Chương trình đào tạo về Vai trò Lãnh đạo của Giáo dân tại Rôma

Chương trình đào tạo về Vai trò Lãnh đạo của Giáo dân tại Rôma

 
Chương trình đào tạo về Vai trò Lãnh đạo của Giáo dân tại Rôma

(WHĐ / Rôma, 08.08.2024) - Từ ngày 5 đến ngày 11/7/2024, The Lay Centre ở Rôma đã tổ chức khóa hè cho chương trình đào tạo về Vai trò Lãnh đạo của Giáo dân (Lay Leadership Program). Được đồng tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Mục vụ của Đại học Loyola Chicago (IPS), chương trình năm nay đã quy tụ 21 giáo dân trẻ đến từ nhiều quốc gia như Colombia, Đức, Guatemala, Hungary, Ấn Độ, Ý, Latvia, Lebanon, Bồ Đào Nha, Nga, Slovenia, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Khởi đầu đầy kỳ vọng

Quy tụ tại trụ sở của The Lay Center trong khuôn viên tu viện của Dòng Passionist, gần Đấu trường Colosseum, Rôma, chương trình bắt đầu vào chiều Thứ Bảy, ngày 5/7/2024 với buổi học về chủ đề What is Leadership? (Lãnh đạo là gì?) do cô Letty Garcia, phó giám đốc Sáng kiến Lãnh đạo tại Trường Kinh doanh Harvard (HBS), hướng dẫn. Các học viên đã được khám phá sự lãnh đạo chân thực của mình và cách mình chuyền tải câu chuyện cá nhân, hành trình phát triển bản thân. Buổi tối kết thúc với thánh lễ khai mạc chương trình do cha Douglas W. Marcouiller, SJ chủ sự, tạo nên một không khí linh thiêng và kết nối sâu sắc giữa các học viên.

Suy ngẫm về vai trò lãnh đạo của giáo dân

Ngày thứ hai tiếp nối với buổi thảo luận về vai trò lãnh đạo của giáo dân do tiến sĩ Filipe Domingues điều phối. Các học viên có cơ hội cùng nhau suy ngẫm về vai trò và sự tham gia của giáo dân trong Giáo hội ngày nay, với những thay đổi và thách thức mới. Như trong Hiến chế Lumen Gentium (1964), số 33 đã nêu rõ: “Người giáo dân cũng có thể được mời gọi góp phần trực tiếp hơn vào hoạt động tông đồ của hàng giáo phẩm bằng nhiều cách, giống như những giáo dân nam nữ đã từng lao nhọc trong Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, họ cũng có thể được hàng giáo phẩm bổ nhiệm vào một số công tác trong đời sống thiêng liêng của Giáo hội”. Đặc biệt, “tất cả giáo dân đều có nhiệm vụ cao cả là làm cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ngày càng được triển khai đến tất cả mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi. Vì thế, phải mở rộng đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy năng lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại”.

Ngoài ra, các học viên được tìm hiểu về vấn đề thông tin trong thế giới số ngày nay và cách giao tiếp hiệu quả để giảm thiểu sự phân cực xã hội. Các buổi thảo luận nhóm nhỏ tạo cơ hội cho học viên nhìn lại và chia sẻ về hành trình lãnh đạo của mình.

Khám phá tiếng gọi lãnh đạo

Ngày thứ ba bắt đầu với việc thảo luận để khám phá tiếng gọi lãnh đạo. Học viên được truyền cảm hứng từ câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Philadelphia, Hoa Kỳ vào tháng 9.2025: “Tương lai của Giáo hội đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nhiều từ phía giáo dân”. Các học viên đã cùng nhau phản tỉnh với câu hỏi: “Liệu chúng ta có được gọi để trở thành những vị anh hùng?” và phân tích trường hợp của Môsê khi Thiên Chúa gọi ông trở thành người dẫn đường cho dân Ngài thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Khi Thiên Chúa kêu mời, Ngài sẽ mang đến cho chúng ta những con người, những phương cách để giúp chúng ta thực hiện tốt công việc của mình. Kế đến, linh mục Mauritius Wilde, OSB giúp các học viên tìm hiểu về luật Dòng Biển Đức và cách áp dụng vào lãnh đạo trong cuộc sống hiện đại bắt đầu bằng việc lắng nghe một cách chú tâm.

