Giáo lý - Vấn đề Người có tội

Hỏi: Nhân Mùa Chay thánh, xin cha giải thich thắc mắc sau đây: “Chúa Giêsu từng nói: Ta đến để tìm người tội lỗi chứ không tìm người công chính.(Mt 9: 13). Vậy người có tội đâu còn phải lo lắng gì nữa phải không, vì Chúa đến để tìm họ mà?”

Trả lời:

Tôi đã nhiều lần giải thích rõ là Thiên Chúa quá yêu thương con người. Và chính vì tình thương vô vị lợi này mà Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Giê-su Kitô, Đấng cũng vì yêu thương nhân loại tội lỗi nên đã vui lòng đến trần gian làm Con Người, chịu mọi khốn khó đến hy sinh mạng sống mình “làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20: 28)

Như thế, nếu không cậy nhờ lòng thương xót bao la của Chúa Cha, và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Con, thì không ai có thể tự sức mình làm được điều gì đáng được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc vĩnh cửu, sau khi phải chết đi trong thân xác có ngày phải chết đi này.

Nhưng không phải vì Chúa Cha quá yêu thương và công nghiệp cứu chuộc quả đủ của Chúa Cứu Thế Giêsu mà con người khỏi phải làm gì nữa và đương nhiên được cứu rỗi để vào Thiên Đàng mai sau.Hay nói khác đi, Chúa Kitô đến để tìm và chết cho người có tội, đúng. Nhưng không phải vì thế mà con người cứ  tự do sống trong tội, cứ làm sự dữ mà vẫn được cứu độ, vì cho rằng Chúa Kitô đã chết thay cho mình rồi, nên không ai phải lo sợ gì nữa để cứ an tâm sống và làm những gì mình thích?

Trái lại, vì con người còn có ý muốn tự do (free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng, để hoặc chọn sống theo đường lối của Chúa và bước đi theo Chúa Kitô là “Con Đường, là sự Thật và là sự Sống” (Ga 14:6). Hay ngược lại, chọn sống theo ý muốn riêng của mình, chạy theo thế gian vô luân vô đạo và đầu hàng ma quỉ để làm những sự dữ như oán thù, ghen ghét, thâm độc, giết người, giết thai nhi, bạo động, khủng bố, trộm cướp, bất công và bóc lột người khác, thay chồng đổi vợ, bắt cóc hãm hiếp, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ gái để bán cho bọn bất lương hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn, như thực trạng sống của biết bao con người ở khắp mọi nơi trên thế gian tục hóa, vô luân vô đạo hiện nay.

Nếu con người xử dụng tự do để làm những sự dữ nói trên mà không ý thức được ác tính của các sự dữ mình làm, để sám hối ăn năn chừa bỏ, thì Thiên Chúa không thể cứu ai được, dù Người là tình thương bao la và dù công nghiệp cứu  chuộc của Chúa Kitô là quá đủ cho con người được cứu rỗi.

Nói rõ hơn, lòng thương xót của Thiên Chúa và công nghiệp của Chúa Kitô không bao giờ là bình phong lá chắn cho ai lợi dụng để cứ làm sự dữ, sự tội, rồi lại nại đến lòng thương xót thứ tha của Chúa mà  không ăn năn, chừa bỏ để sống theo đường lối của Chúa hầu được cứu độ để vào Nước Trời mai sau.

Đó là lý do tại sao Chúa Giê su đã nói với  môn đệ xưa như sau: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa! Lậy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, thì mới được vào mà thôi” (Mt 7:21).

Thi hành ý muốn của Cha trên trời, có nghĩa cụ thể là phải  thực thi những gì Chúa Giêsu đã dạy về mến Chúa yêu người, thực  thi công bằng, bác ái để  không bất công và bóc lột ai, nhất là thương giúp người nghèo khó để không dửng dưng trước sự đau khổ và bất hạnh của họ. Chúa Kitô thực sự đang hiện diện nơi những người nghèo khó, bệnh tật, bị áp bức  tù đầy và thách đố chúng ta thi hành bác ai đối với họ. Và Chúa coi đây như thi hành bác ái đối với chính Chúa, như Người đã dạy trong dụ ngôn về ngày phán xét sau hết trong Tin mừng Thánh Matthêu, chương 25.

Mặt khác, thi hành ý muốn của Cha trên trời cũng đòi hỏi chúng ta phải xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới làm ngăn cách chúng ta với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Chúa yêu thương con người, chứ không yêu thương tội lỗi của con người. Chính vì tội lỗi của nhân loại mà Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là khổ hình thập giá kết thúc với cái chết thê thảm của Người trên thập giá năm xưa.

