Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật Chúa lên trời

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ CN Chúa Thăng Thiên Năm B

 

1/ KẾ HOẠCH KHÁC

Một câu chuyện cổ tuyệt đẹp kể về Chúa Giêsu, sau khi thăng thiên, được các thiên thần vui mừng vây quanh và dồn dập hỏi về công việc của Người trên dương thế. Chúa Giêsu nói với họ về cuộc giáng sinh, về đời sống thường nhật, sứ vụ rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Người, và việc Người đã hoàn thành công trình cứu chuộc thế gian thế nào. Thiên sứ Gabriel hỏi: “Chà, bây giờ Ngài đã trở lại Thiên đàng, vậy ai sẽ tiếp tục công việc của Ngài trên trái đất ạ?” Chúa Giêsu nói: “Khi còn ở trên trần gian, tôi đã tập hợp một nhóm người xung quanh tôi, những người tin và yêu mến tôi. Họ sẽ tiếp tục truyền bá Phúc Âm và thực hiện công việc của Giáo hội”. Thiên thần Gabriel bối rối: “Ý Ngài là… ông Phêrô, kẻ đã chối Ngài ba lần và tất cả những người còn lại đã bỏ chạy khi Ngài bị đóng đinh? Ngài muốn nói với chúng tôi rằng Ngài để họ tiếp tục công việc của Ngài sao? Và Ngài sẽ đối phó thế nào nếu kế hoạch này không hoạt động?” Chúa Giêsu nói: “Tôi không có kế hoạch nào khác – nó phải hoạt động!”

* Quả thật, Chúa Giêsu không có kế hoạch nào khác ngoài việc cậy nhờ vào nỗ lực của những môn đệ của Người!

2/ “CÁI NÀY CÓ HOẠT ĐỘNG KHÔNG”

Có một câu chuyện hài hước về một tân binh, trong khi diễn tập cứ đứng ở thế nghiêm trong thao trường. Viên sĩ quan phụ trách hô: “Phía trước, bước, bước!” Lập tức toàn bộ đội quân bắt đầu di chuyển, đều đặn, tất cả ngoại trừ anh tân binh này. Anh ấy vẫn cứ đứng trong tư thế nghiêm. Sĩ quan hướng dẫn vội bước tới cầm cái tai phải của anh ta, hét to: “Cái này có hoạt động không?” Tân binh hô to: “Có, thưa ông!” Sau đó, sĩ quan đi vòng qua tai bên kia và hét lên: “Cái này có hoạt động không?” Người lính nói: “Có, thưa ông!”- “Vậy tại sao bạn không bước tới khi tôi ra lệnh?”- “Thưa ông, tôi không nghe thấy ông gọi tên tôi.”

* Một số người trong chúng ta cũng giống như người lính đó, đứng chựng chờ Chúa gọi tên mình. Nhưng sứ mệnh lớn lao mà Người truyền dạy là một mệnh lệnh phổ quát, nó bao gồm tên của mọi người, có cả bạn và tôi trong đó.

