CẦU NGUYỆN VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
Nhiều khủng hoảng trong chức tư tế hay trong đời sống linh mục bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ thực hành tôn giáo.
Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI - nhân dịp viếng thăm anh em linh mục và chủng sinh tại Tổng giáo phận Brindisi, miền nam nước Ý - đã phát biểu tại nhà thờ chánh tòa, vào Chúa nhật ngày 15/06/2008, trong bài huấn dụ với tình cha chung, Ngài ngỏ lời cùng anh em linh mục, với những lời lẽ rất ý nghĩa và thiết thực cho sự sống còn của đời sống linh mục. Ngài đã nhắn nhủ và mời gọi như sau:
“Anh em linh mục thân mến, để cuộc sống anh em trở thành một niềm tin mạnh mẽ và đầy sức sống, như anh em đã biết, chúng ta cần nuôi dưỡng đời sống ấy bằng sự chuyên cần cầu nguyện. Vì thế, anh em hãy trở thành mẫu gương về cầu nguyện, trở thành thầy dạy cầu nguyện. Cần xếp đặt cho ngày của anh em có những giờ nguyện gẫm, trong đó, theo gương Chúa Giêsu, anh em chuyện vãn với Chúa Cha. Tôi biết rằng thật không dễ trung thành với giờ hẹn hằng ngày với Chúa, nhất là nhịp sống ồ ạt ngày nay, với bao nhiêu công việc bận rộn ngày càng gia tăng. Nhưng chúng ta phải xác tín rằng: giờ phút cầu nguyện là điều quan trọng nhất trong đời sống linh mục, đó là lúc ơn thánh của Chúa hoạt động hữu hiệu nhất, mang lại sự phong phú cho sứ vụ linh mục. Cầu nguyện là công tác phục vụ đầu tiên phải mang lại cho cộng đoàn và vì thế, những lúc cầu nguyện phải chiếm ưu tiên thực sự trong đời sống chúng ta. Tôi biết rằng bao nhiêu điều đang đè nặng chúng ta: đối với tôi, đó là những cuộc tiếp kiến, các hồ sơ phải nghiên cứu, các cuộc gặp gỡ, v.v.. Nhưng nếu chúng ta không kết hiệp trong nội tâm với Thiên Chúa, thì chúng ta chẳng có thể mang lại cho tha nhân điều gì. Vì vậy, Thiên Chúa là ưu tiên số một và chúng ta phải luôn dành thời gian cần thiết để hiệp thông trong kinh nguyện với Chúa chúng ta”.[1]
Những lời này đã đánh động tôi thực sự, nó xoáy vào tâm khảm của tôi, đồng thời nó cũng giúp cho tôi định hướng và xác định lại những ưu tiên trong chức vụ linh mục và đời sống tận hiến của mình. Nhất là khi những lời này lại được vang lên trong năm dành cho các linh mục, đã được chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khai mạc vào ngày 19/06/2009 (Lễ kính thánh tâm Chúa Giêsu). Chính Ngài đã nhắc lại ý nghĩa và lợi ích của sự cầu nguyện trong tông thư viết cho các anh em linh mục nhân dịp khai mạc năm linh mục. Ngài đã mời gọi toàn thể anh em linh mục hãy noi gương cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars tại nước Pháp trong việc chăm chỉ cầu nguyện và sốt sắng cử hành thánh lễ.[2]
Lời khuyên vàng ngọc và vô cùng hữu ích của Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI vào thời điểm khai mạc năm linh mục (2009), lại vang vọng một cách mãnh liệt trong tâm hồn tôi sáng hôm nay, thứ Bảy ngày 20 tháng 7 năm 2024, thúc đẩy tôi ao ước và khao khát sống đời cầu nguyện và quyết tâm thực hành điều này mỗi ngày, vì đây là điều thiết yếu và tối quan trọng cho sự sống còn của ơn gọi làm linh mục và cho đời sống thánh hiến. Vì tôi hằng xác tín: “Không có đời sống cầu nguyện và chiêm niệm[3] thì chúng ta không thể nào trung thành với ơn gọi của chính mình”[4].
Thiên Chúa đã trao ban cho quý linh mục trong đời sống dâng hiến của họ, tình yêu nhưng không của Ngài như là một hồng ân đặc biệt, khi Ngài mời gọi và tuyển chọn các vị này trong thiên chức linh mục để họ dấn thân và phục vụ dân thánh Chúa. Phải nói đây chính là hồng ân lớn lao, thật cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Điều này đã được chính cha thánh Gioan Maria Vianney xác tín khi ngài nói về chức linh mục như ân huệ và nhiệm vụ thật lớn lao không thể dò thấu được mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người thọ tạo: “... Ôi linh mục thật cao cả! Nếu như ngài hiểu mình là ai, có lẽ ngài sẽ chết mất ... Thiên Chúa vâng lời ngài: ngài thốt lên vài lời và Chúa từ Trời ngự xuống theo tiếng ngài và ngụ trong một tấm bánh bé nhỏ...”[5] Có thể nói, thiên chức Linh mục là một trong những hồng ân quý giá nhất của lòng từ bi Chúa đối với các tín hữu.