Vì thế, muốn hưởng công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa, thì nhất thiết đòi hỏi mọi người tín hữu chúng ta phải thực tâm xa tránh mọi tội lỗi để không làm hư công  nghiệp cực trọng của Chúa. Đó cũng là lý do tại sao, sau khi tha tội cho một phụ nữ phạm tội ngoại tình, bị bọn biệt phái dẫn đến xin Chúa cho ném đá, Chúa Giêsu đã nói với chị kia như sau: “Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ  về đi , và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8:11)

Tại sao Chúa không nói: Ta là tình thương và hay tha thứ, nên các ngươi cứ an tâm làm gì tùy ý. Nếu có phạm tội thì cứ đến Ta tha thứ cho. Trái lại, Chúa nói rõ : Đừng phạm tội nữa.

Nơi khác, Chúa còn nhấn mạnh thêm như sau: “… Tôi nói cho các ông (bọn Biệt phái) biết: nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13:3)

Chúa nói những lời trên để trả lời mấy người biệt phải để hỏi Chúa xem có phải mấy người bị Tổng Trấn Philatô giết, cùng với 18 người khác bị thác Silô-a đổ xuống  đè chết, có phải là những người tội lỗi hơn người khác hay không.

Như thế đủ cho thấy là Chúa thương xót và tha thứ cho kẻ có tội biết sám hối ăn năn, nhưng không dung dưởng cho ai phạm tội. Do đó, chúng ta không được lầm tưởng tình thương tha thứ của Chúa, với sự dung dưỡng làm ngơ cho con người cứ sống trong tội, cứ lợi dụng lòng thương xót của Chúa để không quyết tâm chừa bỏ tội lỗi.

Bản chất con người là yêu đuối, dễ sa ngã trước những quyến rũ của thế gian, nhất là những cám dỗ tinh quái của ma quỷ. Nhưng nếu ta nương nhờ ơn Chúa nâng đờ thì vẫn có thể đứng vững và tiến trên đường hoàn thiện, để không phạm tội mất lòng Chúa và nguy hại cho hy vọng được cứu rỗi.

Nói khác đi, ca tụng lòng thương xót của Chúa là điều chính đáng, phải đạo, vì thật sự Chúa rất yêu thương con người và “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biêt chân lý” (1Tm 2:4). Nhưng con người phải tỏ thiện chí muốn sống theo đường lối của Chúa để không làm những sự dữ, sự tội, là những điều Chúa gớm ghét vì nó xúc phạm nặng nề đến bản chất yêu thương, công bình và thánh thiện của Người.

Phạm đến bản chất yêu thương của Chúa khi chứa chấp trong lòng những oán thù, nghen ghét dẫn đưa đến trả thù, giết hại người khác về tinh thần cũng như thể lý, khủng bố, bắt cóc, hãm hiếp, thủ tiêu, và chiến tranh giết hại người dân vô tội, nhất là giết thai nhi và trẻ nữ như thực trạng đã và đang diễn ra ở Trung cộng và Ấn Độ. Riêng ở Mỹ, nạn phá thai đã giết hàng triệu thai nhi mỗi năm, và bọn làm nghề này (tổ chức Planned parenthood)  còn đem bán các bộ phận cơ thể của thai nhi như  những món hàng thương mại mà có người đã quay được  phim (Video) đem chiếu cho quần chúng xem để tố cáo tội ác của bọn bất lương, đang dựa vào luật cho phá thai ở Mỹ để làm sự dữ nói trên.

Thứ đến, tội phạm đến đức công bình của Chúa như gian tham, trộm cắp, khai gian, chứng gian để lãnh trợ cấp xã hội và bồi thường tại nạn  lao động và xe cộ, bóc lột người làm công cho mình, làm hàng giả để kiếm lời to.v.v

Sau hết, là tội phạm đến sự thánh thiện của Chúa như  dâm ô (mua và bán dâm), ngoai tình, ấu dâm (child prostitution) rất khốn nại của thời đại vô luân hôm nay, khiến cho biết bao trẻ nữ đã bị phá hoại cả tinh thần lẫn thể xác vì bọn bất lương, vô luân vô đạo đã đi tìm thú vui rất khốn nạn này nơi các trẻ em còn ngây thơ trong sạch. Nhưng chẳng may bị sa vào lưới ác độc của bọn buôn người vô lương tâm, vô luân đã bắt cóc hay mua bán chúng để cung cấp cho bọn mặt người, dạ thú hành nghề mãi dâm và ấu dâm để kiếm tiền mua lò hỏa thiêu chúng đời đời mai sau trong hỏa ngục.

