Đền thờ Thánh Phêrô và Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành

Đền thờ Thánh Phêrô

Ðền Thờ Thánh Phêrô là thành quả công trình tái thiết đầy công phu ngôi Ðền Thờ cổ kính do Hoàng Ðế Costantino kiến thiết vào năm 320. Ðể xây Ðền Thờ mới, người ta đã mất khoảng 120 năm, tính từ đầu thế kỷ 16, dưới sự điều khiển của 12 kiến trúc sư, trong đó có những người nổi tiếng như Bramante, Michelangelo, Raffaello và Maderno. Cả Ðền Thờ cũ cũng như Ðền Thờ mới đều được xây trên mộ của Thánh Phêrô tông đồ, được an táng trên sườn đồi Vatican, trong khu vực nghĩa trang cạnh hí trường của Hoàng Ðế Nerone. Mái vòm to lớn của Ðền Thờ Thánh Phêrô do Michelangelo vẽ kiểu nhìn xuống thành Roma, trở thành điểm hội tụ lý tưởng nhắc nhớ ngôi mộ đơn sơ của Thánh Phêrô, là Ðá Tảng trên đó Chúa Kitô đã xây dựng Giáo hội của Ngài.

Hàng cột vòng do kiến trúc sư Bernini thiết kế giống vòng tay mở rộng như một dấu hiệu tiếp đón yêu thương, nhấn mạnh ý tưởng Mẹ Giáo hội, trong Chúa Kitô, trở thành một cộng đoàn các anh chị em, thuộc nhiều dân nước khác nhau.

 

  1. Ðền Thờ Thánh Phêrô thời Hoàng Ðế Costantino

 

Trong khu vực hí trường của Hoàng Ðế Nerone, giữa sông Tevere, đồi Gianicolo và Vaticano – nơi mà Hoàng Ðế La Mã đã ra lệnh hành hình các tín hữu Kitô, – theo truyền thống, cũng là nơi thánh Phêrô chịu tử đạo, và thi hài ngài được an táng tại nghĩa trang đó cùng với các vị tử đạo khác. Hí trường này do hoàng đế Caligola (37-41) khởi xướng và được Nerone (54-68) hoàn tất. Ban đầu hí trường được dùng làm nơi đua xe ngựa, và về sau làm nơi các giác đấu đánh nhau với các dã thú.

Ðức Anacleto, vị Giáo Hoàng thứ 3 của Giáo Hội, từ năm 77 đến 88, đã thiết lập một nhà nguyện nhỏ dâng kính Thánh Phêrô. Về sau, Hoàng Ðế Costantino cho thiết lập tại nơi đó ngôi thánh đường vĩ đại gồm 5 gian và tồn tại cho đến cuối thế kỷ 15.

Các văn sĩ thời đó kể lại: năm 324, Hoàng Ðế Costantino ngự xuống khu vực Vaticano với quân gia hùng hậu, và phủ phục trước mộ Thánh Phêrô, cởi bỏ hoàng bào, cầm chiếc xẻng lớn và chính ngài bắt đầu đào, xác định khu vực xây đại Vương Cung Thánh Ðường mới. Hoàng Ðế cũng đổ đầy và vác trên vai 12 giỏ đất như một cử chỉ tôn kính 12 Tông Ðồ. Con của ngài là Hoàng Ðế Costante đã được vinh dự hoàn tất công trình to lớn xây cất Ðền Thờ vào năm 349, sau 25 năm kiến thiết.

Các bức họa và hình khắc cổ kính cho thấy Ðền Thờ do Hoàng Ðế Costantino xây cất không khác lắm so với các Vương Cung Thánh Ðường Kitô khác ở Roma, xét về cơ cấu kiến trúc. Nhưng qua các thế kỷ, Thánh Ðường này càng trở nên phong phú nhờ sự quan tâm đặc biệt của các vị Giáo Hoàng cũng như của các ông hoàng Ý và nước ngoài.

Sự biến cải Ðền Thờ Thánh Phêrô diễn ra qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong 12 thế kỷ, Ðền Thờ này được trang điểm phong phú hơn với những bức tường được gắn cẩm thạch, các bàn thờ được tô điểm hơn, và các hậu cung Ðền Thờ được trang trí bằng những bức tranh khảm. Ðá cẩm thạch quí giá được gỡ từ các đền đài dinh thự ngoại giáo hoặc được đưa từ Ðông Phương về, các gỗ hương được cắt từ những rừng xứ Liban, kim loại bóng loáng, những cánh cửa đồng từ vùng Bizantine với vải vóc do các thương gia miền Venezia nhập cảng, các men từ các công xưởng miền Lomoge, kiếng từ vùng Renana, các bức thảm từ Thổ Nhỉ Kỳ, Arập Sicilia, vải vóc của Ý, Anh, Tây Ban Nha, các đèn và bình hương bằng vàng bạc, tất cả được dùng để trang trí cho Ðền Thờ, nhà dành cho Linh Mục, cũng như các nhà nguyện, bàn thờ và các tượng đài khác.

Các Hoàng Ðế và Vua Chúa đến Ðền Thờ Thánh Phêrô để được các Ðức Giáo Hoàng phong vương: Carlo Ðại Ðế là vị đầu tiên được Ðức Leo III (795-816) đội triều thiên tấn phong vào dịp lễ Giáng Sinh năm 800. Sau khi chào Hoàng Ðế với danh hiệu “Carlo Augusto Ðại Hoàng Ðế Thái Bình của dân Roma”, ÐGH dùng dầu thánh xức cho Hoàng Ðế và thắt gươm cho ông giữa tiếng reo vui mừng của người Pháp và Ý. Sau vị Ðại Ðế này, những người kế vị ông là Lotario và Ludovico II, và bao nhiêu vị khác cho đến Federico III đều được phong vương trước mộ Thánh Phêrô Tông Ðồ. Cũng như hòn đá ở Campidoglio (nay là Tòa Ðô Sảnh Roma), giữ gìn tinh hoa sống động nhất của tinh thần Roma trong thời Trung Cổ và Phục Hưng, tảng đá phủ thi hài Thánh Phêrô được coi là nơi cực thánh của thế giới Kitô giáo, được bao nhiêu tín hữu sùng mộ, hầu như hơn cả Thánh Mộ ở Giêrusalem.

 

  1. Xây Ðền Thờ Thánh Phêrô mới

Vaticano chỉ là nơi các vị Giáo Hoàng cư ngụ từ năm 1377 và trước khi giáo triều được chuyển sang Avignon (1309-1377) miền nam nước Pháp, dinh của các vị Giáo Hoàng tọa lạc tại Laterano.

 

Trong 73 năm Ðức Giáo Hoàng ở Avignon, Ðền Thánh Phêrô bị bỏ hoang đến độ hầu như không thể trùng tu được. Thực vậy, sau một ngàn năm huy hoàng, Ðền Thánh Phêrô do Hoàng Ðế Costantino xây bắt đầu có những dấu hiệu tàn lụi, nhất là nơi các bức tường, đặc biệt là những tường phía nam. Những tường này được xây trên những gạch vụn của hí trường và các dinh thực cổ kính khác.

Vì thế, các vị Giáo Hoàng đã nảy ra ý tưởng xây lại hoàn toàn một Ðền Thờ mới. Nói đúng ra, không phải chỉ vì nhu cầu cần phòng ngừa nguy cơ Ðền Thờ cũ sụp đổ, nhưng còn vì tinh thần thời đó không nhận ra nơi Thánh Ðường cũ kỹ ấy sự huy hoàng vĩ đại như thời Phục Hưng đòi hỏi. Ðức Giáo Hoàng Nicolo V (1447-1455) là người đầu tiên đã đi tới quyết định tiến hành việc xây Ðền Thánh Phêrô mới, và ủy thác cho kiến trúc sư Bernardo Rossellino nhiệm vụ xúc tiến. Theo dự án của nhà kiến trúc này, Ðền Thờ mới có một cổng phía trước và có hình thánh giá Latinh, với một mái vòm lớn ở giữa và khu hậu cung có hình bán nguyệt.

Sau khi phá hủy một số phần của Ðền Thờ, người ta bắt đầu xây khu hậu cung Ðền Thờ mới. Nhưng Ðức Giáo Hoàng Nicolo qua đời vào tháng 3 năm 1455, nên công trình xây cất bị ngưng lại. Các vị kế nghiệp dường như từ bỏ ý tưởng xây Ðền Thờ mới, và chỉ nghĩ tới việc trang trí và phong phú hóa Ðền Thờ cũ. Mãi cho đến thời Ðức Giáo Hoàng Giulio II della Rovera (1503-1513) mới tiếp tục công trình bị bỏ dỡ dang, do ý muốn tìm một chỗ xứng đáng cho lăng tẩm của mình, và Michelangelo dã trình bày họa đồ cho ngài. Khi Michelangelo tới Ðền Thánh Phêrô xem nơi nào có thể đặt mộ của ÐGH Giulio II, ông thấy nơi thích hợp nhất chính là khu hậu cung mới do Ðức Nicolo V khởi công xây cất và ông khuyên Ðức Giáo Hoàng tiếp tục xây cất. ÐGH hỏi phí tổn sẽ là bao nhiêu, Michelangelo trả lời là 100 ngàn đồng vàng. Ðức Giulio đáp: “Hãy làm với 200 ngàn đồng”, và ngài sai hai kiến trúc sư San Gallo và Donato Bramante đi xem địa điểm, và ngài muốn xây lại Ðền Thờ hoàn toàn mới.

Khi Bramante nhận lệnh của ÐGH Giulio II (1503-1513) phá bỏ Ðền Thờ cũ để xây Ðền thờ mới, tức là Ðền Thánh Phêrô ngày nay. Dân Roma kinh ngạc theo dõi việc phá Ðền Thờ cũ và họ đặt tên cho ông Bramante là “Kiến trúc sư phá nhà”.

Trong những năm ấy, nhiều dự án nối tiếp nhau, cho đến khi Michelangelo lúc đó đã gần 70 tuổi, bắt đầu xây mái vòm. Sau khi Michelangelo qua đời (1564), 4 kiến trúc sư khác tiếp tục. Mặt tiền do Carlo Maderno làm xong năm 1614.

Ngày 18-11-1626, Ðức Giáo Hoàng Urbano VIII thánh hiến Ðền Thờ mới, nhân kỷ niệm 1300 năm thánh hiến Ðền Thờ do Hoàng Ðế Costantino thiết lập.

Về sau, kiến trúc sư Giuseppe Valadier đã thực hiện hai đồng hồ ở mặt tiền đền thờ vào năm 1822. Dưới đồng hồ bên trái có quả chuông chu vi 7.2 mét, nặng 9.3 tấn.

III. Vài Ðặc Tính Của Ðền Thờ

  1. Ðền Thánh Phêrô vẫn được coi là thánh đường có kích thước lớn nhất thế giới Kitô giáo. Theo kiến trúc sư Giuseppe Valadier (1812): từ nền tầng hầm Ðền Thờ tới mái vòm cao 136 mét, từ nền Ðền thờ là 133 mét. Nguyên diện tích đền thờ, không kể nhà mặc áo, có diện tích hơn 2 hécta, tức là 22,067 mét vuông. Mặt tiền đền thờ, giống như một sân bóng đá, cao 46 mét và chiều ngang 115 mét. Các coat cao gần 29 mét, đường kính 2.65 mét. Tiền đường từ vòng cung Carlo Magno tới vòng cung Costantino dài 140 mét. Chiều ngang đền thờ là 150 mét; chiều dài đền thờ là 187 mét (Ðền thờ Thánh Phaolô của Anh Giáo ở London dài 152.20 mét, nhà thờ Chính Tòa Milano dài 134.17 mét, nhà thờ Chính Tòa Cologne dài 132 mét, nhà thờ thánh Petronio ở Bologna dài 131.73 mét, đền thánh Phaolô ngoại thành ở Roma dài 126.64 mét). Ðền Thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi, nhưng thực tế, trong các đại lễ ÐTC cử hành, thường chỉ có 10 ngàn người ngồi dự lễ.

