Ngày 23/12: Thánh Gioan Kenty, linh mục

Ngày 23 tháng 12
THÁNH GIOAN KENTY, LINH MỤC

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ.

Thánh nhân sinh vào năm 1390 tại miền Krakow nước Ba Lan ở Kenty. Thánh nhân có óc thông minh, khôn khéo, học hành giỏi giang, trổi vượt các bạn bè. Ngài sống suốt cuộc đời tại miền Krakow, sau khi mãn trường ở đây, Ngài trở thành giáo sư văn chương, khoa trưởng triết học năm 1432 và Ngài cũng là giáo sư thần học vào năm 1443. Ngài được bổ nhiệm làm cha sở Olkusz, một họ đạo nhỏ bé ở gần Krakow. Với chức vụ nào, Ngài cũng tỏ ra là một người nổi tiếng, xuất sắc không chỉ vì kiến thức sâu rộng, mà còn bởi đức bác ái, lòng thương xót, cảm thông đối với mọi người, đặc biệt là những con người nghèo khó, bơ vơ, vất vưởng. Ngài có tấm lòng hoán cải rất đặc biệt. Thiên Chúa luôn có con đường của Ngài. Thánh nhân luôn sẵn sàng bảo vệ đức tin, luôn gắn chặt lấy Ðức Kitô cho dù chiến tranh lúc đó lan tràn và thảm khốc trên khắp nước Ba Lan. Thánh nhân có tâm hồn thống hối và ý thức việc hành hương Giêrusalem như một phương thế để đền tội, đồng thời cầu nguyện cho các linh hồn. Thánh nhân đã hành hương đất thánh Giêrusalem, viếng mộ Chúa Giêsu nhiều lần và đi Roma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ bốn lần.

Với tuổi đời 83, thánh nhân già yếu. Thiên Chúa đã kêu mời Ngài về với Chúa vào áp ngày lễ Noen năm 1473. Thánh nhân đã làm hết sức mình, đã sống đời sống kết hợp mật thiết Thiên Chúa và hoàn thành một cách xuất sắc nhất mọi công việc bề trên trao phó cho Ngài. Ðó là nét rất đặc biệt nơi cuộc sống Ngài.

Thánh Gioan Kanty sống thọ 83 tuổi. Trong suốt những năm ấy, rất nhiều lần Thánh nhân đã bán những của ngài có để giúp đỡ người nghèo. Khi người ta bật khóc vì nghe biết Gioan Kanty đang hấp hối, Thánh nhân đã an ủi họ: “Anh em đừng lo lắng cho cái nhà tù hay hư nát này; một hãy nghĩ tới linh hồn sắp sửa được thoát khỏi chốn ngục tù ấy!” Thánh Gioan Kanty về trời năm 1473; và được Đức Thánh Cha Clêmentê XIII tôn phong lên bậc Hiển Thánh năm 1767.

Chúng ta hãy học nơi Thánh Gioan Kanty sự chuyên cần chu toàn việc học cũng như việc nhà. Thiên Chúa chỉ mong đợi chúng ta cố gắng hết mình và Người sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin Thánh Gioan Kanty giúp chúng ta làm việc với tinh thần vui tươi phấn khởi.

II. BÀI HỌC

Mỗi vị thánh đều nổi bật về một nhân đức nào đó, chẳng hạn có thánh làm gương về sự trong sạch, có vị thánh về sự khó nghèo hay vâng phục. Tựu trung các vị thánh tuy có nổi bật về một vài nhân đức nào đó, họ vẫn có chung một mẫu số là sống càng giống Chúa Giêsu Kitô bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Một triết gia nổi tiếng ngày xưa, mỗi khi dạy học, thường bắt học sinh trả tiền. Ngày đó, có một thanh niên nghèo đến xin làm đệ tử. Ông hỏi:

- Anh có gì trả cho tôi không?

Chàng thanh niên khôn ngoan đáp:

- Con sẽ cho thầy cả con người của con.

Ông thầy nhìn anh rồi nói:

- Được tôi nhận anh. Nhưng anh phải cố gắng mỗi ngày để thăng tiến hơn con người hiện tại của anh.

Những ai muốn tận hiến cho Chúa cũng phải cố gắng mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn.

