TGPSG/Vatican News -- Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, trao đổi với Vatican News về lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Lêô XIV nhằm phát triển Mục vụ Hòa bình tại mọi giáo phận.
Sau cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Tòa Thánh, Đức Hồng y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý (CEI), đã đến trụ sở Vatican News để trả lời cho cuộc phỏng vấn xoay quanh chủ đề hòa bình.
Cuộc trao đổi rộng mở bắt đầu từ những lời của Đức Giáo hoàng Lêô XIV vào ngày 17-6-2025, khi ngài tiếp Hội đồng Giám mục Ý tại Vatican. Trong dịp đó, Đức Thánh Cha đã đưa ra một lời chỉ dẫn rõ ràng và rất hợp thời trong bối cảnh hiện tại, mời gọi mọi giáo phận xây dựng một mục vụ tập trung vào hòa bình.
Hỏi: Thưa Đức Hồng y Zuppi, Đức Giáo hoàng Lêô đã bày tỏ sự trân trọng đối với sáng kiến "trường học hòa bình", một kinh nghiệm vốn đã có ở một số giáo phận, nhưng ngài nhấn mạnh rằng, theo một nghĩa nào đó, đây là một nhiệm vụ cấp bách đối với tất cả mọi người. Ngài đón nhận lời mời gọi của Đức Giáo hoàng thế nào, và cụ thể thì đang cân nhắc những gì để đưa vào thực hành?
Điều quan trọng - và tôi xin cảm ơn vì câu hỏi này - là chúng ta phải tìm kiếm những khoảnh khắc đối thoại, để có thể thảo luận về những chủ đề mà tôi cho là mang tính quyết định và bi kịch trong thời đại hôm nay. Bởi vì chúng ta không thể giới hạn trong một cuộc thảo luận mang tính học thuật về hòa bình, vốn chỉ là cuộc đối thoại giữa những người sống thoải mái và bàn luận cách để sống thoải mái hơn. Không, đây là một cuộc thảo luận bi thương, khi đối diện với vô số cuộc chiến tranh, với bạo lực khủng khiếp, với thứ logic của tái vũ trang - tức là nuôi dưỡng chiến tranh - với kiểu suy nghĩ rằng vũ khí là con đường duy nhất để ngăn ngừa chiến tranh hay mang lại hòa bình.
Do đó, tôi cho rằng lời mời gọi của Đức Thánh Cha là một sự va chạm trực tiếp với thực tế, một thực tế mà chỉ những người vô trách nhiệm mới có thể cho rằng nó có thể kéo dài. Và đôi khi, tôi có cảm tưởng rằng vẫn có những người vô trách nhiệm, chẳng hạn như những ai luôn nghĩ rằng rồi mọi sự sẽ ổn, những người không dám đối diện với thực tế.
Và như thế, thật là vô trách nhiệm nếu chúng ta không nêu bật vấn đề hòa bình, trong khi Đức Thánh Cha, như một con người có trách nhiệm, đã mời gọi chúng ta biến mọi cộng đoàn thành “mái ấm hòa bình.” Ngài đã dùng một cách diễn đạt rất cụ thể và đầy hiệu quả: “mái ấm hòa bình.”
Vậy thì, cam kết cụ thể là gì? Trước hết và trên hết, đó là cầu nguyện. Với tư cách là Hội đồng Thường trực của HĐGM Ý (CEI), chúng tôi đã chỉ định Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là dịp khởi đầu và từ đó kêu gọi tìm kiếm thêm những dịp khác để có thể quy tụ và lôi cuốn tất cả các cộng đoàn vào hành động.
Thật vậy, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là thời điểm để quy tụ muôn dân dưới sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần - điều hoàn toàn trái ngược với tháp Babel - và chúng tôi muốn biến thời điểm ấy thành một lời khẩn cầu lớn lao cho hòa bình.
Vì thế, trước hết là cầu nguyện, rồi đến đón tiếp và liên đới. Thật vậy, nơi việc đón tiếp có ẩn chứa liều thuốc giải cho bạo lực và chiến tranh; còn tình liên đới thì không thể thiếu để giúp đỡ những người đang bị cuốn vào cơn bão của chiến tranh.
Tôi xin đưa ra một ví dụ đã có sự tham gia của nhiều tổ chức Caritas, với niềm vui lan tỏa từ cả người được đón nhận lẫn người đón tiếp: đó là các trẻ em đến từ Ukraine, đến đây để sống một khoảng thời gian yên bình, rời xa chiến tranh. Đặc biệt, tôi nhớ đến các em nhỏ được đón tiếp bởi chính các trẻ em trong chương trình trại hè Estate Ragazzi của Tòa Thánh tại Vatican - một sáng kiến tuyệt vời đã được tổ chức trong nhiều năm cho con em của các nhân viên, nhờ công sức của cha Franco Fontana.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Zelensky đã gửi lời cảm ơn Đức Giáo hoàng vì sự đón tiếp này.
Hỏi: Giáo xứ như một "ngôi nhà hòa bình" cũng có thể là một "trường học hòa bình": Vậy thì, giáo dục có phải là con đường cơ bản, tất yếu phải có, để xây dựng hòa bình không?
Chắc chắn rồi, đây là sứ điệp rất đẹp từ Ngày Hòa Bình: giáo dục chính là “tên gọi của hòa bình”. Cũng bởi vì - cần phải cảnh giác - ngày nay, thật không may, đang tồn tại một kiểu “giáo dục dẫn đến chiến tranh,” đó là giáo dục của bạo lực, của hận thù, của sự ngu dốt, của thành kiến... Tôi nghĩ đến những “chiến binh bàn phím”; theo tôi, đây là một kiểu giáo dục dẫn đến chiến tranh.
Thật vậy, chiến tranh không bao giờ là điều xuất hiện đột ngột, không phải là một tia chớp; nếu nó là một tia chớp, thì đó là do môi trường đã bị nung nóng, đã bị nhiễm điện - vì môi trường ấy không được đón nhận giáo dục về hòa bình. Hòa bình chính là điều ngược lại: giúp con người hiểu biết nhau, tạo nên các mối liên kết, tôn trọng, quan tâm, và những mạng lưới gặp gỡ.
Tôi tin rằng để trở thành một “ngôi nhà của hòa bình”, điều rất quan trọng là mỗi ngày phải rèn luyện thêm một chút để chống lại tiến trình tạo ra những “chiến binh bàn phím,” và khởi động những tiến trình ngược lại - trong trường học, chương trình sau giờ học, và trong giáo xứ. Tôi nghĩ đến những ví dụ rất đẹp từ nhiều chương trình sau giờ học, hoặc các lớp dạy tiếng Ý.
Nhiều giáo xứ, nhiều cộng đoàn tổ chức các lớp học ấy, vì ngôn ngữ cũng chính là cách đầu tiên để giúp một người cảm thấy như đang ở nhà, trao cho họ “chìa khóa” để bước vào ngôi nhà ấy.
Hoặc tôi nghĩ đến những trẻ em và người trẻ mà, nghịch lý thay, vẫn bị coi là người ngoại quốc, dù thật ra họ là bạn học cùng lớp với chính con em của chúng ta. Vì thế, đó phải là bổn phận tự nhiên của chúng ta: giúp đỡ họ, bảo vệ họ, hỗ trợ họ vượt qua những thiếu thốn mà họ gặp phải - dĩ nhiên là do hoàn cảnh gia đình.
Tôi cho rằng những dấu chỉ như thế, mà tôi đã thấy ở nhiều nơi, chính là những khởi đầu của kiểu “nhận được sự giáo dục” cần thiết để biết xây dựng những trường học của hòa bình. Đó là những thực tại sống động, nuôi dưỡng sự gặp gỡ và hiểu biết về những gì đang diễn ra, bởi thực tế hiện nay có quá nhiều sự ngu dốt, kéo theo đó là sự chia rẽ ngày càng sâu sắc. Vì thế, chúng ta phải “khởi động” cho giáo dục, cho sự hiểu biết, và từ đó là cho thông tin đúng đắn.
Hỏi: Chiến tranh không phải là một tia chớp bất ngờ, nó không bắt đầu khi bóp cò súng, mà từ rất sớm - nó khởi đi từ tâm hồn con người, liên quan trực tiếp đến lòng thù hận dần lớn lên, được nuôi dưỡng.
Theo nghĩa đó, các “trường học của hòa bình” mở ra con đường dẫn đến đối thoại, gặp gỡ, tình huynh đệ, sự đón nhận lẫn nhau, không còn sợ hãi người khác - nói ngắn gọn, mở ra tất cả những lối đi dẫn đến hòa bình.
Khi nói về hòa bình, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã đi vào một lĩnh vực thuộc về học thuyết xã hội của Giáo hội. Đôi khi, ta nghe thấy lời phê bình từ một số người cho rằng thay vì bàn về những chủ đề này, Giáo hội nên tập trung vào việc loan báo Tin Mừng, nên chỉ nói về Thiên Chúa - như thể việc quan tâm và dấn thân vào những mặt trận này sẽ làm mất đi sự tinh tuyền của đức tin và sứ vụ loan báo.
Tôi nghĩ đến sự dấn thân của các Đức Giáo hoàng, đến các thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô - Laudato si’ và Fratelli tutti, đến vấn đề môi trường mà Đức Giáo hoàng Lêô đã mạnh mẽ nhắc nhớ chúng ta trong những ngày gần đây - thế nhưng, những điều này lại thường bị xem như những khía cạnh “tùy chọn,” Giáo hội có thể quan tâm hoặc không.
Nhưng chẳng phải cách nghĩ đó đang làm giảm đức tin thành điều gì đó phi thân xác, xa rời cuộc sống?
Và chẳng phải như thế là đang né tránh cội rễ Tin Mừng sâu xa của tất cả những dấn thân này sao?
Cội rễ thì rất rõ ràng: Tin Mừng đi vào lịch sử chứ không đưa chúng ta thoát khỏi lịch sử. Giáo hội phải làm gì? Và đang làm gì? Giáo hội loan báo Đức Kitô; Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm gì? Ngài không làm gì khác ngoài việc loan báo Đức Kitô - ngài đã khẳng định như thế ngay từ đầu trong Evangelii Gaudium, nơi mà từ đầu tiên đã chỉ thẳng đến kerygma - lời loan báo về chính Đức Kitô.
Mà loan báo về Đức Kitô là đi vào trong lịch sử, bởi vì có một mối liên kết rất mật thiết giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, giữa bàn tiệc Thánh Thể và bàn ăn của người nghèo, giữa việc dọn bàn thờ và dọn bàn tiếp đón những người khác. Sự kết hợp giữa tình yêu và chân lý, giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, là điều không bao giờ được thiếu vắng. Đôi khi, sự thăng tiến con người đến trước một chút, rồi sau đó người ta mới hiểu được Tin Mừng; đôi khi Tin Mừng đến trước, rồi bạn mới nhận ra, đôi mắt bạn mở ra và bạn tự nhủ:
“Mình phải yêu thương người anh em bé mọn này, phải nhận ra rằng chính Chúa Giêsu đang hiện diện nơi người ấy - chính Ngài mà tôi phải đến thăm, phải đón tiếp, phải cho mặc,”
và tôi phải cố gắng xóa bỏ nguyên nhân khiến người ấy rơi vào hoàn cảnh không có áo mặc. Giữa hai hành động này có một sự hiệp nhất sâu xa. Đôi khi nhịp điệu ấy không hoàn toàn đồng bộ, và cần phải cố gắng điều hòa hai thời điểm ấy, nhưng hai thời điểm ấy giống như nhịp tim - tâm thu và tâm trương: chúng luôn đi đôi với nhau. Tình yêu và chân lý, loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người - đó là hai nhịp đập của con tim Giáo hội.
Hỏi: Trở lại với lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Lêô XIV về việc biến các giáo xứ thành “ngôi nhà của hòa bình” - liệu lời mời gọi này cũng có thể là cơ hội để suy tư về bản chất của giáo xứ, về vận mệnh của nó, và về nhu cầu đổi mới mà chính giáo xứ cũng phải trải qua không?
Vâng, chắc chắn rồi. Và tôi tin rằng các giáo xứ đã và đang thay đổi, đặc biệt là ở khu vực trung và bắc của đất nước chúng tôi. Ngày nay, một giáo xứ riêng lẻ, đơn nhất, gần như đã trở nên hiếm hoi - thay vào đó, hầu như luôn là các cụm giáo xứ. Và điều này cũng góp phần thúc đẩy sự hiệp thông lớn hơn. Cái gọi là “giáo xứ riêng của tôi” giờ đây không còn nữa.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là: giáo xứ phải thật sự là một mái ấm. Thế nhưng, đôi khi chúng ta phải thừa nhận rằng giáo xứ đang có nguy cơ trở thành nơi vô danh, xa lạ. Thách đố lớn nhất là làm sao để đan dệt nên tình huynh đệ, xây dựng cộng đoàn, nuôi dưỡng sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng tương quan.
Đã bao nhiêu lần chúng ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các mối tương quan - nhưng điều đó không có nghĩa là những nhóm hỗ trợ tự phát. Không chỉ là “ở bên nhau cho vui,” cũng không phải như một khu chung cư - mà là một mái ấm thật sự. Tôi cố ý dùng một cách diễn đạt rất thân thuộc với Đức Thánh Cha Phanxicô: một mái ấm nơi ai ai cũng cảm thấy như đang ở nhà mình.
Tôi tin rằng đây là một thách đố lớn qua mọi thời đại, và ngày nay, thách đố này còn lớn hơn nữa, trong một thế giới đang chia cắt và đối đầu lẫn nhau. Tại Ý, cứ ba hộ gia đình thì có một hộ chỉ gồm một người - con số này vẫn đang gia tăng - trong khi tỷ lệ sinh giảm khiến nhiều gia đình chỉ còn là những căn hộ nhỏ hẹp như phòng trọ đơn.
Vì thế, Giáo hội phải là nơi mà bàn ăn luôn rộng mở, và nơi mà mọi người, kể cả những ai sống cô đơn, đều có thể tìm thấy chỗ mình thuộc về, để nhận ra rằng thật ra họ có rất nhiều anh chị em.
Hỏi: Đã hai tháng trôi qua kể từ cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Lêô, một cuộc bầu mà theo nhiều cách là điều gây ngạc nhiên. Ngay cả dưới góc nhìn thế tục, người ta cũng phải trung thực thừa nhận rằng có điều gì đó vượt ra khỏi khả năng giải thích của con người - điều không thể cắt nghĩa.
Thật vậy, người ta phải đặt câu hỏi: làm sao có thể có chuyện 133 vị Hồng y, đến từ các nguồn gốc và ngôn ngữ khác nhau - mà phần lớn chưa từng gặp nhau trước đó - lại có thể, trong chưa đầy 24 giờ, bầu chọn được Giám mục Rôma với số phiếu ủng hộ rất cao?
Khởi đi từ sự kiện lịch sử này, chúng ta cũng hãy cùng nói về hai tháng đầu tiên trong triều đại giáo hoàng hiện nay… Tôi cũng chia sẻ suy tư này - và nếu nói một cách hài hước thì: “thuật toán” của chúng ta luôn là tốt nhất, không gì vượt qua được. Thánh Thần chính là “thuật toán” tổng hợp mọi thứ. Đùa vậy thôi, nhưng tôi nghĩ, không nghi ngờ gì, đây là một cuộc bầu chọn mang lại niềm vui lớn - niềm vui vì có thể đưa ra một câu trả lời cho sự kỳ vọng chung trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Hai tháng vừa qua, theo tôi, được ghi dấu bởi sự hiền hậu, sự kiên quyết và một khát vọng muốn tiếp tục cuộc hành trình - điều vốn luôn xảy ra mỗi khi có sự chuyển giao. Truyền thống trong Giáo hội là điều thật phi thường, bởi vì truyền thống luôn có khả năng truyền đạt những gì mình đang có - trong tính liên tục, nhưng đồng thời cũng với những khác biệt vốn dĩ thuộc về từng vị Giáo hoàng. Tôi muốn nói với mỗi người: điều đúng với từng người trong chúng ta thì cũng đúng với mỗi vị Giáo hoàng.
Vì thế, tôi thấy rằng đây thật sự là những tháng ngày quan trọng, và nó diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị cho các sự kiện của Năm Thánh - một thời kỳ tràn đầy những khoảnh khắc chia sẻ sâu đậm, gặp gỡ thực sự, trong đó chúng ta cùng hiện diện và cùng tiếp tục cuộc hành trình.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đồng hành với Đức Giáo hoàng Lêô bằng tình thân, bằng lời cầu nguyện - trên hết là bằng sự vâng phục. Bởi vì, khi tôi nói rằng mọi người phải vâng phục Đức Giáo hoàng, thì tôi đang nói một điều đúng đắn và rất quan trọng. Dĩ nhiên cũng sẽ có người có kiểu “vâng phục” - phải nói sao nhỉ - hơi đặc biệt: kiểu nói “Vâng, tôi đồng ý, nhưng chỉ với những gì tôi tán thành.” Mà điều đó thì không ổn chút nào. Phải luôn luôn vâng phục Đức Giáo hoàng.
Hãy vâng phục và ở bên ngài, để ngài cảm nhận được sự gần gũi của chúng ta, và tôi xin nhấn mạnh, trong bối cảnh Năm Thánh này, hãy tận dụng cơ hội để mọi người nhận ra vẻ đẹp của cuộc hành trình mà chúng ta đang đi, của một Năm Thánh đang chuẩn bị cho niềm hy vọng, đang mang đến cho chúng ta niềm hy vọng.
Trong một thế giới như hôm nay, tôi tin rằng Năm Thánh - Năm Thánh Hy Vọng - thật sự là một cơ hội tuyệt vời, để cùng sống với Đức Giáo hoàng Lêô.
Tác giả: Andrea Tornielli and Andrea Monda
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News