Hiểu Ý Nghĩa Chay Tịnh

6.7  Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
Am 9:11-15; Tv 85:9,11-12,13-14; Mt 9:14-17
HIỂU Ý NGHĨA CHAY TỊNH


Chúa Giêsu yêu thích cái mới, tạo nên cái mới, sống chết vì sự canh tân. Phúc âm của Người, chính là nguồn sinh lực mới mẻ và tươi mát. Không có chi lải nhải. Chúa Giêsu không chống lại việc giữ chay theo Luật truyền. Người thường ăn chay. Nhưng không ngại bãi bỏ việc giữ chay không có lý do thích hợp vì nó cản trở niềm vui chan hòa của con người. Chúa Giêsu nhìn nhận rằng người ta không thể suốt đời cứ huênh hoang tự đắc về những tập tục cũ kỹ và những cách suy nghĩ lỗi thời. Người đã rao giảng sự canh tân thường xuyên con người, việc làm và cách làm. Người luôn có những bước khởi đầu mới mẻ, với nhiệt tình hăng say luôn mới. Người là con người tự do, có khả năng xông pha mạo hiểm.

Việc giữ chay theo truyền thống Do Thái giáo, liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế… Cho nên, khi chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế mọi người chay tịnh chuẩn bị như cách sống và lời rao giảng của Gioan Tẩy giả đón Ngài.

Chúa Giêsu không loại bỏ việc ăn chay. Ngược lại Ngài đã dạy các môn đệ rằng, chỉ có ăn chay cầu nguyện mới trừ được quỷ (x. Mt 17,21). Chính Ngài có bốn mươi ngày ăn chay trong hoang địa trước khi bắt đầu sứ vụ công khai (x. Lc 4,1-2). Ngài nhấn mạnh đến chiều kích tâm hồn của ăn chay: Không hình thức vụ lợi bên ngoài nhưng là ẩn sâu trong tâm hồn.

Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đến như tân lang trong tiệc cưới – tiệc cứu độ tình yêu đem niềm vui đời đời cho chúng ta. Gioan Tiền hô giới thiệu Đức Giêsu như là tân lang vẫn được mong đợi: Nay tân lang đã đến và có cô dâu, và tuyên bố ông là “bạn của tân lang” (x. Ga 3,29).

Đức Giêsu tự giới thiệu như là “Chàng Rể” (x. Mc 2,18-20). Sau này thánh Phaolô tông đồ cũng nhấn mạnh: Đức Kitô – Hôn phu và Giáo hội – Hiền thê (x. 2Cr 11,2; Ep 5,25-33). Thánh Âugustinô đã viết: “Hôn phu (chú rể) của tiệc cưới ấy là hình ảnh của Đức Chúa hiện thân”….

Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế – Tân lang đang hiện diện, do đó các môn đệ là các phù rể, là bè bạn Ngài đang dự tiệc cưới thì không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Vì thời của Ðấng Cứu Thế – Tân lang là thời của hân hoan, của niềm vui, không phải là thời của khóc lóc, tang chế, ủ dột và chay tịnh.

Chỉ khi “Tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay” (Mt 9,15). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến cái chết của Ngài. Một khi Ngài rời khỏi thế gian để lên cùng Cha, lúc đó các môn đệ ăn chay. Ngày nay, Giáo hội vẫn tha thiết kêu mời con cái mình ăn chay hướng lòng chờ đợi ngày Đức Giêsu lại đến trong ngày quang lâm.

Chúa Giêsu đã đến, Ngài hiện diện như những gì các tiên tri đã tiên báo và Lề Luật của Môsê hướng tới. Vì thế, giờ đây, chính Ngài là nội dung của Luật, nên hãy sống với một tinh thần mới chứ không phải mong đợi nữa, vì Chàng Rể là Chúa Giêsu đã đến.

Tinh thần mới ở đây chính là lòng bao dung, tha thứ, hiền hòa, nhân hậu, từ bỏ con đường tội lỗi. Đổi mới bầu da cũ là bỏ đi nếp sống không còn phù hợp với Tin Mừng và thay vào đó là những cách sống mà Đức Giêsu đã vạch ra, đó là: “Mến Chúa và yêu người”. Thiên Chúa không thể đổ tràn ân sủng mới của Ngài vào trong một thân thể cũ với đầy những tội lỗi, những thù hằn, ghen ghét …

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Kế hoạch sau cùng vô cùng tuyệt hảo. Đó là Con Một Chúa xuống thế làm người ở với chúng ta. Đó là một sáng kiến vô cùng mới mẻ. Cao siêu vượt quá trí khôn loài người. Chúa lập ra đạo mới vượt xa đạo cũ. Đạo cũ chuyên chăm giữ luật. Đạo mới sống với Chúa trong tình yêu. Chúa lập ra một dân mới thay thế dân cũ. Dân cũ căn cứ vào huyết thống Áp-ra-ham. Dân mới căn cứ vào đức tin của Áp-ra-ham. Đạo mới là tấm áo mới may bằng vải mới. Là chất rượu mới thơm tho mãnh liệt. Con người vì thế phải đổi mới để thích hợp. Phải trở thành áo mới. Không thể vá áo cũ. Phải trở thành bầu da mới. Để chứa đựng rượu mới nồng nàn. Không đổi mới sẽ như manh áo cũ rách tả tơi. Như bầu da cũ nổ tung khi gặp rượu mới. Phải đổi mới. Như Gia-cóp có thể thay thế E-sau. Như Đa-vít trổi vượt Sa-un. Như các môn đệ vượt qua các kinh sư và biệt phái.

Xin cho chúng ta hiểu tâm tình căn bản của người môn đệ trong thời Tân ước là tâm tình được đổi mới nên luôn vui tươi. Cũng như hiểu ý nghĩa chay tịnh: Chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến trong thức tỉnh với trọn tâm tình yêu mến chứ không phải với hình thức bên ngoài… Hãy xé lòng đừng xé áo như lời ngôn sứ Gioen đã nhắc nhở, kêu mời (x. Ge 2,12).

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.