CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH năm B

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH năm B.

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

 

Lời Chúa: Ga 15, 9-17

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.

Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.

Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con.

Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

 

Lời Chúa: Cv 10,2-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17

 

1. Ở lại trong tình thương.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

"Tôi là một linh mục công giáo Ba Lan,

tôi đã già, tôi muốn chết thay cho ông này, vì ông có vợ con".

Quyết định của Cha Maximilianus Maria Kolbe đã cứu được ông Francis.

Không phải chỉ mình ông và gia đình ông,

cha còn cứu được 9 người khác, khỏi nỗi tuyệt vọng,

những người sẽ cùng bị bỏ đói đến chết với cha.

Từ hầm giam, không còn nghe thấy tiếng khóc than nguyền rủa.

Chỉ có tiếng hát và lời kinh.

Cái chết của cha làm mọi người kinh ngạc,

vì nó là bằng chứng của một tình yêu.

Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu

hiến mạng cho người bạn của mình.

Ông Francis chẳng phải là bạn của cha Kolbe,

nhưng ông thành bạn của cha vì được cha hiến mạng.

Hãy ở lại trong Thầy, ở lại trong tình yêu của Thầy.

Đây không phải là một lời mời đầy tính lãng mạn của một người đang yêu.

Đây cũng không phải là một mệnh lệnh cao siêu dành cho những nhà thần bí.

Đức Giêsu dạy ta biết cách ở lại trong Ngài.

Ai muốn ở lại trong tình yêu của Thầy

thì phải giữ các điều răn (x. câu 10),

mà điều răn quan trọng nhất là yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em.

Như thế chúng ta có một kết luận kỳ diệu:

muốn ở lại trong Thầy thì cũng phải ở lại trong nhau.

Cành nào muốn hiệp thông với cây

thì cũng phải hiệp thông với các cành khác.

Có một dòng nhựa từ cây nuôi các cành.

Chúng ta là những cành cây

được nuôi bằng một dòng nhựa.

Khi gắn bó thân thiết với Chúa,

chúng ta cũng được gắn bó với nhau sâu thẳm.

Yêu anh em là thước đo đáng tin cậy

để thấy được tình yêu của mình đối với Chúa.

Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển:

như Cha đã yêu Thầy, Thầy đã yêu anh em;

như Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau.

Dòng tình yêu phát xuất từ Cha và đi khắp thế giới.

Yêu thương là không làm cho nó ngừng lại thành ao tù.

Thế giới hôm nay đói khát tình yêu đích thực.

Môn đệ Đức Kitô phải là chứng nhân tình yêu,

yêu như Chúa đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất.

Chúng ta không có dịp để chết như cha Kolbê,

nhưng mỗi ngày ta có nhiều dịp để sống cho người khác.

Sống cho tha nhân đòi hỏi những cái chết nho nhỏ.

Những cái chết nhỏ chuẩn bị cho cái chết lớn khi cần.

Mỗi lần trái tim ta héo khô và chai cứng,

hãy trở lại với Đức Giêsu như suối nguồn

để được Ngài tưới đẫm yêu thương.

Gợi Ý Chia Sẻ

Mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ thiếu yêu thương. Bạn đánh giá thế nào về tình yêu thương trong gia đình, khu xóm, trường học, giáo xứ, nơi làm việc... của bạn? Các Kitô hữu ở đó có làm chứng về yêu thương không?

Có khi nào bạn cảm thấy yêu thương người khác là điều quá khó khong? Làm sao để thoát ra khỏi nỗi tức bực và hờn oán của mình đối với người khác?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Có những ngày, đón nhận những người khác,

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Có những ngày, con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì mau da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Có những ngày, mà yêu mến người khác,

làm cho tim con đau nhói, vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con.

Trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên Lời Chúa nói:

"Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta".

 

2. Suy niệm các ngày trong tuần 6 Phục Sinh

(Suy niệm của Huệ Minh)

THỨ HAI TUẦN 6 PHỤC SINH

(Cv 16:11-15; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Ga 15:26, 16)

ĐẤNG BẢO TRỢ ĐẾN

Chúa Giêsu không trối lại của cải hay bí quyết nào, mà trối lại Chúa Thánh Thần- Đấng sẽ làm cho các môn đệ hiểu rõ sự thật về Chúa Giêsu và về chương trình cứu độ của Người.

Khi Đấng Bảo Trợ đến. Chúa Giêsu có hai người phụ tá - có thể nói đó là: Chúa Thánh Thần (ở đây được gọi là Parakletos là Đấng bảo trợ, giúp đỡ hay an ủi) và các môn đệ. Cả Đấng Bảo Trợ và các môn đệ sẽ là những nhân chứng cho Đức Kitô nhưng chứng nhân trên hết là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ làm chứng cho Đức Kitô, và các môn đệ cũng làm chứng như vậy.

Vai trò của Chúa Thánh Thần không chỉ rất quan trọng trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu, nhưng còn quan trọng và cần thiết hơn trong lịch sử của Giáo Hội khi Giáo Hội đương đầu với những người luôn tìm cách bắt bớ và muốn tiêu diệt Giáo Hội mà họ tưởng làm thế là phụng thờ Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ phá tan những quan điểm sai lầm đó. Chúa Thánh Thần minh chứng rằng Đức Giêsu không đến để luận phạt thế gian nhưng đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thật vậy, khi xưa cuộc tử nạn của Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và hôm nay qua các khổ đau mà các môn đệ của Đức Giêsu gánh chịu, Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa lại được sáng tỏ qua các thời đại. Nhờ Đức Giêsu chịu chết và nhờ các môn đệ chịu bách hại mà nhân loại nhận ra chân lý là chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù và chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Người có đời sống đạo đức chân chính mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của những thử thách do sự thù ghét của thế gian. Sống theo chân lý là việc làm đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng, nhưng chính là điều kiện để làm môn đệ của Đức Giêsu. Bởi Đức Giêsu đã khẳng định: "Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta" (Ga 9, 23). Tuy nhiên, người môn đệ Chúa sẽ được Đấng Bảo Trợ đến trợ giúp, bênh vực và gìn giữ để hoàn tất sứ mệnh chứng nhân của mình.

Chúa Thánh Thần là tác nhân đầu tiên của việc phúc âm hoá. Chúng ta là những người cộng tác, phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong việc phúc âm hoá, chúng ta nên chú ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhạy bén đối với những hướng dẫn của Ngài và trong mọi lúc chúng ta nên để mình phụ thuộc vào hành động của Ngài.

Nguồn gốc của Đấng Bảo Trợ là từ nơi Chúa Cha. Ngài là Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Khí sự thật, có sứ mạng đến làm chứng sự thật về Đức Giê-su. Sự thật đó là Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhờ Ngài, trong Ngài mà mọi người được lãnh ơn giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ soi sáng cho mọi người hiểu rõ Kinh Thánh, nhờ đó nhận ra Đức Giê-su và vai trò của Người. Sứ mạng làm chứng được Chúa Thánh Thần chu toàn qua môi miệng của các Ki-tô hữu và qua đời sống chứng tá của họ, như trường hợp của thánh Tê-pha-nô. Các tông đồ làm chứng theo lệnh truyền của Đức Giê-su, với quyền lực của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần và các ngài làm chứng” (Cv 5,32).

Tiền đề lí luận để Chúa Giêsu đòi các môn đệ làm chứng cho Chúa đó là việc các ông “đã ở với Ngài”. Đây là điều kiện cần và đủ dành cho người “làm chứng cho Chúa”. Người ấy phải ở với Chúa. Không có kinh nghiệm “ở với Chúa”, không có kinh nghiệm “sống và hoạt động” cùng với Chúa, không có kinh nghiệm “nên một với Chúa” thì không thể làm chứng cho Chúa.

Nếu chúng ta không ở với Chúa mà chúng ta làm chứng, thì những lời chứng của chúng ta chỉ là “nói lại điều người khác nói”, “trích lại điều đã trích”. Không ở với Chúa, không cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thì việc làm chứng không có nền tảng, gặp một điều khó khăn sẽ bỏ cuộc tháo chạy. Khi sai các tông đồ đi làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu đã nói: “vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu”. Các tông đồ ra đi và họ làm chứng về những điều họ đã cảm nhận…

Chúng ta dễ dàng thấy Chúa Giêsu sử dụng nền tảng cho lý luận tiền đề khi Ngài muốn các tông đồ làm chứng cho Ngài đó là: như Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng ban nguồn lực cho các tông đồ, Đấng đã nên một với Chúa Giêsu trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa “đã làm chứng” về Chúa Giêsu; thì các tông đồ những người đã nên một với Chúa Giêsu “cũng phải làm chứng” về Chúa Giêsu. Đã ở với Chúa, đã nên một với Chúa, tất nhiên đã đủ điều kiện làm chứng cho Chúa.

Khi nêu lí luận tiền đề để nhắc các tông đồ phải làm chứng, Chúa Giêsu cũng nêu ra một hệ quả tất yếu đó là: Khi làm chứng cho Chúa các tông đồ cũng sẽ “bị khai trừ”, “bị giết” như Chúa đã tiên báo. Cuộc đời của Chúa Giêsu là minh chứng hùng hồn cho các tông đồ và cho cả chúng ta nữa về điều này. Làm chứng cho Chúa chắc chắn sẽ gặp rắc rối khó khăn.

Qua hành trình dài Chúa Giêsu sống và hoạt động với các môn đệ, qua những giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, rồi đến những ngày vui ngập tràn vì Chúa đã Phục Sinh vinh thắng… Tin Mừng hôm nay là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.

*****

THỨ BA TUẦN 6 PHỤC SINH

(Cv 16:22-34; Tv 138:1-2,2-3,7-8; Ga 16:5-11)

XIN THÁNH THẦN ĐẾN

Tâm trạng của con người trước sự ra đi nào cũng có những bùi ngùi xúc động, nhất là những cuộc ra đi thật xa. Sự ra đi của Chúa Giê-su xa chắc chắn sẽ để lại sự trống vắng, xao động và mất đi sức mạnh cho các tông đồ. Ngay cả tâm trạng của Chúa Giê-su trước khi ra đi trở về cùng Cha cũng không tránh khỏi những lo lắng ưu tư cho các môn đệ của Ngài còn ở lại trần gian: các tông đồ sẽ bơ vơ, sẽ bị chống đối, sẽ bị bắt bớ, sẽ bị chao đảo….

Vì thế, Chúa Giê-su đã hứa với họ, Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần đồng hành với các môn đệ, khi Ngài không còn sự hiện diện hữu hình, nhưng Ngài sẽ không để các ông bơ vơ một mình: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm chứng cho Đức Kitô

Thường cuộc chia tay nào cũng có nhiều day dứt. Đặc biệt cuộc chia tay giữa những người thân, người yêu lại càng nhiều cảm xúc, lo lắng, lưu luyến – chưa xa mà lòng đã bồi hồi. Bởi thế, khi loan báo cuộc ra đi trở về cùng Cha, thầy trò Đức Giê-su cũng không tránh khỏi niềm xao xuyến ấy: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.” Tuy nhiên, vì tình yêu mà Thầy phải ra đi vì: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” Quả vậy, Chúa Thánh Thần – Thần Tình yêu và Chân Lý, Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ đến để ‘dạy bảo anh em mọi điều’; Ngài là Đấng Bảo trợ - Đây là một lời hứa tràn đầy sự an ủi, vì có Thiên Chúa bảo trợ chúng ta còn sợ gì?

