Hãy Để Thánh Thể Chiếm Lấy Con Tim

HÃY ĐỂ THÁNH THỂ CHIẾM LẤY CON TIM

Anh chị em thân mến, khởi đầu bước chân theo Chúa Giêsu trên con đường rao giảng Tin Mừng, các môn đệ đầu tiên cũng giống như chúng ta ngày nay; cứ tưởng mình là người chọn Chúa, nhưng thật ra chính Chúa mới là Đấng đã chọn, gọi chúng ta:  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, …” (Ga 15, 16)

Cũng vậy, không phải chúng ta chọn cách thức gặp gỡ Đức Kitô, nhưng chính Ngài đến với chúng ta theo cách của Ngài. Kinh Thánh mạc khải: “khi con người quay lưng với Thiên Chúa, Thiên Chúa lại dùng nhiều cách để đưa dẫn họ về nẻo chính đường ngay dẫu phải dùng đến những giao ước bất lợi cho Ngài”. Thiên Chúa đã thực hiện giao ước ấy một cách ‘thiệt thòi và bất lợi’ nhất khi “giao nộp” Con Một của Ngài cho chúng ta, Người Con ấy là Đức Giêsu xuống thế gian và Ngài đã vâng lời Cha đến nỗi vui lòng chịu chết và chết trên thập giá mà chuộc tội cho nhân loại. Bởi thế, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Ân Sủng trọng đại và cao vời nhất là chính Chúa Giêsu Kitô. Gặp gỡ Đức Kitô hằng sống đó là tất cả cuộc đời của chúng ta. Gặp gỡ Thiên Chúa Đấng cứu độ nơi điểm hẹn duy nhất là Đức Giêsu Kitô, cụ thể nơi Bí Tích Thánh Thể. Cơ hội để ta tìm gặp Thiên Chúa tất cả đều nằm trong các hoạt động của Giáo Hội, đặc biệt khi ta tham gia cử hành phụng vụ các Bí tích. Thật vậy, Thiên Chúa quả là “khôn ngoan” khi thiết lập các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, để ta trở lại tìm gặp Đức Ki tô – Bánh Hằng Sống.

Ao ước, lớn nhất của Chúa Giêsu, đó là chúng ta được ở lại trong Ngài mãi mãi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9). Tuy nhiên, ở lại trong tình thương của Đức Giêsu là chấp nhận để Thánh Thể chiếm lấy con tim của chúng ta. Lời mời gọi như một lệnh truyền của Chúa Giêsu với các môn đệ để họ nên một với Ngài là: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Việc làm để “nhớ đến Ngài” không chỉ là một lời thỉnh cầu mong nhận được một sự “tưởng nhớ trong kí ức” mà là một mệnh lệnh nhắm đến việc cử hành “tưởng niệm cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Ngài”, cũng như nhắm đến việc chuyển cầu của Ngài lên Chúa Cha. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng nhắc lại “mệnh lệnh” này như là đòi buộc chúng ta đáp lại hiến lễ của Đức Giêsu và thực hiện lại các Bí tích. Thật vậy, việc cử hành tưởng niệm hồng ân tuyệt hảo của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, không cốt ở việc lập lại cách đơn thuần bữa tiệc cuối cùng, nhưng là ở Bí tích Thánh Thể, nghĩa là nơi điều mới mẻ triệt để của phượng tự Kitô giáo. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng xác quyết: “Một ký ức trống rỗng về bữa Tiệc Ly sẽ chẳng ích gì cho chúng ta” (SC 6). Chúng ta cần hiện diện trong bữa ăn này (thánh lễ), để có thể nghe Lời Chúa, để “ăn” Mình và uống Máu Người, tức là “phải hiện diện” để cùng nhau cử hành Phụng vụ. Chúng ta gặp Chúa Giêsu cách sống động và thật sự nơi các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể, nơi đó chúng ta cảm nhận được quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, qua thông điệp Deus Caritas Est, đã diễn tả một sự hiện diện rất sống động của Chúa Giêsu qua Bí tích nhiệm mầu này: “Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào hành vi dâng hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn được tích cực lôi cuốn vào sự tự hiến của Ngài” (DC, 13), điều làm cho chúng ta nên một, như ý Chúa muốn, “Hãy ở lại trong Thầy” bằng cách chúng ta thi hành lệnh Ngài truyền. Điều này nhằm thỏa mãn ước mong của cả nhân loại: “Ước gì nhân tính của mỗi nhân thế trở thành nhân tính của Đức Kitô, để Đức Giêsu bắt đầu lại cuộc sống của Ngài xưa trong trần gian qua mỗi chúng ta”.

 Nếu có được những phút giây thinh lặng bên Thánh Thể trong các giờ chầu, anh chị em có thể nghe được lời mời tha thiết của Chúa: “Con hãy sống bằng sức sống của Ta ngày một hơn”. Để có thể đạt được điều đó, anh chị em, hãy nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu trước khi về trời: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26). Thánh Thần can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, Ngài hoạt động trong ta bằng một sức mạnh bí ẩn. Ngài ở đó bên ta, để giúp ta mở rộng con tim, sẵn sàng để cho Thánh Thể chiếm lấy con tim của chúng ta, hoạt động trong ta, nhờ đó ta có thể sống bằng sức sống của Chúa Giêsu Thánh Thể, tức là sức mạnh của tình yêu dâng hiến.

Vậy, trước Thánh Thể, anh chị em hãy để cho Đức Kitô tự do, để Ngài trở nên Đức Kitô cứu thế trong chúng ta. Muốn vậy, chúng ta hãy để đôi phút thinh lặng, lắng nghe Ngài chỉ bảo, thay vì bắt Ngài phải nghe ta mãi với những lời vô nghĩa, không mang lại lợi ích thiêng liêng.  Thưa anh chị em, hãy để Thánh Thể chiếm lấy con tim của ta, nhờ đó ta mới có thể “nhận ra Chúa”, vì Ngài lắm khi yêu thích hiện diện nơi những hình của người đau khổ, yếu hèn làm ta bất ngờ. Ai ngờ rằng, khuôn mặt trọn vẹn nhất của Đức Kitô lại là khuôn mặt bao gồm mọi mảnh đời của con người nhân thế. Chúng ta có nhiệm vụ nhận dạng khuôn mặt của mình trên khuôn mặt Chúa, đồng thời cũng có trách nhiệm nhận ra khuôn mặt anh chị em mình trong Thánh Thể. Anh chị em, những người môn đệ của Thánh Thể với sứ mạng giới thiệu một tình yêu không biên giới, vô vị lợi của Chúa cho người khác. Nhưng làm sao ai đó có thể nhận ra tình yêu Thánh Thể, nếu “sứ giả” chưa để cho Thánh Thể sử dụng khí cụ là con tim của họ. Hãy trao cho Chúa Giêsu quyền tái tạo và sử dụng con tim của chúng ta cho công trình yêu thương của Ngài.

 Môn đệ không thể hơn Thầy và môn đệ không làm điều gì là của riêng mình, nhưng là làm những điều Thầy đã làm và đã truyền dạy. Thánh Phaolô xác tín: “Tôi sống, không phải là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi”. Vậy chúng ta, những tông đồ Thánh Thể, là môn đệ của Thánh Tổ Phụ Eymard, chúng ta cũng có thể nói: “Không phải tôi, mà chính Thánh Thể Chúa Kitô hoạt động trong tôi”.

 Thưa Anh Chị em, Tin Mừng Phục Sinh mà Thánh sử Gioan trong suốt Mùa Mừng đã gợi hứng cho tôi viết thư này gởi đến anh chị em với lời mời gọi: “Hãy để Thánh Thể chiếm lấy con tim”. Vâng, chỉ khi chúng ta chấp nhận để cho Chúa hoạt động trong con tim của chúng ta, thì chúng ta mới có thể ở lại trong Chúa và Chúa mới có thể ở lại trong chúng ta, và sứ mạng làm cho vinh quanh Thánh Thể rạng tỏa khắp nơi của Thánh Eymard mới có thể sinh hoa quả tốt đẹp như Ngài mong ước.

Mến chúc anh chị em hết thảy trở nên “khí cụ” của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa giữa lòng nhân thế nhờ lòng quảng đại cộng tác hy sinh, nhất là để cho Thánh Thể chiếm lấy con tim của chúng ta.

Nguyện xin bình an của Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em luôn mãi.

Lm. Giuse Trần Ngọc Tân, SSS

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.