TÌM KIẾM DẠ ĐỂ SINH HẠ ĐẤNG THIÊN SAI
Một cách ngôn trong ngụy văn Do Thái giáo đã diễn đạt rất nên thơ rằng: Với nhiều tiếng rên rỉ của xác thịt thì sự sống của linh hồn được sinh ra!
Chính trị gia, triết gia Nikos Kazantzakis (1883-1957) đã viết: “Con người luôn thiếu kiên nhẫn, nhưng Thiên Chúa không bao giờ nóng vội!”. Câu này nêu bật một chân lý quan trọng. Chúng ta cần kiên nhẫn, kiên nhẫn vô hạn với Thiên Chúa. Chúng ta cần để mọi chuyện phát triển đúng thời điểm của nó, đúng thời điểm của Thiên Chúa.
Nhìn vào lịch sử tôn giáo qua hàng thế kỷ, chúng ta không khỏi choáng váng trước sự thật Thiên Chúa dường như thong thả trước sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta. Kinh Thánh thường ghi lại những khao khát bị nản lòng, những điều không viên mãn, và sự thiếu kiên nhẫn của con người. Việc Thiên Chúa can thiệp trực tiếp và dứt khoát giải quyết một căng thẳng nào đó của con người là chuyện hiếm hơn cả mức ngoại lệ. Chúng ta luôn mãi khao khát một Đấng Thiên sai đến cất đi nỗi đau, báo oán những áp bức, nhưng hầu hết những lời cầu nguyện này dường như rơi vào hư không.
Vì thế trong Kinh Thánh triền miên có lời cầu khẩn đau đớn: Lạy Chúa, xin hãy đến! Xin cứu chúng con! Chúng con còn phải chờ bao lâu nữa! Lúc nào, lạy Chúa, đến lúc nào!
Chúng con luôn thiếu kiên nhẫn, nhưng Chúa lại không vội vàng. Vì sao? Vì sao Chúa dường như hành động quá chậm trễ? Chẳng lẽ Chúa nhẫn tâm nhìn chúng con khổ sao? Thiên Chúa chai đá trước đau khổ của chúng con sao? Vì sao Chúa hành động quá đỗi chậm trễ trước sự mất kiên nhẫn của nhân loại?
Trong ngụy văn của Do Thái giáo, có một câu giúp trả lời câu hỏi này một cách ẩn dụ: Mọi giọt nước mắt sẽ đưa Đấng Thiên sai đến gần hơn! Có vẻ có một mối liên kết cố hữu giữa sự chán nản và khả năng Đấng Thiên sai ra đời. Đấng Thiên sai chỉ có thể ra đời sau khi con người khao khát suốt một thời gian dài. Tại sao?
Việc sinh hạ có thể cho chúng ta thấy được đôi điều. Không thể đẩy nhanh thời kỳ thai nghén, và có mối liên kết giữa cơn đau mà người mẹ chịu lúc sinh con. Việc hạ sinh của Chúa Giêsu cũng vậy. Với tiền đề không thể đẩy nhanh quá trình thai nghén. Nước mắt, nỗi đau, và thời gian cầu nguyện lâu dài là điều cần thiết để tạo điều kiện cho sự thai nghén sẽ hạ sinh Đấng Thiên sai vào thế giới chúng ta. Vì sao? Vì có một dạng tình yêu và sự sống chỉ có thể nảy sinh sau khi kiên nhẫn chịu đựng lâu dài, tạo nên một không gian thích đáng cho dạ người trinh nữ, để từ đó hạ sinh sự siêu phàm. Sự siêu phàm luôn dựa vào một sự thăng hoa trước đó.
Một vài ẩn dụ có thể giúp chúng ta hiểu chuyện này.
Khi cố gắng giải thích về cách con người có thể được thổi bùng với tình yêu vị tha, Thánh Gioan Thánh Giá đã dùng hình ảnh một khúc gỗ cháy thành ngọn lửa trong lò. Khi khúc gỗ khô được đặt vào lò, nó không cháy ngay lập tức. Trước hết, nó cần được làm khô đã. Do đó, suốt một thời gian dài, nó chỉ kêu xèo xèo trong lò, màu xanh và độ ẩm sẽ mất và chỉ khi đến nhiệt độ cháy, nó mới có thể bắt lửa và cháy bùng thành ngọn.
Một cách ẩn dụ, trước khi khúc gỗ có thể bùng cháy, nó phải qua thời kỳ chờ đợi, một tình trạng khô héo, một thời gian chán nản và khao khát. Động lực để một tình yêu đặc biệt sinh ra trong đời chúng ta cũng vậy. Chúng ta chỉ có thể khơi lên dạng tình yêu này khi chúng ta bị là những khúc củi ẩm ướt, còn xanh, kêu xèo xèo trong ngọn lửa của khao khát bất đạt.
Thần học gia Pierre Teilhard de Chardin cho chúng ta một ẩn dụ thứ hai. Ngài nói về điều mà ngài gọi là “tăng nhiệt độ tâm linh”. Trong phòng thí nghiệm hóa học, bạn có thể đặt hai chất trong cùng một ống mà không bị hợp nhất. Những chất đó vẫn tách biệt, không hợp nhất với nhau được. Chỉ sau khi được nung đến một nhiệt độ đủ cao, chúng mới phản ứng hợp lại với nhau. Chúng ta cũng vậy. Thường chỉ khi nhiệt độ tâm linh của chúng ta lên đến mức hợp nhất đó, nghĩa là khi khao khát bất đạt làm tăng nhiệt độ tâm hồn của chúng ta đến mức chúng ta có thể hướng về sự hòa hợp và hợp nhất.
Tóm lại, đôi khi chúng ta phải đi đến cơn sốt mến tâm linh bằng chán nản và nỗi đau, trước khi sẵn sàng buông bỏ ích kỷ và để mình được kéo vào thông hiệp.
Thần học gia công giáo Thomas Halik từng nói, người vô thần đơn giản chỉ là một từ khác để gọi một người không đủ kiên nhẫn với Thiên Chúa. Cha nói đúng. Thiên Chúa không bao giờ vội vã, và Ngài làm thế vì những lý do chính đáng. Đấng Thiên sai chỉ có thể được thai nghén trong một dạng cung lòng nhất định, cụ thể là một cung lòng đủ kiên nhẫn và sẵn lòng chờ đợi, để mọi chuyện diễn ra theo kỳ hạn của Thiên Chúa chứ không phải kỳ hạn của chúng ta.
Mọi giọt nước mắt đưa Đấng Thiên sai đến gần hơn. Đây là một bí ẩn không thể dò thấu. Về lý thuyết, mỗi một chán nản nên làm chúng ta sẵn sàng yêu thương hơn. Về lý thuyết, mỗi một giọt nước mắt nên làm chúng ta sẵn sàng tha thứ hơn. Về lý thuyết, mỗi một lần đau lòng nên làm chúng ta sẵn sàng buông bỏ phần nào sự tách biệt của mình. Về lý thuyết, mỗi một khao khát bất đạt nên dẫn chúng ta đi vào lời cầu nguyện sâu sắc hơn và thành tâm hơn. Và về lý thuyết, mọi sự thiếu kiên nhẫn đau đớn của chúng ta hướng đến sự sự kết hợp vốn luôn mãi tránh né chúng ta, làm cho chúng ta đủ nhiệt tâm để cháy bùng thành ngọn lửa tình yêu. Một cách ngôn trong ngụy văn Do Thái giáo đã diễn đạt rất nên thơ rằng: Với nhiều tiếng rên rỉ của xác thịt thì sự sống của linh hồn được sinh ra!
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch