Thứ Năm đầu tháng, tuần 13 thường niên

01/07 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 13 thường niên.

"Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế".

 

Lời Chúa: Mt 9, 1-8.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường.

Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội".

Bấy giờ Người nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.

 

Suy Niệm 1: Thấy họ có lòng tin

Suy niệm :

Khiêng một người bất toại trên một cái giường là điều không dễ.

Chẳng biết có mấy người khiêng và khiêng bao xa?

Chẳng rõ tương quan giữa họ ra sao, có phải là bạn bè, họ hàng không?

Có điều chắc là anh bất toại không thể tự mình đến với Thầy Giêsu được.

Chân của anh có vấn đề, và thời ấy không có xe lăn như bây giờ.

Anh cần đến sự giúp đỡ của bạn bè quen biết.

Và đã có những người đáp lại vì tình thương đối với anh chịu tật nguyền.

Rồi đã có một cuộc hẹn, và sau đó cả nhóm lên đường.

Tình bạn làm cho đường đến nhà của Thầy Giêsu ở Caphácnaum gần hơn.

Nhưng vất vả, nhọc nhằn thì vẫn không tránh được.

Đưa người bất toại đến với Thầy Giêsu quả là một kỳ công,

vì trong Tin Mừng theo thánh Máccô, họ đã phải đưa người bệnh xuống

qua một lỗ thủng ở trên mái nhà, bởi lẽ không có đường nào khác ! (Mc 2, 4).

Dù sao Thầy Giêsu cũng đã thấy lòng tin của họ (c. 2).

Lòng tin là cái bên trong, nhưng được lộ ra ngoài.

Cả người bất toại lẫn các người khiêng đều có chung một lòng tin.

Tin rằng đến với Thầy Giêsu là thế nào cũng được khỏi.

Họ nuôi một niềm hy vọng lớn: khi trở về không phải khiêng nhau nữa.

Anh bất toại có thể đi được bằng đôi chân của chính mình,

và đi ngang hàng với những người bạn khác.

Tin, yêu và hy vọng là những tâm tình có trong tim của nhóm bạn này.

Không có những điều đó thì cũng chẳng có phép lạ khỏi bệnh.

Ơn Thiên Chúa vẫn đến với con người ngang qua lòng tốt của con người.

Nhưng lạ thay Thầy Giêsu lại có vẻ không màng đến chuyện chữa bệnh.

Thầy nói với người bất toại: “Các tội của anh được tha thứ” (c. 2).

Ơn đầu tiên người bất toại nhận được là một ơn mà anh không xin,

ơn đó không phải nơi thân xác, nhưng nơi linh hồn.

Hẳn Thầy Giêsu không có ý nói rằng anh bị tật là vì đã phạm tội.

Nhưng Ngài muốn cho thấy uy quyền của lời Ngài nói.

Lời này có thể tha tội và lời này cũng có thể chữa lành.

Nếu các kinh sư nghĩ rằng Ngài đã nói phạm thượng (c. 3),

dám tiếm quyền tha tội dành cho một mình Thiên Chúa,

thì Ngài sẽ chứng tỏ cho họ thấy Ngài có quyền tha tội dưới đất.

Ngài bảo anh bất toại: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà” (c. 6).

Ngài đã không chọn điều dễ hơn (c. 5), điều khó kiểm chứng.

Anh bất toại đã đứng dậy và đi về nhà cùng với các bạn của anh.

Anh đã được hơn cả điều anh mong ước, đó là hồn an xác mạnh.

Đức Giêsu có quyền giải phóng ta khỏi bệnh tật và tội lỗi.

Tội lỗi cũng làm ta bất toại, không đến được với Thiên Chúa và tha nhân.

Nhưng Đức Giêsu đã muốn chia sẻ quyền này cho “loài người” (c. 8).

Môn đệ của Ngài vẫn làm thừa tác vụ chữa lành và tha tội cho đến tận thế.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã giúp cho bao người què đi được trên đôi chân của mình.

Chúa đã làm cho người bất toại

nằm chờ đợi nhiều năm bên hồ nước

bất ngờ trỗi dậy, vác chõng và bước đi.

Chúa đã làm cho người bất toại

mà bạn bè vất vả đưa xuống từ lỗ hổng của mái nhà,

được khỏi bệnh, lòng bình an vì được tha thứ.

Chúa đã cho kẻ bại tay được đưa tay ra

và tay anh trở lại bình thường.

Bất toại trên thân xác thật là điều đáng sợ.

Nhưng đáng sợ hơn là thứ bất toại của tâm hồn.

Có thứ bất toại làm chúng con không đến được với người khác,

dù nhà họ ở kế bên nhà chúng con,

không đến được với Chúa, dù Chúa vẫn luôn chờ đợi.

Có thứ bất toại làm chúng con không thể đưa tay ra

để bắt tay người đối diện hay để chia sẻ một món quà.

Có thứ bất toại làm trái tim chúng con khô cứng,

hững hờ trước nỗi đau của người anh em.

Xin giúp chúng con ra khỏi

những thành kiến và mặc cảm, thù oán và ghen tương,

để chuyển động mềm mại hơn dưới sự tác động của Chúa.

Xin cũng giúp chúng con biết khiêm tốn

nhìn nhận sự bại liệt của mình,

và chấp nhận để người khác đưa mình đến gặp Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Tự do

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người bại liệt bị bệnh tật trói buộc. Không thể cử động chân tay, hoặc di chuyển theo ý muốn. Anh không có tự do. Đó là hình ảnh một tâm hồn tội lỗi. Tội lỗi là sợi dây trói buộc khiến con người mất tự do. Không thể làm điều mình muốn. Giải phóng thể xác thì dễ. Giải phóng tâm hồn thật khó. Giải phóng tâm hồn là khai thông bế tắc giữa con người với Thiên Chúa. Trong Chúa con người mới có tự do. Mới có thể làm được điều tốt. Theo thánh ý Chúa. Như người bại liệt có thể tuân lệnh Chúa. Khi Chúa truyền cho anh: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhả”. Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà”.

A-mốt là một người tự do. Ông không sợ nhà vua. Cũng không sợ tiên tri giả A-mát-gia. Thẳng thắn tuyên án phạt với nhà vua Gia-róp-am. “Gia-róp-am sẽ chết vì gươm, và Ít-ra-en sẽ bị đày biệt xứ”. Và lệnh trừng phạt tiên tri giả A-mát-gia. “Vợ ngươi sẽ làm điếm trong thành phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đất ô uế”. Ông chỉ biết vâng lời Thiên Chúa. “Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta”. Ông tự do vì ở trong Chúa. Vì có thể làm theo thánh ý Chúa bất chấp những chướng ngại (năm chẵn).

Tổ phụ Áp-ra-ham là một con người hoàn toàn tự do. Ngài có thể làm theo ý Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tin vào Chúa không đòi điều kiện nào. Tin vô điều kiện. Tin đến độ sẵn sàng tuân hành thánh ý trong cả những hoàn cảnh khó khăn nhất. Đó là sát tế I-xa-ác, người con duy nhất. Dù trong lúc tuổi già, không còn hy vọng sinh con. Dù lời hứa của Chúa cho một dòng dõi đông đúc như cát biển sao trời. Ngài hoàn toàn tự do vì luôn ở trong Chúa. Ý chí của ngài hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế nên ngài được đầy ân sủng. “Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (năm lẻ).

Xin cứu con khỏi ách nô lệ tội lỗi. Xin cho con được tâm hồn tự do. Trong sạch. Hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Để con được sự sống đời đời.

 

Suy Niệm 3: Sống niềm tin

Con người là con vật xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác và cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi.

Ðời sống đức tin cũng không ra ngoài định luật ấy. Ơn cứu độ được gửi đến cho tất cả, chứ không cho riêng một ai, mỗi cá nhân đón nhận nhưng rồi phải san sẻ cho người khác. Sự thánh thiện hoặc tội lỗi của một người cũng có ảnh hưởng đến người khác. Chúa Giêsu đã lên án mạnh mẽ những ai làm cớ vấp phạm cho người khác xa lìa Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay thuật lại một phép lạ xẩy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người tê liệt được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Phúc Âm Marcô và Luca cho thấy rõ hơn quang cảnh của phép lạ này: vì không có chỗ để chen vào, người ta leo lên gỡ mái nhà và thòng người tê liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người tê liệt, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.

Dấu lạ đòi hỏi lòng tin. Một khi lòng tin đã đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, thì con người sẽ dễ dàng gặp được dấu lạ và lòng tin có thể chuyển dấu lạ hay ơn lành sang cho người khác. Với đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, thì việc đưa bệnh nhân đến gần Ngài quả là một cố gắng vượt mức. Nhìn vào cố gắng này, chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Ngài là ai mà con người phải cố gắng tìm gặp đến thế? Ðặt câu hỏi tức là đã bắt đầu tiến đến gần Thiên Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống niềm tin, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được ơn lành của Chúa, và củng cố niềm tin nơi nhiều người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Phép lạ và Lời Chúa

Khi Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” (Mt. 9, 1-3)

Đức Giêsu, người hay làm phép lạ

Nếu đọc một mạch hết các Phúc âm, người ta có cảm tưởng là Chúa Giêsu đã làm vô số các phép lạ. Phải nói là rất nhiều, nên các thánh ký đã cẩn thận lưu ý ta rằng còn nhiều phép lạ khác không được kể lại trong các sách Phúc âm.

Điều này khiến ta có thể đặt ra ít nhiều câu hỏi: Tại sao Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều việc lạ lùng như vậy? Tại sao thời Chúa Giêsu các phép lạ thường hay xảy ra, còn thời chúng ta thì hiếm có thế? Tại sao có phép lạ?

Ý nghĩa các phép lạ

Không bao giờ Chúa Giêsu làm phép lạ để có ý phô trương hay làm lóa mắt người ta, càng không phải để mời mọc những kẻ tin vào Người hy vọng mình có được một cuộc sống chan hòa những cảnh tuyệt vời, lạ lùng, và phi thường.

Sinh thời, các phép lạ Chúa làm đều đáp ứng những mục tiêu rõ rệt. Các phép lạ ấy có mục đích chỉ cho ta thấy Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa. Các phép lạ ấy cũng tỏ cho thấy Chúa Cha đã ban cho Người cũng như cho những kẻ kế vị Người những quyền năng thiêng liêng. Nhất là các phép lạ được thực hiện cốt để người ta tin vào lời của Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Trích đoạn Phúc âm ta đọc lại hôm nay nói lên ý nghĩa này rõ rệt. Dân chúng ngạc nhiên trước tiên không phải vì người bại liệt được chữa khỏi, nhưng vì phép lạ ấy chứng tỏ việc “Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền tha tội”. Phép lạ như con dấu chứng thực cho sự việc này.

Thiên Chúa còn làm phép lạ nữa không? Chắc chắn, còn. Nhiều không? Ai dám nói được điều này. Có một điều chắc chắn. Ay là ta không được nuôi dưỡng lòng tin của mình bằng các phép lạ, nhưng phải bằng Lời Chúa.

 

Suy Niệm 5: CHÚA LÀ ĐIỂM TỰA ĐỜI CON (Ga 20, 24-29)

Xem lại thứ Sáu tuần 1 TN, thứ Sáu tuần 6 TN và thứ Hai tuần 2 MV

Trong một căn phòng hậu phẫu, có nhiều bệnh nhân với những bệnh lý khác nhau. Các bệnh nhân thường hay kêu la đau đớn và tỏ vẻ khó chịu với thân nhân của mình. Tuy nhiên, những người hiện diện ở đó thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy và chứng kiến một bệnh nhân trạc tuổi 60, ông không kêu ca, không trách móc, nhưng có lúc lại nở nụ cười tươi. Hỏi thăm, mới biết ông là người Công Giáo và phải mổ để cắt thận vì sỏi quá nhiều.

Trong lúc trò chuyện, có một người hỏi thăm ông: “Tại sao các bệnh nhân khác thì đau đớn và kêu la, còn ông thì không?” Trong tiếng nói nhỏ nhẹ, ông nói: “Mỗi lần cơn đau đến với tôi, tôi nhớ đến Chúa chịu đóng đinh. Ngài còn đau đớn hơn tôi nhiều, vì thế, tôi luôn cầu xin Chúa giúp sức để vượt qua cơn đau và tôi cũng xin Chúa cho mình được thông phần đau khổ với Ngài”. Thật tuyệt vời, Đức Giêsu là điểm tựa của ông, và cuộc thương khó, cái chết của Ngài đã làm cho ông can đảm, vui vẻ đón nhận đau đớn vì lòng yêu mến Chúa.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tôma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin". Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.

Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Mong thay lời tuyên tín của thánh Tôma khi xưa: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" cũng là lời cầu nguyện và xác tín của mỗi chúng ta, và, lời chúc phúc của Đức Giêsu cho Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" cũng là lời chúc phúc cho chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, đức tin của chúng con còn non yếu, xin Chúa giúp cho đức tin của chúng con được lớn mạnh và trưởng thành. Xin cho chúng con tin tưởng vào Lời Chúa và những lời dạy của Giáo Hội. Xin cho chúng con biết luôn tìm đến Chúa như là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chữa lành thân xác và chữa lành linh hồn

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chữa lành thân xác con người là việc rất cần thiết. Nhưng chữa lành linh hồn còn quan trọng hơn bội phần. Chúa muốn chúng ta hãy trân trọng tâm hồn mình và mọi tâm hồn khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi người bất toại đến với Chúa, chắc chắn anh chỉ muốn Chúa chữa lành thân xác, và chỉ một mục đích duy nhất ấy mà thôi. Nhưng đối với Chúa thì khác. Chúa nhìn thấy tâm hồn anh đáng quý hơn thân xác bội phần. Vì thế, trước hết Chúa đã nói với anh lời tha thứ. Chúa đã cứu chữa tâm hồn anh trước. Chúa ban lại cho anh sự sống cả trong tâm hồn lẫn nơi thân xác.

Vâng, Chúa ơi, con cũng cần Chúa ban ơn tha thứ, vì con đã coi rẻ tâm hồn mình. Con dùng thật nhiều thời giờ cho công việc làm ăn, nhưng lại tiếc với Chúa ít phút cầu nguyện. Con tiêu nhiều tiền bạc trong cuộc vui giải trí, mà không biết sử dụng tiền bạc để làm phúc hoặc giúp việc công ích. Con miệt mài học hành trau dồi kiến thức, nhưng lại so đo tính toán hơn thiệt khi cần bồi dưỡng đời sống tâm linh. Xin Chúa tha thứ và cho con biết quý trọng linh hồn mà Chúa đã cứu chuộc bằng giá máu của Chúa.

Lạy Chúa, người bất toại đã nhiều năm tháng yên ổn trên giường. Nhưng khi được Chúa chữa lành, chính chiếc giường ấy lại đè nặng vai anh trên đường về nhà. Mặc dù thế, anh vẫn hân hoan vì đã được tha thứ và được chữa lành. Lạy Chúa, khi chữa lành linh hồn con, Chúa cũng muốn con chấp nhận những hy sinh nào đó để con được lớn lên, được Chúa giải thoát. Xin Chúa thương giúp con. Amen.

Ghi nhớ : “Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế”.

 

Suy Niệm 7: Chúa gắn liền việc chữa lành với lời tha tội

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Năm 1992 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã khởi xướng ngày Quốc tế cầu nguyện cho bệnh nhân hàng năm vào lễ Đức Mẹ Lộ Đức ngày 11 tháng 2. Năm 1858, Lộ Đức là một thị trấn nhỏ tọa lạc giữa đồi núi có khoảng 5.000 cư dân, nằm ở phía nam nước Pháp, giáp ranh nước Tây Ban Nha, Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần với Bernadette - một trẻ em 14 tuổi từ ngày 11/02 đến ngày 16/07/1858.

