Đức Mẹ Mân Côi

ĐỨC MẸ MÂN CÔI

 

          Đức Mẹ xuất hiện lần cuối trong Tân Ước khi sách Tông đồ Công vụ ghi lại như sau: "Tất cả các môn đệ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu (Cvtđ 1, 14)”. Các tông đồ và những người hiện diện nơi nhà Tiệc ly lên tới con số 120 người (Cvtđ 1, 15). Họ có Đức Mẹ ở với họ và nhất là họ cùng cầu nguyện với Đức Mẹ; nhờ vậy mà Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tràn đầy trên họ. Ngày nay chúng ta cũng mong muốn cầu nguyện với Đức Mẹ và thiết tưởng chúng ta có thể thực hiện được việc này khi chúng ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.

          Khi lần chuỗi Mân côi, chúng ta lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng chắc chắn đó là kinh Đức Mẹ yêu thích nhất vì tuy lời kinh ngắn gọn nhưng kết hợp được Lời Thiên sứ Gabriel chào mừng Đức Mẹ trong ngày Truyền tin: "Mừng vui lên hỡi Đấng đầy Ơn sủng Thiên Chúa ở cùng Bà!" (Lc 1,28) và lời Bà Elisabeth khen ngợi Đức Mẹ khi Mẹ đi thăm bà. Chúng ta biết rằng bà Elisabeth nói lên được lời: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và Người Con em đang cưu mang cũng được chúc phúc"(Lc 1,47) khi bà được tràn đầy Thánh thần và tiếp theo là Lời cầu của Hội thánh dâng lên Đức Mẹ khi xưng ra “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…”

          Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ nói với Mẹ. Toàn thể Giáo hội cùng liên kết với lời kinh ấy" (Tông thư kinh Mân Côi).

          Chúng ta thấy Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nêu ra hai đặc tính của kinh Mân Côi là đơn giản và sâu sắc.

          Đơn giản vì dễ đọc: ai đọc cũng được dù là trí thức hay bình dân, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể tay lần chuỗi và miệng đọc lên những lời kinh này.

          Sâu sắc vì  các  mầu nhiệm dựa trên Kinh thánh mà chúng ta xướng lên là bản tóm lược Phúc âm, dàn trải các biến cố cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã canh tân kinh Mân Côi khi thêm vào năm sự Sáng; như vậy với 5 sự Vui chúng ta có các mầu nhiệm truyền tin, nhập thể và thời thơ ấu Chúa Giêsu, với 5 sự Sáng chúng ta có dịp suy niệm các biến cố khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng: Chúa dự Tiệc cưới Cana có sự hiện diện của Đức Mẹ, mầu nhiệm Chúa lập Bí tích Thánh Thể ... Năm sự Thương chúng ta suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: Đức Mẹ có mặt khi đứng dưới Thập Giá Chúa và 5 Sự Mừng: Chúa Phục sinh vinh quang và Đức Mẹ được thông phần vào vinh quang Chúa khi được Chúa thưởng Hồn Xác lên Trời.

          Chúng ta thấy rằng khi các con cái Mẹ sao lãng không cầu nguyện bằng kinh Mân Côi là lúc Đức Mẹ không ngần ngại hiện ra để nhắc nhở. Vào thế kỷ mười ba, bè rối Albigeois nổi lên ở miền nam nước Pháp, gây nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Theo truyền thuyết, chính Đức Mẹ đã hiện ra và truyền dạy thánh Đa Minh phép lần hạt Mân côi, như là một phương thế tuyệt diệu để cảm hóa bè rối. Và sự thật đã xảy ra đúng như thế. Chỉ sau một thời gian ngắn quảng bá việc lần chuỗi Mân côi, thánh Đaminh đã dẫn đưa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo hội.

Tiếp đến, vào thế kỷ 16, vua Thổ Nhĩ Kỳ đem đạo quân Hồi giáo của mình xâm chiếm Âu Châu. Sau khi lấy được đảo Chypre và Creta, ông ngang nhiên tuyên bố sẽ cho ngựa ăn cỏ trong đền thờ thánh Phêrô. Trước sự tấn công như vũ bão, cũng như trước áp lực nặng nề ấy, các nước Âu châu đã phải liên kết với nhau. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng đã truyền cho mọi người phải ăn chay, cầu nguyện và nhất là lần chuỗi Mân Côi. Sau cùng, đạo quân Công giáo đã dành được chiến thắng tại vịnh Lépante. Để tạ ơn Đức Mẹ và để kỷ niệm chiến thắng lịch sử này, Đức Thánh Cha Piô V đã thiết lập lễ kính Mẹ Chiến thắng nay đổi là lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7/10.

Rồi từ đó cho đến bây giờ, kinh Mân Côi đã trở nên một việc đạo đức quen thuộc của người Công giáo.

Tuy hình thức đơn sơ, nhưng chuỗi Mân Côi lại có được một nội dung phong phú. Thực vậy, kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng là những kinh cao trọng nhất xuất phát từ Tin mừng. Còn những mầu nhiệm suy gẫm là những biến cố được rút tỉa từ cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chính vì thế, chúng ta có thể gọi kinh Mân côi là bản “Tóm lược Phúc âm” của người tín hữu.

Vậy chuỗi Mân côi đem lại những kết quả nào?

          Khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, chị Lucia hỏi: “Phanxicô có được lên thiên đàng không?”  Đức Mẹ đã trả lời:

           “Phanxicô sẽ được lên thiên đàng, nhưng phải lần hạt thật nhiều trước đã.”

Nếu chúng ta đọc và sống kinh Mân côi, thì kinh Mân côi sẽ là một bảo đảm cho phần rỗi của chúng ta. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, kinh Mân côi còn đem lại cho chúng ta nhiều an ủi và khích lệ, nhất là trong những giờ phút chúng ta gặp phải khổ đau và buồn phiền.

Có một anh lính trở về từ ngục tù đã cho biết như sau: Chính chuỗi Mân côi đã giúp anh ta cầu nguyện và thánh hóa những khổ đau trong những tháng ngày đen tối ấy.

Rồi anh ta kể tiếp:  Khi bị thương và nằm lại trên chiến trường, tôi đã lần hạt. Liền sau đó hai người bạn bên cạnh cũng muốn lần hạt theo. Thế là tôi dứt cỗ tràng hạt làm ba mẩu, mỗi người một mẫu để cùng nhau lần chuỗi. Và mẫu chuỗi ấy, tôi vẫn còn lần nó cho đến bây giờ. Nó mãi mãi sẽ là một kỷ vật thân thương nhất trong cuộc đời của tôi.

Chúng ta dâng lên Mẹ những bông hồng thiêng liêng là những lời kinh Mân côi sốt sắng để xin Mẹ nâng đỡ và phù trợ chúng ta luôn mãi.

          Đức Cha Thống  khuyên: "Hãy yêu mến tràng hạt Mân Côi. Hãy cầu nguyện bằng Tràng hạt Mân Côi và hãy thả vào đó tất cả tâm tình của mình". Được như vậy chúng ta và cả quê hương đất nước Việt Nam sẽ được Đức Mẹ bầu cử cho vượt qua cơn gian nan  khốn khó và chúng ta được an vui phụng sự  Chúa. Amen

 

Lm Phạm Hồng Thái

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.