Sự cho phép thiêng liêng để ở trong thống khổ

SỰ CHO PHÉP THIÊNG LIÊNG ĐỂ Ở TRONG THỐNG KHỔ

 

Nếu Chúa Giêsu đã khóc, thì chúng ta cũng phải khóc. Người môn đệ không bao giờ hơn thầy. 

 

 

Chúng ta sống đời này “trong đau buồn và khóc lóc, trong thung lũng đầy nước mắt”. Cũng như nhiều người trong thế hệ cha mẹ tôi, đó là một phần lời cầu nguyện hàng ngày trong suốt cuộc đời của họ. Theo quan điểm tế nhị ngày nay (tâm linh một chiều), điều này nghe có vẻ bệnh hoạn. Chúng ta có nên hiểu cuộc đời là đau buồn trong một thế giới không thể mang lại hạnh phúc cho con người không? Thực sự đây có phải là điều Chúa muốn ở chúng ta không?

 

Nếu hiểu nông cạn thì điều này có thể bị cho là bệnh hoạn. Chúa không đặt chúng ta vào thế giới này để chịu đau khổ mới được lên thiên đàng. Không. Chúa là người cha nhân lành. Các cha mẹ nhân lành đưa con cái đến thế giới này với mục đích là chúng sẽ phát triển và tìm thấy hạnh phúc. Vậy vì sao đức tin kitô giáo đòi hỏi chúng ta phải than khóc đau buồn trong thung lũng đầy nước mắt?

 

Với cha mẹ tôi, lời cầu nguyện này mang lại cho họ một an ủi nào đó, cụ thể cuộc sống của họ không nhất thiết phải là cuộc sống của bản giao hưởng trọn vẹn, một thiên đàng trần thế ngay lúc này. Cuộc sống cho họ điều thiêng liêng để chấp nhận, trong đời sẽ có những thất vọng, đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, mất mát, những giấc mơ không đạt được, những thất vọng, đau khổ, hiểu lầm và cái chết. Họ không bao giờ mong chờ một điều gì quá mức, họ hiểu chịu đau khổ và thất vọng là chuyện bình thường. Nhưng ngược lại, khi chấp nhận những hạn chế này, họ lại cho phép mình tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc tốt đẹp của cuộc sống mà không cảm thấy tội lỗi.

 

Tôi sợ chúng ta và cả thế hệ tiếp theo không chuẩn bị đủ để có thể đi qua thất vọng, đau khổ mà không suy sụp về đức tin (đôi khi cả về tinh thần lẫn thể xác). Ngày nay, phần lớn mong chờ bình thường là không bị ở trong tình trạng phải than van khóc lóc, cuộc sống phải mang đến cho chúng ta bản giao hưởng trọn vẹn. Chúng ta không còn cảm thấy mình cần sự cho phép thiêng liêng để khóc nữa.

 

Tâm linh mà chúng ta hít thở ngày nay từ các nhà thờ, các thần học gia, các nhà văn tâm linh có nhiều điểm mạnh (giống như tâm linh mà cha mẹ tôi hít thở cũng có những điểm yếu). Tuy nhiên, theo tôi, phần lớn các tôn giáo ngày nay không dành đủ không gian cho đau buồn, một khoảng trống mà hầu hết thế giới thế tục đều có.

 

Chúng ta không dành đủ không gian cho đau buồn, trong nhà thờ cũng như trong cuộc sống. Chúng ta không cung cấp cho mọi người những công cụ cần thiết để giải quyết các thất vọng, mất mát và đau khổ, cũng như cách để đau buồn khi bị những chuyện này bủa vây. Ngoài các nghi thức tang lễ, chúng ta dành rất ít không gian cho đau buồn. Tệ hơn, chúng ta có xu hướng tạo ấn tượng có điều gì không ổn khi cuộc sống của mình đầy nước mắt. Vị trí và giá trị của đau buồn là gì?

 

Đầu tiên, như thần học gia Karl Rahner đã giải thích một cách nên thơ, đó là chấp nhận trong sự giày vò của thiếu thốn, của những chuyện không thể có được, cuối cùng chúng ta học bài học, ở đời này không có bản giao hưởng nào hoàn chỉnh. Như bà Rachel Naomi Remen, giáo sư danh dự ở Trung tâm Osher, San Francisco đã viết, đau buồn cũng là một cách thiết yếu để tự chăm sóc mình, không đau buồn là phủ nhận sự chính trực của mình. Chúng ta kiệt sức vì chúng ta không làm xong đau buồn của mình. Tiểu thuyết gia người Anh Anita Brookner lặp lại một điệp khúc trong một số sách của bà. Khi bình luận về hôn nhân, bà cho rằng nhiệm vụ đầu tiên trong hôn nhân là hai vợ chồng phải an ủi nhau, vì thực tế họ không thể không làm nhau thất vọng.

 

Cha mẹ tôi không đọc Karl Rahner, Rachel Naomi Remen hay Anita Brookner, nhưng trong lời cầu nguyện hàng ngày, họ tự nhắc mình, cuộc sống này không có bản giao hưởng nào hoàn chỉnh, rằng đau buồn là cách tự chăm sóc bản thân lành mạnh và  chấp nhận, người này không thể đủ cho người kia và ngược lại, vì chỉ có Chúa mới có thể an ủi chúng ta được.

 

Chúng ta cần gì khi đau buồn? Tình trạng con người của chúng ta và tất cả những gì đi kèm, cụ thể là vô thường, tuổi trẻ bị đánh mất, không còn cơ thể trẻ trung, bị những tổn thương, những phản bội, những giấc mơ thất vọng, những nỗi đau, mất người thân yêu, vỡ mộng vì tuần trăng mật biến mất, dòng đời, nơi chốn, thể chế rồi cũng biến mất, sự bất lực của chúng ta khi làm cho người khác thất vọng, sức khỏe mất đi và cuối cùng cái chết đến, đó là những gì chúng ta cần phải đau buồn.

 

Và chúng ta đau buồn như thế nào? Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta ở vườn Giếtsêmani. Như các Phúc âm kể, Ngài đã đổ mồ hôi máu trước cái chết của mình. Ngài đã làm gì? Ngài cầu nguyện, lời cầu nguyện công khai và trung thực về nỗi đau của Ngài, thừa nhận có một khoảng cách với người khác trong nỗi đau này, thừa nhận mình bất lực khi không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi tình hình, Ngài liên tục cầu xin Chúa thay đổi mọi thứ, nhưng hoàn toàn phó thác dù đi trong đêm tối. Đó là cách Chúa Giêsu khóc.

 

Nếu Chúa Giêsu đã khóc, thì chúng ta cũng phải khóc. Người môn đệ không bao giờ hơn thầy. Hơn nữa, chúng ta có thể học ở Chúa Giêsu, đau buồn và than khóc trong cuộc sống không hẳn là sai trái. Nó có nghĩa, đây là nơi chúng ta phải đến.

Chúng ta có sự cho phép thiêng liêng để đôi khi ở trong thống khổ.

 

Ronald Rolheiser

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.