Đức Giê-su Ki-tô: ĐƯỜNG TRÁI TIM

Chương trình mục vụ giới trẻ 2020-2022
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (6)

Đức Giê-su Ki-tô
ĐƯỜNG TRÁI TIM
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 6 năm 2020

Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Trái tim là biểu tượng diễn tả những cảm xúc của con người, chẳng hạn như niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, hạnh phúc. Hơn nữa, trái tim còn là biểu tượng diễn tả sự sống thể l‎ý, sự sống tình cảm, sự sống tâm linh. Đặc biệt, trái tim là biểu tượng diễn tả tình yêu của con người. Tháng Năm vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su - Đường Chữa Lành. Tháng Sáu là tháng Trái Tim Chúa Giê-su, cùng nhau chúng ta suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Trái Tim.

Chúng ta biết rằng bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Trong những thập niên gần đây, ghép tim người này cho người khác không phải là việc quá khó khăn, miễn là người hiến tim và người nhận tim có được những thông số sinh học phù hợp. Thông thường, người hiến tim là người đang trong tình trạng bệnh tật hoặc tai nạn không thể cứu chữa, nhưng trái tim còn tốt. Người nhận tim là người có các cơ phận khác tương đối khỏe mạnh, còn tim thì không thể làm việc lâu dài được nữa, nếu không thay tim thì sẽ chết. Ghép tim nhằm kéo dài sự sống thể l‎ý của người nhận tim.

Trái tim thể lý là vậy, còn 'trái tim tâm linh' thì sao? Tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều bị ‘bệnh tim tâm linh’ và mọi người đều nhận thức rằng không ai có thể làm cho trái tim mình trở thành tốt được, bởi vì, trái tim của tất cả mọi người đều bị tổn thương vì tội lỗi. Cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa đã ban tặng nhân loại Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su Ki-tô, để nhờ Người, với Trái Tim Tình Yêu cao cả, trái tim của tất cả mọi người được nối kết, biến đổi và thông phần sự sống Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng hành trình trần thế của Đức Giê-su để lại cho chúng ta nhiều biểu tượng đáng nhớ. Tuy nhiên, biểu tượng mà chúng ta quan tâm nhất đó là Trái Tim Người bị đâm thâu, khi Người bị treo trên thập giá.

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người được Thiên Chúa sáng tạo, và Thiên Chúa hài lòng với con người do chính Người tạo ra ‘rất tốt đẹp’, cả trí lẫn tâm, vì mang ‘hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa’ (St 1,26). Như thế, con người có ‘trái tim tốt lành’ và cùng chung nhịp đập với ‘Trái Tim Thiên Chúa’. Tuy nhiên, con người đã sa chước cám dỗ, đã vô ơn, đã kiêu ngạo, đã phạm tội và hậu quả là trái tim con người trở nên tăm tối, dơ bẩn, lạc nhịp với Trái Tim Thiên Chúa. Lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và con người nói chung và Dân Do Thái nói riêng là lịch sử của việc Thiên Chúa không ngừng điều chỉnh trái tim con người theo Trái Tim Thiên Chúa. Lịch sử đó được diễn tả trong Cựu Ước, chẳng hạn như trong sách tiên tri Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa nói với Dân Do-thái, Dân Riêng của Người: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một trái tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi trái tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một trái tim bằng thịt” (Ed 36,26)Lời hứa của Thiên Chúa trở thành hiện thực nhờ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, Người đã đi Đường Trái Tim để đến với con người và muôn vật muôn loài.

Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su đã chứng kiến 'trái tim chai đá’ của Dân Do-thái, cũng như những người thuộc các dân tộc khác. Chẳng hạn, thánh Mát-thêu trình thuật rằng khi Đức Giê-su sinh tại Bê-lem, có ba đạo sĩ từ Phương Đông tới Giê-ru-sa-lem gặp Hê-rô-đê và hỏi thăm về Đức Giê-su, Vua Do-thái mới sinh, thì trái tim Hê-rô-đê đã loạn nhịp, vì ông sợ rằng Vua Do-thái sẽ lật đổ mình. Ông đã triệu tập các thượng tế và kinh sư để dò hỏi và họ cho biết là Đấng Ki-tô sinh tại Bê-lem, miền Giu-đê. Chúng ta thấy rằng những người lãnh đạo Do-thái am hiểu Kinh Thánh, họ giới thiệu cho Hê-rô-đê rằng Vua Do-thái sinh tại Bê-lem, nhưng trái tim của họ không hề lay chuyển, lòng trí họ không hướng về Thiên Chúa. Còn Hê-rô-đê, với trái tim gian ác, sau khi vỡ mộng vì ba đạo sĩ không trở về như dự tính, ông đã tìm cách giết các trẻ nhỏ ở Bê-lem và vùng phụ cận với mưu tính 'giết nhầm hơn bỏ sót' và hy vọng rằng Vua Do-thái mới sinh cùng chung số phận với những đứa trẻ xấu số đó (Mt 2,1-18).

