thành Tông-đồ, luôn di chuyển, đi tới từng người, từng nhà, hết thành nọ đến thành kia.

Còn tôi, tôi có là người “dừng chân tại chỗ”, hay năng nổ hoạt động?

Có kẻ hỏi Người: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không Thầy ?”. Người đáp : “Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào…”

Hoạt động phấn đấu.

Là Kitô hữu, ta không thể hoàn toàn ngơi nghỉ.

Vì Thầy nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được.

Người ta động đậy trước cửa. Nhưng chỉ có người quyết tâm phấn đấu mới vào được bên trong!

Người muốn thắng cuộc trong cuộc tranh giải thể thao, cần phải dành hết sức lực của mình nhờ một vài phút quyết định chung kết. Đức Giêsu mời gọi ta dồn nỗ lực tối đa, tập trung mọi sức mạnh để “cứu-độ” chính mình.

Theo đó, không thể chấp nhận được sự nhu nhược, ươm lười.

Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi thứ mê muội, khỏi sức nặng trì trệ đang đè nén trên con. Người ta không thể bước vào ơn cứu-độ đời đời…theo tình trạng như thế, nếu không sớm nhận ra.

Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại…

Có một thời thuận lợi cho việc “cứu-độ”... Đức Giêsu đã mở cửa trời. Nhưng một ngày nào đó, kỳ hạn được trao ban để chúng ta “nỗ lực bước vào” sẽ chấm dứt.

Đức Giêsu đến mời ta quyết định : không thể dùng đằng chậm trễ hơn! Kỳ hạn dành cho tôi được bao lâu nữa? mỗi ngày, hãy sống như thể đó là ngày chung thẩm. Mỗi ngày, hãy sống trọn vẹn như thể đó là ngày cuối cùng?

Đó là châm ngôn của Cha Charles de Foucauld.

Chủ nhà sẽ bảo anh em: “Ta không biết các anh là người ở đâu cả!”. Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống với Người, và Người cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng ông sẽ đáp: “ta không biết các anh là người ở đâu cả. Đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều gian ác.

Thật là vô ích, khi kỳ hạn đã qua ta mới gõ cửa. Và cũng không ích lợi gì, khi cứ tưởng rằng mình đang nắm những đặc ân.

Ngay việc được đồng ab2n với Đức Giêsu cũng không là một bảo đảm được! Đã ăn uống trước mặt Đức Giêsu, chưa đủ! Đã “ăn thịt và uống Máu Người”, cũng chưa đủ. Sau này, Thánh Phaolô còn coi đó như một cớ có thể bị kết án nặng hơn ( 1 Cr 10, 1-11).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức tầm quan trọng của quyết định mà Chúa đang chờ đợi nơi chúng con.

Bấy giờ anh em sẽ bị loại ra ngoài..thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Không ai có thể kêu trách Thiên Chúa là họ không được vào tham dự bữa tiệc đời đời..bởi vì ngay cả những người dân ngoại đều có thể tới dự, cùng ngồi đồng bàn..Abraham, Isaac, Giacóp, các ngôn sứ và những người dân ngoại đến từ mọi miền đất nước. Chỉ cần một điều kiện: nhận biết Đức Giêsu và quyết tâm tin theo Người.

Những người sẽ được cứu-độ có phải chỉ là thiểu số ? Đức Giêsu không muốn trả lời câu hỏi này. Đó là một vấn nạn có thể che giấu một thứ “lương tâm yên ổn” : ( nếu mọi người đều được cứu-độ), người ta có thể sống bình chân tự tại..nếu chỉ có một số nhỏ được cứu, thì nỗ lực có ích gì…Chính Đức Giêsu để lơ lửng vấn đề một cách mập mờ: theo ý Người, mỗi cá nhân tự quyết định lấy, mới là điều đáng kể.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Hãy qua cửa hẹp.

HOÀN CẢNH:

Sau khi đã trình bày về tổ chức và sinh hoạt của Nước Trời (13,18-21) thì bây giờ qua bài Tin mừng hôm nay, Luca cho chúng ta hiểu biết về điều kiện để vào Nước Trời, và Nước Trời được ví như bữa tiệc cưới.

Ý CHÍNH:

Đoạn Tin mừng hôm nay nói đến viện tưởng ngày cách chung, được ví như một phòng tiệc cưới. Muôn dân từ khắp bốn phương trời đều được mời đến tham dự bàn tiệc. Nhưng muốn vào phải qua cửa hẹp.

TÌM HIỂU:

22"trên đường đi Giêrusalem …":

Gần đến lễ Cung Tiến Đền Thờ, Đức Giêsu qua các thị trấn, làng mạc giảng dạy và tiến dần về phía Giêrusalem.

Luca ghi lại sự việc này để đánh dấu một giai đoạn mới (13,22-17,…)

23"có kẻ hỏi Người…":

Một hôm có người đến hỏi Đức Giêsu về số người được ơn cứu rỗi. Người Do Thái có quan niệm rằng: ngoằn dân tộc họ ra ít người được Thiên Chúa cứu rỗi. Câu hỏi này có vẻ tọc mạch và chứa một ý tưởng kiêu căng tự mãn, cục bộ.

