Chức tư tế của Đức Kitô trong Thư gởi tín hữu Hippri

CHỨC TƯ TẾ CỦA ĐỨC KITÔ TRONG THƯ GỞI TÍN HỮU HIPPRI

Tác giả: Luiz Ruscillo[1]
Tú Ân dịch

WHĐ (9.11.2020) – Bởi vì ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với việc gán danh hiệu “Tư tế” cho Đức Kitô, nên có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng: ngoại trừ Thư gởi tín hữu Hippri, không một cuốn sách nào trong Tân ước gọi Đức Kitô là tư tế một cách rõ ràng. Trong các Tin mừng, thuật ngữ “tư tế” luôn luôn quy chiếu về thể chế chức vụ tư tế trong Cựu ước.[2] Danh hiệu Thượng Tế luôn luôn được đặt trong bối cảnh chống lại Đức Giêsu.[3] Trong các thư và sách Khải huyền, các Kitô hữu được xem như là một “dân tư tế thánh”[4] nhưng không chỗ nào đề cập đến việc Đức Kitô nắm giữ chức vụ này. Có một số nơi Đức Kitô và các hành động của Người được miêu tả bằng các thuật ngữ mang tính chất hy tế,[5] nhưng danh hiệu “Tư tế” thì không bao giờ được nhắc tới, và nhìn chung, những đoạn này nhấn mạnh vai trò của Đức Kitô như là lễ vật hơn là tư tế. Thỉnh thoảng trong một vài bản văn, đặc biệt là các Tin Mừng, chức tư tế được ẩn chứa trong các chủ đề có liên hệ, trong khi đó, thư gởi tín hữu Hippri xác định Đức Kitô là tư tế một cách trực tiếp.

  1. NỀN PHỤNG TỰ DO THÁI THỜI CỰU ƯỚC

Để hiểu đúng bối cảnh quan niệm Kitô giáo sơ khai về chức tư tế, cần phải xây dựng một bức tranh về thiết chế chức tư tế trong thời đại Đức Giêsu. Bối cảnh Do Thái vào thời đầu thế kỉ thứ I là kết quả của những thế kỉ thay đổi và phát triển liên quan đến sự tiến triển của vị trí đền thờ trong đời sống người Do Thái và các sự kiện chính trị đã định hình nên xã hội của họ. Khi đọc về các nhân vật như là Annas và Caiphas, chúng ta nhận thấy vai trò của Thượng Tế vừa mang tính tế tự vừa mang tính chính trị. Có những tư tế ở bậc thấp hơn giống như Zechariah, chồng của bà Elizabeth, là một phần trong cơ cấu tổ chức cao cấp trong hàng phẩm trật, họ thi hành tác vụ khi đến lượt mình trong việc phục vụ đền thờ, là những người dâng hy tế và cầu nguyện.

  1. 1. Nguồn gốc và sự phát triển của Chức Tư tế

Ban đầu, trong thời các Tổ phụ, không có chức vụ tư tế chính thức. Abraham, Isaac và Jacob dâng hy tế ở những nơi thánh được xây dựng và những nơi đã xảy ra các biến cố quan trọng trong mối tương quan giữa các ngài với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, những nơi thánh này, và trong những lần các tư tế được nhắc tới, đều ở ngoại bang. Chính tại đây mà chúng ta tìm gặp được một nhân vật còn nhiều bí ẩn, vừa là tư tế, vừa là vua Salem: Melkixede (St. 14,18). Chức tư tế chỉ được gọi tên một cách đích xác khi mà tổ chức xã hội của cộng đồng Do Thái đã phát triển. Cựu ước gọi các tư tế là kohen, có lẽ phát xuất từ bối cảnh Akkadian.[6]

Tư tế của dân Israel là một chức vụ chứ không phải là ơn gọi. Các ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn, thông thường là các vị vua tuyển chọn, nhưng chỉ có ơn gọi từ Thiên Chúa liên quan đến chức tư tế là được chọn từ chi tộc Levi.

Tiếng Hippri cổ được dùng để chỉ về lễ phong chức cho một tư tế là millu'tm có nghĩa đen là ‘đổ đầy bàn tay’. Sau này, bản Bảy Mươi dịch là teleiosis, có nghĩa là ‘làm cho hoàn hảo’ hay ‘thánh hoá’. Mỗi tư tế được đặt lên để phục vụ đền thờ, và trong thực tế, mục đích của chức tư tế được nối kết chặt chẽ với sự phát triển về vai trò của đền thờ. Tư tế là người phục vụ và có thể bước vào đền thờ. Dần dần, người ta triển khai một loạt “những phân chia” nhằm phản ánh “sự khác biệt” có thể nhận thấy giữa Thiên Chúa, Đấng là “Thánh”, với “sự trần tục” của con người. Một ngày được tách riêng ra, ngày Sabath, đó là ngày thánh, ngày mừng lễ, và ngày lễ vĩ đại là Ngày Xá tội. Thêm vào đó, những nơi chốn cụ thể cũng được tách riêng ra: Lều - chỉ các tư tế mới được vào. Thậm chí người ta còn phân chia gian Cực Thánh, nghĩa là Thánh của Các Thánh, nơi chỉ có Thượng Tế mới có thể bước vào mỗi năm một lần.  Hy tế được làm ra bởi vì tư tế không thể tự mình làm nên sự tách biệt siêu vượt của chính mình. Do đó, tư tế dâng một con vật được tuyển chọn để sát tế. Đây là một hành động vươn lên Thiên Chúa nơi mà con người không thể đạt tới. Khi hy tế được chấp nhận, có một hành động đi xuống là chúc lành cho dân chúng thông qua tư tế là người đại diện cho dân chúng. Chức năng chính của tư tế đó là người trung gian. Thiết chế của chức tư tế nhằm hướng tới sự hiệp thông với Thiên Chúa. Sự hiệp nhất của tư tế với nhân loại được hiểu rõ và được chấp nhận trong Cựu ước. Đây là lý do tại sao người ta cần nhiều giai đoạn tách biệt được đặt ra dành cho mức độ thánh thiêng. Vấn đề là cần phải đạt tới mức độ thánh thiện có thể chấp nhận được đối với Thiên Chúa.

