NHỮNG VẤN NẠN 'NHỨC NHỐI' ĐÃ VÀ ĐANG DIỄN RA TRONG MỖI THÁNH LỄ TẠI VIỆT NAM
----------------
Thánh Lễ là nơi ta gặp gỡ và kết hợp nên một với Chúa Giêsu. Cùng nhắc nhau sống mật thiết với tình yêu và lòng mến vào Thiên Chúa, qua việc tham dự thánh lễ. Đây không phải điều gì mới mẻ, nhưng nó lại là những điều 'nhức nhối' và tồn tại từ bao lâu nay.
1. Đi lễ ăn mặc không đoan trang: Nhiều người đi lễ ăn mặc không đoan trang, đứng đắn, đôi khi còn ăn mặc 'hở da, hở thịt'. Xin đừng quên, thân xác là đền thờ Chúa ThánhThần (1Cr 6,19). Xin ý tứ, tế nhị hơn, đến với Chúa chứ không phải đi dự tiệc tùng, vui chơi, du lịch.
2. Đi check-in chứ không phải đi lễ: Nhiều người đi lễ chỉ để điểm danh cho người ta biết là mình có đi lễ. Đến nhà thờ thì chỉ tranh thủ seo-phì (selfie) tự sướng, chụp hình hết chỗ này, chỗ kia. Vậy là họ đi cho có lệ, chứ đâu phải vì lòng mến Chúa. Đi cho khỏi bị người ta đánh giá là lơ là, tội lỗi?
3. Cha vào - Con ra: Nhiều người đi lễ mà tính toán đến từng phút, từng giây. Canh khi nào cha ra bàn thờ thì mới chạy vào, "đứng đứng, chắp chắp". Thánh lễ chưa kịp kết thúc đã mau mau "cúi cúi, chào chào", rồi vội vã ra lấy xe. Xin hỏi lòng mến Chúa ở đâu? Và mở miệng ra là nói yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn?
4. Ngồi giải trí chứ không ngồi dự lễ: Nhiều người đi lễ mà tranh thủ, trực chiến điện thoại trên tay để rảnh là vuốt, là chạm. Zalo, Facebook... rồi ngồi tủm tỉm cười một mình. Mượn khung cảnh nhà thờ để làm việc riêng tư. Vậy đi lễ có ơn ích gì không? Hay mang tội thêm?
5. Đi lễ hay đi biểu diễn thời trang: Nhiều người coi việc đi lễ như là dịp để khoe quần áo đẹp, điện thoại xịn, xe sang, khoe đồ đẳng cấp... Đi lễ mà ăn mặc lòe loẹt, xức nước hoa thơm cả góc sân nhà thờ. Đành rằng mặc đẹp để đến gặp Chúa, gặp anh chị em là đúng, nhưng kiểu "đẹp quá" như thế này lại không tốt chút nào và gây chia trí cho người khác.
6. Đi lễ "gốc cây" - "xe ôm" - "ven đường": Nhiều người đi lễ mà chẳng biết hôm nay ai chủ tế, có mấy cha, hay cha mặc áo gì, bên trong nhà thờ có gì đặc biệt hay không, ai đọc sách, nội dung bài giảng thế nào... bởi họ ngồi ở đâu đó ở gốc cây, đứng ven đường hay mãi ngồi trên xe "để ôm" bên ngoài nhà thờ. Thờ ơ với thánh lễ, với khung cảnh buổi lễ. Lòng không ước muốn gặp Chúa và yêu mến Ngài.
7. Đi "xem lễ" chứ không phải tham dự thánh lễ: Trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosantum Concilium), Giáo hội luôn thiết tha và mời gọi các tín hữu phải tham dự các phụng vụ thánh, nhất là thánh lễ cách chủ động - trọn vẹn. Nghĩa là phải thưa kinh, đối đáp cùng chủ tế và cộng đoàn, phải hòa một lòng, một ý với chủ tế và cộng đoàn. Nhưng nhiều người đi lễ im thin thít, chỉ là để ngắm xem ai xinh, ai đẹp, ai là hot girl, hot boy, ai dễ thương, ai sang trọng... Cần phải có thái độ đúng mực khi tham dự thánh lễ.
8. "Đồng ý" 100%: Nhiều người đi lễ hay lắm, cha giảng gì cũng "gật gù" tán thành, ai nói gì cũng "gật đầu" đồng ý. Hóa ra họ đang ngủ!
9. Máy soi siêu cấp: Nhiều người đi lễ cũng lạ lắm, chẳng may cha chủ tế hoặc ca đoàn hay người đọc sách thánh có đọc - hát sai thì chê bai, dè bỉu, trong khi đó nội dung truyền đạt thì chẳng nhớ gì.
10. Rước lễ như cái máy: Đây là một vấn nạn và thực sự rất phổ biến trong các Giáo xứ. Nhiều người đi lễ mà không ý thức về tình trạng của bản thân (có sống trong ân sủng, có sạch tội hay không) mà cứ lên rước Chúa. Thấy người khác lên rước lễ thì mình cũng lên, sợ rằng mình không lên rước lễ người ta sẽ nghĩ mình là người tội lỗi. Theo Giáo luật số 916, thực sự điều này rất nguy hiểm bởi ai không sống trong tình trạng ân sủng thì không được phép rước lễ.
-----------
Lm. Paul Ngô Phi