Trong cuộc đời dương thế, Đức Giê-su đã đi Đường Trái Tim để đến với tất cả mọi người, đặc biệt, những người đau khổ, nghèo hèn, bị gạt ra bên lề xã hội. Người đã đi Đường Trái Tim đến với những người tội lỗi. Người đã đi Đường Trái Tim đến với những người bị loại trừ vì định kiến văn hóa, truyền thống, tôn giáo. Người đã đi Đường trái Tim đến với muôn dân. Cuối cùng, trên thập giá, Trái Tim Người bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra, phát sinh nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Nhờ Trái Tim Đức Giê-su, con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa ngay trong hành trình trần thế của mình.

Hành động người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Đức Giê-su xuyên thâu Trái Tim khi Người đã chết trên thập giá gợi lên trong chúng ta hình ảnh E-và được sinh ra từ cạnh sườn A-đam. Như E-và được sinh ra từ cạnh sườn A-đam, chúng ta được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su. Nói đúng hơn, chúng ta được sinh ra từ Trái Tim Đức Giê-su vì lưỡi đòng đâm thâu trái tim Người. Như E-và là mẹ các chúng sinh trong buổi đầu sáng tạo, chúng ta là chúng sinh trong chương trình Thiên Chúa tái tạo nhờ Đức Giê-su, với Trái Tim bị đâm thâu. E-và kết hợp với A-đam thế nào, thì chúng ta cũng kết hợp với Đức Giê-su như vậy. Tuy nhiên, sự kết hợp của chúng ta với Đức Giê-su thì mật thiết và trổi vượt hơn, bởi vì Đức Giê-su thì hơn A-đam và hình ảnh trái tim thì hơn hình ảnh xương sườn. Nhờ Đức Giê-su, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.

Xét về mặt thể l‎ý, Trái Tim Đức Giê-su cũng như trái tim của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, Trái Tim Đức Giê-su chính là 'Trái Tim nhân loại của Thiên Chúa'. Trái Tim đó diễn tả tình yêu vô biên, tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người. Nói cách khác, Người đã mang lấy trái tim nhân loại, để yêu thương nhân loại bằng tình yêu của Thiên Chúa. Người đã đi Đường Trái Tim để cảm nhận bao nỗi truân chuyên, đau khổ của con người trong môi trường thế giới thụ tạo và hướng dẫn con người về với Thiên Chúa. Từ trái tim đến trái tim, từ Thiên Chúa Cha, qua Đức Giê-su tới nhân loại và theo chiều ngược lại, một ‘dòng máu luôn luân chuyển’, làm cho con người được thông phần sự sống đời đời của Thiên Chúa.

Nhờ Đường Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta sẽ không rơi vào đường của ma quỉ, thế gian, xác thịt. Nhờ Đường Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta sẽ không rơi vào đường của bóng đêm, tội lỗi, sự chết. Nhờ Đường Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta sẽ không rơi vào đường của chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ và nhiều hình thức chủ nghĩa hạ thấp phẩm giá con người đang nảy sinh trong thế giới đương đại. Nhờ Đường Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta sẽ không rơi vào đường của những gì chóng qua mà thế giới đương đại cổ vũ, khuyến khích. Nhờ Đường Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta sẽ gặp gỡ chính mình cách đúng đắn nhất, gặp gỡ anh chị em mình cách chân thành nhất, gặp gỡ muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo cách phù hợp nhất. Đặc biệt, nhờ Đường Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa cách thâm sâu nhất.

Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng con người qua mọi thời đại thường quan tâm đến khả năng của bộ não, khả năng của tri thức, hơn là khả năng của trái tim. Hậu quả là có nhiều người mắc chứng bệnh 'đầu to tim nhỏ', cảm thức của trái tim thường vắng bóng trong các tương quan của đời sống mình. Họ thường nhận định, đánh giá con người dựa trên tri thức hơn là trái tim. Trong thực tế, chúng ta thấy rằng nếu có được sự hòa hợp giữa tri thức và trái tim là điều tốt. Bằng không, khi có sự xung khắc nào đó, thì ưu tiên phải dành cho trái tim, nghĩa là để trái tim lên tiếng, để trái tim dẫn dắt, để trái tim hành động, chứ không phải là tri thức.