3/ NGƯỜI THÔNG MINH NHẤT THẾ GIỚI

Gần đây, một câu chuyện khá ngộ nghĩnh mang ý nghĩa tôn giáo lan truyền rộng rãi trong dư luận. Chuyện kể về một phi công và ba hành khách gồm một hướng đạo sinh, một linh mục và một nhà khoa học nguyên tử. Họ đều ở trong một chiếc máy bay bất ngờ gặp sự cố động cơ khi đang bay. Phi công vội lao vào khoang hành khách và hét lên: “Máy bay sắp rơi! Chúng ta chỉ có ba cái dù, nhưng lại có đến bốn người! Tôi có một gia đình đang đợi tôi ở nhà. Tôi phải sống sót!” Nói xong, anh ta chộp lấy một chiếc dù và nhảy ra khỏi máy bay. Tiếp theo là nhà khoa học nguyên tử, anh nhảy dựng lên và tuyên bố: “Tôi là người thông minh nhất trên thế giới. Sẽ là một bi kịch lớn nếu tôi phải chết sớm!” Nói rồi anh cuống quýt túm lấy một chiếc dù và phóng ra khỏi máy bay. Bây giờ chỉ còn lại linh mục và hướng đạo sinh. Với vẻ mặt bình tĩnh, vị linh mục nói với hướng đạo sinh: “Con à, ta không có gia đình con cái. Ta đã sẵn sàng ra đi gặp Đấng tạo dựng nên mình. Con vẫn còn trẻ với tương lai huy hoàng phía trước, con hãy lấy chiếc dù cuối cùng đi”. Ngay lúc đó, hướng đạo sinh cắt ngang lời vị linh mục: “Cố lên, cha! Đừng sợ gì nữa. Chúng ta ổn cả. Người đàn ông thông minh nhất thế giới đã vội chụp lấy cái ba lô của con để nhảy ra khỏi máy bay”.

* Đối với những người “thông minh”, họ không tin vào thế giới mai sau, thiên đàng chỉ là một huyền thoại. Nhưng đối với kitô hữu đó là quê trời vĩnh cửu.

4/ CHỈ NHÌN LÊN TRỜI

Anh Công hàng xóm thường khoe khoang về đức tin sâu sắc của mình. Lần kia, một cơn bão dữ dội nổi lên và những cơn mưa như trút nước làm ngập nhà của anh. Một người lính cứu hỏa chạy đến và nói: “Mau chạy đến đây, tôi sẽ đưa bạn đi!” Chỉ tay lên phía trên cao, anh Công kêu lên: “Chúa Giêsu là con đường!” Mưa vẫn tiếp tục rơi xối xả và nước ngập đến thắt lưng anh. Một ngư dân chèo thuyền đi qua và hét lên: “Lên đây đi, tôi sẽ đưa bạn đến nơi an toàn!” Nhìn lên trời cao, anh Công vặn lại: “Chỉ có Chúa Giêsu mới cứu được tôi!” Sau đó, nước mưa dồn dập dâng cao buộc anh Công phải trèo lên mái nhà. Máy bay cứu nạn đến, viên phi công của một chiếc trực thăng bay lơ lửng trên cao hô to: “Tôi sẽ giúp bạn!” Anh Công trả lời: “Tôi chỉ tin cậy một mình Chúa thôi!” Cuối cùng, anh Công chết đuối trong làn nước dữ dội. Trên Thiên Đàng, anh ta phàn nàn với Chúa: “Lạy Chúa, con đã tin cậy Ngài, nhưng Ngài lại bỏ rơi con!” Chúa trả lời, “Không, Ta không bỏ con! Ta đã cố gắng cứu con qua người lính cứu hỏa, ngư dân và phi công! Tại sao con không làm bất cứ điều gì mà cứ nhìn lên trời?”

5/ SỨC MẠNH NỘI TÂM

Một linh mục, cha Walter Ciszek, SJ (1900- 1984) đã trải qua hai mươi ba năm ở Nga, mười lăm năm trong trại lao động khổ sai ở Siberia, và năm năm biệt giam trong nỗi kinh hoàng tại nhà tù Lubyanka ở Mátxcơva. Cuối cùng, ngài được trả tự do và trở về Hoa Kỳ vào năm 1963, trong một kế hoạch trao đổi hai điệp viên tù binh Liên Xô, được tổ chức tại Hoa Kỳ. Ngài mất năm 1984 ở tuổi 84. Sau khi được trả tự do, cha Ciszek đã viết cuốn sách With God in Russia, (Sống với Chúa trong nước Nga) năm 1964, và sau đó, cuốn: He Leadeth Me (Ngài đã hướng dẫn tôi), năm 1974. Trong cuốn sách thứ hai, ngài chân thành trả lời câu hỏi nhiều người hỏi ngài: “Cha đã vận dụng cách nào để có thể sống sót trong ngục tù nước Nga?” Cha nói: “Tôi đã phải chịu đựng những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi khoảnh khắc của đời tôi. Tôi không bao giờ đánh mất niềm tin rằng Chúa ở với tôi, ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất.”

* Trước khi về trời Chúa hứa cùng hoạt động với các tông đồ. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra bước chân Người cùng đồng hành với chúng ta hay không.

6/ ĐỔ VỠ VÀ PHỤC HỒI

Năm 1981 Peter Cropper, nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Anh được mời đến Phần Lan để trình tấu  trong một buổi hòa nhạc đặc biệt. Như một sự ưu ái cá nhân dành cho Peter, Học viện Âm nhạc Hoàng gia đã cho anh mượn chiếc đàn Stradivarius 285 tuổi quý giá của họ để sử dụng trong buổi hòa nhạc. Nhạc cụ quý hiếm này lấy tên từ nhà sản xuất vĩ cầm người Ý, Antonio Stradivari. Nó được làm từ 80 miếng gỗ đặc biệt và phủ 30 lớp sơn bóng chuyên dụng. Âm thanh tuyệt vời của cây đàn chưa bao giờ có cây đàn nào khác vượt qua nó. Khi Peter Cropper đến Phần Lan, một xui xẻo ác hại khó tin đã xảy ra. Đang lúc lên sân khấu ông bị vấp ngã, cây vĩ cầm vỡ thành nhiều mảnh. Peter phải bay về London trong tình trạng bị sốc nặng. Một nghệ nhân bậc thầy tên là Charles Beare đã đồng ý sửa chữa cây vĩ cầm cho Peter. Ông đã phải làm việc liên tục hàng tháng về nó. Cuối cùng thì ông đã phục hồi được cây đàn gần như hình dáng ban đầu. Nhưng âm thanh của nó sẽ như thế nào? Đó là khoảnh khắc chờ đợi vô cùng hồi hộp. Beare đưa cây vĩ cầm cho Peter Cropper. Tim Peter đập thình thịch khi anh cầm cây cung lên và bắt đầu chơi. Những người có mặt khó tin vào tai mình. Âm thanh của cây vĩ cầm không chỉ xuất sắc mà còn thực sự tuyệt vời hơn lúc trước. Trong những tháng kế tiếp, Cropper đã mang cây vĩ cầm đi lưu diễn khắp thế giới. Đêm này qua đêm khác, cây vĩ cầm mà ai cũng nghĩ đã bị hủy hoại vĩnh viễn, thu hút sự hoan nghênh nhiệt liệt của thính giả trong các buổi hòa nhạc.

– Câu chuyện về cây vĩ cầm là một minh họa tuyệt đẹp về cuộc đời của chúng ta. Con người tội lỗi của chúng ta được Thần Khí Chúa phục hồi một cách hoàn hảo nhờ ơn thánh hóa dồi dào của Ngài.

7/ NẾU KHÔNG CÓ DÌ

Liên rơm rớm nước mắt trong buổi chia tay. Bà dì Thắm yêu quý của cô cười diễu: “Con chỉ có thói mau nước mắt thôi! Sài Gòn không xa lắm đâu con. Rồi con sẽ bắt đầu đi học ngay vài tuần tới thôi mà. Con sẽ kết bạn với nhiều bạn mới và con sẽ không có thời gian điện thoại cho dì nữa là khác”. Liên không còn nhớ khi nào dì của cô đã chuyển đến sống với gia đình nhiều năm trước. Nhưng dưới sự kèm cặp của dì Thắm, Liên đã trưởng thành từ một đứa trẻ là con một trong gia đình, lầm lì trở thành một cô gái sôi nổi với nhiều sở thích. “Nhưng con sẽ làm được gì nếu không có dì?” Liên bật khóc. “Rồi con sẽ ổn thôi. Nhưng nếu khi con cảm thấy buồn chán, dì sẽ để lại cho con vài thứ đồ vật”, dì Thắm nói rồi ôm đứa cháu gái một cái ôm thật lâu trước khi cô bước lên xe. Khi đến được thành phố và ổn định xong nơi ở trong một lưu xá, Liên mở cái gói của dì Thắm trao cho lúc chia tay. Bên trong chiếc hộp có một đôi kim đan áo đã được năm thế hệ phụ nữ trong gia đình sử dụng; một cây bút máy từng thuộc về người chồng quá cố của dì; một công thức bánh gia đình vẫn làm; một cuốn nhật ký đẹp khiến Liên nhớ lại buổi chiều mùa hè nhiều kỉ niệm với dì; và một bức ảnh đóng khung chụp dì Thắm và Liên ngồi dưới bãi biển trong một chuyến du lịch Hà Tiên. Một dòng chữ khắc trên khung ghi: “Những khoảnh khắc quý giá tồn tại mãi mãi”. Liên bắt đầu hiểu rằng, mặc dù cô cảm thấy như bị “bỏ rơi trên một cành cây đơn độc” mà không có người thân, những ký ức về gia đình vẫn được lưu giữ trong tâm hồn và cuộc sống của cô, kết nối cô với những thế hệ đã qua và mai sau. Liên đặt bức tranh trên nóc tủ ở đầu giường. Sau đó, cô cầm cây bút máy và nhật ký lên, và bắt đầu viết một bài thơ cho dì Thắm.

* Biến cố Chúa Giêsu lên trời không phải là một cuộc ra đi mãi mãi mà là bắt đầu sự hiện diện mới. Người vẫn hiện diện với chúng ta bằng Lời và các Bí tích Người đã thiết lập.

8/ CHUYỆN AESOP

Biến cố Chúa lên trời nâng tầm nhìn của chúng ta hướng về Thiên đàng. Chúng ta được bảo đảm rằng Thiên đàng không phải là một ý tưởng đẹp, một huyền thoại hoặc chuyện viễn tưởng, mà đó là một thực tại thiêng liêng. Chúa Giêsu đã đi trước để dọn đường cho chúng ta. Một trong những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop cho thấy mặc khải kitô giáo thực sự mới mẻ như thế nào trong dòng lịch sử nhân loại. Aesop là một nô lệ người Hy Lạp sống trước thời đại Chúa Giêsu. Ông nổi tiếng thủ đắc trí tuệ thiên bẩm, đã ghi lại những câu chuyện ngụ ngôn và truyện ngắn nổi tiếng chứa đựng những bài học sâu sắc. Một ngày nọ, cậu được ông chủ yêu cầu đến nhà tắm công cộng (thời cổ đại, nhà tắm công cộng giống như một câu lạc bộ miền quê) để chuẩn bị mọi thứ cho ông. Trên đường đi, anh bị một trong những thẩm phán nổi tiếng nhất của thành phố chặn lại. Thẩm phán hỏi anh ta đi đâu. Aesop nghĩ rằng đó không phải việc của thẩm phán, nên đã trả lời: “Tôi không biết.” Thẩm phán cảm thấy bị xúc phạm bởi câu trả lời này, mà ông cho là thiếu kính trọng, nên bắt anh giam trong nhà tù để trừng phạt. Khi họ đến nhà tù, Aesop quay sang kẻ bắt giữ mình và nói: “Thưa thẩm phán, khi tôi nói với ông ‘Tôi không biết mình đi đâu’ là tôi nói sự thật. Tôi đâu nghĩ rằng tôi phải đến nhà tù như thế này! Ông thấy đấy, quả thật là chúng ta không bao giờ thực sự biết được mình sẽ đi đâu.” Nghe lời giải thích này, thẩm phán không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để Aesop được tự do.

* Câu chuyện châm biếm này có ý cho thấy nhân loại thời trước Kitô giáo hoàn toàn không biết số phận của mình như thế nào sau khi chết.

 

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.