Vợ chồng ly hôn - Chuyện không của riêng ai

VỢ CHỒNG LY HÔN - CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

 

Ngày 4-5-2021 vừa qua, hầu hết các báo đều đưa tin nóng: “Vợ chồng tỷ phú Bill Gates tuyên bố ly hôn sau 27 năm chung sống”. Rất nhiều người sửng sốt, ngạc nhiên và có phần khá sốc khi hay tin này. Bởi vì có lẽ không ai nghĩ rằng một cặp vợ chồng nổi tiếng khắp năm châu, từng là thần tượng của nhiều người nay lại rơi vào hoàn cảnh ly hôn – đường ai nấy đi.

lyhon.jpg

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cụ thể, tin tức từ báo chí cho hay: Vợ chồng tỷ phú Mỹ Bill Gates, hai trong số những nhà từ thiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, tuyên bố ly hôn sau 27 năm chung sống. Theo Reuters, trong một thông báo trên Twitter ngày 3-5-2021, vợ chồng tỷ phú Bill Gates và Melinda cho biết rằng sau nhiều suy nghĩ và cân nhắc về mối quan hệ, họ đã quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của mình.

Cặp đôi này cũng cho biết thêm họ đã nuôi dạy 3 người con và gây dựng một tổ chức thiện nguyện hoạt động khắp nơi trên thế giới nhằm giúp đỡ tất cả mọi người có một cuộc sống khỏe mạnh và hiệu quả. Nhưng họ nghĩ rằng họ không thể tiếp tục đi cùng nhau ở chặng đường sắp tới. Hai người muốn một không gian riêng, một sự riêng tư cho gia đình khi họ bắt đầu tìm kiếm một cuộc sống mới.

Được biết, tỷ phú Bill Gates, 65 tuổi, đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, là người giàu thứ tư thế giới. Bà Melinda, 56 tuổi, từng là giám đốc của Microsoft. Họ gặp gỡ nhau và kết hôn năm 1994 khi Bill Gates đã trở thành tỷ phú. Cặp đôi sở hữu khối tài sản lên đến 124 tỷ USD. Họ điều hành một quỹ từ thiện có tên Bill & Melinda Gates Foundation với khối tài sản khoảng hơn 51 tỷ USD. Cặp đôi đã dành ít nhất 40 tỷ USD cho từ thiện kể từ năm 1994. [1]

1.- VỢ CHỒNG LY HÔN – CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI!

Có thể nói, cuộc ly hôn của ông bà tỷ phú Bill Gates này đã gây một chấn động vô cùng lớn trong dư luận cả thế giới chẳng những bởi sự giàu có nổi tiếng của họ mà cũng vì bản thân và cuộc sống của ông bà này đã từng được mọi người và phần đông giới trẻ ngưỡng mộ qua nếp sống trí thức, lịch lãm, hạnh phúc và mẫu mực của họ.  

Ngay khi tin tức về vụ ly hôn của cặp đôi Bill Gates và Melinda loan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì lập tức nhiều người trên mạng xã hội đã gợi lại câu chuyện vào năm 2014, phóng viên hỏi Bill Gates: “Quyết định thông minh nhất của ông là tạo ra các phần mềm, hay các công việc từ thiện?

Câu trả lời thật đáng ngạc nhiên từ Bill Gates: Hoàn toàn không phải như vậy. Quyết định thông minh nhất là tìm được người phụ nữ phù hợp để kết hôn…Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này và tương lai của thế hệ sau!

Nếu bố bạn lấy nhầm vợ, thì tuổi thơ của bạn sẽ là một chuỗi ngày đau khổ.

Nếu bạn lấy nhầm vợ, thì cả cuộc đời của bạn sẽ sống trong khổ đau.

Nếu con trai bạn lấy nhầm vợ, thì tuổi già của bạn không thể có được những tháng ngày vui vẻ.

Lấy được người phụ nữ tốt. Thịnh vượng ba đời.