Ngày nay, bất cứ du khách nào đến Copenhague, Đan mạch, cũng sẽ hối tiếc nếu không chiêm ngắm cho bằng được tuyệt tác “Chúa Kitô và 12 Tông đồ”. Thế nhưng điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên là tác phẩm này có hai ấn bản được trưng bày tại hai nơi khác nhau, ấn bản tại Bảo tàng viện quốc gia có màu xám ảm đạm, nhưng ấn bản tại nhà thờ chính tòa Copenhague lại có một nét trắng toát thanh cao.

Làm gì để nên thánh

Ngày 1.10.2000 Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô đệ nhị đã phong thánh Cho một phụ nữ Sudan ở châu Phi tên là Josephine Bakhita với những lời nhận định thấm thía:

- Cô gái khiêm tốn Châu Phi này đã nhắc nhở cho thế giới một nhu cầu khẩn thiết phải giải phóng phụ nữ khỏi sự đàn áp, bất công và bạo lực, phục hồi phẩm giá của họ trong việc thực thi hoàn toàn các quyền lợi của mình.

Chị Josephine Bakhita sinh năm 1896 tại nước Sudan. Năm lên bảy, chị bị bắt cóc và bắt đi làm nô lệ. Chị phải chịu bao cay đắng cực hình cho đến năm 1882, lúc chị được ông lãnh sự Calisto Lugnani mua về. Sau đó chị được ông đưa về nước Ý. Ở đây, chị được gia nhập đạo công giáo. Một niềm vui tràn ngập cuộc đời Chị. Chị thường đến hôn lên chiếc giếng rửa tội và nói:

- Đây là nơi tôi đã được trở nên con cái Thiên Chúa.

Sau đó, chị được vào dòng Canossian và suốt đời chị được phân công làm những công việc âm thầm nhỏ nhặt. Tuy vậy, sự thánh thiện của chị ngày càng được mọi người biết đến. Chị đón tiếp mọi người rất niềm nở, luôn có những lời nâng đỡ ủi an khích lệ, sẵn sàng trả lời những câu hỏi thắc mắc của trẻ em. Chị chia sẻ:

- Nếu tôi gặp lại người buôn nô lệ đã bắt cóc tôi và ngay cả những người đã đánh đập tra tấn tôi, tôi sẽ quì xuống và hôn lên tay họ, bởi nếu những điều đáng buồn ấy không xảy ra thì chắc hôm nay tôi đã không có được cơ hội trở thành một Kitô hữu, trở thành một nữ tu.

Khi chị qua đời vào ngày 8.2.1947, hàng ngàn người đã đến viếng linh cữu chị. Quả thật, ngọn lửa thần linh Đức Giêsu đã ném vào trần gian đã làm cuộc đời chị Josephine Bakhita bừng cháy lòng yêu mến và tha thứ. Tha thứ cho cả những ai đã từng làm hại chị.

Con chỉ có một công việc quan hệ: Bổn phận. Không kể lớn nhỏ, vì lúc ấy “con làm việc của cha con”, trên trời Ngài chỉ định cho tôi thực hiện chương trình của Ngài trong lịch sử. Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất. Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là kho! (ĐHV 999)

Các thánh chỉ làm bổn phận mình, theo ơn Chúa ban cho mỗi người. Thánh Giuse và Mẹ Maria không làm gì khác hơn là chu toàn bổn phận âm thầm, khiêm tốn mỗi ngày, nói được là bổn phận tầm thường hơn con nữa.

Chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ lo làm việc nội trợ trong nhà kín như các chị em khác.

Thánh Isiđôrô cứ đi cày như các nông dân khác.

Thánh Gioakim và Anna là cha mẹ gia đình vất vả như cha mẹ của mọi gia đình khác.

Thánh Gioan Vianney chỉ ngồi toà giải tội như bất cứ một Linh mục nào khác. Có Linh mục nào mà giải tội không được đâu! Như cha Vianney rất ý thức về bổn phận cao cả của ngài và đã chu toàn một cách rất tuyệt hảo, mặc dầu ngài dốt đặc. Trước ngài ngồi toà mỗi tuần ít giờ, dần dần mỗi ngày ít giờ, rồi sau cùng, suốt mấy chục năm cuối đời, ngồi toà giải tội mỗi ngày 18 giờ. Ngài chỉ làm chừng ấy thôi mà ma quỷ cũng phải thét lên: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao phải bó tay thất nghiệp”.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.