Ký ức đen tối

KÝ ỨC ĐEN TỐI

 

Để thực sự là chính mình là nhớ, chạm và cảm nhận ký ức về một  chạm vào ban đầu của Chúa trong chúng ta. Ký ức đó đốt cháy năng lượng và cung cấp cho chúng ta một lăng kính để nhìn và hiểu. 

 

 

Trong tâm hồn chúng ta, vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể hình dung, diễn tả bằng lời, thậm chí cảm nhận rõ ràng, chúng ta có một ký ức đen tối về việc đã từng được chạm vào, được đôi bàn tay dịu dàng hơn nhiều so với bàn tay của chính chúng ta vuốt ve. Vuốt ve này đã để lại một dấu ấn vĩnh viễn, một dấu ấn của một tình yêu dịu dàng và sâu sắc đến nỗi ký ức về nó trở thành lăng kính để qua đó chúng ta nhìn các thứ khác. Dấu ấn này nằm ngoài ký ức có ý thức, nhưng lại hình thành nên trọng tâm tâm hồn chúng ta.

Đây không phải là một khái niệm dễ giải thích. Linh mục triết gia Canada Bernard Lonergan (1904-1984), một trong những nhà trí thức vĩ đại đã cố gắng giải thích theo cách triết học, linh mục cho rằng chúng ta mang trong mình “dấu ấn của các nguyên tắc đầu tiên”, cụ thể là những thuộc tính của Chúa như sự toàn vẹn, chân lý, lòng tốt, vẻ đẹp. Điều đó chính xác, nhưng trừu tượng. Có lẽ các huyền thoại, các truyền thuyết xưa cổ nắm bắt điều này tốt hơn khi họ nói, trước khi sinh ra, mỗi linh hồn được Chúa hôn, sau đó dù trải qua cuộc sống đen tối một cách nào đó, con người luôn nhớ nụ hôn này và lượng định mọi thứ qua trải nghiệm ngọt ngào ban đầu này, để kết nối với trái tim, kết nối với nụ hôn nguyên thủy với tất cả sự quý giá và ý nghĩa của nó.

Chính xác điều đang được nói ở đây là gì?

Bên trong mỗi chúng ta, tại nơi mà tất cả những gì quý giá nhất của chúng ta, có một cảm giác mơ hồ về việc đã từng được chạm vào, vuốt ve, yêu thương và trân trọng vượt xa bất kỳ điều gì chúng ta đã trải nghiệm một cách có ý thức. Trên thực tế, tất cả sự tốt đẹp, tình yêu, giá trị và dịu dàng chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống đều không đủ chính xác vì chúng ta đã kết nối với một điều gì đó sâu sắc hơn. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng, tức giận, bị phản bội, bị xâm phạm đó là vì những trải nghiệm bên ngoài này ngược với những gì chúng ta trân trọng bên trong.

Tất cả chúng ta đều có nơi này, một nơi trong trái tim, nơi chúng ta giữ tất cả những gì quý giá và thiêng liêng nhất của mình. Từ nơi đó, những nụ hôn, những giọt nước mắt của chúng ta tuôn ra. Đó là nơi chúng ta bảo vệ mình để khỏi bị người khác đi vào, nhưng cũng là nơi chúng ta muốn người khác đi vào nhất; nơi chúng ta cô đơn sâu đậm nhất, nơi của thân mật; nơi của ngây thơ, nơi chúng ta bị xâm phạm; nơi của lòng trắc ẩn, nơi của thịnh nộ. Ở đó, chúng ta là thánh. Ở đó, chúng ta là đền thờ của Chúa, đền thờ thiêng liêng của chân lý và tình yêu. Ở đó, chúng ta mang hình ảnh của Chúa.

Nhưng chúng ta cần hiểu điều này: hình ảnh của Chúa bên trong chúng ta không phải là biểu tượng đẹp đẽ được đóng dấu bên trong tâm hồn chúng ta. Không. Hình ảnh và sự giống Chúa bên trong chúng ta là năng lượng, lửa và ký ức; đặc biệt là ký ức về một đụng chạm nhẹ nhàng và yêu thương đến mức lòng tốt và sự thật trở thành lăng kính để cuối cùng chúng ta nhìn thấy mọi thứ. Vì vậy, chúng ta nhận ra lòng tốt và sự thật bên ngoài chúng ta chính xác là vì chúng cộng hưởng với một cái gì đó đã có bên trong chúng ta. Mọi thứ chạm đến trái tim chúng ta khi chúng chạm đến chúng ta ở đây. Không phải vì chúng ta đã được chạm đến và vuốt ve sâu sắc nên chúng ta say mê tìm kiếm người bạn tâm giao, chúng ta tìm kiếm một ai đó để cùng chúng ta ở nơi thân mật này sao?

Và, một cách có ý thức và vô thức, chúng ta đo lường mọi thứ trong cuộc sống bằng cách chạm đến nơi này: tại sao một số trải nghiệm lại chạm đến chúng ta sâu sắc hơn một số trải nghiệm khác? Tại sao trái tim chúng ta lại bùng cháy khi chúng ta đứng trước bất kỳ sự thật, tình yêu, lòng tốt hay sự dịu dàng chân thành và sâu sắc nào? Chẳng phải mọi kiến thức sâu sắc chỉ đơn giản là sự thức tỉnh với điều gì đó chúng ta đã biết sao? Chẳng phải mọi tình yêu chỉ đơn giản là vấn đề được tôn trọng vì điều gì đó chúng ta đã có sao? Chẳng phải sự đụng chạm và sự dịu dàng mang lại ngây ngất không gì khác hơn là khuấy động vào ký ức sâu thẳm của chúng ta sao? Chẳng phải những lý tưởng truyền cảm hứng cho hy vọng chỉ là lời nhắc về những lời mà ai đó đã nói với chúng ta sao? Chẳng phải mong muốn được ngây thơ (ngây thơ là không bị tổn thương) của chúng ta phản ánh một nơi nguyên thủy không bị tổn thương sâu thẳm bên trong chúng ta sao? Và khi chúng ta cảm thấy bị xâm phạm, chẳng phải là vì ai đó đã vô lễ bước vào nơi thiêng liêng bên trong chúng ta đó sao?

Khi chúng ta gần với ký ức này và tôn trọng sự nhạy cảm của nó, chúng ta đang tiếp xúc với tâm hồn mình. Vào những lúc đó, đức tin, hy vọng và tình yêu sẽ nảy nở trong chúng ta, niềm vui và nước mắt sẽ tuôn trào một cách tự nhiên, và chúng ta sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc của sự ngây thơ và vẻ đẹp trẻ thơ, khi nỗi đau và lòng biết ơn xen kẽ sẽ làm chúng ta quỳ xuống.

Đó chính là ý nghĩa của việc được hồi tưởng và tập trung. Để thực sự là chính mình là nhớ, chạm và cảm nhận ký ức về một  chạm vào ban đầu của Chúa trong chúng ta. Ký ức đó đốt cháy năng lượng và cung cấp cho chúng ta một lăng kính để nhìn và hiểu.

Đáng buồn thay, ngày nay, thế giới bị tổn thương, bị chai sạn, hoài nghi, quá tinh vi và quá trưởng thành thường mời gọi chúng ta quên đi nụ hôn của Chúa trong tâm hồn, xem đây là trò trẻ con. Nhưng, trừ khi chúng ta tự dối mình và cứng rắn chống lại chính mình (hoạt động nguy hiểm nhất trong mọi hoạt động), chúng ta sẽ luôn nhớ, một cách mơ hồ, đen tối, không ngừng nghỉ cái vuốt ve của Chúa.

 

Ronald Rolheiser

Marta An Nguyễn dịch

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.