Và cũng từ biến cố hiện ra từ năm 1858 đến nay, những cuộc hành hương tuôn đến Lộ Đức, đặc biệt là các bệnh nhân được đưa đến bằng đủ mọi phương tiện, có những người liệt giường được anh chị em bạn hữu cõng đến, hay trên băng ca, xe lăn… đã có trên 6.000 trường hợp được lành bệnh, Giáo hội đã công nhận và tuyên bố 68 trường hợp là phép lạ, do sự can thiệp và bầu cử đặc biệt trong yêu thương của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Thiên Chúa chọn Lộ Đức để biểu lộ tình thương của Ngài qua trung gian nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ. Qua đó, Ngài đã bày tỏ vinh quang cho nhân loại, khi chữa lành nhiều bệnh tật của nhiều anh chị em được đem đến Lộ Đức.

Ấn tượng nhất mà tôi ghi nhận giữa những đoàn hành hương là các bệnh nhân được các anh chị em tín hữu đưa đến viếng và rước Đức Mẹ vào các buổi chiều tối… từng bước đi của họ là bước đi của niềm tin…

Suy niệm

Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội con được tha”. Đức Kitô gắn liền việc chữa lành với lời tha tội. Theo Cựu ước, bệnh tật, đặc biệt là bệnh bại liệt, là dấu chỉ chứng tỏ người bệnh đã phạm tội (Lv 21,16-21). Chúa Giêsu đến kéo con người ra khỏi bệnh tật và tội lỗi. Ở đây, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh. Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt lớn hơn những người khác. Người chỉ muốn khẳng định rằng anh trong tư cách là con người cũng là một tội nhân như mọi người khác và tội cũng là một căn bệnh, một căn bệnh của linh hồn, qua đó Ngài khẳng định cho mọi người biết “Con Người có quyền tha tội”. Khi tha tội, Ngài cứu chữa cả bệnh phần xác và bệnh phần hồn, là những biểu hiện khác nhau của căn bệnh nơi nhân loại. Anh bại liệt được giải phóng cả hồn lẫn xác khi Chúa Giêsu ra lệnh: “Con hãy trỗi dậy, vác giường mà về nhà con”. Sau này Chúa Giêsu sử dụng động từ “Hãy trỗi dậy” để nói về cuộc Phục sinh của Ngài (x. Mc 16,6). Lệnh Chúa truyền cho anh hãy trỗi dậy, không chỉ đứng lên đi được nhưng còn có ý nghĩa: “Hãy trỗi dậy” - “Hãy sống lại!”. Theo lệnh truyền của Thầy, anh đứng dậy, vác giường đi về, anh được tự do và thoát khỏi sự trói buộc vào chõng với căn bệnh bại liệt. Hơn hết anh được sống lại bằng đời sống mới phục sinh không còn trong kiếp tội nhân.

Chúa Giêsu khi ra lệnh cho anh bất toại trỗi dậy, Ngài cũng truyền cho chúng ta - cũng hãy trỗi dậy từ bất toại, bất toại của những căn bệnh thể xác nhưng cũng bất toại về linh hồn bị trói buộc bởi tội lỗi và hệ luỵ của tội. Thực tế cho hay người ta thường khao khát mong mỏi được chữa lành bệnh tật thể xác hơn là tâm linh. Và con người chúng ta quá chú tâm đến việc được chữa lành bệnh tật thể xác hơn là ơn được tha tội, được đổi mới và được trỗi dậy qua ơn chữa lành tâm linh được sinh ra bởi đức tin và việc tiến bước theo đức tin.

Ý lực sống:

“Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con,

quả thật con đắc tội với Ngài” (Tv 41,5).

 

Suy Niệm 8: Chúa chữa người bất toại (Mt 9,1-8)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Mátthêu thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại. Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài chính là vị Thẩm phán tối cao sẽ nắm quyền xét xử nhân loại. Người dùng quyền đó để tha tội cho người ta. Bất cứ ai tin vào Chúa đều được hưởng nhờ lòng nhân hậu và tình yêu của Người. Như anh bất toại hôm nay, cũng như những người đã khiêng anh, vì đã tin vào Chúa Giêsu, không những được Người chữa lành bệnh phần xác mà cả tâm hồn anh cũng được trong sạch. Điều đó cho chúng ta thấy, tin vào Chúa Giêsu làm cho con người được lành mạnh và biến đổi.