Vai trò quan trọng khác của tư tế được nối kết với những đền thờ và giảng dạy lề luật. Tư tế hỏi ý kiến Thiên Chúa (ví dụ Đnl 33, 8-10), thông thường bằng cách sử dụng các urim và thummim, những lá thăm đeo trong ephod, một túi nhỏ được may vào áo ở trước ngực tư tế. Nhờ đó, tư tế có thể giao tiếp với các lời sấm truyền của Thiên Chúa. Torah cũng là một lãnh vực chuyên môn của tư tế. Cũng như việc xét xử thuộc về nhà vua, thị kiến thuộc về ngôn sứ, khôn ngoan thuộc về hiền nhân, thì việc giảng dạy Torah thuộc về tư tế (Mk 3,11).

Có vẻ như xa lạ, nhưng trong bối cảnh này, chính tư tế là người nắm giữ vai trò thẩm phán liên quan đến bệnh phong hủi. Quyết định này liên quan đến phán quyết từ Thiên Chúa trong lãnh vực thanh sạch theo nghi lễ. Tư tế có thẩm quyền trong những lãnh vực này.

Vị trí của tư tế trong các lễ tế không quá nổi bật ngay từ đầu. Khi có một ai đó hiến dâng con vật bị sát tế, vai trò của tư tế là đem máu, phần thánh thiêng nhất của lễ vật, lên bàn thờ. Yếu tố tiến lại gần bàn thờ đòi hỏi chức vụ tư tế, bởi vì ông là người thanh sạch theo nghi lễ và đã được chuẩn bị. Việc dâng hy tế của tư tế làm nên sự tách biệt, và như vậy ông đóng vai trò trung gian. Việc dâng hy tế đã thay đổi rất lớn trong nhiều thế kỉ và cuối cùng trở nên một trong những vai trò chính yếu của tư tế.

Tất cả mọi chức năng của tư tế có một nền tảng chung. Khi ông đưa ra một lời sấm hay giảng giải một giáo huấn trong Torah, tư tế đang tiếp tục công việc giáo huấn vốn phát xuất từ Thiên Chúa. Khi ông đem máu lên bàn thờ hay đốt hương trầm, tư tế đang dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin của các tín hữu. Trong tất cả hành động này, tư tế là trung gian, vừa đại diện Thiên Chúa trước dân chúng, vừa đại diện dân chúng trước Thiên Chúa. Có thể miêu tả tư tế như là người vừa có hướng đi lên vừa có hướng đi xuống. Tư tế là công cụ dâng các lời cầu xin khẩn nài của dân chúng. Tư tế cũng được tách riêng để được thanh sạch theo nghi lễ để có thể tiến lại gần Thiên Chúa với tư cách của mình. Đây là vai trò “đi lên”. Sau đó, ông “đi xuống”, với các lời sấm và những phán quyết của Thiên Chúa đối với dân chúng. Tư tế là công cụ qua đó Thiên Chúa chúc lành cho dân chúng. Chúng ta thấy điều này cách rõ ràng trong công thức chúc lành của Aaron (Ds 6,22-27). Một điều thú vị, còn có một công thức của lời nguyền rủa được đọc bởi các con của Levi (Đnl 27,14-26). Chức tư tế là một thiết chế của sự trung gian.[7]

Tại vùng Cận Đông vào thời cổ, nhiều nghề nghiệp mang tính chất cha truyền con nối. Điều này cũng phù hợp với chức tư tế của dân Israel cổ. Chi tộc Levi, và một cách đặc biệt là các con cháu của Aaron, được tách riêng để thi hành các công việc thánh thiêng. Họ được gìn giữ trong sự thanh sạch của nghi lễ để có thể hoàn thành vai trò của họ và phục vụ nơi thánh.

  1. 2. Đền thờ

Vào thời xuất hành và đi trong sa mạc, Lều Hội Ngộ được dựng lên ở bất cứ nơi đâu dân Israel cắm lều. Đó là nơi đặt để Bia Giao ước và Bàn thờ. Sự hiện diện của Thiên Chúa được tỏ lộ với hình ảnh đám mây, Shekinah. Môsê nói với Thiên Chúa trong đám mây (Xh 33,9; Ds 12,4-10). Khi dân Israel tiến vào đất của người Canaan, họ xây dựng một số thánh điện. Trải qua nhiều thế kỉ, khởi đầu bằng việc vua Đavid mang Bia Giao ước vào Giêrusalem (2 Sm 6), có một sự tập trung ngày càng gia tăng. Nhiều thánh điện được xây dựng trên khắp đất nước đã dần dần bị bỏ hoang vì lợi ích của Bethel và Giêrusalem, và cuối cùng chỉ còn Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem trở thành nơi độc nhất Thiên Chúa hiện diện và dâng hy tế.