24"… hãy chiến đấu để qua cửa hẹp…":

Đức Giêsu không trả lời rõ kết quả cuộc phán xét, cũng như ở 12,40-46 Người đã không nói về thời điểm ngày phán xét, nhưng ở đây Người chỉ nhắn nhủ phải qua cửa hẹp để được cứu rỗi (16,16).

- Đức Giêsu không trả lời rõ: vì nếu trả lời ít người được cứu rỗi, thì người sẽ thất vọng sợ không đến lượt mình. nếu trả lời nhiều người được cứu rỗi, người ta sẽ buông lỏng và không mau mắn lo phần rỗi của mình.

- Nên Chúa chỉ trả lời bằng cách hướng dẫn người ta: ai cũng phải cố gắng qua cửa hẹp, mau mắn lo phần rỗi của mình.

và như vậy để sửa sai quan niệm hẹp hòi và tự mãn của người Do Thái: chỉ có họ mới được Chúa thương.

25-27"một khi chủ nhà đã đứng dậy…"

Để diễn tả những ai cố gắng đi qua cửa hẹp để được và Nước Trời, thì Đức Giêsu mượn hình ảnh một bữa tiệc mà tiên tri Isaia đã gọi là "bữa tiệc Đấng Thiên Sai" (Is 25,6). Những câu này muốn nói rằng: vị thẩm phán, vào ngày tận thế không nhìn nhận những người Do Thái nào đã làm điều bất chính: dù liên hệ huyết thống với dòng dõi Apraham, hoặc đã chứng kiến việc làm của Đức Giêsu, cũng không đủ lý do làm dân Chúa, nghĩa là vào tiệc cưới, còn phải tin nhận Đức Giêsu, nghĩa là được vị thẩm phán nhận biết nữa.

28-29"ở đó…"

Tại bữa tiệc này sẽ có các tổ phụ và các tiên tri cụng như tất cả những ai tin nhận vào Chúa Giêsu và sống theo Người. Đang khi đó thì những người Do Thái và những người sống đồng thời với Chúa Giêsu, dù đã chứng kiến những việc Ngài làm, và nghe những lời Người giảng, nhưng không tin để sám hối, thì bị loại ra khỏi tiệc cưới.

30"và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu…"

Câu kết này có ý phân biệt trong ngày phán xét: "những kẻ đứng chót" ở đây là những lương dân, "sẽ lên hàng đầu", nghĩa là sẽ được cứu rỗi vì đã tin theo Chúa Giêsu. Có "những kẻ đứng đầu" ở đây là dân Do Thái, vẫn tự mãn mình được cứu rỗi, "sẽ xuống hàng chót", nghĩa là sẽ không được vào dự tiệc cưới Nước Trời, vỉ họ không tin vào Chúa Giêsu.

Ở đây thánh luca muốn nói: trong ngày phán xét sẽ phân định những ai qua cửa hẹp, nghĩa là tin nhận và sống theo Chúa Giêsu, thì được ơn cứu rỗi, còn những ai từ chối Chúa Kitô và không sống theo giáo huấn của Người, thì không được cứu rỗi. Cả hai loại người này, Nước Trời không phân biệt Do Thái hay lương dân.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta một số nhận thức

1. Ai muốn vào Nước Trời thì phải qua cử hẹp: nghĩa là đã tin nhận Chúa thì phải nỗ lực cố gắng, bền chí trong việc thực thi giáo huấn của Chúa: tỉnh thức trong việc thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân để sẵn sàng đón nhận Chúa đến.

2. Rút kinh nghiệm nơi người Do Thái, chúng ta không được ỷ lại đến tự mãn về danh hiệu của mình là người công giáo, con cái Chúa, để rồi một đàng miễn trước cho mình những nỗ lực và cố gắng sống hoàn thiện mỗi ngày một hơn, đàng khác lại tự mãn kiêu căng, khinh bỉ những người lương, tội lỗi.

3. Nước Trời được sánh với phòng tiệc. Cửa vào nhỏ hẹp, coi chừng vào cho kịp, vì khi cửa đóng vào rồi thì sẽ không mở cho ai vào nữa. Đến sau là đến trễ! Vì thế luôn luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng cho giờ chết của mình.

4. Ơn cứu rỗi là nhận biết Chúa Giêsu và bước theo Người. Chúa Giêsu đi qua và cần phải nhận biết lúc Người đi qua. Thời giờ mà Chúa đi qua có thể là cả một đời người, có khi là một lúc nào đó, nhưng khi thời giờ ấy chấm dứt thì không còn làm gì được nữa, công việc của đời sống chúng ta vĩnh viễn chấm dứt!

5. Chúng ta đừng bao giờ thắc mắc về số lượng được lên Thiên đàng, vì Chúa không trả lời đâu, Người chỉ trả lời cho chúng ta trong giờ phán xét thôi! Việc cần thiết lúc này là, chúng ta đang sống ở trần gian như người lữ khách về quê trời, là luôn luôn thẳng tiến và trang bị hành trang công phúc thật đầy đủ để được vào Nước Trời.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.