Lấy phải người phụ nữ không tốt. Lụi bại tới sáu đời…

Người đàn ông trí tuệ nên để cho người phụ nữ trọn đời của mình được trau dồi, bồi dưỡng trí thức.

Người phụ nữ trí tuệ nên coi việc học tập, trưởng thành là bài tập cả cuộc đời mình!...

Thực ra, xét cho cùng, sự kiện ông bà Bill Gates quyết định ly hôn không phải là chuyện gì quá lạ lùng bởi vì một khi cuộc sống chung nhàm chán, tẻ nhạt, không hạnh phúc và gặp nhiều rắc rối thì có lẽ đối với nhiều người ly hôn là một giải pháp thường được nghĩ tới và chọn lựa nhất. Friedrich Engels, nhà lý luận chính trị, triết gia và khoa học gia người Đức thế kỷ 19 đã nói: “Khi tình yêu đã chết, gia đình là địa ngục, cuộc sống vợ chồng chỉ còn là sự đầy ải lẫn nhau thì chia tay là điều nên làm, sẽ có lợi cho cả hai người và xã hội”.

Liên quan sự kiện ly hôn, ngày nay người ta còn dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng chưa cần tới 5 năm, họ đã vội vã ly hôn. Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết rằng tình trạng ly hôn xanh ngày một gia tăng và điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn 

Theo số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, số liệu nghiên cứu đã cho thấy cả nước ta trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì lại có 3 cặp ly hôn, xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn.

Một điều đáng chú ý là 70% số vụ ly hôn sẽ thuộc về những gia đình trẻ mà vợ và chồng trong độ tuổi từ 18 – 30; trong đó 60% các cặp vợ chồng ly hôn sau khi kết hôn từ 1–5 năm, nhiều trường hợp mới chỉ cưới nhau được vài tháng.

Một sự kiện cũng đáng ta lưu ý nữa là song song với hiện tượng “Ly hôn xanh”, ngày nay người ta còn nói đến loại “Ly hôn xám” (Grey divorce) nghĩa là những vụ ly hôn của nhóm tuổi trung niên, thậm chí lão niên nữa!

Nhân viết về vụ ly hôn của nhà tỷ phú Bill Gates vừa qua, báo Phụ Nữ online TP.HCM hôm 5-5 đã có bài viết nhận định như sau:

Ly hôn có thể tàn khốc với mọi lứa tuổi. Nhưng với tuổi già, “hạnh phúc cũ” hay “lỗi lầm mới” càng cần được cân nhắc thật kỹ. Câu chuyện của nhà Gates đặt ra một câu hỏi về tình trạng ly hôn ở người lớn tuổi. Tây phương gọi tình trạng này là “Ly hôn xám” (Grey divorce) vốn ám chỉ màu tóc “tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm” của những kẻ chia tay nhau buổi xế chiều. Tờ TheWall Street Journal cho biết, tỷ lệ ly hôn ở Mỹ tuy đã giảm trong 20 năm qua, thế nhưng, tỷ lệ ly hôn ở những cặp trên 50 tuổi lại có xu hướng gia tăng. [2]

Đến đây, ta đặt câu hỏi: “Điều gì khiến cho cuộc hôn nhân của nhiều người tan vỡ?”. Như đã biết, thảm kịch ly hôn không chừa một ai. Người trẻ cũng như giới già. Người giàu cũng như kẻ nghèo. Giai cấp trí thức cũng như giới bình dân thất học. Kẻ ở thành thị cũng như những người ở nông thôn vv. Tất nhiên việc gì xảy ra cũng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Không có lửa sao có khói! Trong khi ngày thành hôn người ta thường chúc nhau “Trăm năm hạnh phúc!”, thì trên thực tế tuổi thọ hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng lại xem ra quá ngắn ngủi. Nhiều người đã vỡ mộng, như nhận định của một danh nhân:  “Chỉ khi nào bạn đi được nửa đường hôn nhân, bạn mới nhận thấy thực ra hôn nhân chỉ là ảo ảnh.” Và “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull).

2.- ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO CUỘC HÔN NHÂN CỦA NHIỀU NGƯỜI TAN VỠ?

Các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho vợ chồng ly hôn, tùy theo hoàn cảnh đặc thù và con người cụ thể, không ai giống ai. Tuy nhiên xét theo đa số thì người ta có thể đưa ra mấy nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn như sau:

2.1. Ngoại tình

Ngoại tình được xem như nguyên nhân hàng đầu của ly hôn. Khi người đàn ông hay đàn bà rơi vào tình huống “Chán cơm thèm phở”, hoặc “Ông ăn  chả, bà ăn nem” thì sẽ gây ra hậu quả là hai người không còn tin tưởng nhau nữa. Niềm tin vào sự chung thủy lúc mới kết hôn đã không còn nữa. Một trong hai hoặc cả hai đều mệt mỏi và sẵn sàng chấp nhận giải pháp đường ai nấy đi.

Phần lớn những cuộc ngoại tình bị phát giác đều có kết cục là ly hôn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn gần như là chắc chắn nhất. Bởi lẽ, khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, sự chung thủy là một trong những yếu tố được các bên coi trọng hàng đầu. Khi bị người phối ngẫu lừa dối, rất ít người lựa chọn tha thứ.

Không giống với những nguyên nhân ly hôn khác, việc ngoại tình dù có được tha thứ và bỏ qua thì người chấp nhận nó cũng không thể nào vĩnh viễn quên đi chuyện đó. Họ có thể tiếp tục chung sống với người đã phản bội mình song trong thâm tâm họ luôn tồn tại sự trách móc và dằn vặt nhất định. Sự trách móc và dằn vặt này như những con virus tàn phá cuộc sống hôn nhân từ bên trong.

Phần lớn những người đàn ông ngoại tình đều không hề muốn bỏ rơi gia đình để theo người tình. Ngược lại, những người phụ nữ sống thiên về tình cảm, một khi ngoại tình thì họ gần như đã sẵn sàng đối mặt với những hậu quả mà họ có thể phải gánh chịu khi bị phát giác. Hầu hết phụ nữ khi ngoại tình đều dễ dàng ly hôn.

2.2. Bạo hành trong gia đình

Một nguyên nhân không thể không nói đến, đó là bạo hành trong gia đình. Theo các chuyên gia, có khoảng 65-75% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ sự ngược đãi trong gia đình. Đó là con số đáng giật mình mà hội nghị về “Bạo hành trong gia đình và quyền phụ nữ” đưa ra. Trong những gia đình này, ban đầu nạn nhân của bạo lực gia đình (hầu hết là người vợ) không nghĩ và tính đến việc ly hôn. Họ có xu hướng chịu đựng để gia đình đoàn tụ, con cái có cha mẹ đầy đủ.

Tuy nhiên, xung đột, bạo lực triền miên năm này qua năm khác khiến họ không thể cam chịu được nữa và tìm tới ly hôn như là một giải pháp giải phóng chính bản thân họ và con cái họ. Trong trường hợp này, ly hôn có lẽ là quyết định đúng đắn để người phụ nữ bảo vệ mình, làm lại một cuộc đời “không còn nắm đấm”.[3]

2.3. Vợ chồng không tôn trọng nhau

Ông bà ta thường khuyên các đôi vợ chồng là phải “Tương kính như tân”, nghĩa hai người phải tôn trọng nhau như hai người khách quý. Tuy nhiên, trên thực tế, lời nhắn nhủ này không được tuân thủ. Sau một thời gian sống chung với nhau, dường như đôi bạn không còn quý mến, trân trọng nhau như thủa ban đầu nữa. Trái lại thay vì coi nhau như bạn đời, bạn tình, bạn đồng hành, bạn tri kỷ…thì họ lại đối xử với nhau như hai “đối thủ” ở hai cực đối lập nhau. Tệ hơn, họ coi nhau như gánh nặng của nhau. Như người xưa nói “Nhất vợ nhì nợ!” hay “Có chồng như gông đeo cổ!”

Một khi vợ chồng không còn quyến luyến, yêu thương nhau nữa thì dần dần cuộc sống hôn nhân trở thành nhàm chán, u ám và hai bạn là gánh nặng của nhau, để rồi sau cùng điều này sẽ là tiền đề cho một cuộc ly tan đang chờ sẵn…

Quả thực, hôn nhân sẽ không thể tiếp tục duy trì nếu một trong hai bên liên tục bị tổn thương bởi sự từ chối, chê bai, hạ thấp. Sẽ rất khó để một người có thể chung sống cùng với người kia luôn coi thường và thiếu tôn trọng mình. Lòng tự tôn của con người rất cao và ly hôn khi không được tôn trọng không phải là những trường hợp hiếm khi xảy ra.

2.4. Thiếu sự chia sẻ trong gia đình

Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, điều này nhắc nhở đôi bạn về sự hợp tác với nhau trong gia đình. Tuy mỗi bên có nhiệm vụ và vai trò khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu, là đem lại hạnh phúc, ấm êm cho gia đình và cuộc sống chung vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự chia sẻ trách nhiệm chung trong gia đình có nhiều trường hợp không như mong muốn. Người thì làm việc quá nhiều, trong khi người kia chẳng nhúng tay vào một công việc nhỏ nhoi nào.

Thực vậy, trách nhiệm không đồng đều trong đời sống vợ chồng là một trong những nguyên nhân ly hôn phổ biến. Đây được coi là một sự bất bình đẳng. Sự bất bình đẳng này không phải là một bên coi thường, đánh giá thấp bên còn lại mà là một bên vợ/chồng phải gánh quá nhiều trọng trách khiến cán cân trong mối quan hệ vợ chồng bị mất cân bằng nghiêm trọng.

Hôn nhân cần sự chung tay gánh vác của cả hai người, “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”. Nếu như một bên phải đảm nhận quá nhiều trách nhiệm trong quan hệ hôn nhân như kiếm tiền, chăm sóc con cái, đối nội đối ngoại vv. thì họ sẽ cảm thấy kiệt sức. Hôn nhân với họ sẽ trở nên mệt mỏi vì luôn có gánh nặng trên vai và họ sẽ muốn buông xuôi bằng cách ly hôn để chấm dứt tình trạng này.

 

2.5. Xung đột do khác biệt về cách sống

 

Một nguyên do khiến các cặp vợ chồng ghi trong đơn ly hôn nhiều nhất có lẽ là: không hợp nhau, hay nói cách khác là mâu thuẫn về lối sống. Nguyên nhân này thường thấy nhất ở những cặp vợ chồng trẻ. Thông thường, khi yêu nhau người ta nhìn nhau và nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Còn khi đã trở thành vợ chồng, ai nấy đều “trở về” với con người thật của mình, lộ diện đầy đủ cả tốt và xấu. Không biết chấp nhận cái xấu, khó chịu với những khác biệt giữa hai người, ly hôn đương nhiên là điều khó tránh. [4]

Theo dõi chương trình “Vợ chồng son” trên kênh HTV7 vào lúc 22g mỗi tối Chúa nhật hằng tuần, người ta nhận ra rằng hầu hết các cặp vợ chồng đều bất ngờ về người bạn đời của mình. Mỗi người đều để lộ ra rất nhiều thói hư tật xấu gây khó chịu và thất vọng cho vợ/ chồng mình. Nhiều cặp vợ chồng khi về chung sống với nhau mới chợt nhận ra thực tế phũ phàng và đã không ngần ngại thốt lên: “Tôi không ngờ anh ta vô trách nhiệm đến thế!”, hay “Tôi không ngờ cô ta vụng như vậy!” vv.

2.6. Kết hôn quá sớm

Tình trạng kết hôn quá sớm khi độ tuổi chưa đủ chín chắn để bước vào cuộc sống gia đình. Những số liệu điều tra đã cho thấy, gần một nửa những cặp đôi kết hôn từ quá sớm dễ bị sứt mẻ tình cảm sau 15 năm kết hôn. Còn với những cặp đôi kết hôn ở độ tuổi 25 thì tỷ lệ ly hôn sẽ giảm tới 35%. Nguyên nhân chính là sự bồng bột tuổi trẻ đã che mất những khiếm khuyết của nhau. Khi chung sống và đã trưởng thành, họ dần phát hiện ra những khiếm khuyết ấy và cảm thấy không thể dung hòa được.

Khi còn quá trẻ, chúng ta thường không có được những suy nghĩ chín chắn để quyết định xem liệu người bạn đời có phải là người thích hợp cùng mình chung sống cả đời hay không. Những người trẻ tuổi chưa từng trải, thường không suy nghĩ nhiều về những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Hệ quả, họ thường nhanh chóng nhận ra hôn nhân không phải là một việc dễ dàng và thường quyết định ly hôn ngay sau đó.

2.7. Áp lực trong đời sống vợ chồng

Trong đời sống bản thân mỗi người nói chung vẫn luôn tồn tại rất nhiều những áp lực. Đặc biệt, sau khi kết hôn những áp lực này còn nhân lên nhiều lần bởi quan hệ hôn nhân không chỉ là mối quan hệ của hai người mà còn liên quan đến rất nhiều người và nhiều vấn đề khác. Từ đó, hai vợ chồng sẽ có nhiều mối quan tâm, lo lắng hơn, trách nhiệm gánh vác trên vai cũng ngày một nặng hơn.

Một số những áp lực tiêu biểu mà người ta hay nhắc tới khi kết hôn đó là mối lo “cơm áo gạo tiền”. Khi mà trước đây vấn đề này ta chỉ dành chăm lo cho riêng bản thân thì sau khi kết hôn nó được san sẻ ra lo cho con cái, gia đình, họ hàng nội ngoại. Càng tệ hơn khi vợ chồng lại không có sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để tìm ra hướng giải quyết phù hợp thì rất dễ tạo ra sự bất hòa, mâu thuẫn giữa các bên và từ đó trở thành lý do ly hôn.

Ngoài ra, áp lực từ phía những người trong gia đình cũng là một điều đáng lo ngại. Mâu thuẫn trong tư tưởng và lối sống giữa mẹ chồng–nàng dâu là một ví dụ điển hình. Việc mẹ chồng quá khắt khe, giáo điều, ép con dâu phải làm theo ý mình không còn phải vấn đề quá xa lạ. Khi đó nếu bản thân người vợ không khéo léo cũng như người chồng không thể dung hòa mối quan hệ này thì mâu thuẫn sẽ ngày một trầm trọng. Do đó, một khi những áp lực trở nên vượt quá sức chịu đựng thì chuyện ly tán trở thành điều không thể tránh khỏi.[5]

2.8. Trục trặc trong đời sống chăn gối vợ chồng

Sự khủng hoảng về đời sống chăn gối và sinh hoạt tình dục vợ chồng thường diễn ra một cách âm thầm, kín đáo bởi vì những chuyện ấy thuộc phạm vi “phòng the”. Nhưng theo các nhà chuyên môn về tâm sinh lý vợ chồng đều quả quyết rằng đây là một điều cần lưu ý đặc biệt để giúp các đôi vợ chồng vượt qua cuộc khủng hoảng của họ.

Ian Kerner, giáo sư, chuyên gia trị liệu về hôn nhân và gia đình đã cho biết: “Là một nhà trị liệu hôn nhân và trị liệu tình dục, tôi khẳng định rằng các cặp đôi sẽ đối mặt với sự tan vỡ nếu có khoảng cách không thể lấp đầy về nhu cầu tình dục. Khi một người cảm thấy mệt mỏi vì phải từ chối còn người kia thì ham muốn quá dồi dào, đó là một tiền đề của sự chia ly. Tôi đã chứng kiến nhiều cặp đôi đường ai nấy đi vì ham muốn không tương đồng”.

Thêm vào đó, Bác sĩ y khoa Stephen Snyder, một chuyên gia trị liệu về tình dục và quan hệ vợ chồng cũng đã nói: “Nếu bạn thường xuyên cảm thấy không hạnh phúc trong chuyện chăn gối, đó là một dấu hiệu tồi tệ. Cảm xúc tình dục là rất trung thực, tình dục và sự tự trọng gắn liền với nhau. Thật khó để thực sự hạnh phúc nếu cả hai vợ chồng đều cảm thấy gượng gạo trong quan hệ tình dục”.

Như vậy, có thể nói những trục trặc thầm kín về chuyện chăn gối trong đời sống vợ chồng là dấu chỉ một cuộc khủng hoảng đích thực có thể đang đe dọa sự bền vững của hôn nhân nếu không kịp thời tìm cách “chữa trị” căn bệnh bất hòa hợp tình dục đó của hai vợ chồng.

3.- KI-TÔ HỮU VÀ VẤN ĐỀ LY HÔN

Chúng ta đều biết rằng, hôn nhân bất khả phân ly là một trong hai đặc tính quan yếu của bí tích hôn nhân Ki-tô giáo. Nói đến tính chất bất khả phân ly trong hôn nhân Ki-tô hữu là chúng ta mặc nhiên đề cao tính chung thủy trong đời sống vợ chồng. Về điểm này, linh mục Nguyễn Hữu Thy trong cuốn sách “Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công Giáo” đã chia sẻ như sau:

Sự chung thủy vợ chồng. Đây là một yếu tố khó khăn, đòi hỏi các đôi vợ chồng rất nhiều thiện ý và nỗ lực. Trong khi cử hành Bí tích Hôn phối, đôi tân hôn đã long trọng thề hứa với nhau: “Tôi nhận anh/ em…làm vợ/ chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh/ em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh/ em mọi ngày suốt đời tôi.

Nếu theo nhà phân tâm học Erik Erikson một lời nói ra là một giao ước, tức là một điều đòi buộc phải tuân giữ, thì lời thề hứa hôn nhân long trọng trước bàn thờ Thiên Chúa và trước sự chứng giám của cả cộng đoàn Dân Chúa càng gắt gao đòi buộc các đôi vợ chồng phải vuông tròn như thế nào!

Lời thề hứa hoàn toàn tự nguyện của hôn nhân là một cam kết bó buộc và bất khả tháo gỡ đối với các đôi vợ chồng. Tính chất đặc thù này của lời thề hứa hôn nhân hoàn toàn không phải là một gánh nặng bất khả kham, nhưng là một phương tiện hữu hiệu nhất giúp cho các đôi vợ chồng rèn luyện và thăng tiến được chính con người mình cũng như bảo đảm cho cuộc sống hôn nhân của họ được bền vững trước các sóng gió cuộc đời… [6]

Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu trong thế giới ngày nay (Familiaris Consortio) đã nhấn mạnh như sau:

- “Đối với đôi bạn Kitô hữu, ơn bí tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: ‘Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly’ (Mt 19,6). (…) Sự hiệp thông vợ chồng được đánh dấu không những do sự duy nhất nhưng còn do tính chất bất khả phân ly của nó: Sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau cách bất khả phân ly.” (Số 20)

- “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (Số 21)

Aug. Trần Cao Khải

 


[6] LM Nguyễn Hữu Thy – Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công Giáo – TT MV CGVN, Gp Trier CHLB Đức năm 2012 – Trang 90

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.