Và con tim đã vui trở lại

VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI

 
Và con tim đã vui trở lại

TGPSG -- "Cuộc đời Mây có Chúa che chở khi Mây dám ký thác đường đời cho Chúa..."

Mây là con bé bị bỏ rơi khi mới được khoảng chừng 2 tháng tuổi. Mây nằm trong nôi, khóc khô miệng, mặt tím ngắt.

Mây được một bà (mà sau này Mây gọi là bà nội) phát hiện ra. Lúc ấy, Mây đang nằm khóc trong nôi đặt trên chiếc ghế đá ven hồ, cái hồ mà nhiều người sáng sớm hoặc chiều tối đều hay ra đó tập thể dục hay thư giãn.

Và bà đã đem Mây về nuôi. Bà ôm Mây, đon đả chạy về nhà, gọi ơi ới: “Lợi, Lợi ơi!”

Anh Lợi: "Có chuyện gì thế mẹ?"

Bà: “Con xem nè, con bé bị bỏ rơi ngoài hồ. Mẹ con mình làm sao đây?”

Tiếng khóc oe oe khát sữa làm anh Lợi cáu:

"Mẹ trả lại chỗ cũ, hoặc đem vô mấy trung tâm trẻ mồ côi trên thị xã thôi, chứ con bé nó bé quá thế này... Nó cần một người chăm sóc thật tốt mẹ ạ!"

Bà nội nựng Mây áp má, và nói với Mây:

“Bà thương con lắm. Ba Lợi phải chăm sóc con đi ! Ba mua sữa cho con đi này!”

Lợi, con trai của bà, và "con dâu tương lai của bà" mới chia tay nhau. Cả nhà đang buồn. Giờ cộng thêm tiếng khóc khát sữa của Mây, thì không thể làm cho mọi người vui được. Mây là nỗi lo lắng lớn của hai mẹ con anh Lợi lúc này.

Anh Lợi mấy tháng nay ho nhiều, và đó là nỗi ám ảnh cho gia đình của chị người yêu. Họ sợ rằng anh Lợi sớm ung thư. Hơn nữa cô ta cũng đã chạy theo người khác giàu có hơn Lợi. Cô ấy là mối tình đầu của Lợi, bởi thế mà sau này trái tim anh không còn muốn mở ra để yêu thêm ai nữa...

...

Thế là Mây đã lọt vào ngôi nhà này. Tiếng khóc đòi sữa của Mây thường như xé lòng anh Lợi và bà nội. Anh Lợi hay cáu lên mỗi đêm Mây khóc khát sữa:

“Con đã nói với mẹ rồi, chúng ta phải gửi con bé đi thôi, mẹ ạ!”

Rồi Lợi luống cuống khi Mây sốt. Có những lúc anh Lợi muốn bỏ nhà đi thật xa để làm ăn. Nhưng anh lại nghĩ rằng mỗi mình bà nuôi Mây thì lại cực quá...

Ngày ngày, anh Lợi lại tiếp tục đi làm thuê ở xưởng gỗ...

Rồi thời gian trôi qua thật mau. Mây lớn lên, anh Lợi làm cho Mây chiếc ghế gỗ gắn vào chiếc xe đạp để ngày ngày đưa Mây đi học.

Một hôm anh Lợi đi làm về, Mây cất tiếng gọi: “Ba ơi, ba ơi !”

Tiếng gọi ấy làm anh Lợi xúc động, anh ôm Mây: “Ba đây, con gái, ba thương con nè!”

Rồi ngày bà nội mất, một lần nữa anh Lợi lại chao đảo. Năm ấy Mây đã học lớp Bảy, cũng tự nấu cơm cho ba được, nhưng anh Lợi lo lắm khi anh đi làm mà chỉ có một mình Mây ở nhà.

Anh Lợi: “Con ơi, chúng ta sẽ chuyển tới một nơi ở mới, gần chỗ làm của ba nhé!”