Kết quả là con số các thầy Lêvi cần thiết để phục vụ cho công việc tư tế đã giảm bớt. Con cháu Aaron vẫn duy trì được vị trí ưu tiên và dĩ nhiên họ phục vụ Giêrusalem như là công việc của họ. Nhưng nhiều thầy Lêvi không còn được cần như là tư tế nữa. Có một sự phân chia giữa những người được gọi là “tư tế” và “Lêvi”. Trong thực tế, những thầy Lêvi không còn được sử dụng nữa, mặc dù họ luôn giữ quyền ưu tiên trong việc dâng hy tế của chính họ khi họ đến Đền Thờ. Vẫn còn rất nhiều tư tế phục vụ Đền thờ ở Giêrusalem và họ được tổ chức thành phẩm trật và thi hành tác vụ theo sự phân công. Dacaria một trong hệ thống phân chia này. (Lc 1,5.8).

Dĩ nhiên, vào thời Chúa Giêsu, Đền Thờ ở Giêrusalem chỉ là nơi dâng hy tế. Nó được xem như là nơi dành riêng cho Thiên Chúa cư ngụ. Hội đường có rất nhiều, nhưng không được xây dựng để dâng hy tế. Hội đường chỉ là nơi cầu nguyện, đọc luật và giảng giải luật. Người ta không biết hội đường bắt đầu xuất hiện từ khi nào, nhưng người ta đã tổ chức các hội đường trong thời lưu đày. Các hội đường có khắp nơi trên đất Palestine và các cộng đồng Do Thái sinh sống hải ngoại, và cũng có các hội đường ở Giêrusalem ngay cả khi Đền Thờ vẫn còn.

  1. 3. Chức Thượng Tế

Sau thời lưu đày Babylon và tái thiết Đền Thờ, chức tư tế cũng được tái lập và tái tổ chức. Danh hiệu Thượng Tế vẫn còn rất hiếm, nhưng với vai trò của Vua bị giảm sút nghiêm trọng do sự yếu kém về mặt chính trị của một đất nước bị chiếm đóng, và với những ông vua bù nhìn như vậy, người đứng đầu các tư tế ngày càng có nhiều quyền uy hơn. Khi một triều đại trở nên yếu kém và mờ nhạt thì Thượng Tế trở thành người đứng đầu quốc gia. Cho đến lúc này, danh hiệu Thượng Tế mới trở nên phổ biến. Nó đã trở nên một vị trí có nhiều quyền lực chính trị cũng như vai trò trong việc phụng tự. Vào thời Chúa Giêsu, nó là một vị trí hấp dẫn đối với tham vọng của nhiều người, nó gắn liền với quyền lực và sự giàu sang.

Dòng dõi Zadok,  những người tuyên bố là hậu duệ của Tư tế Zadok đã qua đời vào thời vua Salomon trị vì, và cũng là những người thuộc hàng con cháu của Aaron, đã bị mất quyền lực chính trị bởi vương triều Seleucids Hy Lạp. Sự xâm lược của ngoại bang này dần dần làm bùng nổ cuộc cách mạng do các anh em nhà Maccabe khởi xướng vào năm 167BC là nguồn gốc của triều đại Thượng Tế Hasmonean lãnh đạo chính trị vẫn duy trì cho đến cuộc xâm lược của đế quốc Rôma với sự bổ nhiệm của Vua Hêrôđê Cả (37 - 4 BC). Vào thời Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, có một sự cân bằng kỹ lượng về vị trí chính trị giữa các nhà lãnh đạo song song. Hậu duệ của Hêrôđê tuy yếu kém nhưng vẫn còn giữ được ngai vàng. Những người Rôma đã đặt một vị tổng trấn cai quản toàn xứ. Trong khi đó, người Do Thái nhìn nhận các Thượng Tế như là những người lãnh đạo thực sự của họ. Nhưng chức vụ này có thể bị truất phế bởi người cầm quyền tối cao trong đất nước, người này có thể thể bổ nhiệm hoặc truất phế tuỳ ý. Điều này dẫn đến trường hợp đồng thời có hai Thượng Tế khi Chúa Giêsu bị trao nộp, Annas, Thượng Tế đã bãi chức, và Caiphas, Thượng Tế đương chức.

  1. 4. Bàn thờ

Bàn thờ trong Đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó không bao giờ được xem như một cái bàn. Khác với các vị thần của dân ngoại, Thiên Chúa không cần được nuôi ăn. Bàn thờ là nơi để lễ vật. Sau này, nó được thanh tẩy một lần trong năm vào Ngày Xá Tội và được gìn giữ để có một sự thánh thiêng đặc biệt. Có thể miêu tả bàn thờ một cách tốt nhất như là một công cụ của sự trung gian. Lễ vật của con người được đặt trên đó và thiêu đốt. Với nghi lễ này, lễ vật được đưa ra khỏi phạm vi nhân loại để dâng lên Thiên Chúa. Thiên Chúa đáp lại bằng việc chúc phúc. Giao ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài được tái lập hay được duy trì trên bàn thờ hy tế.

  1. 5. Hy tế

Bàn thờ là nơi dành cho hy tế và hy tế là hành vi quan trọng trong nền phụng tự Israel. Hy tế được miêu tả một cách khái quát là việc dâng con vật hoặc hoa màu, sau đó chúng được thiêu đốt toàn bộ hay một phần trên bàn thờ để tượng trưng cho lòng tôn kính Thiên Chúa. Có nhiều loại hy tế và nhiều hạn từ để diễn tả chúng.Lễ toàn thiêu, lễ giao hoà, lễ đền tội, lễ vật hoa màu, bánh không men, dâng hương trầm là một số loại chính. Hy tế cũng được hiểu ở nhiều mức độ khác và với nhiều động lực khác nhau. Một hy tế về căn bản là một hành vi thờ phượng được thể hiện ra bên ngoài. Đó là một hành động mang tính biểu tượng diễn tả những cảm xúc bên trong của người dâng lễ vật và việc đáp trả của Thiên Chúa trước những lời cầu nguyện. Qua những nghi lễ này, lễ vật dâng lên Thiên Chúa được chấp nhận, con người đi vào sự kết hiệp với Thiên Chúa, và tội lỗi con người được tha thứ. Nhưng hiệu quả của hy tế không phải là một phép thuật. Hành vi bên ngoài phải diễn tả cảm xúc bên trong của con người. Nếu không thì hành vi hy tế ấy là một diễn tả trống rỗng và không đem lại hiệu quả gì, nếu không muốn nói là bị trừng phạt.[8] Tầm quan trọng của khuynh hướng bên trong này trở nên điều căn bản nhất và tinh ròng nhất trong chức vụ tư tế của Đức Kitô.

Không thể trình bày hết những chi tiết liên quan đến nguồn gốc, nghi lễ, cách thức và ý nghĩa của tất cả các loại hy tế của dân Israel. Nhưng cần lưu ý nhất là Ngày Xá Tội. Nguồn gốc cũng như nơi bắt nguồn ngày lễ này vẫn còn là điều gây tranh cãi. Vào thời Chúa Giêsu, ngày này rất quan trọng đến nỗi người ta chỉ đơn giản gọi là “Ngày”. Thượng tế hiến dâng một con bò để đền tội của chính ông và dòng dõi ông, nhà Aaron. Ông mang máu với mạng che mặt đi vào nơi Cực Thánh và rảy máu lên toà thương xót. Dân chúng mang hai con dê đến, và chúng được rút thăm. Theo lá thăm, một con dê được hiến tế để đền tội lỗi dân chúng. Tư tế lấy máu, với mạng che mặt, để rảy lên toà thương xót như ông đã làm trước đó với máu bò. Sau đó, đại diện của Thiên Chúa, ông đặt tay lên con dê còn lại để truyền tội lỗi của dân chúng vào nó. Con dê này được đưa vào hoang mạc. Chính Thiên Chúa đã lấy đi tội lỗi và tha thứ tội lỗi cho dân chúng. Chỉ trong ngày này mà bất cứ ai cũng đi vào nơi Cực Thánh với mạng che mặt, nơi mà chỉ dành riêng cho Thượng Tế.

  1. THƯ GỞI TÍN HỮU HIPPRI
  2. Khái quát về Thư Hippri

Trọng tâm của Thư gởi tín hữu Hippri là cho thấy Đức Kitô chính là vị Thượng Tế Tối Cao trong tương quan với tất cả các tư tế trước đây, và những thiết chế của chức tư tế là hình ảnh và chuẩn bị cho chức tư tế của Đức Kitô.

Cấu trúc của Thư Hippri cho thấy một cách rõ ràng rằng đó không phải là một lá thư, nhưng đúng hơn là một bài giảng. Ở phần kết, chương 13, lối hành văn được chuyển sang thể thức của một lá thư. Người ta phỏng đoán rằng đây là một bài giảng được sao chép lại và gởi đi, cùng với một đoạn ngắn được ghi thêm để gởi cho các độc giả.[9] Không ai biết được tác giả nguyên thuỷ của nó. Dựa trên nội dung phần chính của tác phẩm này, người ta cho rằng độc giả của nó có thể là những Kitô hữu gốc Do Thái nhưng giả thiết này không hoàn toàn thuyết phục. Chúng ta cũng không biết rõ thời gian biên soạn nguyên thuỷ của nó. Vì Timothe được nhắc tới (13, 23) nên có thể nói rằng nó được biên soạn trước khi Timothe qua đời, đồng thời thánh Clemente thành Rôma cũng đã biết đến nó.[10] Chúng ta không thể biết chắc có phải nó được viết trước khi Đền Thờ bị phá huỷ vào năm 70 AD hay không, bởi vì những quy chiếu của nó chỉ nhắm tới nền phụng tự Đền Thờ Cựu ước, chứ không liên hệ đến Đền Thờ do Hêrôđê xây dựng. Nó tuyên bố rằng Giao ước cũ đã qua (8, 13) nhưng điều đó không chắc chắn có nghĩa là những nghi lễ của nó vẫn còn hiệu lực hay đã kết thúc. Như vậy, có thể phỏng đoán rằng Thư gởi tín hữu Hippri được biên soạn trong khoảng năm 67-90AD.

  1. Trọng điểm của bài giảng[11]

Chúng ta có thể tìm thấy điểm nổi bật của toàn bộ bài giảng ở trong chương 8 và chương 9. Tác giả viết trong 8,1 rằng: kephalion, “đầu” hay “thiết yếu”, của bài giảng là loại hay kiểu Thượng Tế mà chúng ta có nơi Đức Kitô. Tác giả tiếp tục miêu tả vị trí của Thượng Tế, sứ vụ, hy tế và kết quả là giao ước. Hai chương này xây dựng trên những gì đã trình bày trong các chương trước đó, nên để xem xét và hiểu rõ một cách chi tiết cần phải đọc lại những lập luận trước đó.

Tác giả làm tương phản những gì đã xảy ra trước đây trong giao ước và nghi lễ cũ với những gì đã được hoàn tất nhờ Đức Kitô bằng các bước lập luận:

[A] Tầm mức của việc phụng tự Cựu ước (8,1 -6)
[B] Giao ước cũ (8,7-13)
[C] Miêu tả việc phụng tự Cựu ước (9,1 -10)

Điều đó được tiếp theo bởi:

[C'] Miêu tả việc phụng tự của Đức Kitô(9,11 -14)
[B'] Giao ước mới (9,15-23)
[A'] Tầm mức mới và viên mãn của việc phụng tự (9,24-28).

[A] 8,1 -6: Tầm mức của việc phụng tự Cựu ước. Những gì tác giả lập luận ở đây là Lều được Môsê dựng lên, mặc dù nó được hoàn tất theo mô hình và lệnh truyền của Thiên Chúa, nhất thiết là do người phàm làm nên, chứ không phải Thiên Chúa (8, 2.5b). Do đó, nó phản ánh ‘khuôn mẫu hay cái bóng’ của những thực tại thần thiêng (8, 5a). Nó là bản sao không hoàn hảo và ở một mức độ thấp hơn[12] và giờ đây nó đã bị vượt qua và đã bị để lại đằng sau. Tác giả lập luận cho thấy điểm này bằng cách sử dụng chính các bản văn Cựu ước.[13]

[B] 8,7-13: Giao ước cũ.Bằng một trích dẫn từ sách Ngôn sứ Giêrêmia (Gr 31,31-34) tác giả một lần nữa đã sử dụng chính bản văn Cựu ước, để cho thấy rằng Cựu ước là khiếm khuyết và giờ đây đã bị vượt qua.

[C] 9,1-10: Phụng tự Cựu ước. Một lần nữa, sử dụng những miêu tả trong Cựu ước, tác giả lập luận rằng không chỉ giao ước cũ đã khiếm khuyết, nhưng toàn bộ nền phụng tự cũ cũng đã vô hiệu. Ông miêu tả Lều với hai gian và những đồ vật trang hoàng của chúng. Sau đó, ông miêu tả hành động tế tự rõ ràng được trích dẫn từ nghi lễ của Ngày Xá Tội (Lv 16). Gian ngoài vẫn còn sau hy tế và Thượng Tế vẫn có thể bước vào gian Cực Thánh mỗi năm một lần, theo chính bản văn Cựu ước, chỉ cho tác giả thấy rằng thậm chí như vậy, mô hình cao nhất của việc phụng tự Cựu ước, không tác động đến sự biến đổi bên trong để đạt tới sự hoàn thiện. “Những nghi thức của xác thịt” đó chỉ tồn tại “cho đến thời tu chỉnh” (9, 10).

Như vậy, tác giả cho thấy Đức Kitô đã mang lại một sự tu chỉnh Lều hay Thánh Điện và việc phụng tự một cách dứt khoát. Khi làm như vậy, Đức Kitô thiết lập giao ước mới và một tầm mức mới của phụng tự đem lại phúc lành của sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa.

[C'] 9,11-14: Việc phụng tự của Đức Kitô. Đức Kitô, vị Thượng Tế, đã đi qua “lều hoàn hảo hơn” và bước vào “nơi thánh” mang theo “chính máu của Ngài” (9,11-12). Mục đích “gian ngoài của lều” là để cho con người phải được chuẩn bị và được trao những gì cần thiết để bước vào cung thánh. Toàn bộ tổ chức của việc phụng tự tư tế được đặt trên ý niệm rằng cần phải thánh thiện mới có thể đến gần Thiên Chúa. Điều này được hiểu như là vượt ra khỏi mức độ phàm trần của đời sống con người thông qua một sự biến đổi để đưa con người tới một mức độ thánh thiêng, đi vào mối tương quan với Thiên Chúa là Thánh. Giải pháp của Cựu ước cho vấn đề này cần phải có một loại những phân tách mang tính nghi lễ như được miêu tả ở trên.

Đức Kitô, Thượng Tế hoàn hảo, phải là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Điều này được nhắc tới ở phần đầu của tác phẩm 1,5 - 2,18. Phần thứ nhất, 1,5 - 2,4 trình bày Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Phần thứ hai, 2,5-18 cho thấy Ngài gần gũi với nhân loại.

2, 17 miêu tả Đức Kitô là Thượng Tế lo việc của Thiên Chúa, là Đấng “thương xót và trung tín”. Đức Kitô trung tín được giải thích trong 3, 1-6. Sự trung tín trổi vượt Môsê bởi vì Đức Kitô trung tín như một người con. Do đó sự gần gũi với Thiên Chúa được chấp nhận.

Đức Kitô thương xót được giải thích trong 4,15-5,10 nhấn mạnh đến việc Ngài cũng thuộc về nhân loại.

