354 năm trước, Việt Nam đã có một bộ Kinh Thánh bằng thơ

354 năm trước, Việt Nam đã có một bộ Kinh Thánh bằng thơ

 

Ðược xác định ra đời năm 1670, Sấm Truyền Ca là cụm trường thiên lục bát bằng chữ Nôm, do linh mục Lữ Y Ðoan (tra cứu lịch sử truyền giáo, có thể đây là cha Louis Ðoàn) dựa trên những câu chuyện trong Kinh Thánh làm bối cảnh xây dựng nên. Trải qua ba thế kỷ rưỡi, dù chưa thể tìm lại đủ bộ, nhưng với những gì có được hiện thời, đã là nguồn gợi hứng cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học, lịch sử...

1727156022596.jpg (3.96 MB)

Quang cảnh buổi tọa đàm

 

Câu chuyện thú vị này có thể kể lại tóm tắt như sau: Rất lâu rồi, người Đàng Trong vẫn truyền khẩu đời này qua đời khác những câu Kinh Thánh viết theo lối thơ Việt Nam, được lồng ghép vào nhiều điển tích, rồi cách cắt nghĩa theo kiểu Nho giáo. Người ta luôn xác định tác giả của những vần điệu đó thuộc về thầy giảng Lữ Y Đoan, viết năm 1670, tức trước Truyện Kiều tròm trèm 350 năm, nhưng bản bằng chữ Nôm do chính tay Lữ Y Đoan chép thì ít người được cầm nắm.

Năm 1816-1820, ông Phan Văn Cận, một người hay chữ đương thời đã phiên chuyển Sấm Truyền Ca sang chữ Quốc ngữ. Và dù đến cuối thế kỷ XIX, Sấm Truyền Ca chữ Quốc ngữ chưa từng được in chính thức, nhưng đã được những người yêu thích chép tay truyền lại vài bản. Có một bộ đủ 5 quyển đầu trong bộ Kinh Thánh là Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật được giữ tại tòa soạn Nguyệt san Tông đồ, nhưng thật không may, bão lụt năm 1952 đã nhận chìm bộ bản thảo này, chỉ còn cứu vãn được 1/3 nhưng có nguy cơ hư hỏng, nên nhà báo Nguyễn Văn Nhạn phải chép lại lần nữa, với trọn vẹn 50 chương quyển Sáng Thế có tên là Tạo Đoan Kinh và 21 chương quyển Xuất Hành có tên là Lập Quốc Kinh, dưới dạng thơ lục bát. 

Giáo phận Qui Nhơn, với rất nhiều nỗ lực nghiêm túc, đã hai lần in tác phẩm Sấm Truyền Ca. Lần một vào năm 2020, nhân kỷ niệm 350 năm bộ sách, Tủ sách Nước Mặn đã giới thiệu một phần Sấm Truyền Ca bằng chữ Quốc ngữ, thực hiện lại theo ấn bản năm 2000 của Tập san Y Sĩ tại Canada. Lần hai là cách đây vài ngày, trong buổi tọa đàm chủ đề “Về di sản Sấm Truyền Ca của linh mục Lữ Y Đoan” sáng 22.9 tại Hội trường Tiểu chủng viện Qui Nhơn, đã ra mắt quyển “Sấm truyền ca, ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản”. Cũng xin mở ngoặc nói thêm là cuối năm 2022, Tủ sách Nước Mặn may mắn nhận được hai bản chép tay khác nhau: Bản của nhà báo Nguyễn Văn Nhạn tìm lại được tại Việt Nam và bản của nhà báo Paulus Tạo lưu giữ ở Canada. Hai tài liệu này là tiền đề để Ban Văn hóa giáo phận thúc đẩy thực hiện ấn bản đối chiếu vừa kể ở trên.

