CHÚA KITO RA ĐỜI Ở BELEM - XOA DỊU HAY QUẤY RẦY
Cuộc sống chúng ta sẽ phải thay đổi. Chúng ta sẽ mất đi một vài tiện nghi, một vài điều quen thuộc, và mất phần nào an ninh.
Tôi chưa bao giờ có cảm giác thoải mái với các bạn gởi thiệp Giáng sinh với lời chúc mừng: Mong bình an của Chúa Kitô quấy rầy bạn! Chẳng lẽ chúng ta không thể có một ngày trong năm để hạnh phúc và ăn mừng mà không làm cho cái tôi vốn đã không hạnh phúc của mình bị lay động vì mặc cảm tội lỗi hay sao? Chẳng lẽ Giáng Sinh không phải là thời gian để chúng ta có thể tận hưởng cảm giác trở lại thời thơ ấu sao? Hơn thế nữa, như thần học gia Karl Rahner đã nói, chẳng lẽ Giáng Sinh không phải là lúc Thiên Chúa cho phép chúng ta được hạnh phúc hay sao? Vậy tại sao lại không?
Chuyện này phức tạp đấy. Giáng Sinh là thời gian mà Thiên Chúa cho phép chúng ta được hạnh phúc, khi Ngài phán: Hãy xoa dịu dân Ta. Hãy khuây khỏa! Hãy nói những lời làm khuây khỏa!
Nhưng Giáng Sinh còn là thời gian nêu bật sự thật đáng buồn, khi Thiên Chúa sinh vào thế giới chúng ta cách đây hai ngàn năm, trong các căn nhà bình thường thời đó. Chẳng có căn nào dành chỗ cho Ngài. Chẳng có chỗ cho Thiên Chúa trong nhà trọ. Cuộc sống bận rộn và những lo âu thực tế làm cho người dân không thể nào cho Ngài một nơi để ra đời. Và chuyện đó vẫn chưa thay đổi. Vậy nên, có những lý do tốt để chúng ta bị quấy rầy.
Nhưng trước hết, hãy nói về sự khuây khỏa: Vài năm trước, tôi dự một hội nghị giáo phận. Người điều hành chia chúng tôi thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm đều được giao cùng một câu hỏi: Thông điệp quan trọng nhất mà Giáo hội cần nói với thế giới thời nay là gì?
Mỗi nhóm nêu ra một vài thách thức quan trọng về tâm linh và đạo đức. “Chúng ta cần thách thức xã hội hướng đến sự công bằng hơn!” “Chúng ta cần thách thức thế giới có đức tin thật và không nhầm lẫn lời Thiên Chúa với ý muốn của chúng ta”. “Chúng ta cần thách thức thế giới hướng đến một đặc nét tình dục có trách nhiệm hơn”. Tuyệt vời, đó đều là những thách thức cần thiết. Nhưng không nhóm nào nói: “Chúng ta cần nói với thế giới về sự an ủi của Thiên Chúa!”
Đúng là trên thế giới có đầy bất công, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, tham lam, ích kỷ, tình dục vô trách nhiệm, đức tin tự quy; nhưng hầu hết người trưởng thành trên thế giới chúng ta cũng đang sống trong đau đớn, lo lắng, thất vọng, mất mát, trầm cảm và mặc cảm tội lỗi không nguôi. Nhìn đâu cũng thấy những tâm hồn nặng trĩu. Hơn nữa, nhiều người đang sống với nỗi đau và thất vọng, họ không thấy Thiên Chúa và Giáo hội là câu trả lời cho nỗi đau của họ, thay vào đó lại là nguồn cơn cho nỗi đau đó.
Vậy nên, khi rao giảng lời Thiên Chúa, các Giáo hội chúng ta cần cam đoan với thế giới về tình yêu của Thiên Chúa, về sự bận tâm và tha thứ của Thiên Chúa. Có lẽ trước khi làm bất kỳ việc nào khác, lời của Thiên Chúa là để làm khuây khỏa chúng ta, quả thật lời của Thiên Chúa là nguồn tối hậu cho mọi khuây khỏa của chúng ta. Chỉ khi chúng ta biết sự khuây khỏa của Thiên Chúa thì thế giới mới cởi mở hơn để đón nhận các thách thức kèm theo.
Và một thách thức nổi bật là chừa chỗ cho Chúa Kitô trong quán trọ, cụ thể là mở lòng mình, nhà mình, thế giới mình cho Chúa Kitô có thể đến và cư ngụ, cho dù việc đó có bất tiện đến thế nào cho chúng ta. Với khoảng cách 2000 năm xa xôi, chúng ta quá dễ dàng đưa ra phán xét gay gắt về những người ở thời Chúa Giêsu, họ không biết Đức Mẹ và Thánh Giuse cưu mang điều gì, không biết chừa chỗ cho Chúa Giêsu ra đời. Sao họ có thể đui mù đến vậy?
Nhưng phán xét đó vẫn có thể đúng với chúng ta. Chúng ta có chừa chỗ cho Chúa trong nhà trọ của mình không.
Khi một sinh linh ra đời, người đó chiếm một không gian mà trước đó chưa là của ai. Đôi khi người mới này được chào đón nồng nhiệt, được đưa vào một không gian đầy yêu thương và mọi người xung quanh vui mừng vì cuộc xâm chiếm mới này. Nhưng không phải khi nào cũng vậy, đôi khi, như trường hợp Chúa Giêsu, không có chỗ cho người mới này, và sự hiện diện mới này không được chào đón.
Chúng ta đang thấy chuyện này ngày nay (và nó sẽ cấu thành sự phán xét của chúng ta đối với thế hệ này) nơi sự lưỡng lự của gần như toàn thế giới, trong việc đón nhận người di dân, trong việc chừa chỗ trong nhà trọ cho họ. Nếu Chúa Kitô là người nghèo, là khách lạ, và các Phúc âm nói với chúng ta như thế, vậy chắc chắn Chúa Kitô là người di dân. Ngày nay, có hơn 50 triệu người tị nạn trên toàn thế giới, những người chẳng được ai đón nhận. Vì sao vậy?
Chúng ta không phải là kẻ xấu, gần như lúc nào chúng ta cũng vô cùng rộng lượng. Nhưng để làn sóng di dân này đi vào cuộc sống của chúng ta thì chúng ta thấy phiền toái. Cuộc sống chúng ta sẽ phải thay đổi. Chúng ta sẽ mất đi một vài tiện nghi, một vài điều quen thuộc, và mất phần nào an ninh.
Chúng ta không phải là người xấu, cũng không phải là những chủ quán trọ cách đây 2000 năm đã không biết gì, đã đuổi Đức Mẹ và Thánh Giuse. Tôi luôn thầm cảm thông họ. Có lẽ vì tôi vẫn đang vô tri làm chính việc họ đã làm. Sự thoải mái và an ninh thường làm cho tôi nói: “Nhà trọ hết chỗ rồi”.
Nếu hiểu được hoàn cảnh méo mó thời Chúa Kitô sinh ra thì chúng ta không thể không thấy tâm tư bối rối. Và tôi mong sao nó cũng có thể đem lại sự khuây khỏa sâu sắc.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch