Mạng xã hội khiến người trẻ ngày càng ít hoạt ngôn, ngại giao tiếp?

MẠNG XÃ HỘI KHIẾN NGƯỜI TRẺ

NGÀY CÀNG ÍT HOẠT NGÔN, NGẠI GIAO TIẾP?

 

Xu hướng trao đổi qua tin nhắn, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, Telegram… ngày càng nhiều, khiến nhiều người trẻ cảm thấy khó khăn và thiếu tự tin khi giao tiếp trực tiếp.

 

 

Người trẻ ngày càng ít hoạt ngôn, ngại giao tiếp? - Tranh minh họa: VŨ ĐÌNH GIANG

 

Trong thời đại số hiện nay, giới trẻ có xu hướng trao đổi qua tin nhắn, mạng xã hội và nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng thiếu tự tin khi giao tiếp trực tiếp.

 

Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Phi Bảo gửi đến Tuổi Trẻ Online quanh vấn đề này.

 

Ngành cần hoạt ngôn sinh viên lại nhút nhát

Tôi đang công tác ở một trường đại học công lập và tham gia thỉnh giảng ở một số nơi khác nên thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên ở nhiều lứa tuổi, từ sinh viên hệ đào tạo chính quy đến sinh viên hệ vừa làm vừa học.

 

Quá trình nhiều năm giảng dạy các sinh viên ngành ngôn ngữ tiếng Anh và ngôn ngữ Trung Quốc, tôi phát hiện ra rằng: mặc dù là sinh viên học ngành ngôn ngữ - chuyên ngành đòi hỏi người học phải có kỹ năng thuyết trình tốt, hoạt ngôn, giao tiếp linh hoạt..., nhưng nhiều em lại rất nhút nhát, ngại giao tiếp trực tiếp.

 

Thông thường, vào giờ giải lao giữa các tiết học, tôi không đi đến văn phòng khoa dành cho giảng viên mà thường ngồi luôn tại lớp để trò chuyện cùng các em.

 

Tôi quan sát có nhiều em từ khi bước chân đến lớp tới lúc tan học đều chỉ ngồi im một chỗ, không ra ngoài, không nói chuyện với cô giáo hay bạn học, cứ lặng lẽ một mình, học xong thì xem điện thoại.

 

Tôi luôn là người phải chủ động hỏi chuyện các em trước, hỏi gì thì trả lời nấy. Nếu không hỏi thì hầu như các em sẽ không nói gì, chỉ ngồi xem YouTube và TikTok cho đến khi cô giáo bảo vào lớp học tiếp.

 

Thậm chí, nhiều lần có một số em sinh viên ngồi trong cùng lớp học với tôi nhưng lại nhắn tin Zalo cho tôi xin phép cho em nghỉ sớm chiều thứ bảy để về quê.

 

Tôi đọc tin nhắn mới hỏi luôn ai xin phép cô nghỉ sớm? Sinh viên đó mới nói là em. Tôi nói luôn: Tại sao em không xin phép cô trực tiếp mà phải nhắn tin? Sinh viên chỉ im lặng không nói gì.

 

Ngoài ra, còn có hiện tượng là khi lên bảng hội thoại về nội dung bài khóa mới, có những em chỉ cúi gằm xuống đất nói, không đủ dũng khí nhìn thẳng vào mặt bạn học để nói.

 

Hơn thế, có những em run lẩy bẩy quên hết nội dung bài khóa đã học thuộc, phải có cô giáo nhắc mới nhớ được nội dung hội thoại.

 

Ngồi cùng phòng không trao đổi trực tiếp mà nhắn tin

Theo tìm hiểu, hiện tượng ngại giao tiếp không phải chỉ xảy ra đối với sinh viên tôi đang giảng dạy.

Nhiều người trẻ đang đi làm ở công sở cũng có thói quen này. Đồng nghiệp ngồi làm việc cùng phòng với nhau nhưng không nói chuyện trực tiếp mà cứ nhắn tin cho nhau. Ưu điểm của việc giao tiếp bằng nhắn tin cũng có nhiều nhưng nhược điểm không phải là ít.

 

Ưu điểm của việc này là trao đổi, trả lời nhanh, không làm phiền người xung quanh, nhất là những chuyện tế nhị, mang tính cá nhân.

 

Nhược điểm của thói quen thích giao tiếp qua mạng xã hội, dần dẫn đến bản thân rất nhút nhát và khó hòa nhập với mọi người hơn.

 

Đặc biệt, vốn từ ngữ ngày càng hạn hẹp hay khả năng xử lý tình huống không còn nhanh nhẹn như trước đã và đang ảnh hưởng khá nhiều đến công việc và cuộc sống của các em.

 

Chưa kể, hậu quả của việc giới trẻ ngại giao tiếp có thể kể đến như: các bạn thiếu kỹ năng trong giao tiếp ứng xử, không cảm thấy tự tin khi phải tiếp xúc và mở rộng mối quan hệ với người khác…

 

Để cải thiện khả năng giao tiếp cần một thời gian dài, sự kiên trì và quyết tâm của chính người trẻ.

 

Có thể cố gắng khắc phục bằng nhiều cách như: bớt nói chuyện trên mạng xã hội, đọc sách hướng dẫn về kỹ năng giao tiếp, thường xuyên tham gia các câu lạc bộ, tham gia những lớp học kỹ năng giao tiếp, ứng xử...

 

Bạn trẻ cũng cần đọc nhiều sách báo và tin tức để làm giàu thêm vốn từ, thông tin, có kiến thức, phong phú chủ đề khi nói chuyện với người khác.

 

Chúng ta cần hiểu rõ mạng xã hội cũng là công cụ và chúng ta không nên quá phụ thuộc, hãy bước ra ngoài và làm những điều mới mẻ để cuộc sống thực của chúng ta trở nên đầy màu sắc hơn.

 


PHI BẢO(tuoitreonline)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.