Tóm lại, tất cả mọi sự dữ, sự tội, đều là điều Thiên Chúa chê ghét và không muốn cho con người vấp phạm. Không muốn cho ai làm những sự dữ đó, không phải vì lợi ích nào của Chúa, mà vì lợi ích của chính con người mà thôi.

Nói rõ hơn, không có cha mẹ nào yêu thương con cái mà lại làm ngơ hay cho phép con cái làm những việc sai trái như bỏ học, đi theo bọn lưu manh, băng đảng, hút sách, trộm cắp, bài bạc, v.v... Trái lại, cha mẹ nào cũng mong muốn cho con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, tránh xa bọn du đãng, băng đảng lưu manh đồi trụy.

Thiên Chúa còn yêu thương con người hơn bất cứ cha mẹ nào yêu thương con mình. Vì thế, Chúa cũng không muốn cho ai đi vào con đường dẫn đưa đến hư mất đời đời. Phải tin chắc điều này để đừng ai nghĩ Thiên Chúa có lợi gì khi ngăn cấm con người không được làm điều này, tránh việc kia. Vì thế, tất cả lề luật của Chúa chỉ nhằm dẫn đưa con người vào cõi sống hạnh phúc vinh cửu với Chúa trên Nước Trời, sau khi con người kết thúc hành trình sống tạm trên trần gian này.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ và dân chúng xưa là: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh  em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13: 24).

Cửa hẹp là khép mình vào trật tự và kỷ luật của luân lý, để đi theo Chúa Kitô là “Con Đường, là sự Thật và là sự Sống” (Ga 14:6). Trái với của hẹp, là cửa rộng đi vào con đường rộng rãi thênh thang, dẫn đến các sòng bạc, nhà tắm hơi, ổ điếm, chỗ ăn chơi nhẩy nhót cuồng loạn và các thẩm mỹ viện sửa thân hình cho thon gọn sexy, trẻ mãi không già… Nhưng liệu có trẻ mãi để hưởng những thú vui vô luân vô đạo, chóng qua ở đời này mãi hay không?

Những ai khờ khạo muốn bám vào những thực thể lôi cuốn của trần gian như tiền bạc, của cải, danh vọng, giầu sang …,  thì hãy nghe lời canh cáo sau đây của Chúa Giêsu: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó, sẽ về tay ai?. Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng sẽ như thế đó” (Lc 12: 20-21).

Hoặc rõ hơn nữa, là lời Chúa sau đây: “Anh  em phải  đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày  ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất…” (Lc 21:34-35).    Ngày ấy là ngày mà mọi người – xấu cũng như tốt-  phải ra trước mặt Chúa để trả lời về cuộc đời và mọi việc mình làm trên trần thế này. Chúa nói: “Ai có tai nghe, thì nghe” (Mt  13: 43; Mc 7:16; Lc 8:8).

Tóm lại, Thiên Chúa là Cha đầy lòng sót thương con người và mong muốn cho mọi người được hạnh phúc với Ngài trên Nước Trời mai sau. Nhưng đó chỉ là hy vọng thôi, chứ chưa xảy ra ngay bây giờ, vì con người còn phải sống tạm trên trần gian này một thời gian dài ngắn, tuy theo  số phận của mỗi người. Trong khi chờ đời Ngày hạnh phúc trên Nước Trời mai sau, mọi người tín hứu chứng ta được mong đợi sống theo đường lối của Chúa qua quyết tâm xa tránh tội lỗi để cuối cùng được cứu độ mà vào Nước Trời hưởng phúc vĩnh cứu với Chúa là Cha nhân từ đang chờ đón để ôm lấy mọi con cái tứ phương qui tụ lại, như người Cha nhân hậu chờ đón và ôm lấy đứa con đi hoang trở về.

Nhưng đừng ai lầm tưởng rằng Chúa quá nhân từ và yêu thương, nên con người cứ tự do sống và làm điều mình ưa thích, rồi vẫn đương nhiên được cứu độ! Trái lại, phải cộng tác với ơn Chúa để sống theo đường lối của Người và xa tránh tội lỗi, thì mới xứng đáng được hưởng nhờ tình thương của Chúa Cha và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Amen.

 

Ước mong những giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt  ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.