Ngày thứ tư tập trung vào chủ đề về sự phân định và cuộc đối thoại linh thiêng, tiến sĩ Donna Orsuto, đồng sáng lập The Lay Centre, đã giúp các học viên khám phá đường lối và đặc điểm lãnh đạo của Thánh Inhaxiô và các tu sĩ Dòng Tên. Với sự khiêm nhường, hy vọng, chân thực, ý thức sâu sắc về mục đích và sự phân định, các nhà lãnh đạo Dòng Tên là những người chiêm nghiệm trong hành động, những người chú ý đến cách Thiên Chúa đang hành động trong cuộc sống của họ và đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Tương lai cho các nhà lãnh đạo giáo dân

Trong Tông huấn Christifideles Laici (Các Kitô hữu Giáo dân), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng các Kitô hữu giáo dân được Chúa mời gọi đặc biệt và được trao một sứ mệnh quan trọng đối với Giáo hội và thế giới. Ngài giải thích rằng phẩm giá của các Kitô hữu giáo dân, nhờ Bí tích Rửa Tội, không chỉ làm cho họ có một hình thức riêng biệt mà còn liên kết họ chặt chẽ với linh mục và tu sĩ. Điều này được phản ánh rõ ràng trong chương trình đào tạo về Vai trò Lãnh đạo của Giáo dân tại The Lay Centre, nơi các học viên khám phá ra rằng thế giới là “môi trường và phương thế cho ơn gọi Kitô hữu của người giáo dân”, vì chính trần thế được chỉ định để tôn vinh Chúa Cha trong Đức Kitô. Qua Phép Rửa, người giáo dân được kêu gọi hành động như men dậy từ bên trong, làm thánh hóa thế giới qua việc thực hiện nhiệm vụ của mình, đồng thời mang Chúa Kitô đến với người khác qua chứng tá của một đời sống sáng chói Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Như Thánh Phaolô tông đồ đã nhấn mạnh: “Hãy ở trước mặt Chúa, trong vị thế mình đang ở khi được kêu gọi” (1 Cr 7, 24).

Chương trình đào tạo về Vai trò Lãnh đạo của Giáo dân đã mang đến cho những người trẻ một trải nghiệm sâu sắc và phong phú, giúp họ tự tin hơn trong vai trò của mình trong tổ chức, Giáo hội và xã hội. Qua các giờ thảo luận, các nhóm nhỏ và hoạt động ngoại khóa, các học viên đã được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết, không phải là để trở thành nhà lãnh đạo tài ba nhưng để khám phá và phát triển các tố chất tiềm ẩn của chính mình nhằm phục vụ Giáo hội và xã hội một cách tốt hơn.

Đặc biệt, các học viên đã có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ Sơ Nathalie Becquart, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Sơ Becquart đã hướng dẫn các học viên thực hành đối thoại trong Thánh Thần và tìm hiểu các nét độc đáo trong Instrumentum laboris, tài liệu làm việc cho khóa họp thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành sắp tới vào tháng 10. Đây là một trải nghiệm quý báu, giúp các học viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của hiệp hành giữa các thành phần Dân Chúa trong Giáo hội, cũng như cách họ có thể đóng góp vào tiến trình này.

The Lay Centre, trung tâm giáo dân giữa Rôma

The Lay Centre được Donna Orsuto và Robert White thành lập vào năm 1986 tại Rôma, Ý, với mục tiêu tạo ra một cộng đồng học thuật và tâm linh dành cho các giáo dân Công Giáo và các Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới. Ban đầu, trung tâm hoạt động như một nơi lưu trú và hỗ trợ cho các sinh viên và học giả theo học tại các trường đại học giáo hoàng và viện thần học tại Rôma.

Qua hơn ba thập kỷ, The Lay Centre đã phát triển thành một tổ chức quốc tế uy tín, nổi bật với các chương trình đào tạo lãnh đạo và nghiên cứu liên tôn giáo. Chào đón hơn 270 sinh viên và học giả đến từ 64 quốc gia và 13 truyền thống tôn giáo khác nhau, bao gồm Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo và nhiều nhánh Kitô giáo khác. Trung tâm không chỉ cung cấp chỗ ở mà còn tổ chức các chương trình học tập, hội thảo và các hoạt động tâm linh nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các cá nhân.

Sứ mệnh của The Lay Centre là đức tin, học tập, đối thoại và cộng đồng. Với tinh thần Công Giáo, trung tâm này cam kết đào tạo giáo dân và thúc đẩy ơn gọi giáo dân trong Giáo hội và trên thế giới, đồng thời thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo và sự hiểu biết giữa các tôn giáo thông qua các chương trình đào tạo và hội nghị. Với tầm nhìn dài hạn và sự tận tâm của các nhà sáng lập cùng đội ngũ quản lý, The Lay Centre đã và đang tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của giáo dân và cộng đồng Kitô giáo trên toàn cầu.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.