Qua câu chuyện Chúa chữa người bất toại này, chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng có quyền tha tội:

- Quyền này thuộc về một mình Thiên Chúa, người đời không ai có quyền tha tội. Bởi thế khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng.

- Muốn được tha tội thì điều kiện là phải có lòng tin: Thấy họ có đức tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.

- Không những đức tin là của cá nhân, nhưng cũng có đức tin tập thể như trong trường hợp này (của những người khiêng người bất toại): “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói...”.

- Còn một điều đáng lưu ý nữa là Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác.

Bệnh tật bởi đâu mà ra? Trong trường hợp người bất toại này, có lẽ đã có sự liên hệ giữa tội lỗi và bệnh tật của anh ta, nên trước khi làm phép lạ chữa bệnh cho anh, Chúa đã tuyên bố tha tội cho anh. Bởi vì người Do thái cho bệnh tật là do tội lỗi, là hình phạt của tội lỗi, thì nếu muốn khỏi bệnh, trước hết phải khỏi tội đã. Vậy Chúa tha tội cho người bất toại là Chúa cất căn cớ đi, thì bệnh tật là hình phạt cũng sẽ hết. Chúa Giêsu hành động như vậy là rất hợp lý.

Người Do thái tuy cũng nghĩ như thế và công nhận như thế, nhưng họ lại cho là Chúa nói phạm thượng. Theo họ, tội phạm đến Chúa, thì ngoài Chúa ra, không ai có quyền tha tội. Họ suy luận đúng, nhưng họ không công nhận Chúa có quyền tha tội, vì nếu công nhận như thế tức là công nhận Ngài là Thiên Chúa rồi. Bởi đó, đối với họ, không bao giờ có thể chấp nhận được.

Vì thế, để minh chứng cho biết Ngài có quyền tha tội, Chúa Giêsu đã chữa lành cho người bất toại. Như vậy, Chúa đã dùng việc làm để trả lời cho họ biết: Ngài đã làm cho người bất toại tức khắc khỏi bệnh, điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, mà nếu là Thiên Chúa, thì Ngài có quyền tha tội.

Qua bài Tin mừng hôm nay ta thấy một phép lạ xảy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người bất toại được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người bất toại, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.

Hình ảnh những người thân khiêng người bất toại đến với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ, cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin mừng nói rõ ràng, thấy lòng tin của “họ” như vậy, Người đã chữa lành... Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.

Con người là con vật xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác, và cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi.

Truyện: Biết chia sẻ cho nhau

Tại một thị trấn nọ có một gia đình nghèo. Cha mẹ làm việc vất vả cả ngày ở nhà máy, các con còn nhỏ ở nhà một mình.

Một hôm, có một người hành khất đến xin bố thí. Một em bé ra mở cửa đăm đăm nhìn người ăn xin rồi chạy vào nhà. Một lúc sau, em trở ra nhỏ nhẹ thưa:

- Chú ơi, chúng cháu rất muốn tặng chú cái gì đó, thế nhưng nhà cháu cũng chẳng có gì để ăn hôm nay, chúng cháu đang đói lắm chú ạ! Chúng cháu rất áy náy phải từ chối chú vậy, chú đừng buồn nhé.

Người hành khất lặng lẽ bỏ đi. Đến sập tối thì ông ta quay lại gõ cửa. Em bé lại ái ngại từ chối như ban sáng. Người ăn xin lúc đó mới nói:

- Các cháu dễ thương của chú, chú không xin các cháu bố thí nữa đâu, nhưng chú lại có cái này để tặng các cháu.

Nói đoạn, người ấy mở chiếc bị đeo bên hông ra, đưa cho mấy đứa bé một vài khúc bánh mì nhỏ và một vài đồng bạc. Ông ta dặn dò:

- Các cháu hãy lấy bánh chia nhau ăn đi kẻo đói lắm rồi, còn tiền thì đợi ba mẹ về, bảo là chú biếu. Chú chỉ là một người ăn xin tàn tật, nhưng chú sẵn sàng chia sẻ với gia đình các cháu, bởi vì các cháu dễ thương và tốt bụng quá.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.