Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải

BÀI CUỐI

KINH NGHIỆM VỀ

THIÊN  CHÚA VÀ THẦN KHẢI[1]

 

Giới thiệu

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải (có thể còn được gọi là ‘nhiệm hiệp’ hoặc theo Phật giáo là ‘giác ngộ’), hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng. Theo cha Anselm, thần khải không biến chúng ta thành thần, thành thánh siêu việt, nhưng soi rọi cho chúng ta thấy rõ và có cái nhỉn mới về mọi sự và chính mình, không chỉ thấy những mặt sáng mà cả mặt tối của mình nữa.

                                Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

Từ thời Platon, thần khải (illumination) là đích đến của mọi nỗ lực của con người để nhận biết chân lý. Rất nhiều tôn giáo đặt thần khải vào cuối con đường thiêng liêng. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu nói về chính mình: “Tôi là sự sáng thế gian. Ai theo tôi, không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.” (Ga 8,12). Trong Lời Tựa của Tin mừng Gioan đã nói rằng Ngôi Lời là ánh sáng cho mọi người, và rằng trong Chúa Giêsu, ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người, đã đến trong thế gian này (xem Ga 1, 4 và 9). Đối với Tin mừng Gioan, sứ mạng của Chúa Giêsu hệ tại giúp con người lại nhìn thấy chân lý vì cái nhìn của họ đã trở nên mù tối. Đức tin là thần khải. Đức tin là cách nhìn mới. Nếu bây giờ đức tin đã chiếu sáng cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ được chiếu sáng hoàn toàn khi được thần khải, và thậm chí, chính chúng ta sẽ là ánh sáng: “Thành thánh không cần mặt trời, không cần mặt trăng để chiếu sáng, vì vinh quang Thiên Chúa là ngọn đuốc soi sáng cho thành.” (Kh 21,23).

 

Kinh nghiệm của các nhà thần bí.

Tất cả các nhà thần bí đều đồng ý nói rằng tự sức, chúng ta không thể đạt đến thần khải, kể cả nhờ đời sống cầu nguyện hay một phương pháp suy gẫm nào cũng không thể. Đó luôn là một ân ban nhưng không. Nhưng nếu được ban để đạt tới thần khải thì con người sẽ thấy mình kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và với chính mình. Trong phụng vụ cổ, Giáo hội đã sử dụng hình ảnh ánh sáng rất nhiều. Phép Rửa được gọi là thần khải (illumination – photismos). Qua lễ nghi phép Rửa, người ta trải nghiệm sự toả sáng nội tâm, mắt họ mở ra và họ nhìn thế giới với đôi mắt mới. Trong phụng vụ sáng và chiều, Đức Kitô được gọi là mặt trời mọc và mặt trời lặn: ban sáng để xoá tan bóng tối khỏi tâm hồn chúng ta; ban chiều để chiếu sáng trong lòng chúng ta đang khi bóng tối bên ngoài bao phủ. Có rất nhiều lễ nghi về ánh sáng giúp chúng ta trải nghiệm ánh sáng nội tâm, và đối với các đan sĩ, đích đến của con đường thiêng liêng là chiêm ngưỡng ánh sáng đó.

 

Các nhà thần bí nói đến thần khải là muốn nói gì? Thần khải không phải là nhìn thấy Thiên Chúa trực tiếp. Đúng hơn là trong chính chúng ta, mọi sự đều trở nên sáng tỏ. Tôi thấy ánh sáng của chính tôi, theo như Évragne le Pontique đã nói. Rất rõ ràng, Évragne nghĩ rằng cái TÔI của chúng ta, hạt nhân sâu xa nhất của con người chúng ta, trở thành ánh sáng. Ông còn nói hạt nhân này toả sáng như saphia.

 

Như vậy, trước hết, Thần khải là một cách thế trải nghiệm về bản thân, nhưng đây là một trải nghiệm mà ở đó, con người thấy mình hợp nhất mật thiết với Thiên Chúa. Người được thần khải soi sáng không nhìn thấy một cái gì đó đặc biệt, nhưng tất cả đều trở nên trong suốt thấy được. Cái nhìn của người đó đạt đến nền tảng sâu xa nhất của mọi hữu thể và mọi sự. Tất cả đều trở nên rõ ràng và sáng sủa đối với người đó. Cùng lúc, người đó thấy hoà hợp với chính mình, với cuộc đời mình, với thế giới, kể cả với những khốn khổ của mình. Người đó không thể giải thích bất cứ điều gì, nhưng tận nền tảng, người đó biết tất cả. Người đó chiêm ngắm. Người đó nhìn thấy mọi sự. Người đó không nhìn thấy gì đặc biệt, nhưng nhận biết mầu nhiệm của chính hữu thể. Chỉ trong một tia nắng mặt trời, thánh Biển Đức nhìn thấy cả thế giới. Đó là thần khải. Tự nơi sâu thẳm của tâm hồn, người đó nhìn thấy mọi sự: tạo vât, con người, chính mình và Thiên Chúa như nền tảng của tất cả. Trong ánh sáng nội tâm này, người đó là một với tất cả: “tất cả - một” (tout-un).

 

Phật giáo thiền tông nói đến satori. Một số tiểu sử về các thiền sư phật giáo thuật lại rằng con người có thể thiền định năm này qua năm khác mà không đạt đến giác ngộ. Và một ngày nọ, khi đang làm công việc hàng ngày, bất ngờ, người đó đạt đến giác ngộ (thần khải). Đối với người này, đó có thể đang ở giữa chợ; đối với người kia, có thể đang nhận một cái bạt tai. Thần khải luôn là một bất ngờ từ Thiên Chúa. Và chúng ta nhận biết sự thần khải trong điều này là người được thần khải trở lại với thực tế cuộc sống và thấy nó khác với trước đây.

 

Thời đại chúng ta ngày nay, ý tưởng thần khải lôi cuốn và làm say mê nhiều người. Nhưng khi nói về nó nhiều quá, người ta có nguy cơ thổi nó thành bong bóng. Người ta nghĩ mình đã hoàn toàn trở nên ánh sáng, nhưng cùng lúc, người ta lại quên các bóng tối của mình. Người ta chỉ có thể cảm nhận được ánh sáng nơi mình, nếu có can đảm đối diện với những vùng còn tối tăm của mình.

 

Một số người được thần khải cho rằng bóng tối của họ đã bị chìm ngập trong ánh sáng của ý thức trọn vẹn (tức thần khải). Tuy nhiên, nếu người ta không ý thức thực hiện một việc khó khăn là chấp nhận bóng tối như là một phần của toàn thể con người mình, thì bóng tối đó vẫn tồn tại nơi người ấy, và nó sẽ tỏ lộ qua thái độ và cách ứng xử khác lạ. Nhà tâm lý học Georg Feuerstein làm chúng ta chú ý đến một sự kiện là nhiều gourou đã giác ngộ vẫn còn những vùng tối nơi họ. Thần khải không miễn trừ cho chúng ta nghĩa vụ phải đối diện với bóng tối của chính mình để khiêm tốn chấp nhận nó. Nếu không, chúng ta sẽ bị mê hoặc đến nỗi quên rằng chúng ta chỉ là con người (phàm nhân). Điều đó sẽ không đưa chúng ta đến sự chữa lành và biến đổi mà sẽ đưa đến thoái hoá và chia rẽ nội tâm, cũng có khi còn đưa đến lòng say mê ánh sáng một cách bệnh hoạn.

 

Con người chỉ có thể trải nghiệm về Thiên Chúa như là con người (không thể như thần linh). Ý thức mình là bụi đất và tăm tối, nếu không, chúng ta chỉ trải nghiệm một ngẫu tượng làm thoả mãn ước muốn giống như Thiên Chúa của chúng ta. Các giáo phụ nói rằng nhờ thần khải, chúng ta được thần hoá. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không được coi mình là thần thánh. Chính bởi vì được ánh sáng Thiên Chúa soi rọi mà chúng ta có thể không ngần ngại chấp nhận hiện hữu của chúng ta chỉ là người phàm.