Tuy nhiên, giống như thánh Phaolô tông đồ (2 Cor 4:7), người linh mục cũng nhận thức được sự mỏng dòn và yếu hèn của con người chính mình, lẽ đó họ không chỉ cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn dâng hiến và phó thác trọn cuộc đời mình vào trong bàn tay từ ái của Thiên Chúa. Vì người linh mục cảm nghiệm rằng, tuy đã được thánh hiến, nhưng họ vẫn là con người và họ đang sống giữa trần gian với nhiều mưu mô, cạm bẫy, đầy rẫy những phù phiếm xa hoa. Chính vì thế mà họ cần sự trợ giúp, trước tiên từ Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi họ trong sứ vụ linh mục, hầu truyền giao tin yêu đến cho mọi người. Kế đến, họ cần sự cảm thông và nâng đỡ từ phía các tín hữu qua các việc làm cụ thể, hầu trợ giúp họ chu toàn bổn phận và trọng trách đã được tín thác. Đặc biệt hơn hết, họ cần lời CẦU NGUYỆN sốt sắng của các giáo dân, hầu trợ giúp họ trung thành đối với ơn gọi linh mục và với sứ mạng đã được giao phó.
Để kết thúc bài chia sẻ về đời sống LINH MỤC và việc thực hành CẦU NGUYỆN, tôi xin được trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các linh mục trong bài diễn văn khai mạc tại hội nghị chuyên đề quốc tế về chức linh mục tại Vatican ngày 17 tháng 2 năm 2022.
“Nhiều khủng hoảng trong chức tư tế hay trong đời sống linh mục bắt nguồn chính từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống chỉ thực hành tôn giáo. Tôi có thể nghĩ đến những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời mình, nơi mà sự gần gũi với Chúa tỏ ra quyết định trong việc nâng đỡ tôi. Sự thân mật với Chúa sinh ra từ lời cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa qua việc lắng nghe lời Người, cử hành Thánh Thể, thinh lặng tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích thánh thể, phó thác cho Mẹ Maria, sự đồng hành dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của một cha linh hướng và việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải… Nếu không có những điều này “các hình thức gần gũi”, một linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi không được lợi ích gì với tư cách là người bạn thân thiết của Chúa.
Chẳng hạn, trong đời sống của các linh mục, việc cầu nguyện chỉ được thực hành như một bổn phận; chúng ta quên rằng tình bạn và tình yêu không đến từ những quy tắc tuân theo, mà là sự lựa chọn cơ bản của trái tim. Cuối cùng, vị linh mục cầu nguyện vẫn với tư cách là một Kitô hữu, người đã biết trân trọng đầy đủ ân huệ nhận được khi chịu phép rửa tội. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn nhớ rằng mình là như vậy, và rằng, mình có một người Cha yêu thương mình sâu sắc. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn gần gũi với Chúa.”[6]
Tôi hy vọng qua bài chia sẻ này, quý độc giả, nhất là những giáo hữu sẽ thêm lời cầu nguyện cho anh em linh mục chúng tôi, những người đang cống hiến đời mình để phục vụ dân Chúa khắp mọi nơi, hầu niềm vui ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tràn trên khắp cùng bờ cõi trái đất.
Thành phố Perth, ngày 20 tháng 7 năm 2024
Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng
_____
[1] . Lm Trần Đức Anh, O.P., Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục tăng cường đời sống cầu nguyện. Nguồn Vietcatholic News, đăng ngày 17.06.2008 - http://www.vietcatholic.net/News/Html/55846.htm (Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2024).
[2] . Xem Thư của Đức cố Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố cử hành Năm dành cho các linh mục nhân dịp kỷ niệm 150 năm “Sinh nhật” cha sở họ Ars. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-tuyen-bo-cu-hanh-nam-danh-cho-cac-linh-muc-17934 (Truy cập, thứ 7, ngày 20 tháng 7 năm 2024)
[3] . “Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giêsu. Một người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gioan Vianney, về những lúc cầu nguyện trước Nhà Tạm: ‘Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi” (Xem Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2715)
[4] . Ơn gọi ở đây bao gồm cả đời sống thánh hiến, nam nữ tu sĩ và linh mục hoặc ơn gọi trong bậc sống hôn nhân gia đình. Linh mục Dòng Tên, John Polkinghorne, tác giả cuốn sách Belief in God in an Age of Science, đã phát biểu như sau, khi ngài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về đời sống cầu nguyện: “Trong suốt cuộc đời, tôi đã được trợ giúp bằng việc thực hành cầu nguyện, dù là một nhà Vật lý học hay là một linh mục, cũng như trong cuộc sống của một kẻ lữ hành.” Xem tác phẩm Spiritual Evolution (1998), được soạn thảo bởi John Mark Templeton and Kenneth Seeman Giniger.
[5] . Xem tác phẩm Le curé d’Ars. Sa pensée – Son cœur. Cha Bernard Nodet giới thiệu, Nhà Xuất Bản Xavier Mappus, Foi Vivante, 1966, tr. 97.
[6] . Xem Toàn Văn Bài Phát Biểu Khai Mạc Của Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Hội Nghị Quốc Tế Về Chức Linh Mục. Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng chuyển ngữ. Vietcatholic đăng ngày 18/2/2022 http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=22428 Đăng trên YouTube: https://youtu.be/MFr1--ezLV0