 

  1. Trong Ðền Thờ có 46 bàn thờ, bàn thờ cuối cùng được Ðức Piô 9 (1846-1878) thánh hiến ngày 16-1-1856. Có 9 bàn thờ dâng kính Ðức Mẹ dưới nhiều tước hiệu khác nhau.

Tầng hầm đền thờ: nền tương ứng với nền nguyên thủy từ thời hoàng đế Costantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Mộ của 147 trong tổng số 264 giáo hoàng cũng được đặt tại đây.

  1. Cửa Thánh. Trong số 5 cửa vào Ðền Thờ, có một cửa chỉ được mở ra vào Năm Thánh. Cửa năm Thánh 2000 đã được ÐTC mở trong đêm vọng giáng sinh 24-12-1999. Cửa này được đóng lại vào ngày 6-1-2001.
  1. Mái vòm Ðền Thờ có chu vi bên trong là 42.7 mét và chu vi bên ngoài là 58 mét, và cao 50.35 mét. Tính từ nền tới đỉnh cao nhất của mái vòm với thánh giá là 135.2 mét. Thánh giá trên đỉnh cao 4.87 mét và thanh ngang rộng 2.65 mét. Trọng lượng của mái vòm theo các nhà toán học Boscovich, Le-Leur và Lacquer, là 56,208,837.46 kílô.

Ngoài 2 cầu thang vòng mà các du khách leo lên mái vòm, còn có 9 cầu thang khác, 7 cái lớn và 2 cái nhỏ, mặc dù đi từ bên trong Ðền Thờ, nhưng đều dẫn tới cùng một đích điểm.

Bàn thờ chính của Ðền Thờ, được gọi là bàn Thờ Tuyên Xưng đức tin, được xây ngay bên trên mộ Thánh Phêrô theo lệnh của Ðức Clemente VIII (1592-1605). Bàn thờ có tán che và 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do Bernini thực hiện. Tượng các thiên thần ở trên mỗi góc cao 3.5 mét. Tán che đền thờ được khánh thành ngày 29-6-1633.

Dưới bàn thờ này, có một bàn thờ khác của Ðức Giáo Hoàng Callisto II (1119-1124), và bên dưới đó, lại có một bàn thờ khác nữa của Ðức Gregorio Cả (590-604). Ði xuống sâu hơn, người ta gặp một khối hình vuông, bọc cẩm thạch trắng và đá vân đỏ. Ðó là đài do Hoàng Ðế Costantino thực hiện để kính nhớ Thánh Phêrô Tông Ðồ và có lẽ trong dịp lễ tưởng niệm chiến thắng của ông tại Cầu Milvio ngày 28-10-312.

  1. Tượng thánh Phêrô bằng đồng, có từ thế kỷ 13, được tôn kính trong Ðền Thờ: chân phải của ngài bị mòn nhiều vì sự hôn kính của hàng triệu tín hữu qua dòng thời gian, kể từ khi Ðức Piô IX ban ân xá 50 ngày cho những ai hôn chân này sau khi đi xưng tội.

Theo một truyền thống cổ kính, ngày 29-6 mỗi năm, lễ thánh Phêrô, người ta mặc phẩm phục giáo hoàng cho tượng thánh Phêrô. Năm 1798-1799, lễ nghi mặc áo bị chính quyền cộng hòa cấm, tạo nên sự bất mãn rất lớn nơi dân Roma, vốn rất trung thành với truyền thống, khiến cho bộ trưởng tư pháp phải cho mặc áo, ngoại trừ chiếc mũ ba tầng.

  1. Tượng Ðức Mẹ Sầu Bi (Pietà) – ở bên tay phải, khi mới bước vào Ðền Thờ -, bằng cẩm thạch trắng, diễn tả Mẹ Maria đang ẵm xác Chúa Giêsu từ trên thánh giá mới tháo xuống, do Michelangelo thực hiện năm 1500 khi mới 25 tuổi và là tác phẩm duy nhất mang chữ ký của ông. Tên ông được khắc vào vệt áo băng qua ngực Ðức Mẹ. Cho đến năm 1972, du khách có thể đến gần ngắm tượng, nhưng một người điên Hungari, quốc tịch Úc, đã leo qua rào dùng búa đập vào tượng nhiều lần trước khi bị cản lại. Mũi Ðức Mẹ bị đập vỡ. Người ta thu thập các mảnh vở và gắn lại. Hiện nay người ta đặt kính chắn đạn để bảo vệ kiệt tác nghệ thuật này, nhưng khách viếng thăm cũng khó chiêm ngưỡng pho tượng này hơn so với trước kia.
  1. Trong số ngôi mộ của các nhân vật trong Ðền Thờ thánh Phêrô, có 3 phụ nữ là nữ bá tước Matilde di Canossa, hoàng hậu Cristina Thụy Ðiển, và Maria Clementina, hoàng hậu Anh Quốc. Hoàng Hậu Cristina thoái vị sau khi trở lại Công Giáo và được mời tới sống trong triều đình Giáo Hoàng và qua đời tại Roma năm 1689. Tượng trình bày cảnh bà chịu phép rửa lần thứ hai Innsbruck.
  1. Mặt Tiền Ðền Thờ

Mặt tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô được thực hiện trong vòng 8 năm trời với 700 công nhân và hoàn thành năm 1614.

Ðể chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, Ban Quản Ðốc Ðền Thánh Phêrô đã cho tu bổ toàn diện mặt tiền Ðền Thờ, lần đầu tiên kể từ khi được hoàn tất, không kể một lần thanh tẩy vào năm 1985 với kinh phí 2 triệu mỹ kim do Hội Hiệp Sĩ Colombo tài trợ. Lần thanh tẩy đó có nhiều thiếu sót vì dụng cụ không thích hợp.

Công trình thanh tẩy tu bổ toàn bộ được hoàn tất cuối tháng 9-1999 sau gần 2 năm rưỡi tiến hành, từ tháng 3-1997.

Trong giai đoạn đầu tiên, mấy chục chuyên viên đã sử dụng các dụng cụ tối tân để trắc nghiệm mặt tiền Ðền Thờ với phương pháp siêu âm, âm hưởng điện từ và kính hiển vi điện tử. Các kỷ thuật này từ lâu vẫn được ENI, Công ty dầu hỏa Ý, dùng trong lãnh vực dầu hỏa. Quang tuyến X được xử dụng để xác định cơ cấu phân tử của mặt tiền Ðền Thờ và những ô nhiễm. Tiếp đến, họ tẩy sạch lớp đá cẩm thạch trắng đã bị hoen ố, bụi bặm và khói xe bám vào với thời gian, bằng cách dùng các dụng cụ như máy xịt cát mịn, các vòi nước, hoặc các máy khoan nhỏ và máy cạo.

Việc thanh tẩy và tu bổ toàn diện là điều cần thiết vì không khí tại Roma bị ô nhiễm cao độ. Mặt tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô được xây bằng lớp đá cẩm thạch có những lỗ li ti rất dễ bị thương tổn vì những lớp sương mù trộn với khói xe ở Roma. Thêm vào đó, mưa át-xít cùng với mốc meo ở trong những lỗ nhỏ trên lớp đá tiếp tục ăn mòn các cột, các góc cạnh và 13 pho tượng trên mặt tiền Ðền Thờ. Vì thế, chỉ trong vòng 10 năm sau khi thanh tẩy, mặt tiền Ðền Thờ cũng đã bị hư hại nhiều và cần được chỉnh trang toàn bộ và sâu rộng hơn.

Một lý do khác khiến cho các vị hữu trách quyết định tiến hành việc tu bổ, đó là một cơ hội tốt đẹp nhân dịp Ðại Năm Thánh 2000, và đặc biệt là có sự tài trợ của ENI, Công ty dầu hỏa Ý có chi nhánh tại 80 quốc gia. Công ty này ý thức trách nhiệm của mình vì đã sản xuất và buôn bán dầu hỏa, nên cũng đã góp phần gây nên nạn không khí ô nhiễm làm hư hại mặt tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô, nên cũng cảm thấy có trách nhiệm phải góp phần sửa chữa thiệt hại bằng cách dành một phần tài nguyên kỹ thuật của mình cho công cuộc tu bổ này. Tổng số tài trợ lên tới 9 triệu mỹ kim.

  1. Quảng Trường Thánh Phêrô

Quãng trường Thánh Phêrô hình bầu dục, một chiều dài 196 mét, và chiều rộng 148 mét, với diện tích khoảng 4 hécta và có hàng cột vòng cung bao quanh như vòng tay chào đón tín hữu. Hàng cột này do kiến trúc sư Bernini kiến thiết, tổng cộng có 284 cột, mỗi bên 142 cột, đường kính ở vòng lớn nhất đường kính 1.45 mét. Các cột được xếp thánh hàng 4, với 3 lối đi, lối giữa rộng nhất. Hàng cột cao 18.60 mét, bên trên có 140 pho tượng, cao 3.24 mét do các môn đệ của Bernini thực hiện trong khoảng thời gian từ 1656 đến 1667.

Từ cây tháp bút ở giữa quảng trường tới mặt tiền Ðền Thờ có khoảng cách 191 mét, trong khi khoảng cách giữa hai tượng thánh Phêrô và Phaolô là 76.73 mét.

Trên mặt tiền Ðền Thờ, có các pho tượng cao 5.65 mét. Các tượng này nếu nhìn gần thì thấy rất là thô kệch và sơ sài. Nhưng chúng được tạc để nhìn từ xa.

  1. Tháp Bút

Tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô là một khối đá hình kim tự tháp bằng đá vân cương đỏ ở Ðông Phương, thoạt đầu được Caio Cornelio Gallo, tổng trấn Ai Cập, dựng lên để tôn vinh bản thân. Về sau được Eliopoli đưa về Roma theo ý muốn của hoàng đế Nerone, với mục đích tuyên dương hí trường do ông khởi xướng. Tháp bị đổ và bỏ rơi trong nhiều thế kỷ, cho đến khi được một vài vị Giáo Hoàng để ý tới (Nicolo V 1447-1455, Phaolô II 1464-1471, Phaolô III 1534-1549). Các vị muốn cây tháp này được đặt trước Ðền Thờ Thánh Phêrô, nhưng sự khó khăn trong việc di chuyển và dựng tháp khiến cho nhiều kiến trúc sư nản chí, mãi cho đến đời ÐGH Sisto V (1585-1590), dự án đó mới thành hình.

Tháp được khởi công di chuyển ngày 30-4-1585 và được dựng tại quảng trường ngày 10-9-1585. Công trình này đòi sự hợp lực của hơn 900 người, với 140 con vật và dùng 47 cần trục cùng với 5 đòn bẩy thật mạnh. Qui luật được ban hành trong công trình dựng tháp là các công nhân phải tuyệt đối giữ im lặng và chỉ được nhận lệnh từ kiến trúc sư Domenico Fontana mà thôi. Ngoài ra, dân chúng hiếu kỳ không được đến gần. Ðức Sisto V còn ra lệnh phạt tử hình những người vượt quá ranh giới, và gây tiếng ồn ào.

Theo một lưu truyền từ năm 1770, trong khi tiến hành công việc, thì những sợi dây thừng đỡ tháp bút bắt đầu giãn ra và có nguy cơ bị đứt. Tình trạng thật nguy hiểm. Một trong những người thợ là ông Bresca, vốn là một thủy thủ đã quen với các dây chão, ông ta hô lớn: “Hãy đổ nước vào các dây thừng”. Nhận thấy tình trạng nguy ngập, kiến trúc sư Domenico Fontana vội ra lệnh thi hành ngay lời khuyên đó, và tai nạn được tránh thoát.

Sau khi hoàn thành công việc dựng tháp, thủy thủ Bresca ấy đã được thưởng thay vì bị tử hình. Ông được triệu tới trước mặt ÐGH và ngài yêu cầu ông hãy xin một ơn. Ông Bresca đã xin cho mình và dòng dõi được đặc ân cung cấp lá dừa cho Tòa Thánh để làm lễ nghi Chúa Nhật Lễ Lá. Lời thỉnh cầu được chấp nhận và ngày nay gia tộc Bresca ở miền Liguria vẫn cung cấp lá dừa cho Vaticano.

Năm 1586, Ðức Sisto cho đặt trên tháp một cây thánh giá lớn bằng sắt, trong có chứa mảnh thánh giá thật của Chúa Giêsu. Ở bệ tháp có khắc chữ: “Ðây là thánh giá của Chúa. Các quyền lực đối nghịch hãy trốn chạy. Sư tử của chi tộc Giuda đã chiến thắng”. Ngoài ra còn có câu: “Chúa Kitô chiến thắng. Chúa Kitô hiển trị. Chúa Kitô thống trị. Chúa Kitô bảo vệ dân ngài khỏi mọi nghịch cảnh”.

Tổng cộng từ bệ lên tới đỉnh tháp bút cao 41.23 mét và nặng 312 tấn.

Hai bên có hai bể nước (fontaine) khổng lồ giống nhau, mỗi phút có 38,400 lít nước đổ vào. Vòi nước phun có thể lên cao 14 mét.

VII. Mộ Thánh Phêrô

Như đã nói trên, khu vực xây Ðền Thờ Thánh Phêrô trước kia là một nghĩa trang thời La Mã, và được khám phá trong thập niên 1930, được khai quật trong hai đợt: từ 1939 đến 1949, rồi từ 1953 đến 1958. Hai hàng nhà mồ với những hốc mộ được khám phá, với rất nhiều bích họa, tranh khảm, cùng với một khu vực với những ngôi mộ đơn sơ hơn.

Các cuộc khai quật dưới Bàn Thờ tuyên xưng Ðức Tin đưa tới sự khám phá mà Ðức Phaolô VI tuyên bố ngày 26-6-1968: “Hài cốt thánh Phêrô được nhận diện đến độ chúng tôi coi là có lý”.

Từ đó đến nay, công việc này vẫn được tiếp tục và đồng thời cũng được mở cho các du khách thăm viếng kể từ năm 1975. Nhưng trong những thập niên gần đây, nghĩa trang dưới Ðền Thờ Thánh Phêrô đang bắt đầu có lỗ và bị lở. Theo các chuyên gia, một vấn đề lớn là sức nóng do hệ thống đèn điện cùng với sức nóng do cơ thể của 250 du khách mỗi ngày đến viếng thăm phát sinh ra. Sức nóng đó làm nảy sinh rêu và mốc từ tường của các ngôi mộ, đồng thời tạo nên các lỗ nhỏ, các nấm mốc, muối và dần dần làm hư hỏng các di tích lịch sử này. Thực tế là nhiều bức bích họa vẽ trên tường các ngôi mộ cổ dưới Ðền Thờ Thánh Phêrô đã bị phai nhạt, cùng với các hàng chữ viết trên tường. Một số nhà mồ trước kia được mở cho du khách thăm viếng, nay bị đóng lại, vì bị hư hỏng. Một phần của nghĩa trang ở dưới mức sông Tevere gần đó, nên sự ẩm thấp là một vấn đề liên tục, nhất là ở khu vực phía đông của nghĩa trang.

Ðể góp phần tu bổ và cứu vãn mộ Thánh Phêrô cũng như các ngôi mộ khác, công ty điện lực của Ý, tên là ENEL, đã tình nguyện tài trợ dự án với phí tổn khoảng 1 triệu 700 ngàn mỹ kim. Trong những năm gần đây, Công ty ENEL đã góp phần tài trợ việc thiết lập các hệ thống đèn điện cho các đền đài công cộng và nhiều nhà thờ tại Ý. Những ngân khoản đó được rút tù số tiền lời do sự gia tăng tiêu thụ năng lượng điện ở nước này.

Dự án tu bổ Mộ Thánh Phêrô và cải tiến việc bảo trì nghĩa trang bên dưới Ðền Thờ kéo dài nhiều năm trời, và trong giai đoạn thứ nhất, cho tới tháng 11 năm 1999, có biện pháp giới hạn số người thăm viếng nghĩa trang dưới hầm Ðền Thờ Thánh Phêrô. Trong Năm Thánh 2000, việc viếng thăm đang được mở lại theo mức độ cũ, rồi sau đó, lại bị giới hạn. Hãng ENEL dùng những kỹ thuật tân kỳ nhất để thẩm định đầy đủ tất cả những vấn đề của nghĩa trang dưới Ðền Thờ Thánh Phêrô, thiết lập thành hồ sơ. Tiếp đến các kỹ sư đề ra phương thức để giảm bớt tối đa sự thay đổi nhiệt độ trong khu vực này, và đồng thời kiến thiết một hệ thống đèn điện mới, cùng với hệ thống an ninh.

Cho đến nay, số người viếng thăm Nghĩa Trang bên dưới Ðền Thờ Thánh Phêrô tương đối ít ỏi, và nhiều du khách không biết là có khu vực này. Ðể viếng thăm, cần phải giữ chỗ trước tại Văn Phòng khai quật của Vaticano, và có người hướng dẫn từng nhóm đi thăm.

Tuy số người viếng thăm ít ỏi, nhưng các chuyên viên công ty ENEL cho rằng 250 người mỗi ngày kể là quá nhiều. Họ đề nghị rằng trong tương lai, một hệ thống bằng máy điện toán các ngôi mộ trong nghĩa trang dưới Ðền Thờ Thánh Phêrô sẽ được dùng để trình bày cho phần lớn các du khách, thay vì họ đích thân đi thăm các ngôi mộ như hiện nay.

Vào cuối công cuộc tu bổ, kinh nghiệm về các hoạt động này được trình bày trong 2 cuốn sách: một cuốn về mộ Thánh Phêrô được tu bổ và chiếu sáng, cuốn thứ hai về toàn bộ Nghĩa Trang Vaticano.

Cũng nên nhắc lại rằng, trong ngày kỷ niệm một năm lên ngôi Giáo Hoàng, 16-10-1979, chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho mở một cổng cao 2.5 mét rộng 2.3 mét để các tín hữu có thể bước vào mộ Thánh Phêrô dưới hầm Ðền Thờ.

VIII. Kết Luận

Tóm lại, kính viếng Ðền Thờ Thánh Phêrô là một cuộc gặp gỡ với 2 ngàn năm lịch sử Giáo Hội. Qua bao nhiêu thăng trầm của Ðấng kế vị Thánh Phêrô không ngừng nâng đỡ đức tin của các anh chị em mình rải rác khắp nơi trên thế giới, trong các giáo hội địa phương.

Thực vậy, chính vì thánh Phêrô đã tới Roma và mộ ngài được lưu giữ tại đây sau khi chịu tử đạo, nên các tín hữu cũng đã tới hành hương nơi đây, và ÐGH người kế vị thánh Phêrô cũng ở gần mộ tiền nhiệm tiên khởi của ngài. Cả hai sự kiện có cùng một nguồn gốc. Ngoài ra, nơi xây Ðền Thờ không phải được chọn một cách tuỳ ý, nhưng chủ ý được xây trên mộ của Thánh nhân, và điểm hội tụ của Thánh Ðường này chính là nơi được gọi là “Bàn Thờ tuyên xưng đức tin”, ngay trên mộ của Thánh Phêrô.

Ngày 4 tháng 7 năm 1979, khi mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô lần đầu tiên ở Roma, ÐTC Gioan Phaolô II nói rằng: “Tại đây, trung tâm của chính Giáo Hội, mầu nhiệm của ơn gọi đặc biệt này đã dẫn thánh Phêrô từ hồ Genezareth đến Roma, và cũng dẫn theo Phaolô thành Tarsa, theo vết của Thánh Phêrô, mầu nhiệm ấy mạnh mẽ nói với chúng ta về thực tại lịch sử của ngài… Tất cả chúng ta đang sống trong cơn lốc của nền văn minh hiện đại, trong sự lo âu của đời sống tân tiến, chúng ta phải dừng lại đây và suy niệm về thể thức phát sinh Giáo Hội này, một Giáo Hội do ý Chúa, đã trở thành trung tâm và “thủ đô” của một sứ mạng rất cao cả: Giáo Hội mà tất cả các Giáo Hội khác đến đây hành hương, tìm thấy trong đó nền tảng sự hiệp nhất của mình… Sự kế nhiệm trên ngai tòa Giám Mục này có một ý nghĩa, không những đối với Giáo Hội địa phương ở Roma này, nhưng cho cả Giáo Hội hoàn vũ nữa, nghĩa là mỗi Giáo Hội địa phương đều thuộc về cộng đồng hoàn vũ. Tất cả điều đó có một ý nghĩa rõ ràng, thực vậy, chính Chúa Kitô đã ban cho Thánh Phêrô quyền cởi mở và đóng lại”.

Phúc Nhạc

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 269, tháng 5 năm 2000)

***

Ðền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành

Ðền Thánh Phaolô gọi là “ngoại thành” vì tọa lạc bên ngoài tường thành do Hoàng Ðế Aureliano xây cất năm 271 để bảo vệ thành Roma chống lại các cuộc tấn công của các lực lượng Man di. Thánh đường hùng vĩ chúng ta thấy ngày nay thật ra là Ðền thờ được tái thiết hoàn toàn sau khi trận hỏa hoạn dữ dội trong đêm 15 rạng ngày 16-7-1823 thiêu hủy toàn bộ Ðền Thờ huy hoàng được kiến thiết 15 thế kỷ trức đó.

Khi đi tới Ðền Thờ này ở ngoại ô Roma, tín hữu hành hương nhớ đến những thăng trầm của vị Ðại tông Ðồ dân ngoại (sinh năm 35 sau Chúa Kitô), các cuộc hành trình truyền giáo của ngài trong toàn vùng Ðịa trung Hải, những lá thư đầy nhiệt huyết ngài gửi tới các cộng đoàn Kitô mới được thành lập bấy giờ, đặc biệt là thư gửi giáo đoàn Roma được thánh nhân viết trong khoảng năm 57-58, trong đó nổi bật các đề tài ơn cứu chuộc, sự tiền định và ơn công chính hóa. Toàn thể đời sống Kitô giáo của chúng ta thấm đượm những tổng hợp đạo lý quan trọng nhất của thánh nhân: cuộc sống của chúng ta trong Chúa Kitô, hướng về Chúa Cha cùng với Thánh Thần của Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Chúa Phục Sinh và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta.

Ngoài ra, người ta cũng không thể tách rời hai thánh Phêrô và Phaolô, vì Roma được thiết lập trên hai Tông Ðồ cột trụ này. Cả hai đều chịu tử đạo tại đây. Và các tài liệu cổ kính nhất đã nói đến những cuộc hành hương của các tín hữu về Roma để kính viếng mộ của hai thánh nhân. Lịch sử Ðền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, tuy không phức tạp như lịch sử đền thờ Thánh Phêrô, nhưng cũng không kém thăng trầm, như hồi thế kỷ thứ 8, đền thờ bị cướp phá, sau đó đến lượt những người Hồi Giáo Sarrasins hồi thế kỷ thứ 9 cướp bóc, nhưng đền thờ được trùng tu ngay.