 

Chúng ta chỉ có thể nói đến Thần khải trong sự mâu thuẫn giữa ánh sáng và bóng tối. Nếu ý thức về sự mâu thuẫn này, chúng ta có thể không e sợ gì để xem xét vô số hiện tượng thần khải ngày nay người ta nói đến. Thường xuyên có người nói với tôi rằng họ đã thấy ánh sáng hay một tia sáng. Họ thoáng thấy một tia sáng hoặc trên khuôn mặt một người, hoặc khi băng qua một khu rừng, hoặc khi đang suy gẫm. Những người khác lại nói họ thấy ánh sáng sống động trong một giấc mơ. Đối với họ, rõ ràng là chính Thiên Chúa hiện diện với họ trong ánh sáng sống động đó. Những kinh nghiệm về ánh sáng như vậy làm người ta thấy hạnh phúc. Nhưng người ta không thể giữ ánh sáng đó được lâu, nó mau chóng biến mất. Và theo đuổi nó chẳng có ý nghĩa gì. Dù biết về nó thì chúng ta cũng phải quay về với những nhàm chán của cuộc sống hàng ngày. Đó là điều đã xảy ra với các môn đệ trên núi Tabor. họ đã thấy Chúa Kitô hiển dung. Một đám mây đã che khuất những gì họ thấy và họ sợ hãi. Họ phải xuống núi đang khi vẫn ý thức rằng mình đã thấy ánh sáng và trở về với mây mù của cuộc sống hàng ngày.

 

Thiên Chúa trong tôi.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa như thần khải không phải chỉ xuất phát từ những kinh nghiệm về ánh sáng lạ thường mà còn từ sự kiện là chúng ta có thể biết Thiên Chúa nơi chính mình. Con đường dẫn đến sự nhận biết Thiên Chúa như vậy chính là qua sự nhận biết chính mình. Khi nhìn vào chính mình mà không dừng lại ở lịch sử đời mình, ở suy nghĩ và tình cảm của mình, cũng như ở những thương tổn và khiếm khuyết của mình, tôi nghi ngờ có một cái gì đó của Thiên Chúa, của mầu nhiệm vượt khỏi tôi, mà tôi không nắm bắt được. Nếu tôi đi đến tận cùng của câu hỏi: Tôi là ai? Thì không phải cái TÔI mà tôi nắm bắt được, nhưng trong cái TÔI này, chính là Thiên Chúa, nền tảng đích thực của cuộc đời tôi. Nhưng Thiên Chúa trong tôi lại là Đấng tôi không thấy được và không nắm giữ được. Ngài không ngừng ẩn giấu và là Đấng không thể nắm bắt được.

 

Trong thần khải, đối với tôi, Ngài không phải là người đối diện tôi có thể thấy rõ ràng, nhưng Ngài dùng ánh sáng của Ngài để xuyên qua tôi và rảo qua tôi. Tôi không thể biết Ngài như một thực tại được xác định, một hình thái cụ thể, nhưng tôi biết mình được thần khải nhờ ánh sáng của Ngài soi chiếu. Tôi thấy mình hoàn toàn hợp nhất. Các tác giả về đời sống thiêng liêng nói rằng tôi kinh nghiệm về Thiên Chúa trong bình an và trong thinh lặng nội tâm của tôi, trong sự hoà hợp nội tâm, khi mà đột nhiên tất cả trở nên rõ ràng đối với tôi, khi mà những mâu thuẫn tan chảy trong sự hợp nhất: thời gian và vĩnh cửu, bản năng và lý trí, trời và đất.

 

Kinh nghiệm về hợp nhất mọi sự này không phải là thành quả từ việc tôi suy tư về chính mình, nhưng là ân ban của Thiên Chúa: trong bình an nội tâm của tôi, chính Thiên Chúa hiện diện. Khi được Chúa ban cho kinh nghiệm này, tôi phải hết sức khiêm nhường. nếu không, sự thần khải này sẽ làm tôi hợm mình, trở nên kiêu căng đến nỗi tin răng mình là người ngoại thường. Nó sẽ đưa tôi đến sự tôn mình lên thái quá và tôi sẽ rơi vào ảo tưởng bệnh hoạn về chính mình.

 


[1] Chuyển ngữ từ “Ouvre tes sens à Dieu” (Hãy mở các giác quan của bạn cho Thiên Chúa), Anselm Grun, Mediaspaul, Paris 2006, trang 169-175.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.