Khi Chúa Thánh Thần đến “Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: 9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”

Theo chú giải Tin mừng Gioan thì khi Đấng Bảo Trợ đến, Ngài sẽ hoàn tất cuộc xét xử trong lòng Giáo Hội qua ba điểm: Thánh Thần sẽ phơi trần tội lỗi của trần gian. Tội không tin Đức Ki-tô, mà đỉnh cao là đã giết Ngài; Minh oan cho Đức Ki-tô, Đấng Công minh sáng suốt: Đấng Bảo Trợ cho thấy rằng, nếu cái chết của Đức Giê-su bị xem là nhục nhã dưới lăng kính người đời, thì lại được Chúa Cha tôn vinh; Thánh Thần cho thấy rõ án phạt Xatan phải chịu khi Đức Giê-su đi vào cuộc vượt qua. Tuy bên ngoài bị tòa án trần gian xét xử, nhưng Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết, và do đó đã chiến thắng trần gian.

Ngày nay con người tiếp tục không tin và lên án giết Đức Giê-su qua việc chống đối Giáo hội của Ngài. Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo định nghĩa: “Tin là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mặc khải.” (GLCG, s. 150)

Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân mình và thử xét mình xem chúng ta đã gắn bó bản thân với Thiên Chúa hay chưa? Chúng ta có chấp nhận những chân lý Ngài dạy – chân lý về tình yêu, sự tha thứ, lòng khoan dung, tinh thần phục vụ… như là sự khôn ngoan, là kim chỉ nam để thi hành trong cuộc sống hay không? Hay chúng ta chỉ cậy dựa theo sự khôn ngoan thế tục trong cách hành xử của mình? Rất thường, chúng ta hay gác lời dạy của Chúa sang bên lề cuộc sống để hành xử theo thế gian. Tuy không trực tiếp lên án, giết Đức Giê-su, nhưng thực tế, Ngài đã bị bỏ quên hay chỉ còn là một món đồ trang sức cho cuộc sống của chúng ta. Đấng Bảo Trợ đến, Ngài sẽ phơi trần tội lỗi thế gian. Xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để đem ra ánh sáng những vùng tối tăm trong tâm hồn, và xin Ngài thanh tẩy bằng lửa hồng mến yêu để chúng ta dám chết đi cho tội lỗi hầu đáng được hưởng phần vinh phúc với Đức Ki-tô.

Thánh Thần minh oan cho Đức Ki-tô, Đấng Công minh sáng suốt: “Đấng Bảo Trợ cho thấy rằng, nếu cái chết của Đức Giê-su bị xem là nhục nhã dưới lăng kính người đời, thì lại được Chúa Cha tôn vinh.” Bởi vì cái chết của Đức Giê-su là do tình yêu hy sinh ‘hiến mạng vì bạn hữu’ của Ngài. Vì thế Ngài rất đẹp lòng Chúa Cha và được Cha tôn vinh đặt làm ‘Chủ tể muôn loài’. Cuộc đời có Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ giúp chúng ta thi hành sự công chính mà Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em. Điều thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 12. 17).

Thật vậy, theo Kinh thánh người công chính là người ‘chu toàn lề luật’. Và lề luật Chúa Giêsu dạy ở đây đó là “yêu thương nhau như Đức Giê-su” một tình yêu vị tha hoàn toàn vô vị lợi. Do đó, khi yêu thương chúng ta đừng sợ thiệt thòi. Trong lăng kính của tình yêu vị tha không bao giờ có sự tính toán và cảm giác thua thiệt khi yêu thương phục vụ và cho đi. Trái ngược lại, tình yêu vị kỷ luôn luôn qui về mình, về lợi ích của mình và kết án tình yêu vị tha là ngu dại. Nhưng dưới con mắt Thiên Chúa thì “Tất cả những gì thế gian cho là ngu dại lại là sự khôn ngoan của Người.” Chúng ta chọn Thiên Chúa hay chọn thế gian tùy vào niềm tin của chúng ta đặt vào đâu. Nếu chọn Thiên Chúa, sống theo lời Ngài thì phần thưởng nước trời sẽ là gia nghiệp của chúng ta.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng con sống được tâm tình của Chúa Giêsu là sẵn sàng hy sinh, lùi vào ở “ẩn” để nhường chỗ cho luồng khí mới, làm môi trường sống được đổi mới. Xin Chúa Thánh Thần cũng ban cho chúng con ý thức hơn vai trò âm thầm nhưng thật mãnh liệt của Chúa Thánh Thần trong đời sống tâm linh để con luôn biết gắn bó và hợp tác với Chúa Thánh Thần để biến đổi canh tân đời sống tâm linh cá nhân, và đời sống của Giáo Hội.

*****

THỨ TƯ TUẦN 6 PHỤC SINH

(Cv 17:15,2218; Tv 148:1-2,11-12,12-14,14; Ga 16:12-15)

THẦN KHÍ SỰ THẬT

Chúa Giêsu Đấng Cứu độ chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và yêu thương đến cùng. Không những Ngài đã chịu khổ nạn mà cứu chuộc chúng ta, Ngài còn cảm thông sự yếu đuối bất lực của chúng ta trên cuộc hành trình về nước trời, nên Ngài xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, để Chúa Thánh Thần soi sáng, dạy bảo và dẫn dắt chúng ta tiến về Thiên Quốc để được hạnh phúc với Ngài.

Chúng ta đang ở trong những ngày chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Tình Yêu giữa Cha và Con Ngài được gọi là Thần Khí của Thiên Chúa và cũng là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan muốn giới thiệu về một khuôn mặt mới của Chúa Thánh Thần và đó cũng chính là đặc tính của Ngài: Thần Khí sự thật.

Thật hạnh phúc và bình an biết bao khi đi trong đêm tối mà tìm ra được nguồn sáng, khi cô đơn, lẻ loi, đau khổ mà gặp được người bạn an ủi. Khi yếu đuối bất lực và nguy hiểm lại có người hỗ trợ, bao bọc, nâng đỡ, chở che, khi lạc đường gặp người dẫn dắt chỉ lối cho.

Trong trang Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng: “Thầy có nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Chúa Giêsu muốn yêu thương chúng ta vô cùng, Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì chúng ta cần có, để chúng ta được hạnh phúc với Ngài và như Ngài trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ta hãy nghe Lời của chính Chúa Giêsu “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (c.12). Chúa Giêsu đã gián tiếp giới thiệu về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần; đó là Ngài sẽ nói những điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ. Có lẽ vì bản tính con người yếu đuối, các môn đệ không thể hiểu lời của Chúa Cha và Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần can thiệp và thiết lập mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài còn ban ơn soi sáng đức tin của chúng ta, là những kẻ vốn khó chấp nhận Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể.

Thế nhưng rồi khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của chúng ta thì có hạn trước những thực tại thiêng liêng, Chúa Giêsu biết rõ chúng ta Ngài không đòi hỏi chúng ta quá sức, Chúa cũng muốn chúng ta biết chúng ta như vậy, để khiêm tốn cầu xin ơn Chúa giúp chúng ta hiểu biết Chúa và những sự thuộc về Ngài. Hiểu biết lời Chúa không chỉ bằng tri thức, lý trí con người, nhưng còn phải cần đến sự soi sáng đánh động của Chúa, chúng ta mới có thể hiểu được bằng tâm thức và có cảm nghiệm sâu xa nữa. Điều ấy Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta như Chúa Giêsu nói:

“Thần Chân Lý đến, Người sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật”. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Thần Khí Sự Thật, Ngài đã giúp các môn đệ xưa, và hôm nay đối với chúng ta Ngài giúp chúng ta hiểu tất cả sự thật được bày tỏ đầy đủ nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài sẽ dạy bảo chúng ta hiểu biết Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Chúa Thánh Thần lấy lời của Đức Kitô để soi sáng, dạy dỗ, dẫn dắt chúng ta, bởi vậy, nên Chúa Giêsu nói: “Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Chúa Thánh Thần lại lấy những điều nơi Chúa Giêsu mà loan báo cho các môn đệ. Như thế có nghĩa là Chúa Thánh Thần cũng làm công việc của Chúa Giêsu và những công việc ấy cũng phát xuất từ Chúa Cha, khi làm sứ mệnh này, Ngài chính là Thần Khí Sự Thật, vì Ngài đang nói về một sự thật đời đời: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi- sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu độ.

Chúa Thánh Thần làm cho các môn đệ và cho chúng ta nhận thức ngày càng sâu xa hơn về sự nghiệp và thân thế của Đức Giêsu, càng ngaỳ chúng ta càng hiểu về Đức Kitô hơn, đó là điều làm cho Đức Kitô càng ngày càng được tôn vinh, đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Ngài sẽ tôn vinh Thầy”. Nhưng Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết mọi sự Ngài có là của Chúa Cha, và mọi sự của Cha là của Con, nên mọi Chân Lý đều ở nơi Chúa Cha, Chúa Con chỉ là phát ngôn viên của Chúa Cha, mà Chúa Thánh Thần là Đấng phổ biến và giải thích. Vì thế khi ta làm dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, và đồng thời chúng ta tuyên xưng Chân Lý Chúa Con mạc khải Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần giúp ta hiểu biết những điều Chúa Con mạc khải.

Trên con đường đi tới ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta nhờ cuộc tử nạn của Ngài, chúng ta rất cần có Chúa Thánh Thần soi sáng, dạy dỗ, dẫn dắt. Đừng bao giờ chúng ta tự phụ, tự mãn về những giáo lý chúng ta đã hiểu biết, nhưng phải luôn luôn thao thức học hỏi, tìm hiểu, suy niệm, cảm nghiệm sâu xa hơn nhờ Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu khẳng định: “khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ đưa anh em tới sự thật toàn vẹn” (c.13a). Một sự thật về Chúa Cha, về Chúa Giêsu và về Ba Ngôi Thiên Chúa. Một sự thật về Tình Yêu của Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài. Sự thật ấy đời đời ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa, ở nơi cung lòng Chúa Cha. Sự Thật ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa: “Ngài không tự mình nói ra, nhưng những gì Người nghe, Ngài sẽ nói lại và loan báo những điều sẽ xảy đến” (13b).

Và như vậy, Chúa Thánh Thần ở đây đóng vai trò giảng dạy và củng cố niềm tin cho các Tông Đồ. Ngoài ra, Ngài cũng tỏ lộ những điều sẽ xảy ra trong tương lai như một bằng chứng về quyền năng Thiên Chúa của Ngài.

Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng làm cho mọi người biết Thiên Chúa mỗi ngày một sâu xa, để Thiên Chúa được tôn vinh. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy thường trực của chúng ta, có khi trực tiếp bằng sự soi sáng, đánh động, có khi qua các trung gian trong Hội Thánh, có khi Ngài uốn nắn lương tâm chúng ta cho ngay thẳng, chính trực. Tất cả là để đưa chúng ta đến phần rỗi đời đời. Chúng ta hãy luôn khao khát ơn Chúa Thánh Thần, luôn cầu xin Chúa Thánh thần và sống mật thiết với Chúa Thánh Thần trong tư thế tỉnh thức đón nhận những hoạt động của Ngài trong tâm hồn chúng ta.

