Tôi tin rằng đó cũng là lời thân thưa của Đức cha cố Gioan Baotixita với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy thấu rõ lòng con, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Thế là đủ rồi! Và khi đó, sẽ vang bên tai Đức cha cố những lời đầy an ủi của Thầy chí thánh: “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”...
Đức cha Gioan Bt Bùi Tuần
Hơn 50 năm về trước, khi còn học ở Tiểu chủng viện Á Thánh Quý, Cần Thơ, tôi có ấn tượng sâu sắc về một linh mục được mời đến giảng tĩnh tâm cho các chủng sinh. Vị linh mục ấy không có giọng nói và phong cách một nhà giảng thuyết, nhưng điều đặc biệt là khi nghe ngài nói, trong đầu tôi hình thành ngay nội dung bài giảng thật rõ ràng từng phần một. Nghe xong là nhớ. Tôi không biết vị linh mục ấy là ai, chỉ nghe giới thiệu là Cha Giám đốc Tiểu chủng viện Têrêxa Long Xuyên.
Ít năm sau tôi lên Đại chủng viện và gặp lại vị linh mục ấy, bây giờ mới biết ngài là cha Bùi Tuần, Giáo sư Triết và là cha linh hướng của Đại chủng viện Thánh Tôma. Giáo trình của ngài có tựa đề độc đáo Triết học và học Triết. Vẫn phong cách ấy, viên phấn trên tay, viết lên bảng những đề mục lớn và những điểm cần thiết, rõ ràng và sáng sủa. Chuông báo hết giờ thì ngài cũng vừa xong phần trình bày. Thêm vào đó, thỉnh thoảng có cuốn tiểu thuyết hoặc cuốn phim nào nổi tiếng, ngài đem ra phân tích. Ngài dạy Triết không chỉ là nói cho học trò về tư tưởng của các triết gia nhưng còn dạy học trò biết đặt câu hỏi, suy tư có phương pháp, trình bày vấn đề cho mạch lạc.
Viết cũng thế, ngài viết nhiều. Viết khi còn trẻ và về già vẫn viết. Nói với chính mình, Giới luật yêu thương, Thao thức là những tuyển tập các bài viết dọc suốt đời linh mục và giám mục của ngài. Các bài viết thường cô đọng, súc tích, diễn tả bằng những câu văn là các mệnh đề độc lập, ngắn gọn. Trong số các bạn cùng lớp, tôi nghĩ có lẽ người chịu ảnh hưởng văn phong này nhất là anh Ngô Quang Kiệt, sau này là Tổng Giám mục Hà Nội.
Thế rồi cha Bùi Tuần được gọi làm Giám mục. Ngài chịu chức Giám mục vào thời điểm đất nước Việt Nam bước vào giai đoạn mới, và Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam sống trong hoàn cảnh mới với những thách đố mới: các chủng viện đóng cửa; việc đào tạo chủng sinh bị đình trệ; truyền chức và thuyên chuyển linh mục rất khó khăn; các sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn... Trong hoàn cảnh đó, thao thức lớn nhất của ngài là làm sao có thể tiếp tục loan báo và làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu cách hiệu quả nhất. Làm sao để đoàn chiên của Chúa có được đầy đủ lương thực thiêng liêng đúng thời, đúng lúc? Làm sao để có đủ các linh mục phục vụ các cộng đoàn giáo xứ trong Giáo phận? Làm sao để vừa trung tín với Tin Mừng, đồng thời khôn ngoan trong cách diễn đạt và thực hiện?
Trong tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa, những thao thức ấy không chỉ dừng lại ở bình diện lý thuyết, nhưng đã trở thành những chọn lựa và định hướng mục vụ chi phối đời sống của Giáo phận Long Xuyên, và cách nào đó, của cả Giáo Hội Việt Nam. Đối diện với hướng đi ấy, đã có những đồng thuận nhưng cũng có những bất đồng. Đã có sự nâng đỡ nhưng cũng có những áp lực. Đã có những thành công và cũng có những thất bại. Vì thế, Đức cha có những niềm vui nhưng cũng không thiếu nỗi buồn; có niềm hạnh phúc và không ít khổ đau.
Dù thế nào chăng nữa, chọn lựa nền tảng của ngài là chọn Chúa, chọn tình yêu, được thể hiện trong khẩu hiệu Giám mục của ngài là Mandatum novum : “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Tất cả vì tình yêu: yêu mến Chúa và tha thiết bắc nhịp cầu yêu thương giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau, trong Hội Thánh cũng như ngoài xã hội.
Suy nghĩ đó làm tôi nhớ lại cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô phục sinh và thánh Phêrô (Ga 21,15-19). Ba lần Chúa hỏi: “Phêrô, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ba lần hỏi là ba lần khơi lại và xoáy sâu vào vết thương chối Thầy của Phêrô. Đau đớn lắm nhưng với tất cả sự chân thành và lòng khiêm tốn, thánh Phêrô đã thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Phêrô đã có lời tuyên xưng đức tin thật hùng tráng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Quả là hùng tráng nhưng chưa đủ, cần phải bổ túc bằng lời tuyên xưng tình yêu: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Tôi tin rằng đó cũng là lời thân thưa của Đức cha cố Gioan Baotixita với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy thấu rõ lòng con, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Thế là đủ rồi! Và khi đó, sẽ vang bên tai Đức cha cố những lời đầy an ủi của Thầy chí thánh: “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”.
Nguồn: giaophanmytho.net