Suy Niệm Tin Mừng Chúa nhật III mùa Vọng -C

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng -C
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

CN3MVc 2


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. (Lc 3, 10-18)

Khi ấy, dân chúng hỏi Gio-an rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gio-an đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gio-an rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gio-an trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Suy niệm

Bước vào tuần lễ thứ ba mùa vọng, người tín hữu được ngụp lặn trong một niềm vui và hy vọng trào tràn, bởi từ phụng vụ Lời Chúa, tâm tình hy vọng và vui mừng như đang rọi chiếu vào trái tim và tâm hồn những tia sáng, thôi thúc họ chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng, để đón chào Đấng Cứu Thế đến trong vinh quang của Thiên Chúa tình yêu. Sự xuất hiện rõ ràng của vị Tiền Hô với sứ điệp rất mạnh mẽ và đầy dũng khí, nhằm thôi thúc những ai đang lẫn tránh trong bóng tối, hãy chỗi dậy trở về, hãy cố gắng bước ra vùng ánh sáng của hy vọng và vui mừng, chỉ có sự cố gắng của bản thân, mới đưa họ tới bến bờ hạnh phúc và bình an đích thực.

Sống trong bối cảnh của bạo lực và khổ đau khi bị các dân tộc ngoại bang tấn công, đặc biệt là tâm tình tôn giáo, họ mất hết niềm vui và hy vọng, mất luôn niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã gởi tiên tri Sô-phô-ni-a tới với sứ điệp là an ủi và mời gọi họ hãy vui lên, hãy đứng lên trong hy vọng và vui mừng, bởi Thiên Chúa luôn ở bên cạnh để nâng đỡ, che chở và bảo vệ dân Ngài: “Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy cất tiếng ca! Hỡi Ít-ra-en, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa”. Ca hát làm sao được khi kẻ thù đang vây bủa quanh cuộc đời, vui sao được khi án phạt vì tội quay lưng với Thiên Chúa được rút lại, thế nhưng việc gì con người không thể làm được, Thiên Chúa đã làm, và niềm vui đã chỗi dậy, niềm vui đã ngập tràn và niềm vui đã đưa họ bước vào một trang sử mới của cuộc đời.

Thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại, đã trải qua những phút giây hạnh phúc và đầy niềm vui khi được Đức Giêsu phục sinh đánh thức lương tri, đánh thức trái tim và tình yêu. Ngài đã chia sẻ với con cái thành Phi-lip-phê trong lá thư mục vụ, ngài nhắc họ đừng vì một chút khổ đau của hiện tại mà từ bỏ Thiên Chúa, nhưng hãy hướng về niềm hạnh phúc khi có Thiên Chúa bên cạnh, có Thiên Chúa dẫn dắt, chở che và bảo vệ: “Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hòa của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô”. Để có được niềm vui thực sự, phải bắt đầu từ niềm tin và trái tim, niềm vui bên ngoài không giúp con người bình an, hạnh phúc, nhưng chỉ giả tạo và chóng qua, hãy sống chân thành với Thiên Chúa, con người sẽ ngập tràn niềm vui và bình an của Ngài.

Màu hồng luôn là sắc màu của niềm vui và hy vọng, phụng vụ tuần lễ này cho phép dùng màu hồng trong Thánh lễ như một dấu chỉ của niềm vui và hy vọng. Thế nhưng, một chút ngẫm nghĩ, niềm vui này là niềm vui bên ngoài với những bữa tiệc long trọng, với những lời chúc ngọt ngào, hay đến từ những chuyến dã ngoại thú vị với bạn bè, người thân, và rồi khi tất cả dừng lại, qua đi, niềm vui đó còn tồn tại nữa không. Còn nếu đến từ bên trong, niềm vui có giúp con người đón nhận đau khổ, vượt qua những thử thách và thăng trầm của cuộc sống, niềm vui đó có thể giúp con người trung thành với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời hay không: “Khi ấy, dân chúng hỏi Gio-an rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gio-an đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Niềm vui mà Đấng Tiền Hô đem tới cho dân chúng không phải là niềm vui bên ngoài mang tính giả tạo, nhưng là niềm vui thực sự trong tâm hồn, chỉ có niềm vui đó mới có thể giúp con người tỉnh thức, sẵn sàng đón Đấng Cứu Thế đến và ghé thăm tâm hồn, gia đình và cộng đoàn của mỗi người. Sự công bằng xã hội và trong cộng đoàn sẽ là điểm phát xuất cho một niềm vui thực sự và tồn tại mãi trong tâm hồn.

Thánh Gioan xuất hiện kêu gọi dân chúng thay đổi cuộc đời, thay đổi lối sống và quan niệm cuộc đời, bấy lâu nay niềm vui được hiểu là khi thành công trong công việc, thành tựu trong cuộc sống và thành danh trong sự nghiệp, tất cả những yếu tố đó giúp con người có địa vị trong xã hội, giữa cộng đoàn, thực tế, tất cả những yếu tố được coi là góp nên những niềm vui thành công rồi sẽ tan và cuộc đời con người còn lại những phút giây ảo tưởng và thiếu tự tin, còn lại là những suy nghĩ tiêu cực và thiếu sức sống. Niềm vui thực sự trong cuộc đời của con người khởi đầu từ trái tim từ nhận thức trong những việc làm, một chút chia sẻ với tha nhân, một chút đồng cảm với những người khổ đau, một chút khiêm tốn khi có thành tựu trong đời phục vụ, tất cả sẽ tạo nên một niềm vui thực sự, một niềm vui có thể giúp kết nối với nhau và với Đấng cho niềm vui xuất phát.

Sống trong một xã hội thực dụng, tất cả đều quy về một vật chất và danh vọng, một lối sống như thế có chấp nhận lời kêu gọi của thánh Gioan cách nhẹ nhàng không, một xã hội như thế có chấp nhận sứ điệp ông đem tới là sám hối, là sống công bằng trong xã hội, là xóa đi sự chia rẽ trong cộng đồng, để có thể giúp mọi người vơi đi những áp lực cuộc sống. Nếu niềm vui được hiểu như thế thì niềm vui đó chỉ giả tạo, chỉ là hình thức và chóng tàn. Khi niềm vui được hiểu theo góc nhìn của thánh Gioan thì xã hội sẽ bình đẳng, quyền con người được tôn trọng, phẩm giá con người được đặt đúng chỗ, xã hội bớt chia rẽ và con người sống trong tình huynh đệ cộng đoàn ấm áp hơn. Có một xã hội và một cộng đồng như thế, con người sẽ dễ dàng chấp nhận sám hối, sửa lại những gì chưa hoàn thiện và sẵn sàng dành chỗ nhất cho Thiên Chúa giữa gia đình, trong tâm hồn và sẵn sàng mời Ngài ghé thăm cộng đoàn, ghé thăm các gia đình.

Lạy Chúa, niềm vui cuộc đời thực sự là khi có sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới, trong các gia đình, xin Chúa giúp chúng con hoán đổi niềm tin, sửa lại nhận thức khập khiểng và sám hối cách chân thành, để mỗi người tự tin mở cửa cuộc đời đón Chúa vào ghé thăm, ở lại và chia sẻ cuộc đời. Chúa sai thánh Gioan đi trước dọn đường, giúp con người sớm tìm thấy niềm vui thực sự, có nhiều hy vọng để đón Con Chúa đến, xin giúp chúng con ý thức hơn ơn gọi của mình như là những vị tiền hô trong thời đại đầy biến động này, để Chúa có thể ghé thăm mọi người, mọi nhà và thế giới. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.