*****

THỨ BẢY TRONG TUẦN 6 PHỤC SINH

(Cv 18:23-28; Tv 47:2-3,8-9,10; Ga 16:23-28)

SINH NHIỀU HOA TRÁI

Tin Mừng hôm nay diễn tả niềm vui phát xuất từ Thiên Chúa.Sau khi Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết Người sẽ chịu khổ hình, còn các ông sẽ bị thế gian tấn công và phải chịu chung một số phận với Thầy. Các môn đệ tỏ ra hoang mang lo lắng, Chúa Giêsu liền trấn an các ông đừng sợ hãi vì có Đấng Bảo Trợ sẽ đến giúp đỡ.

Chúa Giêsu khuyên các ông hãy cầu xin Chúa Cha ban cho những ơn cần thiết để vượt qua cơn gian nan thử thách và tìm thấy niềm vui đích thực: “Anh em xin Chúa Cha điều gì, Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (c. 23-24).

Lời khẳng định của Chúa Giêsu là niềm an ủi lớn cho mỗi người chúng ta.Thiên Chúa là Cha nhân từ sẵn sàng ban nhiều ân sủng nếu cho chúng ta thực tâm cầu xin.

Chúa Giêsu đang tâm sự với các môn đệ trong bầu khí của bữa tiệc ly, nghĩa là bầu khí của tình yêu đến cùng được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua mầu nhiệm Thánh Thể. Trong bầu khí này, Chúa Giêsu nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15, 8).

Và hoa trái mà Đức Giê-su chờ đợi nơi người môn đệ để tôn vinh Chúa Cha, chính là tình yêu các môn đệ dành cho nhau: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (15,17). Tình yêu các môn đệ được mời gọi dành cho nhau, không phát xuất từ chính nỗ lực của các môn đệ, nhưng phát xuất từ Tình Yêu Ba Ngôi: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c. 9); và “chính Chúa Cha đã yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy” (c. 27).

Chính Đức Giêsu cũng phải đối mặt với nỗi sợ hãi nhưng Người đã tìm được sự an ủi nhờ liên kết mật thiết với Chúa Cha. Hành trình lên Giêrusalem và tiến về núi Sọ là nỗi ám ảnh đè nặng trên Đức Giêsu, nhưng Người đã vượt qua tất cả nhờ sức mạnh của Thánh Thần trong Chúa Cha yêu dấu.

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh với chúng ta về sự biến đổi mãnh liệt của các môn đệ sau biến cố Chúa Phục Sinh: “Niềm vui của Tin Mừng là niềm vui lấp đầy đời sống cộng đồng của các môn đệ, là một niềm vui truyền giáo. Bảy mươi hai môn đệ đã cảm thấy vui mừng khi trở về từ sứ vụ truyền giáo. Chúa Giêsu đã cảm thấy điều ấy, Người vui mừng trong Chúa Thánh Thần và chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải cho những người nghèo hèn và những người bé nhỏ. Đó là điều cảm thấy bởi những người đầu tiên trở lại là những người đầy ngưỡng mộ khi nghe các Tông đồ rao giảng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Niềm vui này là một dấu chỉ cho thấy Tin Mừng được công bố và sinh hoa trái”.

Chỉ có Chúa mới giải thoát chúng ta khỏi mọi lo lắng trần gian, khỏi mọi nỗi sợ hãi để tận hưởng niềm vui linh thánh ngọt ngào. Niềm vui ấy không phải chỉ biểu hiện qua tiếng cười nhưng còn âm vang trong giọt nước mắt, xuyên qua những thất bại. Niềm vui của Chúa không đọng lại trên những thành công nhưng chan chứa trong cả nỗi mất mát đớn đau.

Có một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta cũng phải đối mặt với gánh nặng của thân phận con người, của gia đình vợ chồng con cái làm chúng ta thất vọng chùn bước. Hãy tựa nương vào sức mạnh của tình thương và ân sủng Chúa, Người sẽ không lìa bỏ mà còn nâng đỡ để chúng ta tìm thấy niềm ủi an. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đến tận hưởng hạnh phúc, đến để sống và sống dồi dào. Để có được niềm vui trọn vẹn, chúng ta phải sống gắn kết mật thiết với Thiên Chúa như cành nho liền với cây nho. Đi vào chiều sâu của tình yêu chúng ta mới hiểu được giá trị của đau khổ, mới dám dấn thân phục vụ và sống trọn nghĩa yêu thương.

Con người là một hữu thể luôn khao khát một cuộc sống hạnh phúc và tràn ngập niềm vui. Có người tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong vinh hoa phú quý, công danh chức quyền hay trong khoái lạc trần gian. Đó là những niềm vui của thế gian qua mau chóng tàn, những thứ hạnh phúc mong manh dễ vỡ. Mỗi người chúng ta bị ràng buộc và nô lệ bởi nhiều thứ đến từ thế gian nên không có được niềm vui tròn đầy và hạnh phúc đích thực.

Vậy, khi Đức Giê-su mời gọi chúng ta xin: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”, chúng ta, với tư cách là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ xin điều gì, để Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta và làm cho chúng ta ở trong niềm vui trọn vẹn, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ “sinh nhiều hoa trái”? Thế mà, người môn đệ “sinh nhiều hoa trái” mà Đức Giê-su mong muốn, là những người biết yêu thương nhau và làm lan truyền tình yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa và cho Vinh Danh Chúa Ba Ngôi, trong giáo xứ, cộng đoàn, gia đình và trong môi trường sống của mình.

 

3. Yêu thương anh em

Ở mọi nơi và trong mọi lúc, các tôn giáo thường chỉ quan tâm tới mối liên hệ giữa Thượng Đế và con người. Còn mối liên hệ giữa con người với con người, nếu không bị bỏ quên, thì cũng bị coi nhẹ. Bởi vì tự bản tính loài người, chúng ta ai cũng ích kỷ chỉ lo cho mình mà thôi.

Thế nhưng với Chúa Giêsu thì khác, Ngài đã lập lại thế quân bình giữa hai mối liên hệ: giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thật vậy, khi người ta hỏi Ngài xem điều răn nào là đieu răn quan trọng nhất, thì Ngài đã xác quyết: Mến Chúa và yêu người, cả hai đều giống nhau, nghĩa là có giá trị bằng nhau.

Hơn thế nữa, với Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta có cảm tưởng như Chúa Giêsu chỉ chú trọng điều điều răn thứ hai mà Ngài gọi là điều răn mới. Ngài nói đây là điều răn của Thầy: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu. Thực ra Chúa Giêsu không có ý bảo chúng ta rằng: Từ nay khỏi cần phải nghĩ tới chuyện kính mến Thiên Chúa, chỉ cần yêu thương anh em mà thôi. Nhưng sở dĩ Ngài không nói tới lòng kính mến đối với Thiên Chúa la vì mọi tình yêu thứ thiệt điều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì Ngài chính là Tình yêu.

Nước chảy phải có nguồn. Chặn nguồn lại thì nước sẽ không thể chảy xuống sông ngòi mà đi vào ruộng đồng. Với niềm tin, chúng ta thấy neu không có lòng kính mến đối với Thiên Chúa, thì cũng không thể có tình yêu thương đối nhau thực sự được. Bởi thế, trong điều răn mới đã bao gồm điều răn thứ nhất rồi.

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bản chất của tình yêu ấy luôn luôn là trong sạch, vui tươi và viên mãn. Thế nhưng khi vào đời, tình yêu ấy cũng như dòng nước chảy, nhiều khi uốn khúc quanh co, nhiều khi đụng phải những chướng ngại vật và phải chảy qua cả những chỗ sình lầy dơ bẩn. Nhưng cuối cùng, thì chính tình yêu sẽ thanh tẩy tất cả, sẽ biến đổi tất cả, để rồi hướng mọi dòng chảy, nghĩa là hướng mọi thứ tình yêu con người chảy vào lòng đại dương bao la là chính tình yêu của Thiên Chua.

Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta tình yêu, để rồi nhờ chúng ta mà mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc sẽ được trở về với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Alpha và Ômêga, là khởi thuỷ và cùng đích của mọi tạo vật.

 

4. Yêu thương nhau

Những lời nói cuối cùng trong cuộc đời của một người thường là những lời nói tâm huyết, bộc lộ cả một tấm lòng chân thực. Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi ra đi chịu chết, Ngài đã cùng với các môn đệ dùng bữa tối. Trong bữa ăn này, sau khi đã làm một cử chỉ đầy ý nghĩa, đó là quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã nói với các ông tất cả những gì cần nói.

Trong cuộc trao đổi này, Chúa Giêsu đã xác định các ông là những người bạn hữu của Ngài, bởi vì các ông được Ngài cho biết tất cả những gì Cha Ngài đã nói với Ngài. Cũng trong cuộc trao đổi ấy, Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại với các môn đệ một lệnh truyền quan trọng, đó là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.

Bằng chính cuộc đời của mình, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ mẫu gương sáng chói của tình thương yêu. Chính Ngài đã đi tới tận cùng của lòng thương yêu ấy như Ngài đã từng nói: Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến mạng sống mình vì bạnhữu. Quả thực, nếu cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là chóp đỉnh tình thương yêu của Ngài đối với Thiên Chúa, thì cũng là chóp đỉnh tình thương yêu của Ngài đối với con người. Đó cũng chính là mẫu mực, chính là nền tảng cho tình yêu thương huynh đệ.

Hơn thế nữa, ở đây Chúa Giêsu còn đặt tình yêu thương giữa các tông đồ vào trong mạch thương yêu xuất phát từ Thiên Chúa: Như Cha đã yêu mến Thầy, thầy cũng yêu mến các con. Vậy các con hãy yêu mến nhau. Chính nhờ tình thương yêu này mà các môn đệ ở trong tình thương yêu của Chúa Giêsu, cũng như vì lòng thương mến các môn đệ, mà Chúa Giêsu ở trong tình thương của Chúa Cha.

Chúng ta có thể nói: với lệnh truyền này, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ đi vào cối lõi của chương trình cứu độ, tức là đưa mọi người vào lại trong tình thương của Thiên Chúa và trong tình thương yêu lẫn nhau. Hai vế của tình thương này không thể tách rời nhau như lời thánh Gioan đã khẳng định: Kẻ nói mến Chúa mà không thương người, thì chỉ là kẻ nói dối. Với lòng thương yêu này, các tông đồ sẽ được nếm thử niềm vui ơn cứu độ, đồng thời còn phản ảnh được lòng mến Chúa của chúng ta nữa như lời Chúa Giêsu đã phán: Nếu các con yêu thương nhau thì mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy.

Điều Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ ngày xưa, cũng là điều Ngài truyền cho chúng ta hôm nay. Đạo của Đức Kitô chính là đạo của tình thương, của lòng yêu mến. Tất cả mọi tổ chức, mọi lập trường, mọi quan điểm của Giáo Hội cũng như của chúng ta, nếu không thực sự phục vụ tình thương đều là những gì nằm ngoài Kitô giáo. Ngược lại, việc rao giảng Tin Mừng, và làm chứng tá cho Chúa một cách hữu hiệu nhất, không gì bằng thực hiện giới luật của Chúa, đó là hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta.

 

5. Yêu thương nhau như Chúa

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Hôm nay Chúa Nhật thứ hai của Tháng Năm đúng vào ngày của Mẹ. Vào ngày này cả thế giới tỏ lòng tri ân và để tôn vinh sự yêu thương và hy sinh cao cả của Mẹ dành cho gia đình. Quả thế, Không có gì ngọt ngào như lời của Mẹ. Không có gì dạt dào bằng tình thương của Mẹ. Không có gì xót xa hơn khi tóc Mẹ ngày thêm sợi bạc. Có gì thương hơn là Mẹ với con, dù con lớn vẫn là con của Mẹ. Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con.

Đúng như thế, trong trận động đất sóng thần xảy ra ở Nhật Bản vào tháng năm 2010, khi đội cứu hộ tiếp cận một ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ trông thấy thi thể bất động của cô qua các khe nứt. Nhưng tư thế của cô thật kì lạ, trông cô như đang quỳ xuống như khi cầu nguyện, thân cô hướng về phía trước, và hai tay cô như đang bọc lấy thứ gì đó. Ngôi nhà đổ nát đã đè quỵ hoàn toàn lưng và đầu của cô. Dù rất khó khăn, người đội trưởng vẫn cố gắng đưa tay qua các khe nứt để chạm tới thân người phụ nữ. Ông hy vọng mong manh rằng cô vẫn sống. Khi chạm đến làn da lạnh và cơ thể cứng ông biết người phụ nữ này đã chết. Ông lại lần mò bên dưới không gian chật hẹp cơ thể đã lạnh của người phụ nữ, ông reo lên:"Một đứa trẻ, là một đứa trẻ!" Cả đội đã cẩn thận di dời từng mảnh đổ vỡ của căn nhà chung quanh người cô. Một cậu bé 3 tháng tuổi đã được tìm thấy trong tấm chăn hoa bên dưới thân người mẹ đã mất của mình. Người mẹ đã hy sinh thân mình để cứu lấy cậu bé, khi căn nhà sụp đổ, cô đã ôm trọn đứa trẻ và gánh lấy toàn bộ sức nặng của tòa nhà, đứa trẻ vẫn ngủ, một cách bình yên khi người đội trưởng đưa ra. Bác sỹ nhanh chóng kiểm tra cậu bé, khi mở tấm chăn ông thấy một chiếc điện thoại. Một dòng chữ vẫn sáng trên màn hình: "Nếu con có thể sống, con phải nhớ rằng mẹ luôn yêu con."

Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất và được người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ với nhau. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính, “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc!”. Như vậy nó không có mẫu số chung. Đức Giêsu hôm nay đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu và có mẫu số chung: yêu như Chúa yêu.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Có nghĩa rằng muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như thế”. Đức Chúa Cha là nguồn cội của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu phải quy chiếu về tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của Chúa như thế nào? Qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho thấy rõ tình yêu Thiên Chúa qua 3 chiều kích:

Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình. Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu, lành hay dữ, thực vật hay súc vật, cỏ cây… Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Gio-an quả quyết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống”. Chúng ta đó chẳng phải là mọi người đó sao? Có đạo hay không có đạo, thiện hay ác đó sao?

Thứ đến, Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Tin nhắn của mẹ Nhật bản: “Nếu con có thể sống, Mẹ vẫn yêu con”, nhưng thử hỏi nếu con phản bội mẹ thì sao? Chưa biết? Còn Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã dựng nên ta, nhận ta làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Còn ta không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Đó là Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người. Cho nên, tình yêu của Chúa Giêsu là mẫu số chung cho mọi tình yêu chúng ta dành cho nhau: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Cuối cùng, tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Cụ thể dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Người Cha yêu quá đến nỗi quên hết những lỗi lầm của ta. Và trên cây thánh giá, Chúa đã tha thứ cho kẻ thù của mình. Cho nên, Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa, tình yêu của Ngài chỉ yêu chứ không có ghét, hay trả thù. Còn ta thì sao? Tình yêu của chúng ta còn có ghét, “yêu nhau yêu cả lối đi ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” hay “Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau. Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”.

Tháng Năm, cũng là tháng Hoa dâng kính Mẹ. Đoàn con cái Mẹ ở khắp nơi muốn hiệp lời hát khen ca tụng Mẹ, dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi xinh để tỏ lòng yêu mến. Ước chi những đóa hoa rực rỡ hương sắc ấy, mà mỗi người trong giáo xứ chung ta dâng lên Mẹ trong Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ, không dừng lại ở vẻ đẹp bên ngoài, nhưng biểu lộ tâm tình của những người con muốn ngước nhìn và bắt chước Mẹ sống gắn bó với Chúa Giêsu, biết lắng nghe và ghi khắc Lời Ngài, hết tình yêu thương và phục vụ anh chị em và sẵn sàng đi ra làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Xin cho mỗi mọi chúng ta cùng với Mẹ Maria biết lấy tình yêu Thiên Chúa đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Allêluia!

 

6. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành

Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng Chúa Nhật tuần trước nói về nguyên lý cành nho phải kết hợp với cây nho mới sinh hoa trái.

Qua đó, Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống liên kết với Ngài và liên kết với nhau. Hôm nay, Đức Giêsu còn đưa ra một giáo huấn hết sức quan trọng và mời gọi chúng ta thực hiện, đó là: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.”(Ga 15,12). Để thực hiện giáo huấn này, chúng ta cần tìm hiểu: Đức Giêsu yêu nhân loại như thế nào? Chúng ta phải làm gì để yêu thương nhau như Đức Giêsu yêu nhân loại?

1. Đức Giêsu yêu nhân loại như thế nào?

Đức Giêsu yêu nhân loại đến nỗi Ngài đã chấp nhận xuống thế làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi: sinh ra nơi hang đá nghèo hèn trong đêm đông lạnh lẽo; sống trong một gia đình thiếu thốn ở Nazaréth với cha nuôi của Ngài là bác thợ mộc Giuse, mẹ của Ngài là bà Maria, một thôn nữ nhà quê; gần 30 năm làm nghề thợ mộc để phụ giúp gia đình.

Trong ba năm đời sống công khai, vì tình yêu nhân loại nên Đức Giêsu đã đi khắp nơi để thực hiện ý định yêu thương: Ngài đi rao giảng khắp mọi nơi, đến với hết mọi hạng người không phân biệt dân tộc màu da hay địa vị giàu nghèo; Ngài đến với những người đau yếu bệnh tật để cứu chữa họ; Ngài tha thứ cho những người tội lỗi, cho những kẻ xúc phạm đến Ngài; Ngài đã tuyển chọn, huấn luyện các Tông đồ và thiết lập Giáo hội; Ngài đã thiết lập các Bí tích là máng chuyển thông ơn Chúa cho loài người; Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và dạy họ hãy làm như thế với nhau; Ngài đã chấp nhận bước vào con đường khổ giá một cách tự nguyện để cứu độ nhân loại. Đó là bằng chứng tình yêu Ngài dành cho nhân loại, đúng như Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta”(1Ga 3,16).

Sau khi sống lại, vì yêu thương nên: Ngài đã hiện ra với nhiều người, nhất là hiện ra với các Tông đồ để củng cố đức tin cho họ và cho mọi người qua mọi thời đại; Ngài ban Thánh Thần cho các Tông để các ông thêm can đảm làm chứng cho Tin mừng; Ngài soi sáng cho các Tông đồ và mỗi người chúng ta am hiểu Kinh thánh; Ngài còn nâng chúng ta lên thành bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn các con, Thầy gọi các con là bạn hữu.” (Ga 15,15).

Tóm lại, những lời nói, những việc làm của Đức Giêsu trong suốt 33 năm sống trên trần thế đều vì yêu thương nhân loại chúng ta.

2. Chúng ta phải làm gì để yêu thương nhau như Đức Giêsu yêu nhân loại?

Đó là yêu hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, giàu nghèo…phải yêu mọi người là anh em với nhau như Đức Khổng Tử đã nói: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn bể là anh em.

Đó là biết trao ban và cho đi. Không chỉ trao ban và cho của cải vật chất mà còn trao ban và cho cả nụ cười, cái nhìn yêu thương, lời nói động viên khích lệ. Bởi vì, cho là được, giữ là mất. Cho thì có phúc hơn là lãnh nhận. Cho một cách vô vị lợi, không so đo tính toán.

Đó là biết hy sinh. Hy sinh thời gian, hy sinh tiền bạc, hy sinh sức lực và hy sinh chính cả mạng sống của mình vì người mình yêu. Pierre l’Ermite nói rằng: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật.” Đức Giêsu cũng đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình.”(Ga 15,13)

Đó là tình yêu chân thành. Thánh Gioan Tông đồ khuyên các tín hữu hãy yêu thương nhau chân thành, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng chính việc làm: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm; căn cứ vào điều đó chúng ta biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.”(1Ga 3,16-18).

Trong một ngôi làng tại dãy núi Alp ở Thụy Sĩ, có một nhà thờ nhỏ bé đã được sử dụng để làm nơi thờ tự, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặc dù không hề có một tác phẩm nghệ thuật nào, nhưng người dân địa phương luôn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho ngôi nhà thờ này. Điều này khiến cho nơi đây mang vẻ rất tươi đẹp trong đôi mắt của cư dân? Đó chính là nhờ câu chuyện ngôi nhà thờ được xây dựng trên mảnh đất đặc biệt này như thế nào. Người ta kể rằng: Có hai anh em tạo dựng một nông trại gia đình, cùng chia sẻ sản phẩm và lợi nhuận cho nhau. Người anh đã kết hôn, người em còn độc thân. Khí hậu khắc nghiệt đưa đến hậu quả là đôi khi, huê lợi trở lên hiếm hoi.

Ngày kia, người em tự nhủ “Thật không công bình khi chia sản phẩm bằng nhau. Mình còn độc thân, nhưng anh mình phải nuôi cả một gia đình”. Vì thế, thỉnh thoảng, người em lại đi ra ngoài vào ban đêm, mang theo một túi hạt từ trong kho thóc của riêng mình, lặng lẽ băng qua cánh đồng nằm giữa hai ngôi nhà của hai anh em, và đổ vào thùng của người anh.

Đồng thời, người anh cũng có cùng một tư tưởng đó, và tự nhủ “Thật không công bình khi sản phẩm bằng nhau. Mình có cả một gia đình nâng đỡ mình, nhưng em mình vẫn độc thân”. Vì thế, thỉnh thoảng, người anh lại đi ra ngoài vào ban đêm, mang theo một túi hạt từ trong kho thóc của riêng mình, âm thầm đổ vào thùng của người em.

Việc này tiếp diễn trong nhiều năm, mỗi người đều thắc mắc không hiểu sao kho lúa của họ không bao giờ hao hụt đi. Thế rồi vào một đêm kia, họ đụng chạm với nhau trong bóng đêm. Sau khi nhận ra sự việc, họ bỏ túi hạt xuống, và ôm nhau. Đột nhiên, có một giọng nói xuất phát từ trên trời: “Tại nơi đây, Ta sẽ xây dựng một ngôi nhà thờ. Bởi vì ở đâu con người gặp gỡ nhau trong tình yêu thương, thì ở đó, có sự hiện diện của Ta ”. (Sưu tầm)

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương nhân loại nên Chúa đã xuống thế làm người, đã lập nên Giáo hội, các Bí tích, nhất là đã hy sinh cả tính mạng của mình. Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến Chúa và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con. Amen.

 

7. Yêu như Thầy

"Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương".

Trước khi đi vào con đường khổ giá, Chúa Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê, cũng chẳng để lại một kho tàng có thể hoá giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gấm được coi như bí mật cuối cùng và quý giá nhất của Ngài. Đó là lệnh truyền: "Anh em hãy yêu thương nhau". Trước đây Chúa Giêsu đã đề cập nhiều đến giới luật yêu thương rồi, nhưng trong giờ phút chia tay thì đó là mối bận tâm lớn nhất của Ngài. Yêu thương nhau là dấu hiệu rõ nhất để nhận ra ai là kẻ thuộc về Ngài "Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau".

Chúa Giêsu muốn thấy các môn đệ mình yêu thương nhau và Ngài muốn cảnh giác mối nguy cơ chính yếu luôn rình rập các môn đệ, đó là sự thiếu lòng yêu thương nhau. Vì vậy, đây là một trăn trở lớn nhất cần được nói ra một lần thay cho tất cả. Và Chúa Giêsu đã nói: "Điều răn của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 15, 12). Thế là lời trăn trở củaThầy đã biến nên lời trăn trối cho các môn đệ trong phút biệt ly. Như một tâm sự sau cùng cần phải ghi nhớ, như một di chúc thiêng liêng tuyệt đối  không bao giờ được đặt lại vấn đề và là một lệnh truyền nhất thiết phải thể hiện bằng được trong cuộc sống. Nên " yêu thương nhau" đã là một bổn phận chi phối toàn bộ đời người môn đệ Chúa Giêsu và làm nên căn cước cho họ " Ai yêu thương thì bởi Thiên Chúa mà ra".

Sống yêu thương thì dễ hiểu rồi, bởi vì là con người thì ai ai cũng biết mình có bổn phận phải yêu thương. Yêu thương là điều răn quan trọng nhất, là điều răn gồm tóm tất cả mọi điều răn khác. Nhưng phải yêu thương ai?  Chắc chắn đây không phải chỉ nói với những người lập gia đình, sống đời hôn nhân nhưng Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người. Vì thế ta phải hiểu chữ yêu thương nhau theo nghĩa rộng, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người. Giới răn của Chúa là như vậy. Nhưng nhìn lại thực tế, chúng ta chỉ yêu thương một số người như cha mẹ, anh chị em ruột, một vài bè bạn thân thiết, vài người yêu thương của chúng ta. Còn lại biết bao nhiêu người khác chúng ta chưa yêu thương, chúng ta không muốn yêu thương, và thậm chí chúng ta còn thù ghét nữa. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể yêu thương hết tất cả mọi người như Chúa đã dạy chúng ta? Hơn nữa, Chúa bảo chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con. Vậy yêu thương như Chúa Giêsu là yêu thương như thế nào? Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Thầy không coi các con là tôi tớ, nhưng Thầy coi các con là bạn hữu của Thầy". Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa; còn các môn đệ là người, là học trò. Cho nên nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ thì cũng được. Nhưng không, Chúa không muốn coi họ là tôi tớ thấp hèn, mà muốn coi họ là bạn hữu ngang hàng với Chúa. Nghĩa là Chúa tôn trọng họ. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi đôi với lòng tôn trọng. Vậy nếu chúng ta muốn yêu thương tất cả mọi người thì chúng ta cũng phải tôn trọng tất cả mọi người, như Đức Giêsu đã tôn trọng.

Chúng ta đang yêu thương một số người, như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, chồng vợ, người yêu thương của mình. Để cho những tình yêu thương ấy được bền vững, chúng ta biết tôn trọng nhau. Dù những người đó có điều gì trái ý ta, dù có điểm tính tình họ khác ta, ta cũng phải tôn trọng họ, bởi vì mọi người là một cá thể độc đáo không ai hoàn toàn giống ai. Ta không được bắt buộc ai phải giống như mình. Ta phải tôn trọng quyền của họ có khác với quyền của ta. Có như vậy mới tránh được những xung đột, sứt mẻ trong tình yêu thương nhau.  Và còn rất nhiều người mà chúng ta chưa yêu thương. Tuân giữ giới răn của Chúa, ta cũng phải cố gắng yêu thương họ. Muốn vậy, việc đầu tiên phải làm là ta phải dẹp bỏ mọi thành kiến, mọi kỳ thị, phải tôn trọng họ, tôn trọng những điểm khác biệt nơi họ, tôn trọng quyền tự do của họ, ngay cả khi họ có những khuyết điểm lỗi lầm ta vẫn phải tôn trọng con người của họ, bởi vì lỗi lầm là lỗi lầm, nhưng con người vẫn là con người, vẫn có nhân phẩm, và ta yêu thương là yêu thương chính con người đó, yêu thương chính nhân phẩm đó. Chúa Giêsu nói "Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con". Theo lời Chúa dạy, chúng ta hãy cố gắng yêu thương tất cả mọi người, và theo gương Chúa làm, chúng ta hãy cố gắng tôn trọng tất cả mọi người.

Hơn nữa, chúng ta phải yêu người như Chúa yêu ."Cha đã yêu mến Thầy thế nào,Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em". Đó là một tình yêu mở ra cho hết mọi người không giới hạn cũng chẳng trừ ai (x.bài đọc 1), một tình yêu san bằng mọi hố sâu ngăn cách, dẹp bỏ mọi hàng rào cản trở để người người gần gũi nhau hơn. Tình yêu đó chủ động đi bước trước (x.bài đọc 2), cho tôi tớ trở thành bạn hữu, người xa lạ trở thành thân quen. Để nếu cần, tình yêu đó sẵn sàng mạo hiểm đến liều mạng sống: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu".   

Tình yêu đáp lại tình yêu. Nhận ra mình là kẻ được Chúa yêu, chúng ta phải biết đáp trả bằng một tình yêu trung tính đối với Thiên Chúa và tình yêu chân thành đối với mọi người anh em. Phải biết "Yêu như Chúa yêu" và "yêu người như yêu Chúa". Yêu như Chúa yêu nghĩa là không đóng khung giới hạn, biết đến với mọi người. Yêu người như yêu Chúa, nghĩa là không chỉ nhận ra trong những con người chúng ta phải yêu mến khuôn mặt của người anh em, mà còn là khuôn mặt của chính Đấng đã yêu chúng ta bằng tình yêu lớn nhất của Ngài.

Mỗi thánh lễ là một cử hành về tình yêu lớn nhất, qua đó Chúa Kitô hiến thân cứu độ muôn người. Xin cho chúng ta hôm nay gặp lại chính mình là kẻ biết yêu người khác. Và xin Chúa luôn thanh luyện tình yêu của chúng ta để từng ngày chúng ta biết chân thành yêu như Chúa yêu, yêu người như yêu Chúa, vì Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con luôn nhớ lời căn dặn của Chúa, để chúng con luôn biết sống yêu thương nhau, yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con, để chúng con luôn làm tròn sứ mạng Chúa đã trăn trối, để chúng con luôn là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

 

8. Yêu mến – Lm. Giuse Phạm Quốc Phong

“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11)

Một ước muốn duy nhất và cũng là điều hạnh phúc nhất trong sâu thẳm con tim của mỗi người chúng ta, không có gì khác, đó chính là “yêu” và “được yêu”. Điều này đúng ngay cả đối với những người cứng cỏi và nguội lạnh nhất, những người bị đang bị tổn thương cũng như những người đang trong thất vọng, những người bi quan và mỏng giòn, ước muốn “cho đi” hay “lãnh nhận” “Tình Yêu” này hiện diện trong mỗi chọn lựa và trong từng nỗi đau đớn của chúng ta. Chúng mong ước yêu thật nhiều và được yêu thật nhiều, và rồi chúng ta đau khổ, bởi vì chúng ta không đạt được ước muốn đó: “yêu và được yêu”, mặc dù chúng ta đã cố gắng tìm đủ mọi cách thức để có được nó. Vậy thì làm cách nao chúng ta có thể yêu và được yêu?

Tin Mừng hôm nay của Thánh Gioan trả lời cho chúng ta rất rõ ràng câu hỏi ở trên. Tình yêu trước tiên đó là một tiến trình đón nhận Tình yêu của Thiên Chúa, chấp nhận để được yêu, ở lại trong tình yêu mà mình khám phá ra. Tình yêu do đó, trước là “ý thức” và rồi “cảm nhận”, sau đó “rung cảm” rồi đến “cảm xúc”. Chính những đặc tính đó làm thước đo cho tình yêu như thánh Tông đồ đã chỉ cho chúng ta. Chung ta, và nhất là người trẻ ngày nay, thường hay hiểu lầm từ ngữ “Tình yêu”. Tình yêu không chỉ là “đam mê” và “dấn thân vào đam mê đó”, nó không chỉ là hương thơm của hoa Violet hay “niềm hạnh phúc vô tận”, nó không chỉ la “cảm nhận mình có giá trị” và được người nào đó “tìm kiếm” (một người tình, một người con, hay một người bạn). Tình yêu còn phải mang những thuộc tính: cụ thể và thực tại, mỗi ngày một cách đều đặn, mệt mỏi và lao nhoc, trung thành nhất là trong lúc khó khăn và thử thách, và có khỉ là “cuộc khổ nạn”. Tất cả những thuộc tính này, chúng ta đều tìm thấy nơi “Con Người” Giêsu một cách trọn vẹn.

“Hãy để cho chúng ta được yêu!” nhưng bằng cách nào? Thông thường tình yêu của chúng ta bị gián đoạn, có khi bị hủy diệt bởi sự chậm trễ hay đóng kín cõi lòng chúng ta, hoặc bởi sự mệt mỏi và tội lỗi của chúng ta. Tất cả những thứ này làm chúng ta mệt mỏi và xấu hổ với chính mình, sợ hãi và ngại ngùng trước Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu rằng: Thiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta: hãy để cho chúng con được yêu, hãy để cho lòng Nhân Từ của Cha đến được với chúng con, hãy để cho Tình yêu của Cha đến và ở lại với chúng con trong sự quan phòng và sự hiện diện của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắc nhở nhiều lần với chúng ta: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta, chỉ có chúng ta mới mệt mỏi khi phải đi hòa giải với Ngài mỗi khi chúng ta phạm tội, rằng lòng từ bi tha thứ của Thiên Chúa là Vô hạn lượng”. Và một cách tất yếu rằng: Tình yêu sẽ biến đổi chúng ta.

“Thầy đã nói với anh em … để niem vui của anh em được nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu mong muốn niềm vui, một niềm vui đích thực, một niềm vui tròn đầy. Kitô giáo là một tôn giáo của niềm vui: niềm vui vì càm nhận mình được yêu và có khả năng yêu. Có thể rat nhiều lần, chúng ta đã để mình đi vào con đường của sự buồn chán, lo lắng hay rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Những khó khăn, những vấn đề rắc rối, sự yếu đuối, sự đau khổ làm cho chúng ta chao đảo, và có khi làm chúng ta ngã quỵ. Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi để phản tỉnh: “vậy chúng ta được gì, nếu cứ mãi ở lại trong sự đau khổ và buồn bã đó”? Thiên Chúa sẽ biến đổi “sự than khóc của tôi thành điệu ca”, nghĩa là Ngài biến đổi và ban cho chúng ta niềm vui đích thật. “Hãy đến với Ta hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho…” lời mời gọi yêu thương đầy thông cảm của Chúa Giesu phải là một lời nhắc nhở mỗi khi chúng ta cảm thấy chùng chân mỏi gối trên đường lữ thứ trần gian, và Lời ấy chính là Ngài, một Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với mỗi người chúng ta, một Thiên Chúa luôn cảm thông và tha thứ luôn luôn cho chúng ta, bởi vì Ngài muốn: “để niềm vui của anh em được nên trọn”.