Mây: “Con không muốn đi, ba ơi! Các bạn ở đây rất yêu thương con.”

Anh Lợi: “Con sẽ phải lớn lên, sẽ đi học đại học các trường. Con sẽ chia tay các bạn ở đây, rồi con sẽ có các bạn mới nơi môi trường mới. Con càng có thêm nhiều người yêu thương con, chứ không chỉ mấy người bạn ở đây, con ạ!”

Anh Lợi cứ phải thuyết phục con bé Mây nhiều lần. Có lần nó khóc, nhưng anh vẫn không thể chiều ý nó được.

Rồi anh Lợi quyết định chuyển nhà. Khi dọn đồ chuyển nhà, anh phát hiện ra tấm hình một cô gái, với câu chữ:

“Mẹ yêu con nhiều lắm. Mẹ xin lỗi vì mẹ đã không đủ sức nuôi con. Ai nhận con về nuôi, xin đặt con tên là Mây! Mẹ sẽ tìm lại con, Mây nhé! Con gái bị bớt trắng là do mẹ đã chăm sóc con không chu đáo.”

Có lẽ bà nội đã cất tấm hình này, lâu rồi quên.

Anh Lợi quyết định giấu nó đi. Anh sợ Mây biết, Mây lại bỏ ba đi tìm mẹ đẻ.

Ba và Mây sống êm đềm trong ngôi nhà mới gần xưởng làm của ba. Ngôi nhà này ngay cạnh nhà thờ. Vị linh mục nhà thờ hay qua nhà Mây, trò chuyện với ba. Và linh mục cho phép Mây sang khu vực nhà thờ, được học đàn miễn phí mấy tháng Hè trong nhiều năm liền.

...

Năm tháng trôi qua, rồi Mây cũng đến ngày xa ba, đi học đại học. Dĩ nhiên là học nhạc viện, vì Mây có khiếu đàn piano; Mây còn có giọng hát khá là cao nên việc thi vào nhạc viện thật đơn giản với Mây.

Ngày ấy, ba dặn Mây nhiều lắm. Ba cứ đi ra đi vào, kiếm rất nhiều thứ bỏ vào balô cho Mây, còn phân loại tiền, dạy cách tự vệ các kiểu.

Anh Lợi vừa gói nắm xôi bỏ vào túi cho Mây, vừa nói:

“Khi con gặp bất cứ điều gì, ba là người con gọi đầu tiên nghe không! Ba sẽ tới cứu con trong chốc lát thôi.”

Anh nói mà làm Mây khóc. Con bé chạy lại ôm ba từ phía sau. Nó sợ nó không còn được ba chăm sóc. Nó cũng sợ bị bắt nạt.

Mây: “Con sẽ về thăm ba liên tục đó ba!”

Anh Lợi: “Về nhiều tốn tiền xe đó con. Nhớ ba, gọi điện là được rồi.”

Anh Lợi nói thế để tăng thêm nghị lực cho Mây, chứ thực ra xa con bé, anh hụt hẫng lắm. Có những đêm, anh Lợi cứ lấy điện thoại ra tính gọi điện cho con bé, rồi lại cất đi, vì sợ làm mất giờ học của con.

Môi trường xa nhà ở chốn đô thị và việc học hành làm cho Mây ít có giờ điện thoại trò chuyện với ba. 

Xưởng mộc mà ba làm thuê ít việc dần đi, đồng lương của ba cũng ít hẳn. Mây quyết định đi làm thuê cùng với mấy bạn ở trường, nhận việc từ xí nghiệp may, với công tác nhặt chỉ quần áo xuất khẩu, với đồng lương ít ỏi, chỉ đủ tiền ăn sáng hằng ngày. Rồi học nhạc viện đến năm thứ 3 thì Mây lại xin làm gia sư ở một trung tâm dạy đàn, cũng may là kiếm được chút tiền, đủ trả tiền phòng trọ.

Ở gần chỗ trọ, Mây làm quen và chơi thân với Vân Anh, một cô gái ngoan đạo, rất hay rủ Mây đi nhà thờ cùng. Vì Mây biết chơi đàn, Vân Anh đã liên hệ để Mây chơi đàn cho ca đoàn.

Mỗi lần Vân Anh đưa Mây đến nhà thờ, Vân Anh vẫn hay nói là “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.

Nhà Vân Anh giàu lắm, bạn ấy còn hay xin ba mẹ giúp tiền cho Mây, hay cho Mây đến nhà ăn cơm. Mây biết làm dấu Thánh giá khi ăn là do hay ăn cơm ở nhà Vân Anh. Anh Lê của Vân Anh là giám đốc công ty Dịch Thuật, anh Lê cũng rất cưng Mây, coi Mây như Vân Anh vậy.

Có hôm Mây đi làm bị lỡ xe buýt, Mây sợ lắm, cứ ngồi chờ hết xe nọ tới xe kia mà không hề có xe về nhà. Mây lại nhớ ba, ước gì ba ở đây, ba chở con về. Kí ức ngày còn bé, ba chở Mây trên chiếc xe đạp và cái ghế gỗ cứ ùa về, làm nước mắt Mây tràn ra lúc nào không hay.

Bỗng nhiên, Vân Anh gọi điện nói với Mây: “Mây ơi, đi tập hát đi nhé! Mai có lễ Suy tôn Thánh Giá đó!”

 Mây: “Mưa to quá, đường ngập hết rồi, xe mình bị chết máy. Mình đang gửi xe lại chỗ làm, đang chờ xe buýt nè!”

Vân Anh: “Trời ơi, bạn hiền ơi, giờ này hết chuyến về chỗ mình rồi. Chờ yên chỗ đó, mình nói anh Lê qua đón bạn nha!”

Mây: “Thế à, mình quê quá nè!”

Ngay lúc đó, Mây bị đám trai quấy rối. Chúng tiến đến lôi tay Mây: “Lên xe tụi anh đưa em về thiên cung nè, về nhà làm gì, ha ha ha!”

Chúng cười, la hét và lôi kéo Mây trong khi Mây đang đói và rét dưới cơn mưa. Chúng làm Mây kiệt sức và hoảng sợ tột độ.

 Nhưng thật may, vừa lúc đó, anh Lê đã xuất hiện.

Từ đó, anh Lê càng thương Mây và giúp đỡ Mây nhiều hơn.

...

Một hôm, Mây gọi điện mãi không thấy ba nghe máy, Mây nóng lòng lắm và quyết định về thăm ba.

Căn nhà trơ trọi lạnh vắng bóng ba. Dường như lâu rồi ba không về nhà. Mây khóc thét gọi ba quá trời, nhưng chẳng thấy ba đâu. Mây chạy qua nhà bà Năm. Bà Năm già lú lẫn cũng không biết đi đâu mấy ngày rồi không về.

Mây báo công an và chờ đợi tin ba.

Biến cố bặt tín về ba, Vân Anh cũng biết. Bạn ấy vẫn điệp khúc cũ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, Ngài sẽ ra tay.”

Ngày thứ 3 mất tin ba, và cũng là lần thứ 9 Mây tới nhà thờ. Mây đã quỳ trước bàn thờ, Mây nói nhiều lần rằng:

“Thưa ông Giêsu, nếu ba của Mây mà về nhà được thì Mây sẽ tin những gì gia đình Vân Anh đã nói về ông.”

Đôi mắt Mây đã thâm đen bởi vì mấy ngày nay Mây không thể chợp mắt. Gặp ba là điều mà Mây mong muốn nhất. Mây cũng không thiết ăn uống, nên thân hình gầy ốm hẳn đi.

