Thứ Sáu tuần 12 thường niên

25/06 – Thứ Sáu tuần 12 thường niên.

"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".

 

Lời Chúa: Mt 8, 1-4

Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người.

Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".

Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh".

Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi.

Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".

 

SUY NIỆM 1: Nếu Ngài muốn

Suy niệm:

Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu

trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.

Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,

dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).

Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin ?

‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).

Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.

“Nếu Ngài muốn” : anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.

Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.

Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh

cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.

Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.

Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.

Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”

khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.

“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).

Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.

“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,

quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,

và da thịt anh phút chốc được lành sạch.

Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,

Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.

Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,

nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.

“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).

Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.

Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,

Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),

đó là đưa tay đụng đến người phong.

Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.

Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.

Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.

Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.

Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,

hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.

Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).

Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?

Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?

Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.

Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.          

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa

in ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu lời Chúa

những kẻ khát không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,

công bằng và tình thương

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương,

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều mà ngươi làm

cho người bé mọn nhất trong anh em

là làm cho chính ta.”  (Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Tôi muốn

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người “mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Bệnh phong là bệnh nan y thời ấy. Không ai có thể chữa lành. Bệnh phong giống như người chết. Vì bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn. Người bệnh phong này có đức tin mãnh liệt. Chỉ có Chúa mới có thể chữa ông. Chúa Giê-su “giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa dựng nên sự sống. Không dựng nên sự chết. Chúa muốn sự sống cho con người. Chúa giơ tay đụng vào người bệnh. Bàn tay yêu thương đụng đến chỗ đau yếu nhất. Ngón tay thần linh ban sự sống. Như ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay A-đam. Thiên Chúa ban sự sống. Kỳ diệu hơn nữa. Thiên Chúa trả lại sự sống.

Thiên Chúa muốn sự sống. Nên đã tuyển chọn Ít-ra-en. Nhưng các vua chúa lại phản bội. Làm điều dữ trước mặt Chúa. Nên đi vào con đường sự chết. Xít-ki-gia-hu cũng đi vào đường tội lỗi như vua cha. Nên dẫn đến cái chết. Cái chết của một dân tộc. Tất cả phải đi lưu đày. Chỉ còn “lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác”. Vua chết dần mòn vì “vua Ba-by-lon đâm mù mắt vua Xít-ki-gia-hu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Ba-by-lon”. Chết cả dòng họ. Tuyệt tự. “Chúng cắt cổ những người con của vua Xít-ki-gia-hu trước mắt vua cha”. Không còn sự sống (năm chẵn).

Áp-ra-ham thờ phượng Chúa nên Chúa ban sự sống qua dòng dõi trường tồn. Ông đã nản lòng. Vì chín mươi chín tuổi mà chưa có con. Ông muốn người quản gia thừa kế. Chúa không đồng ý. Ông muốn đứa con của nữ tỳ thừa kế. “Ước chi Ít-ma-en được sống trước nhan Ngài”. Chúa cũng không chịu. Vì Chúa sẽ ban cho ông người con chính ông sinh ra. “Không đâu! Chính Xa-ra, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này” (năm lẻ).

Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa muốn ta được sống. Và sống đời đời. Nhưng sự sống chỉ có ở trong Chúa. Hãy ở lại trong Chúa. Bằng tuân giữ Lời Chúa. Như tổ phụ Áp-ra-ham. Ta sẽ ở trong sự sống. Sự sống yêu thương. Sự sống sung mãn. Sự sống trường cửu.

 

Suy Niệm 3: Chữa người phong cùi

Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn còn là một huyền thoại đối với con người. Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.

Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những giây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.

Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.

Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Xin làm cho con được sạch!

Khi Đức Giêsu ở tên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt. 8, 1-2)

Những lời nguyện đẹp

Thời ấy những người mắc bệnh phong hủi ý thức rất rõ về thân phận hẩm hiu của mình. Người phong hủi mắc một chứng bệnh nguy hiểm, nên không ai dám đụng chạm đến người họ. Phải mang chứng bệnh khốn khổ này, nên người phong hủi buộc phải sống biệt cư bên ngoài cộng đồng xã hội, điều này còn khiến họ phải đau xót và khổ tâm hơn. Bởi vậy lời người phong hủi ấy khẩn cầu Chúa Giêsu phải là lời cầu xin rất tha thiết và chân thành, phát ra tự đáy lòng anh. Lời ấy phải là một tiếng kêu van thật, một lời cầu nguyện thật.

Biết bao lần chúng ta cũng thưa với Chúa những lời nguyện xin tương tự như của người phong hủi. “Lạy Chúa, xin làm cho chúng con được sạch. Xin rửa chúng con sạch vết nhơ tội lỗi. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con được ơn sám hối. Xin thay đổi lòng chúng con.”. Chúng ta có biết bao những mẫu kinh thân quen như vậy. Phụng vụ còn không ngừng đặt trên môi miệng ta những lời kinh ấy để ta nói lên, để ta ca hát nữa.

Phải là những lời nguyện chân thành

Khi ngỏ lời với Chúa như vậy, lòng ta có hoàn toàn tha thiết và chân thành không? Đó có phải là những tiếng van xin phát ra tự lòng ta không? Ta có thật sự xác tín rằng mình cần được chữa lành, cần được thanh tẩy, cần được ơn sám hối?

Để cho mình mượn những mẫu kinh đẹp đẽ kia, cứ lặp đi lặp lại những lời của người khác mà không làm cho chúng thành lời của mình, thiết tưởng quá dễ dàng. Giả vờ hay có vẻ đóng kịch phần nào, cũng quá dễ thôi. Cầu nguyện liến thoắng như con vẹt, như cái máy, mà không đặt tâm trạng của mình vào đó, cũng là quá dễ dàng. Nên chăng đôi khi thà yên lặng còn hơn là nói đi nói lại những lời mà ta chỉ mới tin một nửa? Chúa không muốn nghe những lời không phát xuất từ nội tâm ta, những lời trống rỗng. Để gặp gỡ Chúa, ta không cần phải nhiều lời, không cần cả những lời hay ý đẹp. Mà phải có những lời thiết tha, những lời chân thực. Có thế thôi.

 

SUY NIỆM 5: LẠY NGÀI, XIN CHO TÔI ĐƯỢC SẠCH (Mt 8, 1-4)

Có một câu chuyện thật ấn tượng về một linh mục đã trọng tuổi thuộc dòng Phanxicô. Chuyện là thế này: ngài là một linh mục rất thương người, vì thế, sau lễ truyền chức linh mục cho ngài, có một người sẵn sàng tài trợ mọi mặt để tổ chức thánh lễ tạ ơn tại quê hương cho thật “hoành tráng”. Tuy nhiên, ngài đã từ chối, và không quên ngỏ lời xin toàn bộ số tiền đó để xây nhà, khoan giếng, thuốc thang cho anh chị em bị phong cùi mà ngài đã biết đến họ cách đó vài năm trong một khu rừng sâu thẳm không một bóng người qua lại.

Tại sao họ lại có một cuộc sống khổ đến vậy? Thưa! Chỉ vì bị kỳ thị và sợ liên lụy cũng như sợ bị lây nhiễm, nên người ta đã đẩy anh chị em đó vào trong một thế giới riêng, tách biệt khỏi xã hội bên ngoài.

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho người phong cùi vì anh ta có lòng tin: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch".

Tưởng cũng nên nhắc thêm: bệnh phong hủi, vào thời ấy, là một thứ bệnh ghê tởm, không có thuốc chữa mà tác hại của nó lại quá lớn và mức độ lây lan nhanh. Ai mắc thứ bệnh đó là đã cầm trong tay án tử.

Bệnh thể xác rất đau đớn, nhưng có lẽ không đau đớn cho bằng tinh thần. Người bị bệnh phong hủi bị ruồng bỏ, bệnh nhân muốn đi lại phải hô to mình bị ô uế để người khác biết mà tránh xa. Họ bị bỏ rơi ngay từ những người thân, xóm làng, xã hội và ngay cả tôn giáo thời bấy giờ.

Tuy nhiên, hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh ta của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho người phong hủi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Đức Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiếm anh ta được sạch.

Hành động này của Đức Giêsu đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phong cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi... Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Đức Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị ...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Biết yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa, nhất là những người thấp cổ, bé họng, khổ đau, nghèo đói chung quanh chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu chữa lành người phong hủi

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Khi chữa lành người phong hủi, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có quyền chữa lành mọi bệnh tật và giải thoát người ta khỏi tội lỗi. Ta hãy tin tưởng và kêu cầu Chúa cứu chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đối với chúng con, bệnh tật là một nỗi sợ. Đau đớn trên thân xác do bệnh tật gây ra thường kéo theo những khổ đau tâm hồn. Bệnh tật làm cho con thấy sự sống của thân xác mỏng manh biết bao, cuộc đời này ngắn ngủi mau qua biết bao.

Lạy Chúa, qua việc Chúa chữa lành người phong hủi, con hiểu rằng Chúa muốn con sống hạnh phúc, sống khoẻ mạnh. Ngày nay, tuy Chúa không hiện ra để làm phép lạ chữa bệnh, nhưng Chúa vẫn âm thầm hiện diện và giúp cho ngành y khoa tiến bộ, để qua đó Chúa chữa lành bệnh tật cho chúng con. Con xin tạ ơn Chúa vô cùng.

Chúa ơi, trên thế giới này có bao người mắc phải những thứ bệnh ngặt nghèo, tiền mất mà bệnh tật vẫn mang. Cũng có nhiều người quá nghèo, không đủ tiền chữa bệnh. Cuộc sống của họ lây lất khổ đau. Con nguyện xin Chúa cho họ gặp được những người có lòng tốt giúp đỡ. Con cũng nguyện xin cho các bác sĩ, y tá, là những người trực tiếp phục vụ bệnh nhân, xin cho họ có tinh thần phục vụ vô vị lợi để xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Và con nguyện xin Chúa chữa lành những người đau ốm trong gia đình con. Xin cho chúng con được sống mạnh khoẻ an vui.

Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, con xin phó thác trọn vẹn đời con trong tay Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.

 

Suy Niệm 7: Chúa chữa lành người phong

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bệnh phong cùi là một loại bệnh do vi trùng lây nhiễm nghiêm trọng. Đây là một trong các căn bệnh cổ xưa của nhân loại khiến cho con người rất sợ hãi và khinh rẻ những người bị bệnh. Mãi vào năm 1873, bác sĩ Hansen khám phá ra vi trùng phong cùi, vì thế mà người ta đặt tên là vi trùng Hansen. Bệnh phong có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè... Vi trùng Hansen hủy hoại các dây thần kinh chung quanh nhiều phần trong cơ thể đặc biệt là chân tay, khiến cho chúng mất cảm giác, rồi gặm nhấm từ từ khiến cho chúng bị biến dạng rữa nát và rơi rụng. Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết. Hiện nay bệnh phong cùi có thể chữa trị hữu hiệu bằng những loại y dược đặc trị.

Tuy nhiên y khoa vẫn chưa có thuốc chủng ngừa chống bệnh phong, nhưng kiểm soát bằng cách chặn bệnh và chữa sớm. Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 15 đến 20 triệu người bệnh phong cùi.

Ở Việt Nam có 21 trại phong, số bệnh nhân phong cùi tiềm tàng có khoảng từ 120.000 đến 150.000.

Suy niệm

Với bệnh phong cùi, dân Do Thái từ xa xưa cho tới gần đây (khi chữa trị được bệnh phong) tin rằng chỉ có Thiên Chúa mới chữa được, bởi vì cũng giống như gọi một người chết về lại với cuộc sống hay chính Ngài ban quyền chữa bệnh phong cho những ngôn sứ lớn, như Môisê (x. Ds 12,9-14; Xh 4,6-8) và ngôn sứ Êlisa (x. 2V 5,9-14). Vì vậy người ta còn có thể chờ đợi Đấng Mêssia (x. Mt 11,5) có thể đến cứu chữa căn bệnh khủng khiếp này.

Cho nên, người phong cùi trong Tin Mừng nghe danh tiếng Đức Giêsu là Đấng Mêssia thay vì tránh xa như Luật quy định, anh lại gần và khẩn xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Anh cùi có một niềm tin tưởng phi thường vào Chúa Giêsu khi anh ta gán cho ý muốn của Đức Giêsu một quyền lực to lớn chỉ có nơi Đấng đến từ Thiên Chúa. Trông chờ Đấng có quyền năng từ Thiên Chúa và Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa: Chỉ cần Người muốn điều ấy được thực hiện.

Trước lời cầu xin của anh phong hủi, Ðức Giêsu không thể làm ngơ vì nỗi khao khát được sạch của anh. Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta – người cùi, Luật cũng đã cấm như thế. Ngài không sợ mình bị lây nhơ… Ngài phá đổ một điều cấm kỵ nguy hiểm khi Ngài đụng chạm đến người phong hủi, Ngài muốn phá bỏ bức rào ngăn cách giữa người bệnh và người lành bằng tấm lòng bao dung trong yêu thương.

Khi lành bệnh, bệnh nhân được giới thiệu đến các thầy tư tế để được chứng nhận lành bệnh và gia nhập lại vào xã hội, như mọi người khác và không bị mọi người xa tránh nữa…

Bệnh phong cùi cho đến hôm nay vẫn bị người đời cô lập phải sống tách biệt khỏi xã hội. Các nhà tu đức học và linh hướng luôn coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng, cũng khiến con người bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng. Tội làm cắt lìa khỏi Thiên Chúa, sự cắt lìa này làm họ trở nên như một cành nho khô héo lìa cây nho, như một bàn tay đứt lìa khỏi cơ thể, làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người anh chị em. Vì sự cắt lìa này con người không thể nhận được sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa. Thân phận của người sống trong tội còn tệ hơn cả thân phận người phong hủi.

Như người bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay nhận biết rất rõ tình trạng bệnh tình của mình, khao khát được lành sạch và tìm đến với Chúa Giêsu – Đấng Mêssia mà anh tin là Đấng mang quyền năng và xin được tẩy sạch, chúng ta cũng chạy đến với Đức Kitô xin thanh tẩy chúng ta khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi vốn làm chúng ta phong cùi về tinh thần thiêng liêng… qua bí tích giải tội.

Ý lực sống:

“Con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.

 Con tự nhủ: Nào ta đi thú tội với Chúa, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”. (Tv 32,5)

 

Suy Niệm 8: Chúa chữa người phong cùi (Mt 8,1-4)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Trước lời cầu xin của anh phong cùi, Chúa Giêsu không thể làm ngơ vì nỗi khao khát được sạch của anh. Người đã đụng chạm đến anh và chữa lành mà không sợ mình bị nhiễm uế theo quan niệm người Do thái thời bấy giờ. Điều đó chứng tỏ Chúa Giêsu có quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi. “Sạch” ở đây không chỉ có nghĩa là khoẻ về phần xác, mà còn được hiểu là sự đổi mới trong tâm hồn nữa.

Trong những chuyến đi diễn thuyết để kêu gọi giúp đỡ những người phong cùi trên khắp thế giới, vị đại ân nhân của họ là Raoul Folereau thường kể câu truyện như sau: Tại một thị trấn nọ, có một người đàn ông được mọi người yêu mến bỗng ngã bệnh. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nghi ngờ ông bị bệnh phong cùi. Từ đó, người ta không còn thấy ông ra đường nữa, và ngay cả trong nhà, ông cũng không còn được đi lại tự do nữa. Gia đình ông đã giam ông trên giường, khung trời còn lại của ông chính là tấm mùng. Một ngày nọ, người đàn ông trốn ra khỏi nhà, nhưng đã bị bắt lại. Và rồi một lần nữa, ông đã trốn thoát được, không phải để được sống tự do, mà là để tự vẫn. Người ta đưa xác ông đến giảo nghiệm, và kết quả cho thấy ông không hề mắc bệnh phong cùi.

Kể lại câu truyện trên đây, Raoul Folereau muốn nêu bật nỗi khổ tâm của những người mắc bệnh phong cùi. Nỗi đau đớn trong thể xác có lẽ chỉ là một phần nhỏ so với sự ruồng bỏ, mà xã hội ở bất cứ thời đại nào cũng dành cho người phong cùi.

Hôm nay, Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người bị bệnh phong cùi vì anh có lòng tin. Anh tiến lại bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Bệnh phong là bệnh nan y thời ấy. Không ai có thể chữa lành. Bệnh phong giống như người chết, vì bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn. Người bệnh phong này có đức tin mãnh liệt. Chỉ có Chúa mới có thể chữa ông. Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Chúa dựng nên sự sống, không dựng nên sự chết. Chúa muốn sự sống cho con người. Chúa giơ tay đụng vào người bệnh. Bàn tay yêu thương đụng đến chỗ đau yếu nhất. Ngón tay thần linh ban sự sống. Như ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay Adong. Thiên Chúa ban sự sống. Kỳ diệu hơn nữa, Thiên Chúa trả lại sự sống (ĐC Ngô Quang Kiệt).

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thể xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người (Mỗi ngày một tin vui).

‘‘Người giơ tay đụng vào anh” (Mt 8,3)

Hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh của Chúa Giêsu hôm nay đã làm cho người phong cùi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Chúa Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiến anh ta được sạch.

Hành động này của Chúa Giêsu đã xoá tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phung cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản, để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi... Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị...

Truyện: Tôi muốn cho chị được hạnh phúc

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa Calcutta đến khu nhà của những người hấp hối do chính Mẹ thiết lập, để tạo điều kiện cho những người nghèo khổ tìm được cái chết xứng với nhân phẩm con người. Buổi tối hôm đó, người ta đưa đến một người đàn bà đói khát và bệnh tật. Mẹ đã đến thăm và săn sóc người đàn bà này với tất cả sự ưu ái, dịu hiền. Sau khi đã hồi sức, người đàn bà mở tròn đôi mắt đẫm lệ và thì thào nói với Mẹ:

- Thưa bà, tại sao bà săn sóc tôi như thế?

Mẹ Têrêsa trả lời:

- Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Trên khuôn mặt mà bóng tử thần đang chập chờn cướp lấy sự sống, đôi mắt người thiếu phụ bỗng sáng lên niềm vui. Người thiếu phụ cố gắng thì thào:

- Bà hãy lặp lại lần nữa đi.

Với tất cả âu yếm, Mẹ Têrêsa mỉm cười trả lời:

- Vâng, tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người thiếu phụ tiếp tục nói:

- Một lần nữa, xin bà hãy lặp lại điều đó một lần nữa.

Và người đàn bà khốn khổ nắm lấy tay Mẹ Têrêsa đặt trên ngực minh, như muốn níu kéo một chút hơi ấm của tình người, hơi ấm của niềm hạnh phúc mà chỉ có một tâm hồn quảng đại mới có thể ban phát.

 

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.