  1. Thánh Phaolô đến Roma

Thánh Phaolô thuộc một gia đình Do thái, định cư tại đảo Tarso, và có quốc tịch Roma. Sau các cuộc hành trình truyền giáo, ngài mang số tiền lạc quyên được tại các giáo đoàn về Jerusalem để trợ giúp Roma tại đây. Thánh nhân bị những người Do thái bách hại, nên bị bắt và dẫn giải tới Cesarea, trước quan tổng trấn Felice. Ông này giam thánh Phaolô 2 năm. Ngài nại lên hoàng đế Cesar vì là công dân Roma.

Mãi đến năm 60, thánh Phaolô mới tới Roma được, sau cuộc đắm tàu ở ngoài khơi đảo Malta. Từ năm 61 đến 63 ngài được tự do tạm, và có thể rao giảng, viết nhiều thư từ (thư gửi tín hữu thành Colosê, Ephêsô và gửi Philomene). Từ năm 63 đến 66, ngài có đi rao giảng tại Ðông phương hay Tây Ban Nha, không có gì chắc chắn. Ðiều chắc chắn là năm 66, ngài lại bị cầm tù ở Roma và bị xử trảm tại nơi gọi là Aquas Salvias, trên đường từ Roma tới Ostia năm 67. Thánh nhân không bị đóng đanh như Chúa Giêsu hay thánh Phêrô vì chém đầu là hình phạt “ưu tiên” dành cho công dân Roma.

Việc Thánh Phaolô đến Roma là do Thánh Thần Chúa thúc đẩy, như lời sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại: “Sau khi những sự kiện ấy xảy ra, Phaolô được Thánh Thần Chúa thúc đẩy, đi ngang qua miền Macedonia và Acaia, và đi Jerusalem. Ông nói: “Về đó rồi, tôi còn phải đi thăm Roma nữa”. (TÐCV 19,21)

Thánh Luca trong sách này cũng ghi lại sự tích thánh Phaolô từ đảo Malta đến Roma:

“Ba tháng sau, chúng tôi ra khơi trên một chiếc tàu đã qua mùa đông tại đảo; tàu này của thành Alexandria và mang huy hiệu hai thần Dioscuri. Chúng tôi ghé vào thành Syracura và ở lại đó ba ngày. Từ nơi ấy chúng tôi đi men theo bở biển và tới thành Regio. Ngày hôm sau có gió nam nổi lên, và sau hai ngày chúng tôi tới cảng Pozzuoli. Ở đây, chúng tôi gặp được những người anh em, họ mời chúng tôi ở lại với họ bảy ngày. Chúng tôi đến Roma như thế đó. Các anh em ở Roma nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Appio và Ba Quán đón chúng tôi. Thấy họ, ông Phaolô tạ ơn Thiên Chúa và thêm can đảm. Khi chúng tôi vào Roma, Ông Phaolô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông.

Ba ngày sau, Phaolô mời các thân hào Do thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta, hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jerusalem và bị nộp vào tay người Roma. Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Cesar; tuy vậy, không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Ðó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này.

Họ nói với ông: “Về phía chúng tôi, chúng tôi không nhận được thư nào từ Giuđêa nói về ông, cũng chẳng có ai trong các anh em đến đây báo cáo hoặc nói gì xấu về ông. Chúng tôi muốn được nghe ông trình bày ý nghĩ của ông, vì chúng tôi biết là phái của ông đến đâu cũng gặp chống đối”.

Họ hẹn ngày với ông, và hôm đó, đến gặp ông tại nhà trọ đông hơn. Ông trình bày cho họ và long trọng đến làm chứng về Nước Thiên Chúa; từ sáng đến chiều, ông dựa vào Luật Môisê và các ngôn sứ mà nói về Ðức Giêsu, để cố thuyết phục họ. Nghe ông nói, người thì được thuyết phục, người thì không chịu tin. Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phaolô chỉ nói thêm một lời: “Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ Isaia mà phán với cha ông anh em rằng: “Họ đến gặp dân này và nói: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

Vậy xin anh em biết cho rằng: ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gửi đến cho các dân ngoại; họ thì họ sẽ nghe. Ông nói thế rồi thì người Do thái đi ra, tranh luận với nhau sôi nổi”.

“Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (TÐCV 29,11-20).

Trong dịp bạo chúa Nero đốt thành Roma vào năm 64 và đổ tội cho các Kitô hữu, thánh Phaolô cũng bị tố cáo là thủ lãnh một phong trào tập thể làm phương hại cho nhà nước. Ngài lại bị bắt và giam tại nhà tù, rồi sau đó bị kết án xử trảm.

Theo chứng từ của Eusebio, thánh Phaolô tử đạo giữa tháng 7 năm 67 tới tháng 6 năm 68. Truyền thống nói rằng đầu thánh nhân nhảy lên 3 lầu trên sườn đồi và làm nảy sinh 3 giòng suối, đó là Tre Fontane hiện nay. Huyền thoại này được thánh Gregorio Cả chấp nhận (năm 604).

  1. Lịch sử Ðền Thờ Thánh Phaolô

Thi hài Thánh Phaolô được đặt trong ngôi mộ cạnh đường Ostiense, cũng như nhiều tội nhân bị kết án tử hình khác. Nhưng chẳng bao lâu mộ thánh nhân trở thành nơi hành hương và tôn kính của các Kitô hữu. Trên mộ ngài, người ta thiết lập một nhà tưởng niệm nhỏ (cella memoriae).

Theo sách Giáo Chủ (Liber Pontificalis), chính hoàng đế Costantino đã khởi công xây dựng một thánh đường trên mộ thánh Phaolô và được thánh hiến ngày 18-11-324 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Silvestro I (314-335). Kích thước của thánh đường nguyên thủy này tương đối nhỏ bé. Thánh đường to lớn hơn được xây cất tại nơi đó vào năm 386, tức là nửa thế kỷ sau khi hoàng đế Costantino qua đời. Các hoàng đế Valentiniano II, Teodosio và Arcadio bấy giờ viết cho Ðô Trưởng Roma Sallustio để được sự phê chuẩn của Thượng Viện và Nhân Dân Roma về dự án xây một đền thờ lớn, thay thế nhà thờ dâng kính thánh Phaolô, trước tình trạng các tín hữu hành hương kéo tới ngày càng đông đảo.

Công trình bắt đầu năm 390 và được hoàn thành dưới thời Hoàng Ðế Onorio vào năm 395. Thánh đường có 5 gian, có 4 hàng cột phân ra, gồm 80 cột bằng cẩm thạch. Ðó là thánh đường lớn nhất của Kitô giáo trước khi Ðền Thờ Thánh Phêrô được kiến thiết. Suốt trong 15 thế kỷ, Vương Cung Thánh Ðường này không ngừng săn sóc cẩn thận. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 5, thánh Giáo Hoàng Lêô Cả cho khởi sự một loạt các cuộc tu bổ và trang điểm đền thờ.

Thời Phục Hưng, Ðền Thánh Phaolô vẫn được để nguyên. Nhưng ngày 15 và 16-7-1823, do sự bất cẩn của một người thợ, Ðền Thờ bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn. Hai kiến trúc sư Bosio và Belli khuyên nên xây lại hoàn toàn mới Ðền thờ, họa lại mô hình của Ðền Thờ cũ. Giới văn hóa, chính trị ủng hộ Ðức Lêô XII để ngài khởi công xây cất lại và ngày 25-1-1825, ngài gửi thư “Ad plurimas easque gravissimas” mời gọi các Giám Mục mở cuộc lạc quyên nơi các tín hữu cho công trình tái thiết. Lời kêu gọi được các nơi hưởng ứng và nhiều người đã gửi tiền về Roma. Phó vương xứ Ai Cập tặng các cột bằng đá trắng và Nga Hoàng Nicola I tặng các khối đá làm hai bàn thờ ở hai gian bên.

Thánh đường mới được khánh thành năm 1854, nhưng trong thực tế, công trình tái thiết kéo dài 100 năm, và chỉ vào năm 1928, với việc xây cất 4 cổng 100 cột, kiến trúc sư do Guglielmo Calderini, Ðền Thờ mới được hoàn thành như ta thấy hiện nay.

Khuôn viên bên ngoài nhà thờ có 150 cột, tất cả đều là một khối duy nhất. Cửa đồng của Ðền Thờ là một kiệt tác của nghệ thuật Bizantine do Giovanni VII đặt làm ở Constantinople.

Ðền Thờ dài 136 mét, rộng 65 mét, và cao 29.7 mét. Thánh đường có 5 gian, được chia bằng 24 cột, có chân dung 264 vị Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho đến Ðức Gioan Phaolô II, nhắc nhớ sự liên tục của Huấn quyền Giáo Hoàng. Bức tranh khảm ở hậu cung Ðền Thờ do các nghệ sĩ miền Venezia hồi thế kỷ 13 thực hiện, diễn tả Chúa Kitô đang ngồi trên một ngai, giữa thánh Phêrô và Anrê ở bên phải, và thánh Phaolô và Luca ở bên trái.

Ở dưới chân ngài, ta thấy có hình nhỏ Ðức Giáo Hoàng Onorio III đang quì, cùng với vị tiền nhiệm Innocenzo III và người kế vị Gregorio IX, là những vị cho thực hiện bức tranh khảm ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng khánh thành Ðền Thánh Phaolô ngoại thành năm 1854, trước sự hiện diện của 185 giám mục, đến Roma để dự lễ tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.

Dưới bàn thờ chính hiện nay 1.37 mét, có một tấm đá bằng cẩm thạch mỗi chiều 2.12×1.27 mét, có ghi hàng chữ: “Paolo Apostolo Mart” (Dâng kính Tông Ðồ Phaolô Tử Ðạo). Theo một số người, bia này có từ thế kỷ thứ I, một số khác cho là từ nửa sau của thế kỷ thứ IV. Nhưng tấm bia này gồm nhiều miếng hợp thành. Ðây chính là mộ của thánh Phaolô Tông Ðồ.

Bên trên bàn thờ chính là một cái tán (ciborio) do nghệ sĩ Arnolfo di Cambio ở Roma thực hiện năm 1282. Cái tán này chỉ bị hư hại sơ trong trận hỏa hoạn năm 1823 và được trùng tu sau đó. Tại 4 góc của cái tán có 4 tượng nhỏ diễn ta các thánh Phêrô, Phaolô, Luca và Biển Ðức.

Tóm lại, khi viếng Ðền Thờ Thánh Phaolô được tái thiết, chúng ta hiểu hơn sự huy hoàng của phụng vụ Roma thời cổ xưa. Ở cuối hậu cung, có Ðức Giám Mục Roma ngồi, chung quanh có tất cả hàng giáo sĩ, các Giám Mục và Linh Mục, Phó Tế.

Trong gian dài, có 4 hàng cột bao quanh, hướng cái nhìn của chúng ta về bàn thờ, dân Chúa, sau phụng vụ Lời Chúa với những bài thánh ca, đi rước tiến đến trước mặt ÐGH và trao cho ngài với các cộng sự viên bánh và rượu trong phần dâng lễ. Lễ vật ấy, theo thói quen cổ kính, được dùng để nuôi hàng giáo sĩ và người nghèo. Sau đó, Dân Chúa lại tiến về Ðền Thờ để rước Mình, Máu Thánh Chúa Kitô, trước bàn thờ được xây dựng trên mộ của thánh Phaolô: một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha.

 

Phúc Nhạc

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 270, tháng 6 năm 2000)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.