Mầu nhiệm của Mùa Vọng
Phần này được Linh mục Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD trích dịch sang Việt ngữ từ tác phẩm: “The Liturgical Year: Advent”, Volume 1, của tác giả Abbot Guéranger, O.S.B., (bản dịch tiếng Anh của Domlaurence Shepherd, O.S.B.), St. Bonaventure Publications, năm 2000, từ trang 28-34.
Sau khi đã mô tả những nét riêng biệt của Mùa Vọng nhằm phân biệt với các mùa còn lại trong Năm Phụng Vụ, vậy giờ đây chúng ta sẽ đi sâu vào mầu nhiệm kín ẩn đang chiếm trọn tâm trí của Giáo Hội trong Mùa Vọng này. Chúng ta nhận thấy rằng mầu nhiệm Chúa Giêsu đang đến hay Mùa Vọng (Advent) vừa đơn giản và vừa phức tạp. Đơn giản vì Con Một duy nhất của Thiên Chúa đang đến; phức tạp vì có ba ý nghĩa và Ngài đến vào ba thời điểm và trong ba cách thế khác nhau.
Thánh Bernard nói: “Trong lần đến thứ nhất, Ngài đến trong xác phàm và trong bản tính yếu đuối của con người; trong lần đến thứ hai, Ngài đến trong thần khí và quyền năng; và trong lần đến thứ ba, Ngài đến trong vinh quang và uy nghi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, lần đến thứ hai trong thần khí và quyền năng là phương thế giúp chúng ta vượt qua thân xác yếu đuối của con người để đạt tới vinh quang và uy nghi của Thiên Chúa”[1].
Như thế, đây là mầu nhiệm của Mùa Vọng. Giờ đây chúng ta hãy gẫm suy lời giải thích của cha Peter of Blois về mầu nhiệm ba lần đến của Đức Kitô được viết trong Bài giảng thứ ba của ngài về Mùa Vọng: “Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong ba lần: lần thứ nhất Ngài đến trong nhục thể, lần thứ hai Ngài đến trong linh hồn và lần thứ ba Ngài đến vào ngày phán xét. Theo chứng từ Kinh Thánh, lần thứ nhất Ngài đã đến vào lúc nửa đêm: Nửa đêm có tiếng kêu, Chú Rể đến rồi! Nhưng lần đến thứ nhất này đã xẩy ra lâu lắm rồi, vì chúng ta đã nhìn thấy Chúa Kitô trên trần gian và Ngài đã trò chuyện giữa nhân loại. Hiện nay chúng ta đang ở trong lần đến thứ hai của Ngài, miễn là chúng ta để cho Ngài có thể đến với chúng ta; vì Ngài đã nói rằng nếu chúng ta yêu mến Ngài, Ngài sẽ đến với chúng ta và sẽ cư ngụ giữa chúng ta. Vì vậy, không ai trong chúng ta biết chắc ngày Chúa đến lần thứ hai khi nào, ngoại trừ Thần Khí Thiên Chúa mới biết được những gì thuộc về Thiên Chúa? Chỉ những người được nuôi dưỡng bởi lòng khao khát những sự trên trời mới thực sự biết được khi nào Thiên Chúa đến; còn Ngài đến khi nào và Ngài đến từ đâu thì không ai biết chắc. Còn đối với lần đến thứ ba, chắc chắn rằng điều đó sẽ xảy ra nhưng không ai dám quả quyết bao giờ điều đó xảy ra; vì không có gì chắc chắn hơn sự chết, và cũng không có gì thiếu chắc chắn hơn giờ chết. Thánh Tông đồ nói: khi người ta nói rằng bình an và yên ổn thay, thì bấy giờ sự huỷ diệt sẽ thình lình ập xuống trên họ, cũng như những cơn đau đớn huỷ diệt sẽ giáng xuống người đàn bà đang mang thai, và họ sẽ không thoát khỏi. Do đó, lần thứ nhất Chúa đến trong sự khiêm hạ và kín ẩn, lần thứ hai Ngài đến trong tình yêu nhiệm mầu và viên mãn, lần thứ ba Ngài sẽ đến trong uy nghi và kinh sợ. Trong lần đến thứ nhất, Đức Kitô đã bị nhân loại lên án cách bất công; trong lần đến thứ hai, Ngài trao ban ân sủng của Ngài cho chúng ta; trong lần đến thứ ba, Ngài sẽ phán xét mọi sự trong công bình và chân lý. Như thế, trong lần đến thứ nhất, Ngài là con chiên; còn trong lần đến sau cùng, Ngài là con sư tử; giữa hai lần kia, Ngài là người bạn thân thiết nhất.[2]
Do đó, trong Mùa Vọng, Hội Thánh tha thiết chờ đợi Chúa Giêsu đến lần thứ nhất trong niềm vui hân hoan. Vì thế, Giáo Hội mượn tâm tình mừng vui hân hoan của các ngôn sứ, hợp với lời khẩn cầu của chính mình để dâng lên Thiên Chúa. Lòng mong đợi Đấng Mesia được Giáo Hội bày tỏ không chỉ là một hình thức tưởng nhớ về sự chờ mong của dân Do Thái xưa; mà còn hướng tới một chương trình huyền nhiệm và cao cả của Thiên Chúa về lòng từ bi nhân hậu của Người, đó là Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Người cho nhân loại. Từ muôn thuở, những lời cầu nguyện của dân Do Thái xưa hợp với những lời nguyện cầu của Giáo Hội cùng dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa và được Người lắng nghe. Thiên Chúa đã đón nhận những lời nguyện cầu của Dân Chúa, nên vào thời viên mãn, Người đã sai Con Một rất thánh xuống trần gian và chính Ngài thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.
Giáo Hội mong đợi Chúa quang lâm như là hệ quả của việc Chúa đến lần thứ nhất mà chúng ta chứng kiến trong cuộc viếng thăm của Chú Rể dành cho cô dâu. Hằng năm, việc Chúa đến lần thứ nhất diễn ra vào ngày Lễ Giáng Sinh, khi con Thiên Chúa ra đời để giải thoát Dân Chúa khỏi ách nô lệ và kẻ thù áp bức họ.[3] Do đó, trong suốt Mùa Vọng, Giáo Hội cầu nguyện để xin Thiên Chúa, Đấng là Đầu và là Phu Quân của Giáo Hội đến viếng thăm nhân loại, gồm mọi thành phần Dân Chúa, người sống cũng như kẻ đã qua đời, những người không còn hiệp thông với Giáo Hội, thậm chí kể cả những người ngoại đạo, để họ được hoán cải mà đến với ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi trong đêm tối. Do đó, những cách thế diễn tả của Phụng Vụ mà Giáo Hội thực hành trong Mùa Vọng là để cầu xin cho cuộc viếng thăm đầy yêu thương và nhiệm mầu này, và đó cũng là cách thế mà Giáo Hội thực hiện khi cầu xin Chúa Giêsu đến trong xác phàm; vì cả hai lần Chúa viếng thăm đều có cùng một mục đích. Nếu Con Thiên Chúa đã nhập thể cách đây hơn 1900 năm để viếng thăm và cứu độ nhân loại mà không mang lại điều gì và cũng không ấp ủ trong lòng chúng ta một đời sống siêu nhiên, điều mà cả chính Ngài và Thánh Thần của Ngài là nguyên lý duy nhất, thì việc Chúa Giêsu đến với mỗi người chúng ta trong mọi khoảnh khắc của đời sống sẽ chẳng có giá trị gì.
Nhưng cuộc viếng thăm hằng năm này của Đấng Tình Quân không thể lấp đầy nỗi khát khao của Hiền Thê Giáo Hội. Sau cuộc viếng thăm thứ ba, Giáo Hội khao khát Người sẽ hoàn tất mọi sự khi mở toang các cánh cửa của sự vĩnh cửu. Giáo Hội đã khắc sâu những lời sau cùng của Đấng Tình Quân: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22,20); và Hiền Thê Giáo Hội kêu lên cùng Người: “Ôi! Lạy Chúa Giêsu! xin ngự đến!” (Kh 22,20). Giáo Hội nóng lòng mong chờ ngày trở về với Đấng Tình Quân; đồng thời khao khát những người được tuyển chọn thật đông đảo, và giữa các đám mây trên trời thấy xuất hiện dấu chỉ của Đấng Cứu Độ và là Đấng Tình Quân của Giáo Hội. Nỗi khát khao mong đợi của Giáo Hội được diễn tả trong phụng vụ Mùa Vọng còn sâu xa hơn thế; và chúng ta bắt gặp ở điểm này lời chứng ngôn sứ của người môn đệ yêu dấu: “Vì nay đã tới ngày, cử hành hôn lễ Chiên Thiên Chúa và Hiền Thê của Người, đã điểm trang lộng lẫy” (Kh 19,7-8).
Nhưng ngày cuối cùng Ngài đến sẽ là một ngày kinh hoàng. Giáo Hội thường run sợ khi nghĩ đến cuộc phán xét khủng khiếp mà toàn thể nhân loại phải trải qua. Giáo Hội gọi đó là “một ngày thịnh nộ”, ngày mà vua David và nhà Sibyl đã báo trước; thế giới sẽ biến thành tro bụi; ngày của than khóc và sợ hãi”. Không phải Giáo Hội khóc thương cho chính mình, vì Giáo Hội biết rằng vương quyền của mình sẽ chẳng bao giờ lung lay vì Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu. Nhưng trái tim của mẹ Giáo Hội tan nát khi nghĩ rằng, trong ngày đó, nhiều người con của mình sẽ phải ở bên trái vị Thẩm Phán, họ không thuộc vào những người được chọn, sẽ bị trói chân tay lại và bị ném vào nơi tối tăm, nơi mà người ta sẽ không ngừng khóc lóc, nghiến răng. Đó là lý do tại sao trong phụng vụ Mùa Vọng, Giáo Hội thường nói về cuộc viếng thăm của Chúa Kitô thật kinh hoàng và các trích đoạn Kinh Thánh mà Giáo Hội chọn đọc có khả năng đánh thức sự sợ hãi trong tâm trí những đứa con đang ngủ mê trong tội lỗi.
Do đó, đây là mầu nhiệm “ba lần đến” trong Mùa Vọng. Trong các mô hình phụng vụ, được cụ thể hoá gồm hai loại: Loại thứ nhất gồm các lời cầu nguyện, các trích đoạn Kinh Thánh, và những bản văn tương tự, trong đó, chính những ngôn từ được sử dụng để truyền đạt những tâm tình mà chúng ta đang giải thích. Phần còn lại bao gồm các nghi thức bên ngoài đặc biệt cho khoảng thời gian thánh này, bằng cách đề cập đến những dấu chỉ khả giác, được biểu lộ qua các bài thánh ca và ngôn từ.
Trước hết, chúng ta bàn đến số ngày của Mùa Vọng. Bốn mươi ngày là con số ban đầu được Giáo Hội chấp nhận, và con số đó vẫn được duy trì trong phụng vụ Ambrosian và Giáo Hội Đông Phương. Nếu sau này, Giáo Hội Rôma và những người theo nền phụng vụ của Giáo Hội thay đổi số ngày của Mùa Vọng xuống bốn tuần thay vì bốn mươi ngày thì ý nghĩa của Mùa Vọng vẫn không thay đổi. Sinh Nhật Đấng Cứu Thế, Chúa chúng ta diễn ra sau bốn tuần, giống như ngày sinh lần đầu tiên xảy ra sau bốn ngàn năm, theo niên đại của người Do Thái và bản văn Vulgate.
Tương tự Mùa Chay, trong Mùa Vọng, việc cưới hỏi không được tổ chức trọng thể, kẻo niềm vui thế gian sẽ làm xao lãng các Kitô hữu khỏi những ý nghĩa trọng tâm, mà lòng khao khát cuộc viếng thăm của Vị Thẩm Phán tối đã thúc bách họ, hoặc nhờ đó họ ấp ủ một niềm hy vọng cháy bỏng mà những người bạn của Tân Lang sẽ sớm được mời gọi vào dự tiệc cưới vĩnh cửu.
Màu sắc ảm đạm của phẩm phục trong Mùa Vọng quả thật nhắc nhở mỗi người về nỗi u buồn tràn ngập tâm hồn Giáo Hội. Màu tím là màu chủ đạo mà Giáo Hội sử dụng trong Mùa Vọng, ngoại trừ vào các ngày lễ kính các thánh; phó tế không được mặc áo choàng Dalmatic, còn phụ phó tế cũng không được mặc áo dài. Trước đây, ở một số nơi, người ta có tục lệ mặc các phẩm phục màu đen. Sự u buồn của Giáo Hội cho thấy rằng Giáo Hội hiệp thông trọn vẹn với dân Israel xưa, họ mặc áo vải thô và rắc tro, chờ đợi Đấng Mesia, và nói với Xion rằng “vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, cây gậy chỉ huy sẽ không lìa khỏi giữa hai chân nó, cho tới khi Đấng làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải quy phục” (St 49,10). Những điều này cũng cho thấy các việc sám hối mà quà đó, Giáo Hội chuẩn bị cho việc đón chờ Chúa đến lần thứ hai, đầy ngọt ngào và huyền nhiệm, được tỏ bày trong tâm hồn con người khi họ cảm nếm được phần nào tình yêu dịu ngọt của Đấng Thiên Sai khi Người nói: “Vui chơi trên mặt đất, Ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,31). Lần thứ ba, Giáo Hội diễn tả nỗi buồn và lòng mong mỏi của mình với Đấng Tình Quân đang đến. Giống như chim bồ câu, Giáo Hội diễn tả nỗi cô đơn của mình, khao khát âm vang của Đấng tình quân nói với mình “Hỡi hiền thê, hãy từ Ly-băng đến với anh! Hãy rời hang sư tử, rời núi beo gấm! Tấm lòng em, hỡi người tình của anh, em đã chiếm mất rồi! Em đã chiếm mất rồi, chỉ một cái liếc mắt, chỉ một vòng đeo ở cổ” (Dc 4,8-9).
Trong Mùa Vọng, ngoại trừ vào những ngày lễ kính các thánh, Giáo Hội cũng cấm hát bài thánh ca thiên thần, “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”; vì bài thánh ca vinh quang này đã được hát tại Bethlehem bên máng cỏ của Chúa Hài Đồng. Trong Mùa Vọng, lưỡi của các thiên thần chưa được mở ra; Đức Trinh Nữ chưa sinh hạ Kho Báu thiêng liêng của mình; nên vẫn chưa đến lúc để hát, thậm chí chưa thực sự đúng lúc để nói rằng, “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Một lần nữa, vào cuối thánh lễ, phó tế không giải tán cộng đoàn tín hữu bằng những lời này: “Thánh lễ đã xong”, nhưng thay vào đó là bằng lời chúc thông thường: “Nào ta chúc tụng Chúa!” như thể Giáo Hội sợ làm gián đoạn những lời cầu nguyện của dân Chúa, vốn thường rất dài trong những ngày mong đợi này.
Cũng trong những ngày đó, vào Giờ Kinh Đêm, Giáo Hội cũng không hát thánh ca chúc tụng Thiên Chúa “Te Deum Laudamus”[4]. Chính trong sự khiêm hạ thẳm sâu mà Giáo Hội chờ đợi ơn phúc tối cao sẽ đến với mình; và trong khoảng thời gian đó, Giáo Hội chỉ cầu xin, khẩn nài và hy vọng. Nhưng hãy để cho giờ vinh quang đến, khi giữa đêm đen tối tăm nhất thì Mặt Trời công lý sẽ mọc lên soi chiếu thế gian: Lúc đó Giáo Hội sẽ hát lại bài ca tạ ơn, và trên khắp mặt đất, sự thinh lặng của đêm khuya thanh vắng sẽ bị phá vỡ bởi tiếng gào thét nòng nhiệt: “Chúng con ca ngợi Chúa, Lạy Chúa! Chúng con biết Ngài là Chúa của chúng con! Lạy Chúa Kitô, Ngài là Vua vinh quang, là Con vĩnh cửu của Chúa Cha! Chính Ngài sẽ cứu độ nhân loại và đã không chê bỏ cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria!”
Vào những ngày trong tuần, các nghi thức của Mùa Vọng quy định rằng các lời cầu nguyện kết thúc Giờ Kinh luật buộc nhất định phải đọc khi quỳ gối, và ca đoàn cũng nên quỳ gối trong những phần quan trọng của Thánh Lễ. Về điểm này, cách thực hành của Mùa Vọng cũng giống như Mùa Chay.
Nhưng có một điểm đặc biệt nhằm phân biệt rõ ràng Mùa Vọng với Mùa Chay: Lời của niềm vui hân hoan Alleluia không bị dán đoạn trong Mùa Vọng, ngoại trừ một vài lần trong Giờ Kinh thường nhật. Alleluia được hát trong các Thánh Lễ của bốn Chúa Nhật, và điều này tạo nên sự tương phản rõ nét với màu sắc ảm đạm của phẩm phục. Vào Chúa Nhật thứ ba, được sử dụng phong cầm, phẩm phục màu hồng có thể được sử dụng thay thế màu tím. Những dấu tích của niềm vui này, khi được hòa quyện với sự sầu muộn thánh thiện của Giáo Hội, nói với chúng ta một cách rất có ý nghĩa rằng, Giáo Hội hiệp nhất với dân của Thiên Chúa xưa trong lời cầu nguyện cho Đấng Mesia đến (như vậy là chu toàn món nợ mà toàn thể nhân loại mắc phải đối với sự công chính và lòng thương xót của Thiên Chúa). Giáo Hội đừng quên rằng Đấng Emmanuel đã thực sự đến với Giáo Hội, Ngài đang ở trong Giáo Hội, và thậm chí Ngài hiện diện trước khi Giáo Hội mở lời cầu xin Ngài đến cứu giúp mình. Giáo Hội đã thật sự được cứu chuộc và được tiền định để kết hợp với Người luôn mãi. Đây là lý do tại sao lời hát Alleluia vẫn vang lên ngay cả trong những tiếng thở than của Giáo Hội, và cũng là lý do tại sao Giáo Hội dường như vừa vui và vừa buồn, khi mong chờ đêm thánh ấy đến – đêm mà sẽ bừng sáng hơn cả ánh nắng mặt trời, và trong đêm ấy, niềm vui của Giáo Hội sẽ xua tan mọi nỗi buồn.
Nguồn: ngoiloivn.net (03/12/2024)
_____
[1] Bài giảng thứ năm cho Mùa Vọng.
[2] De Adventu, Sermon III.
[3] Collect for Christmas day.
[4] Nghi lễ của tu viện vẫn giữ lại