Những thách đố đức tin đối với người trẻ hôm nay

Chúng ta đang sống trong một Xã hội phát triển trên mọi phương diện, điển hình như Khoa học-Công nghệ, Kỹ thuật, Quân sự, y tế, giáo dục, …vv, tất cả là sự thông minh sáng tạo không ngừng nghỉ của con người, giúp đời sống ngày càng cải thiện và nâng cao tới độ con người không còn phải cực nhọc lao động chân tay, thay vào đó là các thiết bị số, robot…vv, giúp con người tiết kiệm thời gian, tăng năng suất cao.

Ảnh minh họa: Catholic Philly

Tuy nhiên, với sự phát triển một cách nhanh chóng hơi choáng ngợp của nền văn minh công nghệ, đã và đang là một trong những thách đố lớn ảnh hưởng tới mọi chiều kích trong đời sống của không ít người và một số quốc gia nghèo trên thế giới. Đặc biệt hơn, đó là đời sống niềm tin Công giáo của không ít bạn trẻ khi họ mới khập khiễng những bước chân vào đời, chưa trang bị cho mình những hành trang “sống” để chiến đấu với một nền “văn hóa sự sống” khi các giá trị luân lý, đạo đức…của ngày hôm nay đang rơi vào bi cảnh của khủng hoảng, khiến không ít bạn trẻ rơi vào hố sâu của con đường đen tối, thậm chí loại bỏ cả Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình nhằm thỏa mãn các nhu cầu thực tại nơi dương gian.

Niềm tin, hiểu theo nghĩa đơn giản là tin tưởng vào một người nào đó với niềm xác tín tuyệt đối rằng điều đó sẽ mang lại cho mình được hạnh phúc và bình an. Ví dụ như: Con cái thì tin tưởng cha mẹ, người nông dân tin tưởng ông trời cho mưa thuận gió hòa, người công chức tin tưởng tương lai tươi sáng, sinh viên tin tưởng đạt kết quả cao trong các kì thi…vv. Thật vậy! đã là con người ai cũng mang trong mình một niềm tin bởi nó là động cơ cho mình hành động, là niềm hy vọng cho mình vươn tới những giá trị cao cả hơn.

Dưới nhãn quan Kitô giáo: Đức tin được hiểu là chấp nhận đúng sự thật những gì Thiên Chúa nói, được Chúa Giêsu mạc khải, được Hội Thánh rao giảng. Đó là Đức tin của một Kitô hữu, khi họ phải xác tín chính Chúa Giê-su là trung tâm điểm của đời sống đức tin, nhờ đó mà kính múc các nguồn ân sủng thiêng liêng cách vô hình trong niềm hi vọng vào Đức Kitô, như là điểm quy chiếu giúp con người sống xứng hợp với nhân phẩm là một Kitô hữu, qua đó họ có thể lớn lên và trưởng thành trong đức tin vững mạnh.

Người trẻ như là những mầm cây non tràn đầy nhựa sống đang vươn mình lớn mạnh để kế tiếp các đấng bậc đi trước, nuôi dưỡng, phát triển và làm sinh động đời sống đức tin thêm phong phú hơn. Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ có đời sống đức tin rất vững vàng, minh chứng điều đó là trong các giáo xứ các hội đoàn như “Con Đức Mẹ”, “Thiếu Nhi Thánh Thể”…vv đã quy tụ các bạn trẻ lại để có những giờ vui chơi ngoại khóa bổ ích, hay những cuộc thăm viếng các mảnh đời nghèo khổ đặc biệt hơn là có đời sống nội tâm thiêng liêng qua các cuộc tĩnh tâm..vv, nhờ đó như là một phương thế giúp các người trẻ trưởng thành và củng cố đức tin hơn giữa một thế giới đầy thách đố và căng go đang chờ đón.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của tảng băng nổi trên mặt biển, phía dưới còn ẩn khuất một tảng băng khổng lồ đang từng ngày, từng tháng, từng năm ẩn sâu dưới lòng đại dương chẳng ai biết hay nếu biết cũng phớt lờ cho qua. Đáng buồn thay, khi các bạn trẻ ngày một nay đang bị tốc độ phát triển của xã hội biến tấu một cách choáng ngợp, các căn tính tốt đẹp của người trẻ bị bào mòn một cách không thương tiếc.  Tại các giáo xứ tỉ lệ người trẻ tham dự thánh lễ ngày một suy giảm, có đi chăng nữa âu cũng là bổn phận ngày lễ Chúa Nhật nhưng mang trong mình một tâm thái khó chịu, nặng nề về mặt tư tưởng thánh lễ quá nhàm chán, cha giảng quá dài hay lặp đi lặp lại các nghi thức Phụng vụ quen thuộc, khiến không ít bạn trẻ bỏ ngay cả thánh lễ Chúa Nhật thay vào đó là các cuộc vui chơi. Một số người trẻ khác, đôi khi vì miếng cơm manh áo mà phải chối bỏ chính đức tin của mình để đạt được những giá trị tức thời, đau buồn hơn khi không ít bạn trẻ thay vì chọn nhà thờ là nơi cầu nguyện, lại chọn các quán Bar, quán nhậu, bởi nơi đó họ nói kiếm được niềm vui…Buồn, đáng buồn thay! Liệu Chúa có đang buồn và thao thức khi chứng kiến đời sống con Chúa mỗi ngày một đi xuống không? Liệu người trẻ có tin vào Chúa hay không? Đó là một câu hỏi cho người trẻ trước những thách đố ngày nay?

Âu mọi căn nguyên dẫn đến đời sống đức tin của người trẻ đang có nguy cơ xói mòn đều có nguyên do của nó.

+ Đời sống gia đình.

Thật vậy! Gia đình chính là trường học đức tin đầu tin cho con cái, là cái nôi nuôi dưỡng và giúp người trẻ trưởng thành hơn. Thế nhưng, ngày nay với sự cám dỗ mạnh mẽ về ma lực đồng tiền khiến không ít cha mẹ bỏ bê đời sống đức tin của chính mình, chưa nói đến giáo dục đức tin cho con cái. Đời sống thiêng liêng trong gia đình ngày càng ảm đạm khi bỏ bê kinh hạt sáng tối, bỏ mặc con cái cho nhà thờ, giáo xứ, thầy cô giáo lý viên, chỉ dạy, còn về nhà thì bổn phận ai người ấy lo. Đó là một vấn nạn, một lỗ hổng lớn trong việc giáo dục và nuôi dưỡng đức tin cho con cái, bởi tâm lý người trẻ dễ tiếp thu và ảnh hưởng tới các việc làm tốt hay xấu của bố mẹ.

 Cố Hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận nói về gia đình: “Chúa Giêsu muốn xây dựng nhiệm thể Ngài bằng những tế bào gia đình; Hội Thánh có thể thay đổi đường lối tông đồ, thay đổi các hội đoàn, nhưng Hội Thánh luôn luôn phát triển nhờ các gia đình. Đức tin được thông truyền qua các tế bào sống động và lành mạnh ấy” (ĐHV: 495). Gia đình là là tế bào căn bản của xã hội và giáo hội, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của một xã hội, bởi chính nơi gia đình con người trở thành những chứng nhân đức tin sống động, làm triển nở và phong phú cho bộ mặt giáo hội cũng như xã hội. Tuy nhiên việc lơ là trong giáo dục đức tin con cái, là một thiếu sót và vô trách nhiệm đối với người làm cha, làm mẹ. Cho nên, một số người trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện, dẫn đến đức tin không vững vàng.

+, Đời sống xã hội

Trong một xã hội mà niềm tin công giáo chưa được tôn trọng, việc đàn áp đức tin đe dọa đến công việc, nhân phẩm và thậm chí là mạng sống đang là vấn đề khiến không ít bạn trẻ quan ngại và lo sợ, điều này làm cho các bạn trẻ sống đức tin một cách lu mờ và dần dần quên lãng, họ không dám tuyên xưng đức tin nơi công cộng bởi vì ngại ngùng, sợ hãi khi người ta chất vấn giống như ông Phê-rô đã từng chối Thầy(X.Lc 22, 54-62).

Bên cạnh đó, do sự phát triển của xã hội làm cho con người trở nên thực dụng, lối sống vô cảm và các giá trị luân lý bị con người lờ đi, dẫn đến việc hưởng thụ một cách thái quá, tàn phá các nguồn tài nguyên thiên nhiên để trục lợi cá nhân, hay phớt lờ đi những tiếng than khóc của người nghèo khổ đang chờ đợi lòng bao dung của chúng ta. Tệ hại hơn, con cái đánh cha, mẹ chỉ vì phân chia không công bằng, anh em đánh giết nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ…và biết bao nhiêu vụ án thương tâm bởi sự lạm dụng và ảnh hưởng từ các nội dung mà Internet đem đến.

+, Bản thân

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Thật vậy, đôi khi chúng ta cứ đổ lỗi do cha mẹ không quan tâm đến đời sống, do sự phát triển xã hội hay do công ăn việc làm mà phải chấp nhận. Tuy nhiên, chẳng ai chịu nhìn lại chính bản thân mình để nhận ra những lỗ hổng trong đời sống, trái lại bảo thủ quan điểm một cách ngoan cố và cứ chìm đắm trong đầm lầy của sự đen tối. Với lối sống “Makeno”, con người dần trở nên những ông vua con chỉ biết trục lợi cho cá nhân, mặc cho hệ lụy ảnh hưởng tới người khác và chính mình như thế nào, lối sống thờ ơ và văn hóa loại bỏ dần dần gạt bỏ những người nghèo thậm chí cả cha mẹ ra bên lề cuộc sống của mình. Vật chất, luôn là thứ vũ khí đáng sợ và nguy hiểm khi kéo người trẻ vào vòng xoáy của sự khát vọng thượng lưu, khiến tâm trí của họ bị nó tiêu khiển và dần trở thành nô lệ, bái thờ nó như một vị thần mà quên mất đi chính căn tính của một Kitô hữu.

Mỗi khi thất bại tâm lý người trẻ thường hay lung lay lập trường đặc biệt là Đức tin, chính lúc đó việc thờ các tà thần, ngẫu tượng, xem bói, đi chùa…vv lại là các giải pháp mà người trẻ chọn lựa xem như là cách giải quyết tốt nhất để cứu vớt những gì đã mất. Hậu quả là biết bao nhiêu người rơi vào lạc giáo, dị giáo hay vào một tình trạng ảo tưởng khiến họ bị các đối tượng xấu lợi dụng để mưu ích cho cá nhân hoặc tổ chức.

Đứng trước thực trạng đau thương trên, là một người Kitô hữu chúng ta không thể làm ngơ khi chứng kiến người trẻ là những bông lúa đang độ chớm nở, lại bị tàn phá bởi các tác nhân bên ngoài, ngày đêm âm thầm hủy hoại cánh đồng mà Chúa đã gieo vãi chờ ngày thu hoạch. Vậy mỗi người trẻ hãy biết đứng lên như Chúa Giê-su xưa đứng trước mặt người con trai đã chết của một bà góa thành Naim, với quyền năng của Chúa người sẽ thúc giục mỗi bạn trẻ: “Này anh thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”(Lc7, 14).

Chúa đã từng chạnh lòng thương bà góa thành Naim, vì bà chỉ có một người con duy nhất mà nay đã chết, Chúa thương và cho anh sống lại. Quả thật, ngày hôm nay chắc hẳn Chúa cũng đang đưa đôi mắt nhân từ dõi theo đoàn chiên của mình, đang ngày đêm hao mòn sinh lực bởi những cám dỗ triền miên luôn đeo bám đoàn chiên đặc biệt chiên non, khi nó dường như đã gục ngã, đã chết, cái chết thể lý, chết về tâm hồn, về tình cảm, cái chết về mặt xã hội. Một cái chết mà chỉ chính người Mẹ thấu hiểu và Mẹ đang than khóc, tiếng khóc đó đã chạm tới trái tim của Chúa Giêsu và người mẹ đó không ai khác là Đức Maria. Người luôn âm thầm, dõi theo con từng bước, nâng đỡ con kể cả con thất bại, chán trường thậm chí ngay cả người đời bỏ rơi.

Ngạn ngữ Phương tây có câu: “Không có vị thánh nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai”. Là một người trẻ, chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm, lỗi phạm hay thất bại đó là lẽ đương nhiên và thường tình bởi sự “Nhân vô, thập toàn”. Tuy nhiên, là người trẻ chúng ta phải biết đứng lên chiến đấu với những nỗi sợ hãi, thất bại, bằng vũ khí của một kitô hữu đó là đời sống cầu nguyện, bởi Chúa Giêsu cũng đã từng vượt qua nỗi sợ hãi, đau đớn và cuối cùng là cái chết trên cây Thánh giá để đi đến sự phục sinh vinh hiển, đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Nhận thức được điều đó, mỗi chúng ta hãy thưa “Xin Vâng” như lời Đức Mẹ đáp lại sứ thần Gabriel ( X.Lc 1, 38). Dù Mẹ chẳng biết Chúa sẽ dùng Mẹ như thế nào.( X.Lc1, 34). Tuy nhiên, lời “Xin vâng” như một lời tuyên xưng Đức tin của Mẹ vào quyền năng của Chúa, phó thác, tin tưởng và dâng hiến đời mình để Chúa hành động theo công trình cứu độ của Ngài.

Hơn thế nữa, khi Đức tin của chúng ta lớn mạnh. Chúng ta tin vào Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhân từ đối với các bệnh nhân (X.Mt20. 29-34), hay đoái thương đến người nghèo khổ bị xã hội loại bỏ (X.Mt8. 28-34), thậm chí ngay cả những cô gái điếm bị xã hội gạt ra bên lề của cuộc sống (X.Lc7.36-50). Nhờ những gương mẫu tốt lành của Chúa, chúng ta nhìn nhận Ngài như một khuôn mẫu lý tưởng để quy chiếu vào Chúa và bắt chước các việc làm của Ngài, đó là yêu thương những anh chị em chung quanh, đến ở với họ, chia sẻ và đồng cảm với những nỗi đau họ đang gánh chịu.

Về gia đình, chúng ta hãy lấy khuôn mẫu gia đình Nazareth xưa, dù là một gia đình nghèo thiếu thốn về mọi phương diện nhưng không bao giờ than trách hay trộm cướp của ai, một gia đình không lục đục, cãi vã, to tiếng với nhau nhưng luôn nêu gương cho con cái qua việc lành phúc đức, và chu toàn mọi công việc nuôi dưỡng giáo dục con cái. Nhờ đó như là cái nôi Đức tin làm tăng trưởng đời sống đạo hạnh và lòng mến mộ Chúa hơn.

Người làm cha, làm mẹ, hãy hết tình thương yêu, nâng đỡ con cái, luôn là tấm gương sáng trong đời sống thiêng liêng để chiếu soi trên những bước đức tin của người con, và xây dựng một mối tương quan tốt đẹp với Chúa và tha nhân.

Giáo hội, luôn là kim chỉ nam hướng dẫn người trẻ đi đúng trên con đường đức tin giữa những thách đố của thời đại. Vì thế, giáo hội luôn phải đồng hành và sát cánh với người trẻ, đưa ra các đường hướng mục vụ giúp người trẻ có một môi trường sáng tạo, năng động, trau dồi các vốn kiến thức sống để họ dễ dàng giải quyết các vấn đề nhạy cảm, cũng như các mối bận tâm mà họ phải đối diện.

Người trẻ là tương lai của giáo hội, là gương mặt của Chúa Giê-su trong thời đại mới, chính vì lẽ đó giáo hội phải luôn đổi mới và canh tân, nắm bắt tâm lý của người trẻ để đi sâu vào họ, thấu hiểu và đưa ra các phương pháp giúp họ có đời sống tương quan tốt hơn với Chúa. Trong Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống của ĐTC Fanxico (X. số 209) có nói đến những đường hướng hoạt động chính yếu của người trẻ: “Tìm kiếm” và “Thăng tiến”, đó là hai hướng đi chính mà ĐTC muốn nhấn mạnh để mời và kêu gọi để hấp dẫn các bạn trẻ mới hướng các bạn tới với một kinh nghiệm về Chúa, nhờ đó như là phương thế giúp họ phát triển một lộ trình cho những người đã có kinh nghiệm đó để trưởng thành hơn.

“Trỗi dậy”, động từ khiến mỗi chúng ta phải bình tâm suy ngẫm. Đó là sự vươn lên mạnh mẽ, can đảm và dứt khoát, để chết đi cho cái tôi ích kỉ, hận thù, ghen ghét, chết đi lối sống vô cảm, thờ ơ trước những tiếng kêu than của người nghèo khổ. Để rồi sống lại và lớn lên như một con người mới, khoác trên mình chiếc áo của tình yêu, tình thương như lời mời gọi của Chúa Giê-su “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Hãy yêu thương nhau không phải bằng môi bằng miệng, nhưng là qua các việc làm thiết thực nhất bằng vật chất cũng như tinh thần để giúp họ vơi đi phần nào cái nghèo, cái đói. Đặc biệt hơn, chúng ta không phân biệt sắc tộc, màu da hay tôn giáo để giúp đỡ họ bởi mỗi người đều là gương mặt của Chúa Giê-su đang hiện hữu cách vô hình. “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của ta đây, là làm cho chính ta vậy”(Mt 25, 40).

Cuối cùng, như Chúa Giê-su, Đấng trẻ trung muôn đời, muốn ban cho chúng ta một quả tim luôn trẻ mãi. Chúa mời gọi chúng ta “Loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”(1Cr5, 7), hãy cởi bỏ con người cũ mặc lấy con người mới để có thể trở thành “Men” và “Muối” cho trần gian, giữa một thời đại mà Đức tin người trẻ đang bị pha trộn với những “men cũ”, cho nên việc loại bỏ các nhân tố xấu là một việc cấp bách và thiết thực trong thời đại hôm nay.

Mỗi chúng ta hãy mời Chúa ghé thăm “Ngôi nhà” tâm hồn của mình, để Người ở lại, biến đổi và thánh hóa con người tội lỗi ta, qua đó người chữa lành các thương tích nơi tâm hồn, củng cố niềm tin vững mạnh hơn và ban cho ta nguồn sinh lực mới, để chúng ta sẵn sàng ra đi theo lời mời gọi của Chúa, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo.”(Mc16, 15)

 

Gioan Nguyen

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.