Người tốt bụng như Chúa

Người tốt bụng như Chúa

  “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô” (Rm 1,27a).

  Ăn ở sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô, chỉ có một cách duy nhất đó là sống Tin Mừng của Đức Ki-tô trong cuộc sống của mình. Vậy thì chúng ta phải sống thế nào đây. Theo thánh Phao-lô, “đó là sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi” (Rm 1,21). Có nghĩa là Đức Ki-tô là trung tâm điểm của cuộc sống của chúng ta.

  Thánh Phao-lô nói : “Nếu tôi sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em” (Rm 1, 22-23).

   Đó cũng là sự giằng co của mỗi người chúng ta. Một đàng chúng ta cũng muốn ra đi, về với Chúa. Điều này ai cũng biết là tốt hơn bội phần. Nhưng một đàng chúng ta cũng muốn sống lâu ở đời này nữa. Ai cũng bảo về với Chúa cho sướng, sống ở đời chi cho khổ. Thế mà “Khi Chúa thương gọi tôi về” thì chẳng ai muốn về cả. Chúng ta chỉ hát cho người đã chết thôi, chứ không hát cho chính mình. Mới nghe qua thì có sự nghịch lý đấy, nhưng đó cũng là một điều rất tự nhiên của loài người chúng ta. Ai ai cũng muốn sống lâu ở đời này và ai ai cũng muốn được về thiên đàng hết. Đó là một điều “thật là chính đáng và phải đạo”.

   Bởi đó, theo tôi, chắc chắn chúng ta sẽ về với Chúa thôi, nhưng không biết lúc nào. Nên việc cần làm và cần sống là, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chuẩn bị bằng cách sống cho tốt : Sống yêu thương và sống công bằng. Bài Phúc Âm hôm nay kêu gọi chúng ta sống điều đó.

   Trong dụ ngôn, ông chủ, chính là hình ảnh của Thiên Chúa, sáng sớm ông đi ra thuê muớn người đi làm vườn nho cho mình và ông thỏa thuận với họ là một ngày, mỗi người một quan tiền. Thế rồi, lúc 12 giờ; lúc 3 giờ chiều và thậm chí đến 5 giờ chiều, ông cũng mướn người ta đi làm vườn nho cho mình.

   Khi hết ngày làm việc, ông kêu quản lý đến và dặn rằng : “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ người làm sau chót tới những người làm trước nhất” (Mt 20,8). Những người làm sau chót này được lãnh mỗi người một quan tiền. Những người làm trước nhất thấy vậy thì nghĩ rằng, chắc mình sẽ được nhiều hơn đây. Thế những mỗi người trong nhóm họ, mỗi cũng chỉ lãnh được một quan tiền.

    Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn ông chủ, sao lại xử bất công với họ thế. Ai đời lại trả công cho người làm có một tiếng đồng hồ bằng với người làm suốt cả ngày. Ông chủ đã trả lời thật chí lý: “Này bạn tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn đã chẳng thỏa thuận với Tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn Tôi, Tôi muốn cho người làm sau chót này cũng bằng bạn đó. Chẳng lẽ Tôi không có quyền định đoạt về những gì là của Tôi sao? Hay vì thấy Tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức” (x. Mt 20, 13-15).

    Qua câu trả lời của ông chủ, cũng là câu trả lời của Chúa, chúng ta thấy rằng, trong cách cư xử của Chúa, có hai điều: một là sự công bằng; hai là sự yêu thương. Ông chủ xử rất công bằng đối với những người làm đầu tiên: thỏa thuận bao nhiêu thì trả làm vậy.  Và Ông chủ cũng xử rất yêu thương đối với những người làm sau chót: làm có một tiếng mà chỉ lãnh 1/10 quan tiền thì vợ con anh ta ăn cái gì mà sống.

    Nếu ông chủ mà lấy tiền công của những người làm trước tiên mà chia bớt cho những người làm sau chót thì cũng có lý để cho rằng ông chủ đã xử cách bất công và bất nhân.  Thế nhưng, ông chủ lấy của ông chủ mà cho thì ông chủ đâu có làm gì sai; của ông thì ông có quyền định đoạt, có quyền cho mà.

  Tôi nghĩ rằng, đây chính là “cái lý, cái lẽ” đúng đắn nhất để căn cứ vào đó mà chúng ta xem Chúa hay người ta có xử bất công đối với ta không. Trong cuộc sống, nếu có trường hợp nào mà chúng ta cảm thấy mình bị đối xử cách bất công, thì ta phải coi lại xem. Nếu người ta chẳng lấy gì của ta; cũng không làm tổn hại gì đến đồng xu cắc bạc nào của ta, thì ta chẳng có lý có lẽ gì mà kêu oan hay ghen tức cả. Nếu người khác có được như ta hay hơn ta thì ta sẽ vui mừng, chứ không u sầu, buồn bã.

  Thật vậy, cái gì do công sức của mình làm ra thì ăn mới sướng, chứ là của bố thí thì đâu có sướng bằng. Thứ nhất khỏi phải cám ơn; thứ hai khỏi phải trả ơn. Tôi làm được bao nhiêu thì tôi hưởng bấy nhiêu, “độc lập, tự do, hạnh phúc” mà. Tôi muốn dùng, tôi muốn ăn, tôi muốn cho là tùy ý tôi; không phải hỏi, không phải xin; cũng không phải năn nỉ; không phải cầu cạnh ai. Hạnh phúc nào bằng. Thế thì tôi còn phân bì hay ghen tức với ai nữa không? Chắc chắn là không rồi.

  Chúa cư xử như vậy là cho thấy Chúa là Đấng tốt bụng. Chúa không xử bất công đối với ta; cũng không xử bất nhân với người khác và Chúa cũng không xử bất nhân đối với ta; cũng không xử bất công với người khác. Do vậy, chúng ta hãy noi gương Chúa mà trở thành người tốt bụng.

   Con người chúng ta thì hẹp hòi và xấu bụng lắm, cứ hay kèn cựa và phân bì với người khác. Thấy người khác được như mình hay hơn mình là bắt đầu phân bì, ghen tức. Chúng ta phân bì với người khác và tức tối đối với Chúa, cho rằng Chúa xử bất công đối với mình. Rồi khôn lỏi mà nói rằng: vậy thì tôi sẽ chờ cho đến cuối ngày, để chỉ làm có một tiếng đồng hồ thôi cho khỏe. Vâng, bạn cứ việc chờ, đâu có ai cấm, nhưng coi chừng giờ đó ông chủ không ra thuê nữa thì bạn chết đói đấy.

   Chúng ta thấy, sống ở đời đâu phải lúc nào cũng phải công bằng. Đành rằng phải có sự công bằng, nhưng có lúc cũng phải yêu thương chứ. Người ta nói : “Sống phải có tình, có lý” mà. Sống có tình là sống yêu thương; sống có lý là sống công bằng. Công bằng là những gì chung thì chung cho mọi người; còn yêu thương là sau khi đã công bằng; đã chung như mọi người rồi thì còn có lòng yêu thương dành cho những người đặc biệt nữa. Những người đặc biệt này là những người kém may mắn hay có quan hệ thân thiết đối với mình. Có thể coi sự yêu thương này như một sự ngoại lệ.

  Luật thì cũng có luật chung, nhưng cũng có ngoại lệ nữa chứ bạn. Cứ theo luật mà sống thì làm sao sống được. Cứ theo luật mà xử thì chúng ta sẽ chết hết dưới sự công thẳng của Chúa đấy.

  Quả thật, tư tưởng của Chúa; đường lối của Chúa, khác xa với tương tưởng và đường lối của con người chúng ta. Chúa nói : “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi như vậy” (x. Is 55,9).

   Vậy chúng ta hãy đi theo đường lối của Chúa và mang lấy tư tưởng của Chúa, để sống công bằng và yêu thương trong cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ nên người tốt bụng như Chúa. Sống như thế là chúng ta đã sống xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô đấy.                                        

 

( Lm. Bosco Dương Trung Tín)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.