 

9. Yêu như thầy yêu – Lm. Giuse Trịnh Ngọc Danh

Yêu và muốn được yêu là khát vọng ngàn đời của con người.

Nhưng… tình yêu phát xuất từ đâu? Thế nào là yêu và được yêu?

Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài đã cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”.

Như thế nguồn gốc phát sinh ra tình yêu là Thiên Chúa. Ngài là người yêu thương chúng ta trước và chúng ta là người được yêu: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước” và Ngài đã biểu lộ tình yêu ấy đối với chúng ta là Ngài “đã sai Con Một Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người Con Một ấy mà chúng ta được sống”.

Về phần con người, nếu chúng ta yêu thương thì chúng ta mang bản chất của Thien Chúa và chúng ta nhận biết Ngài là Cha yêu thương. Yêu thương là dấu chỉ để thế gian nhận biết chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Yêu Chúa, yêu người là hai giới răn quan trọng, tóm kết những giới răn khác. Như thế, là con cái Thiên Chúa, là Kitô hữu chúng ta phải có bổn phận biểu lộ bản chất yêu thương với Thiên Chúa và với mọi người.

Tình yêu của Thiên Chúa lan tỏa đến con người tựa như một cây nho mà gốc và thân cây nho là Thiên Chúa và cành nho là con người như lời Thầy Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng…anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga. 5:1, 5). Chúa Cha yêu thương Chúa Con bằng nhựa yêu thương là Chúa Thánh Thần thúc đẩy và nuôi dưỡng cây nho lớn mạnh và phát triển sinh nhiều hoa trái: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga. 15: 9) và “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga. 15: 12)

Nhưng chúng ta phải yêu Thiên Chúa, yêu con người như thế nào?

Hôm nay, qua đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga. 15: 9-17), Thầy Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương yêu thương: Yêu như Thầy yêu.

Để cho cây nho yêu thương phát triển và lớn mạnh và sinh nhiều hoa trái, thì cả thân lẫn cành phải ở lại, phải gắn liền, phải liên kết từ gốc đen cành bằng nhựa yêu thương, phải chịu cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái,tức là tuân giữ lệnh truyền, tuân giữ giới răn mà tình yêu đòi hỏi, và hy sinh mạng sống vì người mình yêu.

Khi yêu, không ai lại muốn đem điều xấu, điều bất hạnh đến cho người mình yêu. Hơn thế, Thiên Chúa là tình yêu, là Cha nhân lành thì chắc chắn không bao giờ Ngài bắt con người tuân giữ những lệnh truyền, những giới răn đưa con người đến bất hạnh và khổ đau; còn hơn thế, Chúa Cha đã hy sinh Người Con Một yêu dấu mình, Chúa Con đã hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Như Cha Thầy yêu Thầy, Thầy Giêsu cũng yêu thương anh em.

Như Thầy yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau.

Tình yêu Chúa Cha và Chúa Con đã lan phát sinh ra tình yêu con người và từ tình yêu con người lại lan toả ra tình yêu giữa con người với con người.

Thầy đã thể hiện tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha bằng “đã tuân giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Ngài”.

Chúng ta không biết Chúa Cha yêu Chúa Con đến mức độ nào, nhưng qua lời công bố của Chúa Cha: “Này là Con Ta rất yêu dấu và đẹp lòng ta, các con hãy vâng nghe lời Ngài” và qua lời xác nhận của Thầy Giêsu: “Thầy yêu anh em như Cha Thầy yêu Thầy”, chúng ta tin Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau rất thắm thiết, yêu nồng nàn, yêu chứa chan hơn bất cứ một tình yêu nào khác!

Chúa Con đã yêu thương Chúa Cha bằng vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được thì cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng không theo ý con mà xin theo ý Cha”.

Vâng theo ý Cha là tuân giữ lệnh truyền của Cha, thực thi ý muốn của Cha, và như thế là làm đẹp lòng Cha và ở lại trong tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu đã chấp nhận xuống thế làm người, chịu đau khổ,chịu chết để đem con người vào cõi phúc trường sinh. Đó là tình yêu của Thầy Giêsu dành cho con người. Đến lượt chúng ta, chúng ta lại yêu thương nhau nhưThầy đã yêu thương chúng ta.

Theo gương của Thầy Giêsu, chúng ta lại phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng ta, mà muốn yêu thương anh em, chúng ta phải ở lại trong tình yêu của Thầy như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy và muốn ở lại trong tình yêu của Thầy, chúng ta lại phải giữ giới răn Thầy truyền dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến ngưới ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga. 14,23-24), và hy sinh mạng sống mình vì anh em. Hy sinh mạng sống mình vì anh em là biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, là đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…. Hy sinh mạng sống vì người mình yêu là tột đỉnh của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình”. (Ga. 15,13)

Khi chúng ta yêu Thiên Chúa là chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, là anh em cùng một Cha, nhưng khi chúng ta cùng Chúa Cha và Chúa Con yêu thương đồng loại, yêu thương những người chưa nhận biết Thiên Chúa, thì chúng ta đã trở thành môn đệ, là bạn hữu như lời Thầy Giêsu đã nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga. 15,15).

Xin kể một câu chuyện về bạn hữu ở đời thường như sau:

Bão Thúc (tức Bão Thúc Nha, còn có tên là Bão Tử, người tài giỏi việc nước của nước Tề) đã cắt cử Quản Trọng cho Hoàn Công dùng. Quản Trọng tên thật là Di Ngô, người nước Tề, một tướng giỏi.

Bão Thúc chết, Quảng trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi:

- Ông với Bão Thúc không phải là người họ hàng thân thích, sao ông thương tiếc ông ta quá vậy?

Quản Trọng giải thích:

- Ngươi không rõ ngọn ngành đâu! Để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn bán chung với Bão Thúc; lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, nhưng Bão Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh túng bấn không biết xoay xở thế nào cho đủ tiền để tiêu dùng nên mới làm thế. Ta ở chỗ chợ búa thường hay bị lắm kẻ bắt nạt, Bão Thúc không coi ta là người hèn nhát, nhưng biết ta rộng lượng, không chấp những điều người ta đối xử với mình. Ta bàn việc với Bão Thúc, nhiều lúc việc hỏng, Bão Thúc không cho ta là ngu, mà cho là việc thành công hay thất bại là do có lúc may mắn, có lúc không. Ta, ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi nhiệm, Bão Thúc không cho ta là người chẳng ra gì, mà lại coi ta là người chưa gặp thời, chưa tìmđược vua giỏi. Ta ra trận ba lần, đánh thua cả ba, Bão Thúc không cho ta là bất tài, nhưng biết ta còn có mẹ già phải phụng dưỡng. Ta nhịn nhục thờ vua Hoàn Công, Bão Thúc không cho ta là người vô liêm sĩ, người không biết xấu hổ, mà biết ta không giữ những chuyện nhỏ mọn, có chí làm lợi ích cho cả thiên hạ...

Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu biết ta là Bão Thúc. Với người hiểu biết mình, thì đem cả tính mạng ra mà đền đáp còn chưa đủ huống chi thương khóc thế này thì đã thấm vào đâu! (Thuyết Uyển. Cổ Học Tinh Hoa)

Thật là người bạn đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với mình, người bạn tri kỷ!

Tình bạn giữa con người chưa mang dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa mà còn được thán phục như thế, thì kết qủa của tình bạn hữu giữa Thiên Chúa và con người lại càng cao trọng và đáng thán phục hơn nhiều Yêu thương anh em như chính mình đã khó, yêu thương anh em như Thầy Giêsu yêu chúng ta lại càng khó hơn! nhưng đó là những nỗ lực chúng ta cần phải đạt tới để được xứng đáng là Kitô hữu, là bạn hữu của Thầy Giêsu. Điều kiện để yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta là giữ giới răn Chúa truyền dạy, là ở lại nơi Thầy và hy sinh mạng sống mình vì anh em, cụ thể hơn là đọc và nghe tieng nói của Thiên Chúa qua Tin Mừng và ở lại, sống kết hợp với Chúa trong phép Thánh Thể.

Chúng ta đã đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với Thầy Chí Thánh của chúng ta như thế nào để được xem là bạn hữu của Thầy Giêsu!

 

10. Yêu thương anh em.

Sống trong cuộc đời, chúng ta phải yêu thương nhau. Đó là điều dễ hiểu. Bởi vì nếu không yêu thương nhau, xã hội sẽ bất ổn và bản thân chúng ta cứ phải nơm nớp lo sợ trước những hận thù chồng chất. Thế nhưng, phải yêu thương nhau như thế nào?

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một khuôn mẫu để noi theo và bắt chước. Ngài phán: Các con hãy yêu thương nhau, như Thày đã yêu thương các con. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào, để rồi chúng ta sẽ lấy tình yêu của Ngài làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc để đo mọi việc làm của chúng ta?

Không cân phải nói, hẳn chúng ta cũng đã quá rõ: Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người, sinh ra nơi máng cỏ Bêlem, lớn lên trong xưởng thợ Nagiarét. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã sống một cuộc sống vất vả và nghèo túng. Ở nhà thì phải lao động cực nhọc. Đi rao giảng Phúc âm thì vất vưởng nay đây mai đó, không có lấy cả một nơi để gối đầu và nghỉ ngơi. Nhất là Ngài đã chết một cái chết ê chề và nhục nhã, như lời Ngài đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Liệu chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương của chúng ta bằng những hành động cụ thể như vậy hay không? Liệu chúng ta có dám chấp nhận những hy sinh và ngay cả cái chết cho những người mình thương mến hay không?

Hẳn chúng ta còn nhớ một Maximilianô Kolbê đã chết thay cho một bạn tù ở trại tập trung của Đức Quốc Xã trong cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai. Hẳn chúng ta còn nhớ một Đamiêng, vị tông đồ người hủi, đã đến hải đảo Molokai, đã sống giữa họ và đã chết giữa họ, để nâng đỡ và xoa dịu những đớn đau họ phải chịu do chứng bệnh phong cùi gây nên. Và còn biết bao nhiêu tu sĩ nam nữ đã âm thầm hy sinh cuộc sống của mình để chăm sóc cho những người già cả, đau yếu và bất hạnh.

Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ bên Tàu, có một em bé đói rách, tiều tụy và mắc bênh phong cùi. Em bị dân chúng đánh đập và đuổi ra khỏi làng. Trước cảnh tượng ấy, một nhà truyền giáo phương xa đã bế em trên tay, che chở em khỏi gậy gộc phũ phàng. Thấy có người chịu mang em đi, dân làng mới thôi không đánh đập em nữa, nhưng miệng thì vẫn không ngớt rủa xả. Giờ đây, những giọt nước mắt chảy xuống trên gò má em. Không phải là những giọt nước mắt đau buồn và tủi hận, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng và tin tưởng. Em đã hỏi: Tại sao ông lại lo lắng cho tôi? Nhà truyền giáo trả lời: Vì ông trời đã tạo nên cả hai chúng ta. Em là em gái của tôi và từ nay em sẽ không còn phải đói khổ, long đong vất vả nữa. Suy nghĩ một hồi, em hỏi tiếp: Vậy tôi phải làm gì? Nhà truyền giáo trả lời: Em hay tro tặng cho người khác tình yêu của em, càng nhiều càng tốt. Từ đó cho đến khi qua đời, trong suốt ba năm, em luôn chăm sóc, giúp đỡ, băng bó vết thương và đút cơm cho các bệnh nhân trong trại cùi mà nhà truyền giáo đa đưa em vào. Tới năm mười một tuổi, khi em qua đời, các bệnh nhân đã khóc và nói với nhau vói tất cả niềm thương nhớ: Bầu trời bé nhỏ đang xa lìa chúng ta.

Lề luật của Chúa được gồm tóm trong hai điều, đó là mến Chúa va yêu người. Chúng ta hãy cố gắng thực thi hai điều ấy với niềm xác tín rằng: qua những yêu thương nho nhỏ, chẳng hạn như một ánh mắt dịu hiền, một nụ cười cảm thông, một lời nói an ủi, một việc làm giúp đỡ…chúng ta se trở nên là những môn đệ đích thực của Chúa. Bởi vì như lời Chúa đã xác quyết: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.

 

11. Chúa Nhật 6 Phục Sinh

Anh chị em thân mến. Trải qua hằng bao nhiêu thế kỷ, các văn nhân, thi sĩ, tốn rất nhiều giấy mực để ca tụng một vấn đề rất cổ xưa nhưng cũng rất hiện đại, và có lẽ vấn đề nầy sẽ còn rất nhiều người nói đến mãi, cho đến khi nào không còn con người hiện diện trên trái đất nầy mới thôi. Đó là vấn đề Tình Yêu. Trong trào lưu ca tụng tình yêu, cố thi sĩ Xuân Quỳnh cũng có bài thơ đã được phổ nhạc mang tên: "Thuyền và Biển."

Trong đó có mấy câu dể gây cảm xúc cho người nghe: Chỉ có thuyền mới hiểu, Biển mênh mang nhường nào. Chỉ có biển mới biết, Thuyền đi đâu về đâu. Những ngày không gặp nhau, Biển bạc đầu thương nhớ. Những ngày không gặp nhau, Lòng thuyền đau - rạn vỡ.

Thuyền và biển làm cho nhau thêm phong phú. Nếu không có thuyền trên biển, biển sẽ yên lặng trong cô đơn, hay chỉ là những cơn cuồng nộ giận dữ. Nếu không có biển thì con thuyền cũng trở nên vô dụng, vì không thể phát triển được những gì của con thuyền đòi hỏi.

Chúa Giêsu luôn kêu gọi mọi người sống trong tình yêu. Hôm nay một lần nữa chúng ta lại nghe Ngài nói về tình yêu một cách cụ thể hơn. Ngài kêu gọi mọi người hãy đến và ở lại trong tình yêu bao la của Thiên Chúa Cha. Điều làm cho con người được phong phú: Đó là tình yêu. Tình yêu bao la của thiên Chúa bao bọc con người, để cho con người có thể ngụp lặn trong biển tình tuyệt vời đó. Sống trong tình yêu Thiên Chúa, con người được trở nên phong phú, cuộc đời mới có giá trị. Nếu tách rời khỏi biển tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ trở nên vô dụng, cuộc đời sẽ từ từ đi vào cỏi chết. Sống mà không có tình yêu thì không phải là sư sống đích thực."Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy."

Con thuyền cuộc đời của chúng ta, được Thiên Chúa trang bị thật đầy đủ, để có thể ra khơi trong biển Tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chẵng lẽ con thuyền ra khơi mà không định hướng, không mục đích. Không lẽ con thuyền ra khơi mà trên thuyền không mang theo một vật dụng gì hết. Không thể chấp nhận được, khi con thuyền đi vào biển cả mà không có một sự chuẩn bị nào cho xứng đáng.

Ra khơi trên biển Tình Yêu của Thiên Chúa, con thuyền phải được trang bị bằng những chất liệu của Tình Yêu. Từ chất liệu của con thuyền cho đến những thứ hành trang mà con thuyền mang theo.

Nhìn lại con thuyền cuộc đời của mỗi người chúng ta, Thiên Chúa đã trang bị bằng chất liệu Tình Yêu thật hoàn hảo. Con người chúng ta Thiên Chúa đã tạo dựng bằng Tình Yêu thương của Ngài. Những chất liệu đó giờ đây, có lẽ no đã bị biến chất phần nào, nó đã bị hao mòn với thời gian, nó không còn đủ mạnh và vững chắc để có thể ra khơi cách an toàn. Nên nhiều khi chúng ta ngại không dám ra khơi trong biển Tình của Thiên Chúa. Chúng ta sợ nó bị hao mòn, chúng ta cũng sợ nó bị chòng chành vì những cơn sóng tình. Một sự sợ hãi còn lớn lao hơn nữa, là chúng ta sợ bị mất hút trong biển Tình yêu bao la của Thiên Chúa. Khi đó vì chúng ta chỉ biết nghĩ đến chính mình, chỉ biết lo cho mình, bảo vệ bản thân, nên chúng ta quá lo sợ.

Chính vì thế mà chúng ta không thể sống đúng được lệnh truyền của Tình Yêu. Những lúc như thế, chúng ta chỉ biết yêu thương có chính mình, ngoài ra, chúng ta chẵng biết yêu thương ai hết. Như thế thì cuộc đời chúng ta giống như con thuyền thật tốt đẹp, thật hoàn hảo, chính vì sự tự hào với dáng vẽ tốt đẹp đó, mà nó sợ không dám đưa mình xuống nước để hoạt động, nên nó mãi ở trên nơi khô cạn. Suốt đời nó cũng là vô ích, mặc dù nó tốt đẹp, nhưng nó không hoạt động được, vì thế nó là một con thuyền chết, là đồ phế thải, vì nó vô dụng. Chẵng lẽ con thuyền cuộc đời của chúng ta lại trở nên vô dụng như thế sao. Chẵng lẽ con thuyền chúng ta không dám ra khơi để lênh đênh trong biển tình của Thiên Chúa sao?

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết dùng Tình Yêu để sống với nhau, để con người của mình được ở trong Chúa như con thuyền trong biển cả.

 

12. Anh em hãy yêu thương nhau - ViKiNi

(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm – trong ‘Xây Nhà Trên Đá’)

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu. Con người muốn được Thiên Chúa thương yêu, con người phải biết thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương ta. Thánh Gioan đã quả quyết: “Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa”.

1. Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Adong nói “nàng là xương tư xương tôi, thịt là thịt tôi” (St. 2, 23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Đồng bào nghĩa là cùng chung một bào thai sinh ra, đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt. Nói khác đi, ta nhận nhau như chính mình.

Nhưng thảm hại thay, tình thương một xương một thịt đó chẳng được bao lâu, khi con người sa ngã. Thiên Chúa đến hỏi, thì Adong đã đổ lỗi cho Evà (St. 3, 12). Mọi tội lỗi đã trút đổ lên đầu nhau, còn mình vô tội. Lúc này, không còn phải là một nữa, mà là hai, không còn xương tự xương toi, thịt là thịt tôi. Nó đã tách rời nhau, xa lìa nhau. Một kẻ là tội phạm, một kẻ rửa tay. Hai kẻ đối kháng nhau, thù ghét nhau. Trong cảnh gia đình chia rẽ, oán hận nhau, con cháu trở thành kẻ thù nhau: Cain đã giết em mình là Abel. Esau đã thù Giacob. Các con Giacob đã bán em là Giuse sang Ai cập. Bao lâu tình yêu chỉ bắt nguồn từ xương thịt bấy lâu còn chia rẽ, hận thù.

2. Ban đầu, Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài trực tiếp cho loài người, nhưng đã thất bại, loài người không thể thương yêu nhau như Thiên Chúa yêu thương con người. Lần này, Thiên Chúa nhờ chính Con Một Ngài là Đức Giêsu thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho loài người: “Chúa Cha đã yêu mến Thay thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” để “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Chúa Cha truyền sang Chúa Con, và Chúa Con truyền sang chúng ta, như thế, tình yêu này mang bản chất Thiên Chúa, chứ không mang tính xương thịt như ban đầu nữa. Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa để chúng ta noi gương Chúa Con mà yêu thương nhau.

Thứ nhất, Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tuân giữ lệnh truyền cua Chúa Cha, thực thi giới răn của Chúa Cha: “Thầy đã tuân giữ giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Ngài”. Vì thế chúng ta muốn ở trong tình thương của Thiên Chúa, chúng ta phải giữ giới răn của Ngài: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy”.

Thứ hai, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta. Người đã dám gánh tội của chúng ta, đã chịu chết đền tội cho chúng ta. Người không trút tội lỗi của chúng ta lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.

Con Thiên Chúa vô cùng cao cả đã yêu thương chúng ta đến cùng tận, còn chúng ta là đồng bào, đồng phận xương thịt với nhau, sao không dám hy sinh cái thân phận hèn hạ của mình cho nhau? Chỉ có hy sinh cho nhau, chúng ta mới biết mình ở trong tình yêu của Thiên Chúa.

Thứ ba, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu chọn chúng ta làm bạn hữu của Người: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu”.

Thực sự, chúng ta không thể nào đáng là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúng ta vừa là loài thụ tạo, vừa kém hơn loài thụ tạo, vì đã phạm tội, xúc phạm đến Đấng tác tạo nên ta. Mọi loài thụ tạo đều vâng phục Thiên Chúa một cách triệt để theo một trật tự hoàn hảo. Vĩ đại như tinh tú, mặt trời, mặt trăng đã tuân theo lệnh Thiên Chúa sắp đặt xoay vần, không hề sai trái. Nếu chúng sai trái, loài người và muôn vật bị tiêu hủy. Còn chúng ta đã không vâng lệnh Thiên Chúa, đáng lẽ chúng ta đã bị tiêu diệt. Làm sao dám làm bạn hữu của Người. Chỉ vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã cho chúng ta được vinh dự vô cùng đó. Noi gương Đức Giêsu, chẳng những chọn mọi người làm bạn hữu của ta, mà còn phải tôn trọng mọi người hơn ta, ta mới xứng đáng với tình thương của Người, mới mong thu được nhiều kết quả và đáng Chúa Cha nhận lời chúng ta nài xin.

Thánh Phêrô, đã noi gương Thầy Chí Thánh, đến thăm nhà ông Cônêliô. Phêrô không kỳ thị dân ngoại, không khinh thị quân Rôma xâm lăng, như lối sống kỳ thị của truyền thống Do thái, Phêrô kính trọng gia đình Cônêliô, đã đỡ ông lên: “Xin ông đứng dậy, vì tôi cũng chỉ là người phàm”. Còn ông Cônêliô, dù là một sĩ quan của đế quốc Rôma vĩ đại, là người cai trị dân, ông đã hạ mình xuống “ra đón và phủ phục dưới chân Phêrô ma bái lạy”. Trước những cử chỉ hy sinh bỏ mình đi, hạ mình xuống và chân thành kính mến nhau như vậy, làm cho người Do thái kinh ngạc, và Thiên Chúa đã yêu thương các ông mà ban Thánh Thần tình yêu tràn trề xuống cho Phêrô và gia đình Cônêliô, để nhận nhau làm bạn hữu muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 1).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm tình thương bao la của Chúa, tình thương đồng hóa, đồng phận với mọi người cùng khổ, tình thương hy sinh mạng sống để cứu độ muôn dân.

Sao chúng con không biết thương người như Chúa thương chúng con và mọi người.

 

13. Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Ga 15: 9-17: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em”.  Giới răn đó vẫn mời gọi mỗi người chúng ta, chúng ta hãy là tảng đá để thay đổi cái dòng chảy của dòng sông,  thay đổi cái lối sống hận thù bằng cái lối sống yêu thương của chúng ta.

"Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".

Ngày nay người ta nói nhiều về tình yêu.

Tình yêu được ca tụng và trình diễn trong các chương trình truyền hình, các truyện tiểu thuyết, trong các bài hát, các tác phẩm văn nghệ, và trong các cuộc giao tiếp hàng ngày.

Những câu truyện về tình yêu sẽ vẫn còn tiếp tục xuất hiện trên sân khấu cuộc đời chúng ta.

Tình yêu mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an, sức mạnh, và một ý nghĩa để sống.

Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, thời nay dường như cũng là lúc mà xã hội cảm thấy thiếu vắng tình yêu nhất. Người ta chối bỏ nhau, chém giết nhau, làm khổ nhau. Người ta nói về tình yêu, bàn về tình yêu, viết về tình yêu, ca ngợi tình yêu, nhưng ít người sống cho tình yêu. Và đó là lý do tại sao chúng ta vẫn còn xa cách nhau mặc dầu chúng ta vẫn ở kế cận nhau.

Đã đến lúc mỗi người chúng ta phải dừng lại để lắng nghe lời của Đức Giêsu:

"Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạngsống vì bạn hữu mình."

Tình yêu chân thật phải được trả bằng giá rất cao.

Đức Giêsu đã trả giá cho tình yêu chân thật bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá. Ngài dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.

Tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta là tình yêu đặt trên căn bản của ý chí muốn dấn thân trọn vẹn không tính toán, không điều kiện.

Cây Thập Giá, Bí tích Thánh Thể và Tha Thứ là ba dấu chứng rõ ràng nói lên tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta.

Ngài yêu chúng ta hết mình đến nỗi hy sinh mạng sống của Ngài và chết trên Thập Giá để cho chúng ta được sống.

Ngài yêu chúng ta hết mình đến nỗi đã trở nên của ăn và của uống hằng sống cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể.

Và ngài Yêu thương chúng ta và luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Đây chính là cách thức yêu thương mà Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện cho nhau trong cuộc sống. Ngài muốn chúng ta yêu bằng ý chí dấn thân hy sinh chết đi cho nhau như Ngài đã hy sinh chết đi cho chúng ta.

Và Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta diễn tả tình yêu bằng cách trao ban chính bản thân mình: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình"

Yêu là “trao ban”, yêu là cho đi.

Yêu là không muốn giữ lại cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác.

Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu như Paul Bourget nói: “Người ta chỉ có thể yêu khi người ta đã được yêu, vì vậy, muốn đạt được hạnh phúc trong tình yêu, chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì ca”.

Yêu là “trao ban”, yêu là cho đi.

Cho nên nhận chính là để cho đi. Cho đi để sinh lợi dồi dào hơn như hình ảnh hai biển hồ Galilêa.

Tại Palestine có hai biển hồ... Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau.

Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa.

Đây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và có rất nhiều cá. Chung quanh hồ là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi.

Biển hồ thứ hai là Biển Chết.

Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào ở trong cũng như chung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi cá không thể sống nổi. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên, khiến không ai muốn sống gần đó.

Nhưng có một điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là dòng sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ nhỏ khác, nhờ đó nước của nó luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.

Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho mình, do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.

Một hình ảnh cho chúng ta thấy:

Càng trao ban, càng dồi dào.

Càng trao ban, càng sinh lợi.

Càng trao ban, càng nhận lãnh được nhiều.

Chúa đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, và Ngài không muốn cho chúng ta giữ lại cho riêng mình, nhưng là chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người chung quanh.

"Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình". Amen.

 

14. Chúa Nhật 6 Phục Sinh

Có một tác giả nọ nhận định như thế này: "Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà che đầu và một nơi để nghĩ qua đêm, là bạn đã giàu hơn 75% dân số trên thế giới này. Nếu bạn có tiền trong ví để xài, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, là bạn đang ở trong 8% những người giàu nhất trên thế giới.

Thưa anh chị em! Chẳng biết điều đó có chính xác hay không, nhưng chúng ta cũng thấy được rất rõ rằng: Giữa người giàu và người nghèo có một khoảng cách rất là xa khi mà thế giới đang theo đuổi cái xu hướng mà người ta gọi là Toàn Cầu Hóa. Và cái nghèo mà người ta nói tới nhiều nhất là cái nghèo về cơm áo gạo tiền. Người ta lo sợ rằng: Với một đà tăng dân số như ngay hôm nay thì sẽ có lúc trái đất này không còn đủ lương thực cho con người nữa.

Thế nhưng, nếu nhìn kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng, đó không phải là điều đáng sợ lắm, mà cái đáng sợ hơn hết là cái nghèo đói tình thương trong thế giới ngày hôm nay. Vì nghèo đói tình thương cho nên chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Vì nghèo đói tình thương cho nên mới có cái cảnh "Người ăn không hết, kẻ lần không ra". Vì nghèo đói tình thương cho nên những xung đột, những cãi vã, những tranh giành vẫn xảy ra hàng ngày ở chung quanh chúng ta.

Lời Chúa trong Thánh Lễ chiều hôm nay mời gọi từng người trong chúng ta hãy can đảm dùng một chút thiện chí của mình để góp phần đẩy lùi nạn đói tình thương đang hoành hành nơi bản thân và nơi môi trường sống của chúng ta, qua việc thực hiện lời gọi của Đức Kitô Phục sinh, vị sứ giả của tình thương: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con". Và cũng kể từ đây, giới luật yêu thương đã trở thành giới luật mới quan trọng nhất. Nói là kể từ đây có nghĩa là giới luật này nó đã có từ rất lâu. Nơi Cựu Ước chúng ta đã nghe là: "Hãy yêu thương đồng loại như chính mình".

Tôi yêu bản thân tôi như thế nào thì cũng phải yêu người khác như vậy. Nhưng trong Tân Ước, Đức Giêsu đã đẩy những đòi hỏi của giới luật này lên đến một cấp đột mà có lẽ không ai dám nhìn tới: "Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con". Như vậy giới răn mà Chúa gọi là giới răn mới này đòi hỏi chúng ta không phải là lấy chính mình để làm tiêu chuẩn nữa. Bởi vì tiêu chuẩn của con người dù có hào hoa rộng rãi đến đâu đi nữa, thì cũng có yếu tố chủ quan và tiêu cực trong đó, mà phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn:"Yêu người như Chúa yêu". Muốn biết đựơc Chúa yêu thương như thế nào, chúng ta phải nhìn lại cuộc đời dương thế của Chúa, ma rõ ràng nhất là trong ba năm rao giảng Tin Mừng: "Không có ai đến với Chúa mà phải ra về tay không, phải ra về trong cay đắng thất vọng cả: Người mù đựơc sáng mắt, kẻ què đi được, người chết được sống lại, kẻ tội lỗi được thứ tha".

Đối với Đức Giêsu, tất cả những kẻ đang đứng trước mặt Người đều là những người rất quan trọng và rất đáng thương. Và sau cùng, Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận một cái chết tủi nhục trên thập giá để muôn đời trở nên một kiểu mẫu tình yêu cho mọi người: "Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống mình vì bạn hữu". Tình yêu của Chúa đẹp đẽ quá, lý tưởng quá, làm sao tôi có thể trở nên giong như Người được? Thế nhưng bao lâu chúng ta còn hiện diện trong cuộc đời này là bấy lâu chúng ta được Chúa mời gọi: "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con".

Thưa anh chị em! Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến cấp độ "Như Thầy yêu thương" một cách hoàn hảo đâu. Bởi vì Chúa thì quá tuyệt vời thánh thiện, còn chúng ta thì ngược lại có quá nhiều giới hạn, nhiều thiếu sót mà giáo lý nhà Phật gọi là "tham, sân, si".

Thế nhưng, chúng ta không vì thế mà tự cho phép mình xao lãng hay miển chuẩn giới răn đặc biệt quan trọng đó. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải tự treo mình trên Thánh Giá vì anh chị em, Chúa cũng không buộc chúng ta phải trở nên một Têrêsa Calcutta vĩ đại suốt đời lo lắng cho người khác, hay một cha Thánh Maximilianô Kolbê anh hùng chết thay cho người bạn tù của mình.

Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều dịp để thể hiện tình thương của mình cho người khác, để sống cho tha nhân. Mà sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chúng ta không thể chết như Chúa được thì hãy chết trong mồ hôi và nước mắt, chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày qua những lần chúng ta rộng rãi thể hiện sự bác ái của mình đối với tha nhân. Có một thanh niên nọ, trong lúc chờ đón xe về Thành Phố Cần Thơ, bỗng nhìn thấy có một chiếc xe đạp đang từ phía Cần Thơ chạy về hướng Vĩnh Long. Và có lẽ không chú ý hay như thế nào đó mà cô bạn sinh viên điều khiển chiếc xe đạp ấy ngang nhiên đâm vào một chiếc xe Honda đang dừng trước mặt. Vì xe đạp chạy không nhanh lắm nên chẳng ai có hề hắn gì cả, chỉ có chiếc xe Honda bị bể chiếc vè sau mà thôi.

Trước những lời bắt chẹt thô thiển và cái giá phải bồi thường mà chủ xe Honda đã đưa ra thì cô bạn sinh viên đó chỉ còn biết đứng khóc mà thôi. Hơi ngập ngừng một chút và vì biết chắc rằng một cách bất ngờ như thế thì cô bạn sinh viên ấy không thể có đủ số tiền để bồi thường. Anh thanh niên đó đã mạnh dạn tiến tới ra tay nghĩa hiệp trả tiền chiếc vè sau mới, thay cho cô bạn kia.

Anh thanh niên này quyết định làm chuyện đó hoàn toàn không phải vì cô ấy trẻ, cô ấy là sinh viên, mà bởi vì lúc đó tự nhiên anh ta cảm thấy có một cái gì đó thúc đẩy anh ta phải làm việc bác ái này. Vả lại anh ta quyết định làm việc đó một phần cũng là vì muốn nói với chủ xe Honda rằng: "Chúng ta đừng nên hiếp đáp bắt chẹt những con người yếu thế hơn mình". Anh thanh niên hơi tào lao đó chính là người đang đứng trước mặt anh chị em đây.

Thưa anh chị em! Hoàn toàn không bao giờ dám coi đó là một kinh nghiệm tốt lành để gọi là khoe khoang với người ta, nhưng con muốn chia sẽ một tình huống cụ thể của bản thân mình đó, để mạnh dạn lặp lại một lần nữa bài học này: "Ngày nào bạn từ chối thắp lên ngọn lửa yêu thương, ngày đó sẽ có nhiều người chết vì giá lạnh".

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.