Việc trung gian với tư cách Thượng Tế không được kết luận bằng việc có chân trong cả hai lều trại. Việc trung gian này là động lực và được thiết lập thông qua việc dâng hy tế là chính bản thân Đức Kitô trong cuộc khổ nạn và phục sinh. Đức Kitô trở thành Tư tế thông qua hành động dâng hy tế mang tính tư tế và việc chấp nhận hy tế của Thiên Chúa. Điều này được miêu tả trong 5,5-10.

5,5-6: Đức Kitô khiêm nhường hướng tới chức tư tế và được Thiên Chúa tuyên bố là Thượng Tế. Có một sự tương tự với Pl 2,6-8. Việc hoá mình ra không được nhắc ở đây và sau đó được nâng lên cao, nhưng trong trường hợp này nó thuộc về chức vụ Thượng Tế. Điểm mấu chốt đó là chức vụ này là một hệ quả của Đức Kitô chứ không làm vinh danh Ngài qua tham vọng cá nhân, nhưng qua đau khổ. Điều này được thể hiện rõ ràng trong những câu sau đó.

5,7-8: Đức Kitô dâng lời cầu xin khẩn nài. Từ ngữ được dùng để diễn tả hành động dâng là từ được sử dụng trong bối cảnh hy tế, prosenegkas. Những quy chiếu về tiếng kêu gào, nước mắt và cái chết gợi nhắc cuộc khổ nạn. Những điều này khiến chúng ta như đang nghe lời chú giải về cơn hấp hối trong vườn và trên thập giá. Cũng trong câu này lời cầu nguyện của Ngài được nghe. Chính thái độ dâng hiến đem lại đặc tính thánh thiện cho việc dâng này. Chúng ta đọc thấy rằng vì lòng tôn kính và hiếu thảo (eulabeia) mà Ngài được nhậm lời (5.8). Vì lý do này hy tế của Ngài được chấp nhận. Rõ ràng điều này không có nghĩa Ngài được giữ gìn thoát khỏi cơn hấp hối của cuộc khổ nạn, và cái chết trên thập giá. Nếu việc dâng quy chiếu đến cuộc khổ nạn, cam chịu với lòng hiếu thảo, thì việc nghe chỉ có thể quy chiếu đến việc chấp nhận, điều đó được thể hiện trong sự phục sinh. Điều này giả định rằng việc dâng là có thể chấp nhận và được chấp nhận. Chúng ta đọc thấy rằng, dù là Con, Ngài đã học vâng phục trong đau khổ.

Như vậy không có nghĩa người con này đôi khi không vâng lời nên phải học một bài học. Tác giả thư Hippri đã nhấn mạnh rằng Thượng Tế của chúng ta vô tội (4,15). Nhưng vì bản tính mà Đức Kitô cùng chia sẻ với chúng ta (2,11) đã bị sụp đổ do không vâng phục, và trong hy tế của mình, bản tính nhân loại học vâng phục và khi đó nó được kiện toàn.

5,9-10: Những câu này khẳng định rằng hy tế được chấp nhận. Ngài trở nên hoàn thiện. Đây là cách mà Đức Kitô trở nên nguồn sống vĩnh cửu và được tuyên bố là Thượng Tế theo dòng Melkixede. Từ khoá ở đây là teleiotheis. Từ này hiểu sát nghĩa là làm cho hoàn thiện. Trong bản Bảy Mươi, hạn từ này hầu như chỉ được sử dụng trong sách Xuất Hành và Lêvi để nói về việc thánh hiến hay “việc thánh hiến của lễ phong chức tư tế”. Hy tế được mô tả trong 5,7-8 được chấp nhận như là của lễ của việc hiến dâng tư tế. Đức Kitô, dâng chính mình làm hy tế, được thánh hiến qua việc được lắng nghe và được chấp nhận.

Chúng ta lưu ý một sự thay đổi tận căn từ chức tư tế Cựu ước. Trong chức tư tế Tân ước, hy tế được làm ra bởi sự yếu đuối của các tư tế và họ cần được nâng lên Thiên Chúa. Với Đức Kitô, chấp nhận sự yếu đuối và liên hệ mật thiết nhất với nhân tính chính là hy tế. Giờ đây Ngài là nguồn ơn cứu độ “dành cho những ai vâng phục Người”. Đây là điều phù hợp với tính chất của chức tư tế, trong đó tư tế là trung gian của Lời Chúa thông qua các lời sấm và việc giảng dạy Torah. Dân Cựu ước thỉnh cầu sự trung gian của tư tế để nhận biết sự phán quyết và ý muốn của Thiên Chúa dành cho họ. Vai trò ấy bây giờ thuộc về Đức Kitô.

Ngài được tuyên bố là Thượng Tế theo dòng Melkixede. Như chúng ta đọc thấy trong chương 7, quy chiếu cụ thể ở đây là lời tiên báo của Thánh Vịnh 110, 4 được hoàn tất trong Đức Kitô. Chức tư tế của Ngài không phụ thuộc vào dòng dõi nhân loại, mà cụ thể là con cái chi tộc Lêvi. Melkixede, người không có tổ tiên, được trình bày như là hình ảnh của Đức Kitô. Nhưng ở đây, điểm nhấn không phải là sự tiền hữu từ vĩnh cửu của Người Con. Kết quả của hy tế đó là chức tư tế của Đức Kitô được thiết lập. Với tư cách là Người Con và nhân loại phục sinh, Ngài là tư tế cho đến muôn đời. Hy tế của Ngài cũng tồn tại muôn đời. Là trung gian, điều này không chỉ có nghĩa Ngài là Người Con thực sự của Thiên Chúa và đã nhập thể thực sự. Nhân tính của Ngài đã được biến đổi vĩnh viễn thông qua hy tế, nhờ đó, nó hoàn hảo, và thông qua việc thánh hiến này, Ngài trở nên Thượng Tế không ai sánh bằng. “máu của Đức Kitô [còn hơn hy tế của dê, bò trong Cựu ước], Đấng nhờ Thần Khí vĩnh cửu mà hiến mình làm lễ vật hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa, có thể thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi các hành vi đưa đến cái chết để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (9,14).

[B'] 9,15-22:Giao ước mới.Vì chức tư tế mới được thiết lập trong Đức Kitô, nên có một giao ước mới. Chức tư tế mới được thiết lập bởi hy tế của Ngài. Trong Ga 9, 12 điều này được miêu tả như là việc Đức Kitô tiến vào cung thánh mang theo máu của chính Ngài. Một nơi khác trong Tân ước giúp chúng ta có thể tìm thấy các thuật  ngữ máu và giao ước được liên kết với nhau trong các trình thuật về việc lập bí tích Thánh Thể. Đây là  nơi mà những quy chiếu đến Đức Kitô như là “hy tế”, “Chiên Vượt qua” và “chiên” đúng với ý nghĩa của chúng.

Giao ước giữa Thiên Chúa và dân hoàn toàn không bình đẳng. Sự khởi xướng luôn luôn phát xuất từ ân huệ nhưng không và sự can thiệp của Thiên Chúa. Nó cũng đòi hỏi máu vì hai lý do. Máu cần cho sự thanh tẩy,[14] mà nếu không có, con người không thể đến gần Thiên Chúa. Cũng vậy, đi vào một giao ước với lời mời gọi của Thiên Chúa đòi hỏi hành vi từ phía con người. Điều này chỉ có thể thông qua cái chết và đổ máu.[15]

9,15-22 giới thiệu một yếu tố khác qua việc sử dụng phạm vi ý nghĩa của một từ:diatheke. Thuật ngữ chuyên môn này có nghĩa là thoả ước (covenant) và/hay di chúc (testament) (liên quan đến việc thừa kế hay một ý muốn). Cái chết của Đức Kitô được nối kết với ba yếu tố. Đó là việc đền bù để thanh tẩy tội lỗi, thiết lập giao ước mới và đem lại một quyền thừa kế mới. Hành động duy nhất của Đức Kitô đã bãi bỏ sự cản trở của tội lỗi ngăn chặn việc thiết lập một giao ước thực sự. Nó đưa nhân loại đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua vị trung gian hoàn hảo. Hơn nữa, nó mặc khải kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại như là thừa kế lời hứa, nhưng bây giờ mới được hoàn tất.

[A'] 9,23-28: Tầm mức mới của thờ phượng. Kết quả của hy tế này, đã dâng lên và được chấp nhận, là Lều hay Cung Thánh mới. Lều hay cung thánh này không phải do con người làm ra hay chỉ rập khuôn một cái có thật (9,24) như trước đây. Đây thực sự là Thánh Điện đích thực của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại những miêu tả về Thánh điện trong Cựu ước có hai gian. Gian thứ nhất là nơi chuẩn bị, và gian thứ hai là nơi Cực Thánh. Cả hai phần đều là những hình ảnh và chúng phải biến mất. Với Đức Kitô và hy tế hoàn hảo của Ngài, chúng đã bị bãi bỏ.

Ở đây, chúng ta thấy sự nối kết trực tiếp với một truyền thống cũng có trong Tin Mừng. Sự phục sinh được nối kết với sự phá huỷ và dựng Đền Thờ. Trong Ga 2, nó được trình bày rõ ràng (Ga 2,21 -22). Trong Mt và Mc sự phá huỷ được nối kết với việc tôn vinh Đức Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa (Mt 26,61.64; Mc 14,58.62). Sau cái chết và phục sinh của Đức Kitô không cần tới “Lều” hay thánh điện nữa, bởi vì thân thể phục sinh của Đức Kitô đã thay thế. Ngài bước vào nơi hiện diện của Thiên Chúa trong sự hiệp thông vĩnh cửu. Thông qua thân xác con người chết và phục sinh của Ngài, các tín hữu cũng có thể đi vào. Jean Galot triển khai điều này một cách độc đáo khi cho rằng việc xây dựng đền thờ mới này ẩn ý một chức tư tế mới.[16]

  1. Sự hoàn tất viên mãn

Trong các chương sau đó,Thư gởi tín hữu Hippri tiếp tục nhấn mạnh hy tế của Đức Kitô là siêu vượt trên mọi hy tế trước đây. Điều này không có ý là một sự phát triển mang tính biểu tượng hay thi phú nhưng là điều tác động thực sự trên mỗi hữu thể con người thông qua quyền năng biến đổi của nó. Vanhoye nói:

Người ta cần phải cẩn trọng khi nói tác giả Thư Hippri đang sử dụng lối “ẩn dụ” khi áp dụng danh hiệu Thượng Tế cho Đức Kitô và đặt tên “hy tế” cho cuộc khổ nạn vinh quang của Ngài. Quan điểm của ông hoàn toàn ngược lại: chính trong Cựu ước mà chức tư tế và hy tế được dùng với nghĩa ẩn dụ, khi chúng áp dụng một hình ảnh bất toàn mang tính biểu tượng, trong khi đó, mầu nhiệm Đức Kitô những lời văn đạt tới ý nghĩa thực sự của chúng, với sự hoàn tất viên mãn.[17]

Những Kitô hữu tiên khởi đã không đồng nhất Đức Kitô với các tư tế hay thượng tế thời bấy giờ. Chức tư tế của Đức Kitô đã chuyển sang một phạm vi mới tận căn. Nó để lại sau lưng thẩm quyền của lề luật về gia đình thượng tế trong nhân tính của Đức Kitô. Hơn nữa, và quan trọng hơn rất nhiều, nó đã vượt xa vai trò tế tự của các tư tế Cựu ước và nó hoàn toàn xoá bỏ thiết chế ấy. Hay nói cách khác, nó hoàn tất việc tế tự Cựu ước. Tư tế mới này không chỉ là một công cụ tuyên lời sấm của Thiên Chúa, Ngài không đơn thuần là cái máy trình bày ý muốn Thiên Chúa, Ngài không đơn thuần là máng truyền những phúc lành của Thiên Chúa. Hơn ai hết, Ngài là người đã thực hiện những nghi lễ phân tách vĩ đại hơn thông qua việc thanh tẩy để đi vào nơi hiện diện của Đấng Thánh. Thân thể phục sinh của Ngài là chính Thiên Chúa, Đấng ban lề luật và nguồn gốc của mọi phúc lành, đồng thời cũng là con người đã được biến đổi một cách viên mãn thực sự. Mức độ trung gian này là không thể trong chế độ Cựu ước. Điều này được đạt tới bởi hy tế hoàn hảo của Ngài thông qua cuộc khổ nạn – dâng hy tế và phục sinh – chấp nhận.

Đây không chỉ là chức tư tế bị xoá bỏ thông qua hy tế của Đức Kitô. Đền Thờ được khép lại vào một giao ước vĩnh cửu và mới được giới thiệu. Thân xác phục sinh của Đức Kitô là Đền Thờ mới và giao ước mới. Việc phụng tự của Đức Kitô thay thế mọi nghi lễ khác.

Đức Kitô là tư tế trung gian tối cao bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa dâng hy tế lên Thiên Chúa là Cha, thông qua toàn bộ đời sống và cái chết của Ngài, trong sự Phục Sinh và Thăng Thiên, được chấp nhận.

Trích Tập san HiệpThông / HĐGM VN, Số 97 (Tháng 11 & 12 năm 2016)

 

 

[1] Cha Luiz Ruscillo, là Giám đốc về Giáo dục của giáo phận Lancaster, là cha xứ ở Hornby và Kirby Lonsdale. Ngài đã có nhiều nghiên cứu về chức Tư Tế của Đức Kitô trong quan niệm của Giáo hội sơ khai.

[2] Mt 8,4; 12,4.5; Mc 1,44; 2,26; Lc 1,5; 5,14; 6,4; 10,31; 17,14; Ga 1,19.

[3] Có nhiều quy chiếu về điểm này.

[4] 1 Pr 2,5.9; Kh 1,6; 5,10; 20,6.

[5] “Đức Kitô là Chiên Vượt qua của chúng ta” trong 1 Cr 5,7; “Thiên Chúa ban Đức Kitô cho chúng ta như hy tế đền tội” trong Rm 3,25; “Anh em được cứu thoát nhờ máu châu báu của Con Chiên” trong 1 Pr 1,18-20; “Đức Kitô hy sinh chính bản thân mình vì chúng ta” trong  Gl 2,20 và Ep 5,2;“Nhờ những thương tích của Ngài mà anh em được chữa lành trong 1 Pr 2,21 -24.

[6] Nhiều đoạn sau đây được trích từ hai tác phẩm lớn và có uy tín trong lãnh vực này: Ancient Israel: Its Life and institutions, R. de Vaux, DLT 1961; Jerusalem in the Time of Jesus, J Jeremias, SCM 1969.

[7] R de Vaux, op. cit, p 357.

[8] Am 4-5 là một ví dụ trong số nhiều ngôn sứ nơi dân chúng bị ngược đãi/đánh đập/ trừng phạt vì dâng hy tế mà chỉ có hành động bên ngoài, không có tâm tình bên trong cần thiết.

[9] Nhiều học giả quan niệm về điều này.

[10] Có nhiều điểm nối kết giữa thư 1 Clement với Thư Hippri.

[11] Nhiều đoạn chú giải sau đây được trích từ Old Testament Priests and the New Priest, A. Vanhoye, St Bede's Publications, 1986.

[12] Có một lập luận tương tự liên quan đến Lề Luật trong thư gởi tín hữu Galat. Cựu ước có giá trị như là một mô phỏng và mô hình của thực tại thần linh nhưng giờ đây nó đã bị vượt qua (Gl 4,1 -11).

[13] Xh 25,40.

[14] Có nhiều quy chiếu về điều này được tìm thấy trong sách Lêvi.

[15] Xh 24,3-8 diễn tả chi tiết diễn tiến một hy tế, và việc thanh tẩy bằng cách rảy máu.

[16] Theology of the Priesthood, Jean Galot (Ignatius Press, 1985).

[17] Old Testament Priests and the New Priest, A. Vanhoye, St Bede's Publications, 1986, p 208.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.