Thư Giới Thiệu Truyền Chức Thánh

 

THƯ GIỚI THIỆU TRUYỀN CHỨC THÁNH

Đôi khi có những khúc mắc về thẩm quyền cấp thư giới thiệu để truyền chức thánh cho một chủng sinh hay một tu sĩ. Ở đây chúng ta cần tìm hiểu thêm các nguyên tắc Giáo luật về thư giới thiệu này, lưu ý cách riêng đối với các tiến chức là các tu sĩ.

1. Khái niệm

“Thư giới thiệu” truyền chức phó tế, linh mục, được dịch từ tiếng La tinh “littera dimissoria”. Thư này không chỉ là một thư giới thiệu theo nghĩa thông thường, nhưng là một văn thư chứng nhận của Giám mục giáo phận hoặc của một Bề trên cấp cao có thẩm quyền để cho một thành viên dưới quyền mình có thể được truyền chức phó tế hay linh mục bởi một Giám mục. Thư giới thiệu này chứng nhận rằng thành viên ấy có đủ tất cả những phẩm chất mà Giáo luật đòi hỏi để lãnh nhận chức thánh, và xin Giám mục, mà thư này gởi đến, truyền chức thánh cho thành viên ấy.
Ví dụ Đức Giám mục giáo phận muốn truyền chức linh mục cho một phó tế thuộc quyền ngài, nhưng vì có trở ngại nào đó nên ngài viết thư giới thiệu đến một Giám mục khác tại giáo phận mình hay giáo phận khác để xin giám mục này truyền chức linh mục cho phó tế đó.

2. Thẩm quyền cấp thư giới thiệu cho các giáo sĩ triều

Điều 1018 quy định :
§1. Các vị sau đây có thể cấp thư giới thiệu cho các giáo sĩ triều:
10 Giám mục riêng được nói đến ở điều 1016.
20 Giám quản Tông toà, cũng như Giám quản giáo phận với sự chấp thuận của Ban tư vấn; Quyền Đại diện và Quyền Phủ doãn Tông toà, với sự chấp thuận của Hội đồng được nói đến ở điều 495 §2.
§2. Giám quản Giáo phận, Quyền Đại diện và Quyền Phủ doãn Tông toà không được cấp thư giới thiệu cho những người đã bị Giám mục giáo phận hay Đại diện hay Phủ doãn Tông toà từ chối không cho tiến chức.

2.1. Cấp thư giới thiệu từ Giám mục riêng

Đối với tiến chức phó tế, Giám mục riêng là Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức có cư sở hoặc Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức đã quyết định dấn thân phục vụ (đ. 1016).
Về trường hợp Giám mục giáo phận tại nơi tiến chức quyết định dấn thân phục vụ, có thể ví dụ như, một chủng sinh thuộc giáo phận A ở Việt Nam nhưng sẽ dấn thân phục vụ tại giáo phận B ở Nhật. Sau khi đã thỏa thuận với Giám mục giáo phận A, Giám mục Giáo phận B ở Nhật sẽ có được chủng sinh đó chuyển sang phục vụ và nhập tịch vào giáo phận B của mình. Giám mục giáo phận B có thẩm quyền truyền chức thánh hay viết thư giới thiệu nhờ một Giám mục khác truyền chức.
Khi chịu chức phó tế thì tiến chức đó nhập tịch vào giáo phận B ở Nhật, không còn thuộc giáo phận A. Giám mục riêng của phó tế là Giám mục giáo phận B (đ. 1016).

2.2. Cấp thư giới thiệu từ Giám quản Tông toà, Giám quản giáo phận

Giám quản Tông tòa có quyền tự mình cấp thư giới thiệu; còn Giám quản giáo phận, để có thể cấp thư giới thiệu, cần phải có sự chấp thuận của Ban Tư vấn, nghĩa là cần hơn một nửa số thành viên Ban Tư vấn bỏ phiếu chấp thuận (đ.1018§1,20).
Đối với những người đã bị Giám mục giáo phận từ chối không cho tiến chức thì Giám quản giáo phận không được quyền cấp thư giới thiệu, theo nguyên tắc của điều 1018§2. Tuy nhiên, khoản luật này không hạn chế quyền của Giám quản Tông tòa cấp thư giới thiệu đối với người đó. Vì vậy, Giám quản Tông tòa vẫn có quyền truyền chức hay cấp thư giới thiệu truyền chức cho ứng sinh vốn đã bị Giám mục giáo phận từ chối.

3. Thẩm quyền cấp thư giới thiệu cho tu sĩ

3.1. Phân biệt thẩm quyền cấp thư giới thiệu cho dòng và triều
Điều 1019 quy định
§1. Bề trên cấp cao của một hội dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng, hoặc của một tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng cấp thư giới thiệu để chịu chức phó tế và chức linh mục cho những người thuộc quyền mình đã được gia nhập vào hội dòng hay tu đoàn cách vĩnh viễn hoặc dứt khoát theo hiến pháp.
§2. Việc truyền chức cho tất cả những thành viên khác thuộc bất cứ hội dòng hoặc tu đoàn nào được chi phối bởi luật dành cho các giáo sĩ triều, mọi đặc ân đã được ban cho các Bề trên đều bị thu hồi.
Điều 1019 chỉ ban cấp quyền giới thiệu cho Bề trên cấp cao của một hội dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng, hoặc của một tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng để cho thành viên của mình được chịu chức phó tế và chức linh mục. Hai chức Bề trên này được kể là Đấng Bản quyền, nghĩa là, vị nắm giữ ít là quyền hành pháp thông thường đối với các thành viên của mình (đ. 131§1).  
Các Bề trên của các hội dòng, đan viện, hay tu đoàn khác, đều không có quyền hành pháp thông thường đối với các thành viên của mình,  không có quyền cấp thư giới thiệu cho chịu chức. Các tu sĩ của họ, nếu muốn nhận chức thánh thì chịu chi phối bởi luật dành cho các giáo sĩ triều, nghĩa là thuộc quyền Giám mục giáo phận hay vị có thẩm quyền tương đương.
Vậy thì tu sĩ đó được chịu chức thánh dưới thẩm quyền của Giám mục nào?
Cũng giống như tiến chức thuộc triều, tu sĩ đó có Giám mục riêng là Giám mục giáo phận tại nơi mình có cư sở hoặc Giám mục Giáo phận tại nơi tiến chức đã quyết định dấn thân phục vụ (đ. 1016).
Về cư sở của tu sĩ, điều 103 quy định:
Những thành viên các hội dòng và của các tu đoàn tông đồ thủ đắc cư sở tại nơi toạ lạc của nhà mà họ trực thuộc; họ thủ đắc bán cư sở tại nhà họ đang ở, chiếu theo quy tắc của điều 102§2.

3.2. “Nhà" tu sĩ có cư sở

Câu hỏi được đặt ra là Giám mục giáo phận nào, là nơi có nhà mẹ của tu hội hay một nhà khác mà tu sĩ đang ở? Một hội dòng hay tu đoàn đời sống tông đồ có thể có một “nhà” mẹ và cũng có thể có những “nhà” khác nhau nữa. Điều 609 nói đến “Những nhà của một hội dòng được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp". Vì vậy, một tu sĩ có thể có cư sở tại nhà mẹ nhưng cũng có thể có cư sở tại một nhà khác được chính thức thành lập. Nhà này có thể lớn hay nhỏ và có thể ở các giáo phận khác nhau.
Vấn đề được đặt ra là dựa vào những yếu tố pháp lý nào để xác định một nơi ở có đủ tính pháp lý là “nhà” mà tu sĩ có cư sở hay trực thuộc. Nhờ đó ta có thể xác định Giám mục nào có thẩm quyền truyền chức thánh hay cấp thư giới thiệu truyền chức. 
Giáo luật cho thấy không phải bất cứ nơi hoặc nhà nào mà có một số tu sĩ cư ngụ đều được mang nghĩa là “nhà”, “nhà dòng”, và do luật (ipso iure) hưởng tư cách pháp nhân (đ. 634§1). Hai điều 608 và 609 giúp ta xác định “nhà” của hội dòng.
Điều 608 quy định:
Cộng đoàn tu sĩ phải ở trong một nhà được chính thức thành lập, dưới quyền Bề trên được chỉ định chiếu theo quy tắc của luật; mỗi nhà phải có ít là một nguyện đường là nơi cử hành Thánh Lễ và lưu giữ Thánh Thể, để thật sự là trung tâm của cộng đoàn.
a- “Nhà” (cũng gọi là cộng đoàn) của dòng phải được điều hành bởi một Bề trên riêng, được chỉ định theo quy tắc của luật. Vì vậy, những cộng đoàn tuy lớn nhưng chỉ có một người được đặt hay cử đứng đầu hay điều hành mà không phải là Bề trên riêng chiếu theo quy tắc của luật, thì không thể được xác định cộng đoàn đó là “nhà” của dòng.
b- Mỗi nhà phải có ít là một nguyện đường là nơi cử hành Thánh Lễ và lưu giữ Thánh Thể.
Điều 609 quy định:
§l. Những nhà của một hội dòng được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản của Giám mục giáo phận.
§2. Để thành lập một nữ đan viện, còn phải có phép Tông Toà.
Thẩm quyền theo hiến pháp thường là Bề trên tổng quyền hoặc Bề trên giám tỉnh. Các ngài thiết lập nhà bằng một sắc lệnh hoặc bằng văn thư tương đương và trước đó có sự đồng ý bằng văn bản của Giám mục giáo phận, người có trách nhiệm mục vụ trong giáo hội địa phương, nơi nhà được thiết lập.
Sự đồng ý của Đức Giám mục cho lập nhà cũng bao hàm cho phép các tu sĩ được hoạt động mục vụ riêng trong cộng đoàn và trong giáo phận, miễn là vẫn tôn trọng các điều kiện đã được đặt ra trong việc chấp thuận (đ. 611§2).
Tuy nhiên, những sự cho phép được: cư ngụ trong địa hạt giáo phận, hoạt động mục vụ, truyền giáo…; cho phép được có nhà nguyện để có thể cử hành Thánh Lễ và chầu Thánh Thể không đương nhiên là việc cho phép lập một nhà hay cộng đoàn của dòng.
Mặt khác, một nhà của dòng, cũng như một tỉnh dòng, được thiết lập theo luật, do luật (ipso iure) là một pháp nhân (đ. 634§1).
Về số lượng thành viên để hội đủ điều kiện để thiết lập “nhà” dòng thì Bộ luật cũ 1917 phân biệt “domus formata” và “domus nonformata”. “Domus formata” là nhà ít nhất có 6 tu sĩ, nếu là tu hội giáo sĩ thì ít nhất có 4 linh mục (đ. 488, n.5+). Vì nhà được thiết lập đúng luật là một pháp nhân do luật (ipso iure), domus nonformata phải có ít nhất ba người (đ. 100§2, Bộ luật 1917), (Cf. Luigi Chiappetta). Bộ luật mới không xác định một nhà phải là bao nhiêu người. Tuy nhiên, vì có tính pháp nhân, một nhà dòng được thiết lập ít nhất phải có ba người (đ. 115 Bộ luật 1983).
Ta còn thấy, khi một nhà dòng hay các nhà của hội dòng được chính thức thành lập thì Đức Giám mục giáo phận cũng có quyền và bổn phận kinh lý, theo quy tắc của điều 628:
§1 Các Bề trên đã được luật riêng của tu hội chỉ định vào nhiệm vụ này phải đi thăm các nhà và các thành viên đã được trao phó cho mình, vào thời gian đã được ấn định, theo các quy tắc của luật riêng ấy.
§2. Giám mục giáo phận có quyền và có bổn phận phải kinh lý, ngay cả trong phương diện kỷ luật tu trì:
10 Các đan viện tự trị được nói đến ở điều 615;
20 Từng nhà của tu hội thuộc luật giáo phận ở trong địa hạt của ngài.
Tóm lại, để xác định Giám mục có thẩm quyền cho truyền chức thánh một tu sĩ được chi phối bởi luật dành cho các giáo sĩ triều thì cần xác định nơi mà tu sĩ trực thuộc hay có cư sở có được coi là “nhà” dòng theo nghĩa pháp lý không. Được xác định là nhà khi:
- Được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản của Giám mục giáo phận (đ. 609); có tính pháp nhân do sự việc thành lập theo luật (đ. 634§1);
- Được điều hành bởi một Bề trên riêng, được chỉ định theo quy tắc của luật; có ít là một nguyện đường là nơi cử hành Thánh Lễ và lưu giữ Thánh Thể (đ. 608);
- Giám mục giáo phận có quyền và có bổn phận phải kinh lý, ngay cả trong phương diện kỷ luật tu trì (đ. 628§2).

4. Không có thẩm quyền cấp “thư giới thiệu”

Không có thẩm quyền để cấp “thư giới thiệu”, các cha Giám đốc Đại Chủng viện, các Bề trên cao cấp của dòng mà không phải là hội dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng, hoặc của một tu đoàn tông đồ mà không phải là giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng.
Trong nhiệm vụ đào tạo của mình, các cha Giám đốc Đại Chủng viện, các Bề trên cấp cao đó có thể tiến cử hay giới thiệu các thành viên, kèm theo các chứng nhận phẩm chất đầy đủ theo yêu cầu của Giáo luật để Giám mục giáo phận truyền chức. Giám mục giáo phận, trong trường hợp này, truyền chức hay cấp thư giới thiệu truyền chức dựa theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, chứ không dựa theo quyền của các cha Giám đốc Đại Chủng viện, hay của Bề trên cấp cao của hội dòng hay tu đoàn tông đồ.
Nói cách khác, chính Giám Mục giáo phận là vị có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trong việc truyền chức thánh, chứ không phải là cha Giám đốc Đại Chủng viện hoặc Bề trên cấp cao của tu hội đó.

5. Điều kiện để cấp thư giới thiệu

Điều 1020 quy định: "Không được cấp thư giới thiệu, nếu trước đó không có tất cả các chứng thư và văn kiện mà luật buộc phải có chiếu theo quy tắc của các điều 1050 và 1051" :
Điều 1050
Để có thể được tiến cử lên các chức thánh, đương sự buộc phải có các văn bản sau đây:
10 Giấy chứng nhận đã học xong chương trình chiếu theo quy tắc của điều l032;
20 Giấy chứng nhận đã chịu chức phó tế, nếu là những ứng sinh tiến chức Linh Mục;
30 giấy chứng nhận đã chịu phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, cũng như đã lãnh nhận các thừa tác vụ được nói đến ở điều 1035, nếu là những ứng sinh tiến chức phó tế; hơn nữa, giấy chứng nhận đã làm bản tuyên bố được nói đến ở điều 1036, cũng như giấy chứng nhận đã cử hành bí tích hôn nhân và giấy chứng nhận đã được sự chấp thuận của người vợ, nếu là ứng sinh chịu chức phó tế vĩnh viễn đã lập gia đình.
Điều 1051
Về việc điều tra các đức tính cần thiết của người nhận lãnh chức thánh, phải giữ những quy định sau đây:
10 Phải có giấy chứng nhận của giám đốc chủng viện hay giám đốc cơ sở đào tạo về các đức tính cần thiết để lãnh nhận chức thánh, tức là: học thuyết ngay lành, đạo đức chân thành, hạnh kiểm tốt, khả năng thi hành thừa tác vụ của ứng sinh; và còn phải có giấy chứng nhận tình trạng sức khoẻ thể lý và tâm lý, sau khí đã khám nghiệm kỹ lưỡng;
20 Để điều tra cách thích hợp, Giám mục Giao Phận hoặc Bề trên cấp cao có thể dùng những phương thế khác được xem là hữu ích, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi thời và mỗi nơi, chẳng hạn như các chứng thư, các thông báo hay các thông tin khác.
Chiếu theo các quy định trên, các vị Bề trên của các tu hội hay tu đoàn đời sống Tông Đồ thuộc luật giáo phận, khi muốn xin Giám mục giáo phận có thẩm quyền truyền chức hay cấp thư giới thiệu truyền chức cho thành viên của mình, phải gởi đến Giám Mục ấy đầy đủ các chứng thư, văn kiện mà luật (đ. 1050 -1051) đòi hỏi.

6. Một số vấn đề liên quan

6.1. Sự hữu hiệu và hợp luật

Cần phân biệt giữa sự hữu hiệu và hợp luật của việc truyền chức thánh. Bất cứ ai được tấn phong Giám mục đều có thể truyền chức hữu hiệu cho dù không có thư giới thiệu truyền chức, cho dù Giám mục đó là Giám mục hiệu tòa, như Giám mục Phó, Giám mục Phụ tá, Giám mục về hưu… (đ.1012). Ngay cả khi Giám mục đang bị vạ tuyệt thông đã được tuyên bố hay tuyên kết cũng có thể truyền chức hữu hiệu (Do đó, mới có chuyện ly giáo!).
Vì vậy, đối với các Giám mục nhận được thư giới thiệu truyền chức, việc truyền chức của các ngài sẽ hữu hiệu do chính thánh chức Giám mục. Tuy nhiên nếu không có thư giới thiệu từ vị có thẩm quyền cấp thư giới thiệu, thì việc truyền chức sẽ bất hợp luật, trừ khi Giám Mục đó có thẩm quyền do luật định.
Ví dụ, một Giám mục về hưu truyền chức thánh cho một tu sĩ do thư giới thiệu của một Bề trên cấp cao của một hội dòng giáo sĩ thuộc luật giáo phận. Việc truyền chức này hữu hiệu nhưng bất hợp luật do Bề trên này không có thẩm quyền cấp thư giới thiệu.

6.2. Truyền chức cho tu sĩ

Các Giám mục hiệu tòa (Giám mục phó, Giám mục phụ tá, Giám mục về hưu…) không có thẩm quyền để truyền chức hay viết thư giới thiệu. Ví dụ, một Giám mục về hưu không thể truyền chức hợp luật cho tu sĩ, ngay cả đối với tu sĩ thuộc hội dòng hay tu đoàn đời sống tông đồ mà Giám mục đó đã có công sáng lập.
Các Bề trên mà không phải là cấp cao của một hội dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng, hoặc của một tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng, vì vậy không được tìm đến các Giám mục hiệu tòa để xin các ngài truyền chức cho tu sĩ của mình. Các Giám mục hiệu tòa, nếu được xin, phải từ chối và hướng dẫn các Bề trên đến xin các Giám mục giáo phận có thẩm quyền, tức là Giám mục giáo phận, nơi mà tiến chức có cư sở.

6.3. Truyền chức cho thành viên của hiệp hội hướng đến lập tu hội đời sống thánh hiến

Đối với một tiến chức của hiệp hội công đã được Giám mục giáo phận thành lập với mục đích tiến đến thành lập một tu hội đời sống thánh hiến, thì cũng chịu chi phối bởi luật dành cho giáo sĩ triều.
Vì tu hội thánh hiến chưa được chính thức thành lập nên phó tế hay linh mục đó được nhập tịch vào giáo phận. Tuy nhập tịch vào giáo phận,  vị này vẫn thi hành chức thánh như một tu sĩ của hiệp hội đang tiến đến thành lập tu hội. Linh mục đó cũng có thể được Giám mục giáo phận, thỏa thuận với Bề trên, bổ nhiệm vào các giáo vụ thuộc giáo phận như cha sở, cha phó… Cho đến khi hội dòng hay tu đoàn đời sống tông đồ giáo sĩ được chính thức thành lập, các giáo sĩ tu sĩ nào đã khấn hay dấn thân vĩnh viễn sẽ nhập tịch vào tu hội đó (đ. 266§2). Tuy nhiên, các thành viên tu hội đời vẫn nhập tịch vào Giáo phận (đ. 266§3).

=================================

Nghi vấn:
Chúng con có nhà mẹ/trụ sở chính tại giáo phận A nhưng chúng con lại đang cư ngụ và làm việc lâu dài ở một nhà /cộng đoàn ở giáo phận B, vởi khoảng mười anh em. Vậy Giám mục giáo phận B có quyền truyền chức hoặc viết thư giới thiệu (littera dimissoria) cho chúng con không?
Đáp:
Cần phải xác định là nhà hay cộng đoàn ở giáo phận B đã được chính thức thành lập theo pháp lý hay chưa, nghĩa là có hội đủ những điều mà Giáo Luật đòi hỏi, như đã nêu ở trên, tối thiểu là:
- Được nhà chức trách có thẩm quyền thành lập theo hiến pháp, với sự đồng ý bằng văn bản của Giám mục giáo phận (đ. 609)
- Được điều hành bởi một bề trên riêng, được chỉ định theo quy tắc của luật; có ít là một nguyện đường là nơi cử hành Thánh Lễ và lưu giữ Thánh Thể (đ. 608);
Nếu chỉ cư ngụ và làm việc lâu dài: tu luyện, học hành, truyền giáo, bác ái xã hội… ở một nhà /cộng đoàn ở giáo phận B mà mới chỉ được phép hoạt động của Giám mục giáo phận, chưa được thành lập chính thức, thì Giám mục B chưa có thẩm quyền truyền chức hoặc cấp thư giới thiệu truyền chức.
Trong việc thành lập chính thức, yếu tố “bề trên” của nhà cũng lần lưu ý. Bề trên này phải được xác định theo quy tắc của luật và hiến pháp hội dòng hay tu đoàn, chứ không phải bất cứ tu sĩ được cử làm trưởng nhóm và thường được gọi là bề trên đều là bề trên hợp pháp.
 

JB. Lê Ngọc Dũng, http://giaoluatconggiao.com/

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.