Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Tư Tuần IX Mùa Thường Niên | Mc 12,18-27 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ TƯ TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (12,18-27)

18 Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19 “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ goá mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình’. 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ”.

24 Đức Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp’. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”.

SUY NIỆM

Trong Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông phương, những người có gia đình có thể được thụ phong linh mục trong vài trường hợp ngoại lệ, Giáo hội Công giáo La Mã cũng phong chức linh mục cho một vài người có gia đình. Thế nhưng, luật độc thân linh mục vẫn mãi mãi được Giáo hội công giáo La Mã duy trì. Luật này chẳng những khẳng định rằng, đời sống gia đình không phù hợp với tác vụ của linh mục, mà còn nêu cao giá trị của bậc độc thân vì nước Trời. Tất cả những ai tự nguyện sống độc thân vì nước Trời đều muốn làm chứng cho cuộc sống mai hậu, trong đó con người không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đây có thể là ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu cho nhóm Sađốc chất vấn Người, nhóm này vốn không tin ở sự sống lại.

Câu chuyện về một người đàn bà phải lần lượt làm vợ của bảy anh em trong một gia đình cho thấy rằng sống lại là chuyện phi lý. Trước vấn nạn ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi các đối thủ của Người vượt ra khỏi cách nhìn và lối suy nghĩ thông thường của loài người, để đặt mình vào thực tại của cuộc sống mai hậu.

Với kiểu nói trong cuộc sống mai hậu, con người giống như thiên thần, Chúa Giêsu không có ý nói đến bản chất của thiên thần, nhưng có ý nói đến tình trạng sống lại của con người, hoàn toàn vượt thoát khỏi mọi hiểu biết của trí khôn con người. Trong cuộc sống mai hậu sẽ không còn dựng vợ gả chồng, cũng chẳng cần phải bận tâm xây dựng những tháp Babel để sống còn và để lại tên tuổi của mình nữa. Sống lại có ý nghĩa là đón nhận từ Thiên Chúa một sự sống và một tên tuổi, mà không một công trình nào của con người có thể mang lại. Thánh vịnh 148 đã diễn tả sự bất lực của những công trình nhân loại như sau: “Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn, thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia chết đi".

Nếu cuộc sống và tất cả những công trình nhân loại đều kết thúc một cách vô vọng như thế, thì không gì bất hạnh bằng. Không gì bất hạnh bằng vào giây phút cuối đời chợt nhận ra chết là một tận cùng vĩnh viễn. Không gì bất hạnh bằng khi không còn gì để hy vọng, khi không có niềm tin vào cuộc sống mai hậu.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mặc khải một chân lý tràn trề hy vọng: Sau cuộc sống trần gian chóng qua này con người sẽ được phục sinh, được biến đổi thành như các thiên thần và vẫn tiếp tục sống. Đó là nền tảng của giá trị con người. Giá trị ấy được Chúa Giêsu nêu bật khi nói: “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”.

Thiên Chúa muốn con người được sống và sống dồi dào, tức là được tham dự sự sống vĩnh cửu của Ngài. Sự sống ấy chính là lời đáp cho những khắc khoải khát vọng không ngừng của con người. Chính vì thế, sự sống lại trong ngày sau hết phải là sức đẩy của đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.

Xin cho niềm hy vọng ấy chiếu ánh sáng vào toàn thể cuộc sống chúng ta, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những gian lao thử thách mà chúng ta đang trải qua, cũng như nhận ra giá trị của mọi người và từng người mà chúng ta gặp gỡ.

Ước gì niềm tin ấy luôn là động lực thúc đẩy chúng ta tìm kiếm và xây dựng những giá trị nước Trời. Amen.

Tin bài khác
Xem tất cả »

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.