Người ta ước tính có khoảng hơn 6500 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Sự bất đồng ngôn ngữ là một trong những cản trở lớn cho tiến trình hấp thụ văn hóa (enculturation) và tiếp biến văn hóa (acculturation) giữa các dân tộc, cũng như nhiều tương quan khác trong đời sống xã hội. Những người thông dịch tài ba nhất cũng không bao giờ chuyển tải cách trọn vẹn những khái niệm, biểu tượng, tập tục từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Thế giới có nhiều ngôn ngữ như vậy, tuy nhiên, có một thứ ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người, đó là 'ngôn ngữ trái tim'. Đây là ngôn ngữ tương giao, nối kết và liên đới. Ngôn ngữ trái tim là ngôn ngữ tha thứ, bao dung, quảng đại. Ngôn ngữ trái tim là ngôn ngữ mở ra, mời gọi, đối thoại. Ngôn ngữ trái tim là ngôn ngữ cảm thương, hi sinh và nâng đỡ.

Ngôn ngữ trái tim trở thành ngôn ngữ tự nhiên của con người. Ngôn ngữ trái tim không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, sang hèn hay bất cứ tiêu chuẩn nào mà con người đặt ra. Ngôn ngữ trái tim là ngôn ngữ siêu việt mọi biên giới. Phải, ngôn ngữ trái tim là ngôn ngữ mà ai cũng có thể 'nói' hay 'diễn tả'. Một đứa bé đang hình thành trong lòng mẹ hay một người câm điếc hoàn toàn vẫn có thể cảm nghiệm và diễn tả ngôn ngữ trái tim. Tuy nhiên, để ngôn ngữ trái tim phát huy tác dụng cao nhất, mỗi người cần luyện tập và chuẩn bị cho mình trái tim luôn mở ra và cảm thông với tất cả mọi người.

Chúng ta ai cũng ít nhiều kinh nghiệm về trái tim chai đá của mình và chứng kiến trái tim chai đá nơi nhiều người khác. Những trái tim chai đá trước bất công xã hội. Những trái tim chai đá trước chuẩn mực luân thường đạo l‎ý. Những trái tim chai đá trước nỗi đau khổ của người khác. Những trái tim chai đá trước sự thật và sự lành nơi người khác. Nguyên nhân chính yếu của trái tim chai đá phát xuất từ sự vô cảm đối với Đấng là Nguyên Ủy và Cùng Đích của vạn vật, là Thiên Chúa Tình Yêu mà Đức Giê-su loan báo và minh chứng bằng sự hy sinh từ bỏ, sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người.

Tiến trình toàn cầu hóa (globalisation) và thế giới kỹ thuật số (the digital world) đem đến nhiều điều tốt đẹp cho con người, đặc biệt đời sống vật chất. Tuy nhiên, khi đời sống vật chất của con người được cải thiện, cũng là lúc chủ nghĩa tiêu thụ lên ngôi và dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng là làm cho trái tim con người biến dạng. Trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng và Hoan Hỷ, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khẳng định: "Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm phù nề trái tim. Nó có thể đem lại những lạc thú nhất thời và chóng qua, chứ không phải niềm vui [đích thực]" (Gaudete et Exsultate 128). Theo ý ngài, niềm vui đích thực là niềm vui của trái tim được nối kết với Trái Tim Thiên Chúa, đó là niềm vui dâng hiến, niềm vui trao ban, niềm vui chia sẻ.

Để có được niềm vui đích thực, tất cả chúng ta được mời gọi biến đổi, và câu hỏi đầu tiên là 'chúng ta bắt đầu từ đâu?' Thưa, bắt đầu bằng việc biến đổi trái tim mình. Câu hỏi thứ hai ‘đâu là trái tim mẫu giúp chúng ta biến đổi?' Thưa, đó là Trái Tim Đức Giê-su, Trái Tim bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, cũng là khi chúng ta đóng trái tim mình lại trước tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả nơi Trái Tim Đức Giê-su, cắt đứt dòng chảy thông truyền sống được nối kết qua Trái tim Người. Do đó, chúng ta luôn được mời gọi mở rộng trái tim mình để đón nhận sự tha thứ, đón nhận ân sủng và bình an của Thiên Chúa không ngừng tuôn chảy trừ Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu.

Không có cách nào khác để trái tim của chúng ta luôn được khỏe mạnh ngoài việc được nối kết với Trái Tim Đức Giê-su. Hơn nữa, việc nối kết với Trái Tim Đức Giê-su không phải là hành động nhất thời hay hành động 'một lần cho tất cả', mà là hành động luôn mãi, bởi vì chúng ta mang thân phận yếu đuối mỏng dòn và bị bao vây bởi thế giới bóng đêm và muôn hình thức cám dỗ. Chúng ta được mời gọi luôn nối kết và tái nối kết với Trái Tim Đức Giê-su trong cuộc lữ hành trần thế của mình. Khi trái tim chúng ta chung nhịp với Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân mình. Khi trái tim chúng ta chung nhịp với Trái Tim Đức Giê-su, chúng ta có được khả năng mở ra với anh chị em mình, với toàn thể thế giới thụ tạo, đặc biệt, mở ra với môi trường vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Ngắm nhìn Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ của Người đối với mỗi người chúng ta. Ngắm nhìn Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu, chúng ta cảm nhận được sự khiêm tốn, từ bỏ của Người đối với mỗi người chúng ta. Ngắm nhìn Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu, chúng ta cảm nhận được sự đau khổ của Người vì sự sống vĩnh cửu của chúng ta. Ngắm nhìn Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu, chúng ta cảm nhận được sức nặng của tội lỗi chúng ta. Ngắm nhìn Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu, chúng ta cảm nhận được sự cần thiết phải cộng tác với Người trong mọi biến cố của cuộc sống chúng ta.

Thánh Gioan Kim Khẩu (347-407) nói rằng "nếu bạn tìm được  đường vào trái tim mình, bạn tìm được đường về trời". Ý của ngài là chúng ta càng gần với mình bao nhiêu thì chúng ta càng gần với Thiên Chúa bấy nhiêu và ngược lại. Khi chúng ta biết được lòng mình, khi chúng ta biết được trái tim mình, cũng là khi chúng ta nhận ra sự cần thiết của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa, hầu có thể biến đổi lòng mình, biến đổi trái tim mình theo thánh ý Người. Khi chúng ta biết được lòng mình, khi chúng ta biết được trái tim mình, cũng là khi chúng ta nhận ra sự cần thiết phải luôn trở về với Thiên Chúa. Nhờ vậy, lòng chúng ta, trái tim chúng ta không ngừng được bồi dưỡng, tiếp sức bởi Trái Tim Thiên Chúa.

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng trái tim thể l‎ý chúng ta yếu, yếu đến nỗi chỉ cần một vật nhỏ cũng có thể đâm thâu. Tuy nhiên, nó cũng rất mạnh, mạnh đến nỗi bắt đầu làm việc ngay từ trong lòng mẹ, cho đến khi kết thúc cuộc hành trình dương gian. Tương tự như thế, trái tim tâm linh chúng ta yếu, yếu đến nỗi chúng ta dễ làm cho nó trở nên tối tăm mê muội. Tuy nhiên, nó cũng rất mạnh, mạnh đến nỗi giúp chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su. Nó rất mạnh, mạnh đến nỗi nhờ tin vào Đức Giê-su, chúng ta có thể làm những việc Đức Giê-su làm, dạy những điều Đức Giê-su dạy, gặp gỡ những người khác như Đức Giê-su gặp gỡ và yêu thương họ như Đức Giê-su đã yêu thương (Ga 13,34; Ga 14,12).

Con người ngày càng quan tâm hơn đến thế giới tự nhiên, đặc biệt, con người quan tâm đến sức mạnh của lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tất cả những lực này không thể so sánh với lực của trái tim, lực của tình yêu, được thể hiện trong chương trình của Thiên Chúa, nhất là Biến Cố Đức Giê-su. Lực này cho phép muôn vật muôn loài được tạo thành từ hư vô (nothingness). Lực này cho phép gắn bó thế giới thụ tạo với Đấng Sáng Tạo, gắn bó môi trường nhân loại với Môi Trường Thiên Chúa, gắn bó thời gian với vĩnh cửu, gắn bó hữu hạn với vô hạn. Đặc biệt, lực này cho phép gắn bó bản tính con người với bản tính Thiên Chúa, gắn bó con người tội lỗi với Thiên Chúa thánh thiện. Đồng thời, lực này cho phép gắn bó con người hay chết với Thiên Chúa hằng sống. Hơn nữa, lực này cho phép con người không ngừng biến đổi để ngày càng hoàn thiện hơn trong hành trình về với Nước Thiên Chúa. Kinh nghiệm của hai thánh tông đồ Gio-an và Tô-ma cho phép chúng ta cảm nghiệm được năng lực vô song phát xuất từ Trái Tim Đức Giê-su.

Trong bữa tiệc ly, khi Đức Giê-su nói rằng một trong các môn đệ sẽ phản bội Người, Phê-rô ra hiệu cho Gio-an, đang tựa đầu vào lòng Đức Giê-su, để hỏi xem Người muốn nói về ai (Ga 13,24). Gio-an đã hỏi và biết được Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là người phản bội. Hình ảnh Gio-an tựa đầu vào lòng Đức Giê-su gợi lên nhiều điều quan trọng cho chúng ta. Khi tai của Gio-an lắng nghe nhịp đập của Trái Tim Đức Giê-su, cũng là khi Gio-an cảm nghiệm được tình yêu và tâm tư của Người nhiều hơn so với các môn đệ khác. Khi tựa đầu vào lòng Đức Giê-su và lắng nghe nhịp đập của Trái Tim Người, Gio-an nhận ra nhiều mặc khải quan trọng và ngài đã để lại cho chúng ta (Ga 13-17). Chẳng hạn, Gio-an trình thuật về giới răn mới, giới răn yêu thương (Ga 13,34); Đức Giê-su là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6); Đức Giê-su là cây nho (Ga 15,1); Đức Giê-su là bạn của các môn đệ, Người đã hi sinh mạng sống vì bạn mình (Ga 15,12-15); mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (Ga 14,16; Ga 14,26); sự sống đời đời (Ga 17,3); sự hiệp nhất giữa Đức Giê-su với Đức Chúa Cha và các môn đệ (Ga 16,33; Ga 17,24-26). 

Nhờ tựa đầu vào lòng Đức Giê-su và lắng nghe nhịp đập của trái tim Người, trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, Gio-an đã không như các môn đệ khác, người thì bán Đức Giê-su, người thì chối Đức Giê-su, người thì bỏ chạy. Gio-an đã trung tín với Người. Gio-an đã đi Đường Thập Giá, cũng là Đường Trái Tim Đức Giê-su. Chỗ đứng cuối cùng của Gio-an là dưới chân thập giá Đức Giê-su cùng với Đức Ma-ri-a. Gio-an đã trung tín với Thầy mình đến cùng. Gio-an chứng kiến người lính lấy lưỡi đòng đâm thâu Trái Tim Đức Giê-su, máu cùng nước chảy ra và cảm nghiệm được đỉnh điểm của tình yêu hiến tế mà Đức Giê-su thực hiện để cứu chuộc nhân loại.

Khi Đức Giê-su được mai táng trong mộ, ngày thứ nhất trong tuần bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mộ và không thấy Đức Giê-su đó nữa, bà về báo với Phê-rô và Gio-an. Nghe tin, Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ, Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô và tới trước. Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô không phải vì trẻ hơn, nhưng vì yêu Đức Giê-su nhiều hơn và muốn biết càng sớm càng tốt tình trạng của Thầy mình. Khi tới mộ, Gio-an dừng lại và nhường cho Phê-rô vào trước. Thấy ngôi mộ trống và những gì trước mắt, Gio-an tin rằng Đức Giê-su đã phục sinh, trong khi người môn đệ trưởng Phê-rô vẫn đang bàng hoàng, lo lắng, vì nhìn thấy những điều vô lý theo kinh nghiệm của mình. Như vậy, ai ở gần Trái Tim Đức Giê-su, thì người ấy kết hiệp mật thiết với Người. Đồng thời, người ấy hiểu được căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Đức Giê-su hơn những người khác.

Ai nhìn thấy Trái Tim Đức Giê-su, người đó được đổi mới. Tô-ma, môn đệ của Đức Giê-su, là người điển hình. Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng khi Đức Giê-su sống lại và hiện ra lần đầu với các môn đệ, Tô-ma không có mặt. Tô-ma không tin lời các môn đệ thuật lại và tuyên bố: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin" (Ga 20,25)Tám ngày sau, Đức Giê-su hiện ra lần nữa và nói với Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Ông Tô-ma thưa Người: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20,27-28). Chúng ta biết rằng tới thời điểm này trong sứ mệnh dương thế của Đức Giê-su, Phê-rô và các môn đệ đều hiểu Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Thánh của Thiên Chúa, bởi vì Đức Giê-su đã nói và làm những công việc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tuyên xưng Đức Giê-su là Thiên Chúa lại là Tô-ma, chứ không ai khác. Như vậy, người được mệnh danh là nghi ngờ và chậm tin nhất trong số các môn đệ Đức Giê-su lại là người diễn tả mặc khải lớn lao nhất " Κύριός μου κα  Θεός μουrằng Đức Giê-su không chỉ là Chúa (Κύριός), mà còn là Thiên Chúa (Θεός). Nhờ và qua Tô-ma, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bắt đầu ló rạng nơi cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, và với hai Công Đồng Nicaea (325) và Constantinople (381) tín điều Chúa Ba Ngôi được định tín cách hoàn chỉnh hơn.

Trong Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an, có ba lần tên của Tô-ma xuất hiện gắn liền với những mặc khải quan trọng. Lần thứ nhất, Tô-ma chứng kiến Đức Giê-su làm cho La-da-rô được hồi sinh sau khi mai táng trong mộ bốn ngày (Ga 11,1-44). Lần thứ hai, Tô-ma đặt câu hỏi: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" (Ga 14,5) và Đức Giê-su trả lời: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Lần thứ ba, Tô-ma nhìn thấy những vết thương của Đức Giê-su, đặc biệt, được Đức Giê-su mời gọi 'đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy', cạnh sườn nơi lưỡi đòng đâm thâu trái tim Người. Như vậy, Tô-ma đã 'nhìn thấy Trái Tim Đức Giê-su', 'nhìn thấy tình yêu Đức Giê-su', tình yêu bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt mình. Khi Đức Giê-su trả lời 'chính Thầy là con đường', như các môn đệ khác, chắc rằng Tô-ma không thể hiểu nổi câu trả lời của Đức Giê-su. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự đau khổ, khi chứng kiến các vết thương Đức Giê-su, đặc biệt, khi được Đức Giê-su mời gọi đặt tay vào cạnh sườn, đặt tay vào Trái Tim Người, Tô-ma đã hiểu ra rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Trái Tim.

Tô-ma diện kiến Đức Giê-su Phục Sinh với những vết thương còn in dấu trên thân thể Người, điều đó quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự diện kiến Đức Giê-su Phục Sinh đã trổ sinh hóa trái tốt đẹp. Chính Trái Tim Yêu Thương của Đức Giê-su đã làm cho trái tim nghi ngờ, trái tim thất vọng, trái tim yếu đuối của Tô-ma được biến đổi và trở thành trái tim tín thác, trái tim hy vọng, trái tim mạnh mẽ. Tô-ma đã nhìn thấy Đường Trái Tim Đức Giê-su, đồng thời, nhận ra sự cần thiết để loan báo Đường Trái Tim Người cho anh chị em đồng loại. Quả thật, ngài đã trở nên sứ giả của Đường Trái Tim Đức Giê-su trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. Tương truyền rằng ngài đã ra đi loan báo Đường Trái Tim Đức Giê-su tận đất nước Ấn Độ xa xôi và đã minh chứng cho Đường Trái Tim Đức Giê-su bằng chính mạng sống mình.

Đức Giê-su luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy là những môn đệ Người yêu mến. Như Gio-an tông đồ, chúng ta hãy nép mình vào lòng Đức Giê-su, hãy ghé tai vào Trái Tim Đức Giê-su, hãy lắng nghe nhịp đập của Trái Tim Người. Chúng ta cầu xin Đức Giê-su điều chỉnh nhịp đập trái tim chúng ta sao cho hòa điệu với nhịp đập Trái Tim Người. Như Tô-ma, chúng ta hãy chiêm ngắm những vết thương trên thân thể Đức Giê-su, đặc biệt, chiêm ngắm Trái Tim Người bị đâm thâu và thân thưa với Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20,28). Nhờ đó, chúng ta không bao giờ tôn thờ Chúa nào khác ngoài Chúa Giê-su và không bao giờ tôn thờ Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giê-su đã loan báo và làm chứng bằng Đường Trái Tim Người trong hành trình trần thế.

 

 WHĐ (01-06-2020)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.