ĐỜI SỐNG HỌC ĐƯỜNG – NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ CƠ HỘI CHO ĐỨC TIN CỦA SINH VIÊN CÔNG GIÁO NGÀY NAY
Lm. Titô Trần Nguyên Lãm
WHĐ (21.10.2020) – Nằm trong chương trình mục vụ ba năm dành cho Giới Trẻ (2020 – 2022), chủ đề cho Năm Mục Vụ 2020 được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khởi xướng là: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện[1].
Rõ ràng, giới trẻ luôn là mối quan tâm cách đặc biệt của Giáo Hội, nhất là tại Việt Nam, đất nước có cơ cấu dân số mà người trẻ chiếm một tỷ lệ khá cao. Họ không chỉ là tương lai của Giáo Hội và đất nước, người trẻ còn là hiện tại, là nhân tố góp phần xây dựng và làm phong phú thế giới. “Họ đang ở quãng đời bắt đầu phải gánh vác một số trách nhiệm, chia sẻ với người lớn trong việc xây dựng gia đình, xã hội và Giáo Hội.”[2] Bên cạnh đó, với hiện trạng của Việt Nam hôm nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ rời làng quê, giáo xứ của mình đến các đô thị lớn để học tập, cùng với những điều tích cực và kiến thức trau dồi được, họ cũng phải đối diện với những thách thức của hoàn cảnh mới, của môi trường mới. Từ đó đưa đến hệ luỵ là: một số không ít bạn sinh viên trở nên băn khoăn, thậm chí là hoang mang, khi đi tìm cho mình một hướng đi và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Trong bối cảnh đó, bài viết hy vọng được góp phần trong việc xác định những thách đố, khó khăn mà các bạn sinh viên Công giáo thường gặp phải; đồng thời, qua các giáo huấn của Hội Thánh, gợi mở cho các bạn khám phá ra những cơ hội lớn lao nơi quãng đời sinh viên trong việc củng cố và sống Đức Tin Kitô Giáo của mình.
- I. Những thách thức đối với đức tin của sinh viên Công giáo
Có lẽ chúng ta dễ dàng đồng thuận với nhau về tầm quan trọng của giáo dục trong đời sống con người và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển xã hội. Hơn thế nữa, thế giới chúng ta đang sống đã bước vào thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi mọi người, nhất là những người trẻ, nỗ lực và siêng năng trau dồi tri thức để có thể tiếp cận, làm chủ và phát minh những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ cho mọi lĩnh vực trong đời sống con người. Với ý nghĩa đó, việc tiếp thu một nền giáo dục chân chính, không chỉ là bổn phận nhưng còn là quyền lợi của tất cả mọi người. Công Đồng Vatican II đã từng minh định về vấn đề này:
“Tất cả mọi thành phần, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục, đáp ứng với sứ mệnh riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hoá và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hoà bình trên mặt đất.”[3]
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chính trị - xã hội hiện nay tại Việt Nam, công cuộc tiếp cận nền giáo dục và đào tạo phù hợp đôi khi gây ra một số thử thách cho niềm tin của giới sinh viên Công giáo.
I.1. Mâu thuẫn về hệ tư tưởng
Cho đến thời điểm hiện tại, giáo dục Công giáo chưa được phép tham gia một cách chính thức và sâu rộng vào hệ thống giáo dục – đào tạo cộng đồng tại Việt Nam, đặc biệt là ở cấp bậc cao đẳng và đại học. Ngoài những chủng viện, học viện và cơ sở đào tạo mang tính đặc thù, nhằm phục vụ cho các nhu cầu tôn giáo, giáo dục Kitô giáo khó có thể can thiệp vào môi trường học đường, nơi mà nội dung và chương trình giảng dạy được chi phối và ràng buộc bởi chính quyền. Vì thế dẫn đến một số mâu thuẫn trong suy tư và đời sống đức tin của sinh viên Công giáo.
Cụ thể như chương trình đại cương tại các trường cao đẳng và đại học: tất cả các sinh viên phải hoàn tất các môn học liên quan đến triết thuyết và tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là hệ tư tưởng được xây dựng trên chủ nghĩa duy vật, hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vấn đề là để đạt được kết quả cần thiết, đủ điều kiện cho quá trình học tập của mình, các bạn sinh viên phải làm bài hay phát biểu đúng như ‘giáo trình’ hay như những gì giáo sư truyền đạt. Đối với sinh viên Công giáo thì đây thật sự là một thử thách lớn lao! Rõ ràng, những triết lý và tư tưởng này hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược với chân lý đức tin mà các bạn đã lãnh nhận nơi các giáo xứ và gia đình. “Người trẻ cảm thấy những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề trang bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy.”[4] Ngoài ra, nếu kiến thức giáo lý của họ không được trau dồi và học tập vững vàng, các sinh viên Công giáo dễ bị những lung lay và thậm chí đánh mất niềm tin Kitô giáo của mình.
I.2. Những thay đổi về văn hoá và lối sống
Một khái niệm phổ biến nơi đời sống sinh viên, đặc biệt đối với các bạn đến từ những làng quê lần đầu làm quen với đời sống đô thị, là ‘sốc văn hoá’. Chính sự thay đổi nhanh chóng về lối sống và môi trường sinh hoạt, học tập đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý cũng như đời sống đức tin của các bạn sinh viên xa nhà.
- Các bạn không còn sống trong những làng quê yên bình nhưng phải làm quen với một lối sống náo nhiệt, hối hả tại các thành phố;
- Các bạn không còn được bao bọc bởi những người thân yêu ruột thịt nhưng là phải sống chung, làm việc chung với những người đến từ những vùng miền khác nhau, văn hoá khác nhau;
- Các bạn không còn giữ được những nề nếp và đời sống đức tin của gia đình và giáo xứ khi phải dành thời gian để chu toàn thời khoá biểu của chương trình học và các sinh hoạt ngoại khoá khác;
Và còn nhiều những thay đổi khác nữa trong môi trường mới của đời sinh viên đã gây ra những ‘cú sốc’ làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ, nhất là những thực hành đức tin vốn dĩ đã được vun đắp và nuôi dưỡng trước đây nơi gia đình và giáo xứ. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn ưu tư khi đối diện với khó khăn này của người trẻ: “Có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống... Họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội”[5].
I.3. Ảnh hưởng của các trào lưu xã hội nơi môi trường học đường
Khi đánh giá về những ảnh hưởng của thời đại mới gây ra những hệ luỵ tiêu cực, là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ hôm nay, các vị mục tử của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam đã đưa ra nhận định:
“Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma tuý, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng”[6].
Thiết tưởng, những nhận định trên cũng không quá xa lạ đối với các bạn sinh viên. Môi trường học đường không thể giúp họ ‘miễn nhiễm’ với những xu hướng và cám dỗ của thời đại. Điều này đương nhiên cũng đúng với các bạn sinh viên Công giáo tại các đại học Việt Nam. Sau khi thoát ra khỏi sự gìn giữ, che chở của gia đình và giáo xứ tại các làng quê, các bạn sinh viên đặt mình trong một vị thế ‘tự do’, ‘thoải mái’ và do đó, dễ dàng bị những lôi cuốn và hấp dẫn của những trào lưu thế tục thấm nhiễm.
- Để ‘bù đắp’ cho những ràng buộc trước đây là ‘bao bọc’ hay ‘hạn chế’ bởi gia đình, bởi cộng đoàn giáo xứ, thì giờ đây là lối sống tự do buông thả, là hưởng thụ cho bản thân;
- Những giá trị luân lý mà các bạn đã được học biết qua nền tảng đức tin của mình thì giờ đây trở nên dư thừa, không còn hợp thời, không còn có thể áp dụng trong môi trường mới của họ được nữa;
- Các thực hành đạo đức và đời sống đạo ngày càng mờ nhạt và thưa dần, được biện hộ bằng những lý do mới xem qua rất thoả đáng: chương trình học nhiều quá nên không có thời gian để đọc kinh hôm, kinh mai; những ngày cuối tuần phải đi làm thêm nên không thể sắp xếp tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật được v.v...
Tất nhiên, những trình bày ở đây không có chủ ý cho rằng tất cả các bạn sinh viên Công giáo đều mắc phải những điều tiêu cực như trên. Đúng hơn, bài viết mong rằng khi chúng ta đã xác định cụ thể và rõ ràng những thách đố mà những người Kitô hữu trẻ thường phải đối diện nơi môi trường học đường, với hướng dẫn của các vị chủ chăn trong Giáo Hội, chúng ta có thể khơi gợi lên nơi họ những nỗ lực và nhiệt tâm sống Đức Tin Kitô giáo của mình.
- II. Khám phá những cơ hội sống đức tin của sinh viên Công giáo ngày nay
Công Đồng Vatican II khi nói về vai trò của học đường đã xác định rằng: dù là phương tiện có vai trò quan trọng đặc biệt trong tất cả các phương tiện giáo dục, học đường còn phải được hiểu là “trung tâm hoạt động và tiến triển, tại đây cần đến sự tham dự của gia đình, thầy dạy, mọi đoàn thể có mục đích phát triển đời sống văn hoá, đời sống công dân và tôn giáo, cả chính quyền cũng như toàn thể cộng đoàn nhận loại”[7].
Trong ý nghĩa đó, Giáo Hội tại Việt Nam vẫn còn có rất nhiều ‘dư địa’ và phương thế để tiếp cận và giúp đỡ con cái của mình nơi môi trường học đường. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Dục Công giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016 và 2016-2019, đã từng cho rằng: dù chúng ta không trực tiếp hướng dẫn các em sinh viên tại các giảng đường, các phòng học, phòng nghiên cứu, nhưng chúng ta vẫn có thể đồng hành và nâng đỡ họ tại các lưu học xá, các ký túc xá và các sinh hoạt đoàn thể khác[8].
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của Giáo Hội, của gia đình và mọi người chỉ thật sự mang lại hiệu quả trong việc giúp các sinh viên sống đúng và sống tốt căn tính Kitô Giáo, khi có sự cộng tác của chính bản thân các bạn. Làm sao để giữa những thách đố và khó khăn trong đời sống học đường, các bạn vẫn có thể lạc quan tìm ra những cơ hội để gia tăng và sống niềm tin của mình.
II.1. Người sinh viên Công giáo củng cố đức tin trước những thách đố nơi môi trường học đường
Nếu như những thử thách và ảnh hưởng tiêu cực nơi môi trường học đường là điều không thể tránh khỏi đối với các sinh viên Công giáo, thì theo quan điểm của nhiều người, đây cũng là dịp thuận tiện để họ có thể học tập, đào sâu, củng cố kiến thức và đời sống đức tin. Thật vậy, trước đây các bạn có thể giữ đạo một cách thụ động dựa theo nếp sống của gia đình, của giáo xứ, thì giờ đây đối diện với những thay đổi của môi trường và hoàn cảnh mới, các bạn phải sống đạo một cách trưởng thành và sâu sắc hơn. Điển hình như:
- Khi phải tiếp xúc với các triết thuyết trái ngược với giáo lý Công giáo, người sinh viên nhận ra nhu cầu tìm hiểu và nắm vững vàng hơn những chân lý đức tin. Các bạn có thể dành thời gian để tham dự vào các khoá học Thánh Kinh, các lớp giáo lý, các buổi hội thảo… được tổ chức tại các cộng đoàn giáo xứ nơi họ đến. Điều này không chỉ giúp cho họ đứng vững trước những ‘nhạo báng’ hay ‘loại trừ’, mà còn là cơ hội để hiểu biết sâu xa hơn niềm tin Kitô giáo của mình;
- Giữa những ảnh hưởng tiêu cực của các trào lưu và xu hướng của thời đại, các bạn sinh viên được lắng nghe nhiều hơn lời mời gọi trở về với những giá trị và căn tính Kitô Giáo của mình. Lời mời gọi đó có thể đến từ các nhóm sinh viên Công giáo, các hội đồng hương, các linh mục, tu sĩ linh hướng, đồng hành. Chính sự kết nối qua lời mời gọi này giúp người sinh viên Công giáo can đảm sống khác biệt, đồng thời mỗi ngày một ý thức hơn bổn phận phải sống tốt, sống thánh của mình.
II.2. Người sinh viên Công giáo loan truyền những giá trị Tin Mừng nơi môi trường học đường
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống đã mời gọi người trẻ hãy mạnh dạn truyền giáo trong mọi hoàn cảnh, dù bị giới hạn và gặp nhiều khó khăn.[9]
Trong tinh thần đó, chúng ta nhận ra sinh viên Công giáo tại Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội để sống chứng tá cho Tin Mừng nơi môi trường học tập của mình. Đây là điều mà rất nhiều bạn đã sống và thực hiện tại hầu hết các trường cao đẳng, đại học trên khắp đất nước. Có thể thấy, tỷ lệ sinh viên Công giáo tại Việt Nam hiện nay chỉ là thiểu số (không quá 10%), nhưng các bạn vẫn có thể là ‘muối’ là ‘men’ bằng việc mang những giá trị của Tin Mừng để biến đổi và làm cho xã hội được tốt đẹp hơn. Điều này càng có giá trị và cấp thiết hơn khi môi trường học đường tại Việt Nam ngày một bị ‘ô nhiễm’, nếu không muốn nói là xuống cấp trầm trọng. Ví dụ như:
- Khi mà hiện tượng gian lận trong làm bài, thi cử trở nên phổ biến tại các trường học, thì sinh viên Công giáo được kêu mời phải sống trung thực, chân thành;
- Khi mà tình trạng bạo lực học đường ngày một trở nên nghiêm trọng, thì sinh viên Công giáo vẫn hun đúc tinh thần hiền hoà, tha thứ, cố gắng trở nên khí cụ giao hoà;
- Khi mà xã hội ngày nay thường cổ xúy cho một lối sống hưởng thụ ích kỷ, thì sinh viên Công giáo đề cao lòng bác ái, vị tha, biết sẻ chia;
- Khi mà một số người trẻ đang sống buông thả, huỷ hoại mình bằng những đam mê tệ nạn, thì sinh viên Công giáo được mời gọi sống một cuộc đời ý nghĩa với những hoài bão cao đẹp…
Và còn rất nhiều cơ hội mà qua đó sinh viên Công giáo có thể sống trọn vẹn ơn gọi và sứ mệnh của người Kitô hữu đích thực, đó là: làm chứng và loan truyền các giá trị Tin Mừng đến cho những người tại chính nơi họ học tập và sinh sống.
LỜI KẾT
Có thể nói, đời sinh viên là thời gian thật đẹp vì đó chính là những năm tháng mà người trẻ được trau dồi kiến thức và trang bị cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời. Nó còn được đan dệt bằng những ước mơ thật tốt đẹp cho tương lai. Đối với người sinh viên Công giáo thì đây còn là dịp để củng cố và phát triển đời sống đức tin, ngõ hầu có thể trở nên một con người trưởng thành toàn diện. Chắc chắn trong quãng thời gian đó, người trẻ sẽ phải đối diện với không ít những thách đố và khó khăn. Nhưng điều đó không thể làm cho họ hoang mang, lo sợ và từ bỏ những cố gắng, nỗ lực của mình. Điều quan trọng là họ cần nhận ra để đối diện và vượt qua chúng một cách chủ động và bản lĩnh. Và cùng với ơn Chúa giúp, người trẻ nhất định sẽ sống đời sinh viên của mình một cách sung mãn và thật sự ý nghĩa hơn. Xin được mượn lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các bạn trẻ để thay cho lời kết:
“Các bạn trẻ thân mến, tốt hơn hết các con đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Các con đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình. Đừng để mình rơi vào cảnh tượng thê thảm như của một chiếc ôtô phế thải. Đừng như những chiếc xe nằm trong bãi đậu xe, nhưng hãy ước mơ thoả chí và hãy đưa ra những quyết định. Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Đừng tiếp tục sống với tâm hồn đã tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống!”[10]
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung 2019, số 6.
[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống – Christus Vivit, số 64.
[3] Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo – Gravissimum Educationis, số 1.
[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống – Christus Vivit, số 221.
[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống – Christus Vivit, số 221.
[6] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung 2019, số 3.
[7] Công Đồng Vatican II, Gravissimum Educationis, số 5.
[8] Trích ý phát biểu của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo trong cuộc họp của Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo tại Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tp. HCM 29/11/2018.
[9] X. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Christus Vivit, số 239.
[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Christus Vivit, số 143.