Các bản sách Sấm Truyền Ca

 

Ấn phẩm đối chiếu chia làm bốn cột trọn 50 chương của quyển Tạo Đoan Kinh: cột nguyên bản Kinh Thánh, hai cột cho hai bản chép tay và cột thứ tư tìm định dạng bản Quốc ngữ đầu tiên năm 1820, do ông Phan Văn Cận chuyển ngữ. Ngoài ra còn có phần đối chiếu 21 chương của quyển Lập Quốc Kinh, với hai cột: nguyên bản Kinh Thánh và bản chép tay của Nguyễn Văn Nhạn.

Trở lại với buổi toạ đàm thu hút hơn 120 các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ, văn học, tôn giáo… và một số linh mục, tu sĩ hiện diện... Vì những bài viết của Đức Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh, GS Nguyễn Văn Trung, PGS.TS Trần Thị Phương Phương, TS Võ Minh Hải, TS Trần Thị Tú Nhi và thi sĩ Trăng Thập Tự (tức Lm. Võ Tá Khánh)… đã được tổng hợp, in thành tài liệu phát cho người tham dự theo dõi, nên nội dung chính trong tọa đàm là hướng đến việc biết ơn tác giả linh mục Lữ Y Đoan; nêu thêm một số ý làm sáng tỏ vài vấn đề; bày tỏ mong muốn sẽ nhận được nhiều bài viết, bài nghiên cứu về các khía cạnh khác của tác phẩm; cũng như hy vọng tìm được phần còn lại của Sấm Truyền Ca. Ngoài ra, trong khuôn khổ thời gian một buổi tọa đàm, còn có 5 phần trình bày khác góp phần làm rõ giá trị của Sấm Truyền Ca trong văn học Công giáo Việt Nam, văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ… Đặc biệt, mỗi tham dự viên còn nhận được tập Tài liệu tham khảo Bước đầu nghiên cứu về Sấm Truyền Ca, dày trên 500 trang, gồm bài viết của 28 tác giả trong và ngoài Công giáo, giúp hiểu sâu hơn về tác phẩm Sấm Truyền Ca và tác giả của nó.

Cha Gioakim Nguyễn Đức Quang - Trưởng Ban Văn hóa GP Qui Nhơn nhận xét: “Có thể nói đây là một tọa đàm sơ khởi, bởi lẽ gần một năm qua, số lượng bài tham gia viết về Sấm Truyền Ca và linh mục Lữ Y Đoan chưa nhiều. Phải đợi đến hôm nay và từ hôm nay, chính việc phát hành ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản này, sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người suy tư và cầm bút. Do đó, cuộc gặp gỡ dù rất trang trọng và đã có một tầm vóc đáng trân trọng, vẫn chỉ mới là một buổi chia sẻ nhân dịp phát hành ấn phẩm. Theo gợi ý của Đấng bản quyền giáo phận, chúng tôi hướng mắt tới một thời điểm xa hơn: tháng 9 năm 2026. Hy vọng vào lúc đó, chúng ta sẽ có thêm những thông tin mới về nguyên bản Sấm Truyền Ca và về tác giả; số lượng bài nghiên cứu cũng sẽ đủ dồi dào phong phú để tổ chức không chỉ tọa đàm mà còn cả một hội thảo về Sấm Truyền Ca và linh mục Lữ Y Đoan”.

1727156022564.jpg (1.29 MB)

Riêng với ấn phẩm đối chiếu giới thiệu dịp này, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi giải thích: “Mục đích của ấn bản đối chiếu là để tìm lại bản văn gần nhất với bản Quốc ngữ năm 1820 của ông Phan Văn Cận. Thực vậy, trải qua thời gian, bản Quốc ngữ này đã được chép tay sao lại nhiều lần, không tránh khỏi đã có một số chỉnh sửa, sai sót, đang khi chính bản chép tay gốc đã bị thất lạc cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Chữ Nôm và Quốc ngữ đều là những ký tự giúp đọc tiếng Việt, viết khác nhau nhưng phát âm thì giống nhau. Tìm được bản Quốc ngữ năm 1820 cũng có nghĩa là đã đọc được bản chữ Nôm trước năm 1820. Việc phát hành ấn bản đối chiếu này nhằm lôi cuốn giới nghiên cứu chú ý tới một tác phẩm văn chương xuất sắc bằng thể thơ lục bát của người Công giáo Việt Nam vào hậu bán thế kỷ XVII, trước thời đại chúng ta đang sống hơn 350 năm. Đang khi tiếp tục truy tìm nguyên bản bằng chữ Nôm của tác phẩm cũng như bản văn bằng Quốc ngữ đầu tiên của ông Phan Văn Cận, việc xác định được bản gần nhất với bản Quốc ngữ đầu tiên đã là một tin vui. Đàng khác, những chứng tích trong hai bản chép tay cho thấy những người làm công việc này đều có cung cách hết sức trân trọng nguyên bản. Từ đó, có thể suy ra rằng độ chênh lệch giữa nguyên bản chữ Nôm 1670 và bản Quốc ngữ 1820 không đáng kể…”.

Cha Phêrô Võ Tá Khánh - phụ trách Tủ sách Nước Mặn - một người vẫn luôn day dứt với công cuộc truy tìm, phục hồi các di sản của tiền nhân, đã kỳ vọng: “Sau một vận mệnh hẩm hiu suốt hơn ba trăm năm, cuối thế kỷ XX chỉ còn hơn 1/5 tác phẩm sống sót. Năm 1993, một số trí thức Công giáo đã thực hiện hồ sơ “Về các tác giả Công giáo thế kỷ XVII-XIX”, do Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp TPHCM ấn hành. Quyển sách đã có dịp giới thiệu tác phẩm Sấm Truyền Ca đến công chúng… Bây giờ thì chúng tôi ước mong mỗi độc giả sẽ đích thân tìm đọc “Sấm Truyền Ca, ấn bản đối chiếu để phục hồi nguyên bản” để khám phá nhiều điều hơn, cách riêng là những cảm nhận và chia sẻ của một trí thức Công giáo Việt Nam thế kỷ XVII, như một chứng từ về đức tin và lòng mến của Dân Chúa tại Việt Nam thuở ban đầu”.

“Sấm Truyền Ca là một tác phẩm văn học đặc sắc vì phản ảnh một nỗ lực Việt Nam hóa và bình dân hóa Kinh Thánh bằng cách mượn những yếu tố văn hóa Việt Nam và Ðông phương để diễn dịch, với một tinh thần dân tộc rất cao. Lữ Y Ðoan đã dùng những quan niệm Tam Cương, Ngũ Thường của nền luân lý Á Ðông, cũng như những thực tế và truyền thống văn hóa dân tộc để giải thích giáo lý của Kinh Thánh về vũ trụ vạn vật, một việc làm mà chỉ từ sau Công đồng Vatican II (1962) mới được cho phép. Ông đã theo sát Cựu Ước, nhưng đồng thời chứng tỏ có óc sáng tạo độc đáo và tầm trí tuệ hiểu Thần học cao…” (Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh).

 

Linh mục Lữ Y Ðoan (1608-1678) là tác giả cuốn Sấm Truyền Ca (1670), nguyên tác viết bằng chữ Nôm, được viết vào năm 1670. Ông là linh mục thứ tư ở Ðàng Trong được Giám mục P. M. Lambert de la Motte truyền chức tại Kẻ Chàm (Quảng Ngãi) năm 1676.

 

Theo bản chép tay của Paulus Tạo, người dịch bản Nôm ra Quốc ngữ là Simong Phan Văn Cận. Trong lời tựa ghi tại Cái Mơn ngày 8 tháng Chạp Tây năm 1820, ông giới thiệu: “Truyền rằng sách Sấm Truyền Ca là của Thầy Cả Lữ Y Ðoan đặt ra năm 1670, viết bằng chữ Nôm. Thầy Cả này đã trở lại đạo hồi nhỏ và đã làm thầy giảng giáp địa phận Ðàng Trong; thầy rất tinh thông chữ Nho, thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh. Thầy làm sách này cho hạng văn nho đọc để biết rõ đạo Chúa Giêsu. (...) Sách này của thầy bị nhiều Thầy Cả Tây Dang hồi đó không ưng vì nó lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo rất ưa và chép lại để đọc...”

Minh Hải

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.