Rồi một ngày đẹp trời, có người gọi điện cho Mây:

"Alô, Mây ơi, ba của em đang trong viện nè! Mây đang ở đâu, tới cổng viện đi, mình "bắn định vị" rồi đó! Mình sẽ xuống đón Mây lên phòng của ba đang nằm."

Khi tới viện, Mây thấy ba bị gãy chân, chấn thương não, nhưng giờ đã hồi phục được tầm 70 %.

Mây gặp lại ba. Mây khóc ôm ba lâu lắm, và không quên cám ơn Quốc Anh, người anh bạn khoá trên ở nhạc viện, đã gọi điện cho Mây.

Thì ra mẹ Quốc Anh rủ Quốc Anh đi thăm người bà con bị tai nạn, người ấy nằm ngay cạnh giường của ba. Thấy ba không ai chăm sóc, mẹ con Quốc Anh đến hỏi thăm, và biết đó là ba của Mây. Ba đã nói rõ với họ là "con bé đang học nhạc viện quốc gia, con bé chưa biết tin ba nằm đây, vì ba bị mất điện thoại."

Mây đang ôm ba khóc thì Vân Anh gọi điện cho Mây. Mây nói với Vân Anh là Mây đã gặp được ba.

Vân Anh lại nói: “Đấy, tớ đã bảo rồi, hãy ký thác đường đời cho Chúa, Ngài sẽ ra tay đó Mây!”

Trời ơi, nghe xong câu ấy, Mây chợt nhận ra đúng là ông Giêsu đã kết nối để ba con Mây có thể gặp được nhau.

Thời gian dài sau đó, ba Lợi hồi phục, cũng đi làm trở lại được. Và Mây trở lại trường tiếp tục học, tiếp tục đi làm thêm...

...

Rồi, thật không thể ngờ được, mẹ ruột của Mây, người đã bỏ Mây từ  lúc vừa sinh ra, bỗng dưng xuất hiện...

Mây làm gia sư cho Trung tâm. Tại đây, Mây có cô bé học trò tên Vi, bị trầm cảm. Mẹ của Vi là cô Thuỷ, gửi gắm Vi ở Trung tâm với hy vọng, khi tiếp xúc với âm nhạc, Vi sẽ được chữa lành.

Cô Thủy quý Mây lắm. Một ngày kia, cô dẫn Mây đi mua váy ở một shop nhân dịp ngày bé Vi kết thúc khoá học đàn. Vô tình khi thay đồ, tóc Mây hất lên, làm cho cái bớt trắng hiện rõ ra trên trán Mây.

Lúc đó có một người phụ nữ cứ nhìn Mây, nhìn lâu lắm, nhìn kỹ lắm. Khi cô Thuỷ xuýt xoa: “Dáng Mây mà như dáng Kiều vậy”,  Mây mải ngắm nghía mình trong gương, chả còn quan tâm gì xung quanh. Mây vui lắm với món quà này và đây cũng là lần đầu tiên Mây mặc váy. Mây chẳng để ý là có một người phụ nữ đang quan sát cái bớt của Mây rất kỹ.

Nhớ lại, hôm ba con Mây từ viện về, anh Lợi nhìn và ngó khắp căn nhà, rồi bữa cơm tối anh Lợi nói với Mây: “May mà nhà ta không mất cái gì con ạ!”

Mây bật cười nói: “Nhà ba có mỗi Mây là giá trị nhất, mà Mây bay đến trường rồi thì còn gì mà phải sợ mất nữa, ba?”

Mây không biết điều ba muốn nói chính là, trong ngăn tủ của ba có cái hộp, trong cái hộp có giấy tờ cùng với tấm ảnh người phụ nữ mà ba giấu Mây đã rất lâu.

Rồi ngày phải đến đã đến, người phụ nữ lạ mặt từng ngắm Mây trong shop bán váy, bỗng xuất hiện trước cửa nhà Mây. Cô ấy hỏi:

“Cháu tên là Mây à? Cháu bao nhiêu tuổi, trán cháu làm sao mà có cái bớt trắng vậy?”

Mây trả lời hết các câu hỏi ấy. Nghe xong, cô ấy bật khóc, nói:

“Mây ơi, mẹ xin lỗi con. Mẹ đã bỏ con lúc con mới 2 tháng tuổi. Mẹ là mẹ của con đây!”

Ba nghe thấy, đứng phắt lên, ngã xuống đất và la lớn:

“Cô cút đi! Cút ra khỏi nhà tôi ngay! Cô là ai mà dám nói lung tung đấy hả? Cút, cút ngay!”

Thấy ba phẫn nộ, cô ấy chạy vụt ra ngoài đường, nhìn vào nhà và nhìn Mây lần nữa. Cô ấy khóc nức nở, rồi đi mất.

Mây cứ thấy ba thế nào ấy, rồi ba dặn Mây:

“Con không được tin ai nói vớ vẩn gì, kẻo họ bắt mất con gái của ba đấy nhé!”

Nhưng thâm tâm Mây cứ hối thúc Mây điều gì ấy. Mây gặng hỏi ba: “Mẹ con là ai hả ba?”

Ba nhìn Mây trừng trừng, như thể ba sợ đây là lần cuối ba gặp lại Mây. Ba chỉ nói:

“Mẹ đẻ con ra rồi bỏ con đi. Bà nội rước con về cho ba nuôi con.”

Rồi ba đứng lên, về phòng, đóng cửa lại. Ba đóng cửa phòng, đóng luôn hy vọng Mây gặp được mẹ.

Khi Mây diễn bài hát “Gặp mẹ trong mơ” ở trường nhân ngày lễ tổng kết năm của các anh chị khoá trên, có một phụ nữ là khán giả trong đám phụ huynh khóc thật nhiều. Mãi một lúc sau, Mây mới nhìn thấy và phát hiện ra đó chính là người phụ nữ đã đến nhà Mây.

Cô ấy một lần nữa làm cho Mây suy nghĩ. Mây quyết định hỏi ba lần nữa.

Lần này ba khóc, làm Mây cũng khóc theo.

Anh Lợi: “Dù thế nào đi nữa, con vẫn là con của ba...”

Mây ôm ba và hứa là sẽ không bao giờ bỏ ba.

Anh Lợi rút trong túi ngực chùm chìa khoá, rồi lựa lấy một chìa, đưa cho Mây:

“Con lấy chìa khoá này, mở ngăn kéo ra và lấy cái hộp nhỏ trong đó cho ba”.

Tay ba run run, từ từ mở chiếc hộp, lấy ra một tấm hình. Và một dòng chữ.

Lúc này Mây không thể đọc được nó lần thứ hai, vì nước mắt của Mây đã làm mắt Mây lu mờ.

Mây khóc thét lên: “Ba ơi, mẹ con còn sống không?”

Anh Lợi: “Ba nói là ba không biết.”

Im lặng bao trùm lấy căn phòng. 

Rồi bữa cơm trưa ấy, anh Lợi nói: “Có khi nào người phụ nữ kia là mẹ con không?”

Mây không tin vào tai mình, Mây nói: “Ba ơi, ba nói gì vậy ba?”

Anh Lợi: “Ba nói là ba có linh cảm bà ấy là mẹ con, nên ba đã đuổi bà ấy đi.”

Trở về xóm trọ, gặp lại Vân Anh, Mây lại tâm sự với Vân Anh, cô bạn lại dẫn Mây đi cầu nguyện.  

Nhà thờ vắng tanh, mọi tiếng động nhỏ đều rất rõ, ngay cả tiếng ngón tay lần chuỗi của Vân Anh cũng nghe rất rõ.

Mây quỳ gối và nói: “Ông Giêsu ơi, ông vào cuộc với Mây lần cuối đi. Lần này nếu mẹ Mây tìm đến với Mây nữa, Mây sẽ cả đời tin ông ạ!”

Mây thổn thức nhớ lại lần trước, khi Mây hát bài “Gặp mẹ trong mơ” vào ngày diễn văn nghệ của trường, mọi người về hết rồi nhưng sân trường vẫn còn lại bóng dáng người phụ nữ, khóc hoài mà chưa về...

Rồi ngày Mây ra trường, ba vui lắm. Ba ôm Mây chụp hình. Mây nhận được một bó hoa, với dòng chữ: “Chúc mừng con gái nhân ngày ra trường.”

Ôm bó hoa chụp hình, Mây ngỡ là của ba ship đến, ai ngờ ba hỏi Mây: “Hoa ở đâu đẹp thế?"

Mây ngỡ ngàng nói: “Của ba tặng con mà, dòng chữ nè ba!”

Anh Lợi phân vân và nghĩ ra điều gì đó, nhưng anh không nói gì cả.

Còn Mây bỗng suy diễn, có khi nào là hoa của mẹ mình chăng?

Và đúng là bó hoa của mẹ. Mẹ đã âm thầm theo dõi Mây gần 1 năm, kể từ khi mẹ gặp Mây mua váy ở shop năm ngoái.

Chưa một lần gặp mẹ, mong gặp mẹ trong mơ cũng chả thấy, tim Mây hồi hộp lắm. Mây ước gì mẹ có mặt ở đây, ngay lúc này.

Đang khi ăn tiệc tại mừng với đám bạn ở nhà hàng ven sông, Mây nghe tiếng gọi: "Mây ơi!"

Mây quay lại. Tâm trí Mây rối bời khi nhận ra người gọi mình kia là người phụ nữ đã đến nhà Mây.

"Mẹ đây con ơi, Mây của mẹ!"

Mây không thể ngờ dung nhan người phụ nữ đứng trước mặt mình với người mẹ trong hình thật giống nhau.

Mây có một chút do dự, và rồi Mây đã cho mẹ ôm mình, cho mẹ khóc ướt vai mình.

Rồi mẹ đã kể hết mọi chuyện cho Mây nghe:

“Mẹ đã theo dõi con kể từ khi thấy con mặc chiếc váy trắng ở shop. Mẹ thấy cái bớt trắng trên trán của con, mẹ đã tới nhà con, mẹ đã tới trường nghe con hát, mẹ đã tặng hoa nhân ngày con ra trường. Và từ nay mẹ có thể làm nhiều hơn thế nữa để cho con được hạnh phúc, cho mẹ được bù lại lỗi lầm của mẹ...”

Hoá ra, Mẹ đã lỡ yêu một người không yêu mẹ, nhưng mẹ đã trót có con, mẹ sợ và mẹ đã chạy trốn vào mái ấm để sinh con. Rồi mẹ đã bỏ trốn, mẹ được người cô giúp cho đi lao động bên Nhật. Qua đó mẹ đã tìm được chính mình, tìm được cuộc sống mới nhưng luôn nhớ về con. Khi mẹ về, việc đầu tiên là tìm con, nhưng 5 năm mẹ mới thấy con.

Mây biết mọi sự về mẹ. Mây vui mừng vì có mẹ rồi.

Và con tim Mây đã vui trở lại.

Mây đã có mẹ, có ba, có một gia đình ấm áp.

Anh Lê đã từ lâu hay kiếm cớ để hẹn hò với Mây và muốn kết hôn với Mây, được cùng nhau làm lễ cưới trong nhà thờ.

Mây theo đạo, được học giáo lý, được rửa tội, được anh Lê và Vân Anh cùng cả gia đình anh thương yêu, chia sẻ kinh nghiệm đức tin.

Cuộc đời Mây có Chúa che chở khi Mây dám ký thác đường đời cho Chúa: "Có Chúa rồi, con tim của chúng ta sẽ luôn vui..."

Cecilia Nguyễn Thị Kim Ngân

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.