Mù con mắt nhưng sáng tâm hồn - Sáng con mắt lại mù tâm hồn!
(Suy niệm Chúa nhật 30 thường niên B)
Sinh ra ở trên trần gian ai mà chẳng muốn mình có đầy đủ và hoàn hảo về thân xác, có đầy đủ các bộ phận và mọi chi thể nguyên vẹn. Thế nhưng, thật là đau khổ cho những phận người phải đón nhận những khiếm khuyết về cơ thể của mình: khiếm thị - mù mắt; khiếm thính – hư tai; cụt tay – cụt chân,...vv. Nhưng đau thương nhất là bị khiếm thị – mù mắt. Vì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Có đôi mắt sáng thì dễ nhìn, dễ quan sát, dễ nhận biết để đi, để làm, để hành động, để nhận ra những hữu thể xung quanh. Quả thật, có thể nói mù mắt là nỗi đau và nỗi khổ nhất của con người. Vì người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” là vậy!
Mù con mắt thể lý nhưng sáng con mắt tâm hồn nơi Anh mù Ba-ti-mê!
Đọc Tin mừng của Thánh sử Mác-cô 10, 46-52 của Chúa nhật 30 thương niên B hôm nay, chúng ta bắt gặp một anh mù ngồi ăn xin tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Anh bị mù nên đâu có làm được cái gì, vì thế, nghề ăn xin nơi vệ đường để kêu van lòng thương hại của những ai đi qua nhằm phần nào nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Nỗi đau của anh mù không chỉ là bị mù về con mắt, mà con đau hơn nữa là phải đi ăn xin nơi xó đường cuối phố. Anh ‘ngồi trơ như pho tượng’ nơi góc đường, đôi khi có người thương anh cho anh vài đồng, nhưng cũng có thể có nhiều người bỉu môi hay khinh miệt mà phớt lờ bỏ đi cách vội vã. Anh đau khổ quá chừng! Ai sẽ cứu anh đây? Anh thất vọng và khao khát được sáng con mắt để đi đi lại lại như bao người, nhưng làm sao đây? Tiền đâu có mà chữa bệnh? Dựa vào đồng tiền lẻ của người đi đường cho làm sao và sẽ không bao giờ mơ tưởng để chữa lành đôi mắt?!
Bỗng nhiên, anh nghe được về Thầy Giê-su đi ngang qua, tâm hồn anh mừng rỡ hân hoan mà kêu lên: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ tình thương tôi!”. Quả thật, anh mù con mắt nhưng tai anh rất thính. Anh mù con mắt nhưng lòng anh rất sáng. Vì có lẽ bấy lâu nay, tuy anh mù nhưng anh đã được nghe, được biết về Thiên Chúa, về Đức Giê-su mà ai đó hay người thân đã kể trực tiếp hoặc họ bàn luận bên cạnh anh mà anh nghe lén được về Ngài. Một Giê-su có thể làm được nhiều chuyện: cho người điếc được nghe, cho người mù được thấy, cho người câm nói được, cho kẻ què được đi, cho người bệnh được lành, ngay cả kẻ chết cũng được cứu sống. Ôi may quá cho anh, nay anh được đón Ngài mặc dù anh không thấy. Anh khao khát gặp Ngài. Tuy nhiên, tiếng kêu của anh đã bị ngăn cản bởi người ta vì họ đang nghe Chúa giảng dạy. Mặc dù bị ngăn cản bởi số đông, nhưng vì sự khát khao được sáng, được nhìn thấy, anh càng mạnh dạn hô to và kêu lớn tiếng hơn nữa mà không sợ hãi. Và quả thật, Thầy Giê-su đã nghe được tiếng của anh và đã cho gọi anh lại. Anh mừng rỡ biết bao khi được tiếp xúc với Giê-su, Đấng mà bấy lâu nay anh đã nghe người ta thảo luận và bàn tán, Đấng luôn thương yêu và xót thương đây rồi.
Cuộc đối thoại giữa anh và Giê-su đã khơi dậy một niềm hy vọng được sáng mắt nơi anh. Anh muốn tôi làm gì cho anh? Thưa Thầy, xin cho tôi được sáng? Thật hạnh phúc cho anh vì anh đã gặp Đức Giê-su, “Ngài là ánh sáng thế gian, ai đến với Ngài đều được ánh sáng ban sự sống”. (x.Ga 8,12; Ga 9,6; 1Ga 1,5; x.G 25,4-6; Is 5,20; Ga 1,7). Ngay lập tức, anh đã được nhìn thấy vì lòng tin của anh đã cứu anh. Thật vậy, từ một người bị mù con mắt thể lý, nhờ sáng con mắt tâm hồn, nhờ sáng con mắt đức tin mà anh mù Ba-ti-mê đã được Đức Giê-su chữa lành.
Phải chăng chúng ta sáng con mắt thể lý nhưng lại mù tối con mắt tâm hồn?
Còn chúng ta, chúng ta là những Ki-tô hữu, những người được xem là lành lặn về thể xác. Chúng ta không bị mù từ bẩm sinh, không bị điếc, không bị què, không bị câm… thế nhưng, xét cho cùng chúng ta lại bị mù, bị câm, bị điếc, bị què nơi tâm hồn và trong đời sống đức tin khi chúng ta hiên ngang phạm tội cũng như làm những điều trái với điều răn của Chúa. Con mắt thể lý của chúng ta có thể nhìn thấy đủ điều, nhìn được mọi sự, nhưng tâm hồn của chúng ta đôi khi mù tối vì chúng ta không nhận ra ơn huệ Thiên Chúa dành cho chúng ta hằng ngày. Hơn nữa, nếu con mắt tâm hồn chúng ta không mù tại sao chúng ta cứ sa đi ngã lại bao nhiêu lần trong vùng bùn tội lỗi xấu xa: hận thù ghen ghét, tham lam gian xảo, bất hiếu, bạo lực, trộm cắp, ngoại tình, loại trừ nhau, trù dập nhau, nói xấu nói hành, gây gương mù gương xấu,..v.v?
Quả thật, anh mù Ba-ti-mê đã nhận ra mình bị mù và khát khao cũng như kiên trì tìm gặp Đức Giê-su, Đấng là Ánh Sáng thế gian để được sự sáng thật. Học từ anh mù Ba-ti-mê, ước mong rằng mỗi chúng ta là những Ki-tô hữu cũng biết nhận ra những điểm mù tối nơi tâm hồn của mình và mau khao khát, kiên trì tìm gặp Đức Giê-su Ki-tô để được chữa lành và được cứu sống. Thật vậy, Đức Giê-su, Người mà Chúa Cha đã phán: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” (x.Dt 5,6) sẽ có quyền năng để xua tan những bóng đêm tội lỗi nơi cõi lòng của mỗi chúng ta. Nếu quả thực chúng ta nhận ra sự mù tối nơi tâm hồn mình, chúng ta hãy tin tưởng vào Đức Giê-su, đừng ngại ngùng tìm gặp Ngài trong từng giây phút để Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sự, điều mà đang làm cho chúng ta đau khổ và thất vọng.
Ngoài ra, khi nghe Chúa Giêsu gọi mình, Ba-ti-mê lập tức bỏ áo choàng và đến gần Chúa. Điều đó có nghĩa gì với chúng ta? Chiếc áo choàng có thể tượng trưng cho những ràng buộc hoặc gánh nặng của chúng ta. Để đến gần Chúa, có lẽ chúng ta cũng cần buông bỏ những gì đang ngăn cản sự tự do tâm hồn, những thói quen xấu hay những mối bận tâm quá mức về thế gian và xác thịt.
Điều đặc biệt là sau khi được chữa lành, Ba-ti-mê “đi theo Chúa Giêsu trên con đường Người đi.” Quả thật, anh ta không chỉ nhận ánh sáng rồi quay lưng, nhưng đã trở thành môn đệ của Đức Giê-su trên con đường Ngài đã đi. Cũng vậy, hằng ngày nếu mỗi chúng ta thực sự được chữa lành khỏi mù lòa tâm hồn, chúng ta hãy cam kết sống theo con đường của Chúa, bước theo Ngài với lòng biết ơn chân thành và niềm tin sâu xa.
Tóm lại, câu chuyện của Ba-ti-mê hôm nay là một lời mời gọi chúng ta nhìn lại sự mù tối trong tâm hồn mình, không phải để chìm trong thất vọng, mà để nắm lấy niềm tin vào Chúa. Chúa luôn chờ đợi và sẵn sàng chữa lành khi chúng ta đến với Ngài bằng lòng tin tưởng sắt son. Amen.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương