Nghệ Thuật Cử Hành Thánh Lễ 2

NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH THÁNH LỄ (2)

3. LỜI CHÀO VÀ VÀI LỜI DẪN VÀO THÁNH LỄ.

Chỉ dẫn:

“Dứt ca nhập lễ, linh mục đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình. Tiếp đó, linh mục dùng lời chào biểu thị cho cộng đoàn biết sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ. Sau lời chào, linh mục hoặc phó tế, hoặc một thừa tác viên giáo dân, có thể nói rất vắn tắt dẫn đưa cộng đoàn vào Thánh lễ ngày hôm ấy.” (x. QCTQ 50)

Vài điểm lưu ý:

- Một dấu thánh giá rất đẹp được linh mục và tất cả cộng đoàn làm một cách chậm rãi, cung kính. Việc làm này biểu lộ cộng đoàn dân Chúa tụ họp nhân danh Chúa Ba Ngôi.

- Một diễn tiến được thực hiện theo thứ tự: dấu thánh giá, lời chào của linh mục chủ tế và cộng đoàn đáp lại, vài lời ngắn gọn để dẫn vào thánh lễ.

- Lời chào trong buổi phụng vụ luôn dưới hình thức của một cuộc đối thoại: chủ sự và cộng đoàn. Nó vừa thể hiện sự hiện diện của Chúa Kitô trong buổi cử hành, và cũng vừa thể hiện mầu nhiệm của Hội Thánh qua lời đáp của cộng đoàn.

- Nếu linh mục chủ tế không quen biết cộng đoàn phụng vụ hoặc ngược lại, điều có thể làm đó là, sau lời chào, một người đại diện giới thiệu ngài với cộng đoàn để người tham dự khỏi thắc mắc: “Cha nào vậy?”, lo ra trong suốt thánh lễ.

- Để lời chào cộng đoàn và lời dẫn vào thánh lễ được tốt đẹp, cần viết ra giấy hoặc sử dụng công thức có sẵn trong Sách Lễ Roma.

- Nếu là một thừa tác viên không chức thánh, hoặc một giáo dân đọc vài lời dẫn vào thánh lễ thì các lời này được đọc sau lời chào của chủ tế; và sau đó, chủ tế nói vài lời ngắn để mời gọi cộng đoàn phụng vụ chuẩn bị sám hối như đã được ghi trong Sách Lễ hoặc vài lời tương tự.

- Hiện nay có rất nhiều nơi rao ý lễ và tên người xin lễ kéo dài thời gian, có nơi hơn 30 phút, làm mất đi tính “vắn tắt” của phần nhập lễ. Vậy vấn nạn đặt ra là có nên rao lên từng ý lễ và tên từng người xin lễ không? Trước tiên cần khẳng định là không có luật nào buộc rao các ý lễ và tên người xin dâng lễ. Chỉ có luật buộc các linh mục “phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong” cũng như phải ghi sổ sách các ý lễ muốn chuyển cho nơi khác làm cùng với bổng lễ đã nhận của mỗi ý lễ muốn chuyển (x.Giáo luật, điều 955,triệt 3&4). Thứ đến, Giáo luật cũng quy định khi linh mục cử hành thánh lễ được phép nhận tiền lễ và để chỉ lễ theo một ý lễ nhất định. Sau cùng, linh mục cũng được khuyến khích cử hành thánh lễ theo ý của các kitô hữu, nhất là những người nghèo túng, mặc dù không nhận được số tiền nào. Vậy luật buộc phải rao tên như vậy, mà chỉ buộc phải làm lễ theo ý chỉ (mass intentions) để được hưởng bổng lễ (Mass stipend) của người xin mà thôi (x. Giáo luật số 945). Do đó, trong thực hành, các giáo xứ nên có bản tin mục vụ và trong bản tin này có ghi các ý lễ của mỗi ngày trong tuần để người xin theo dõi và hiệp ý cầu nguyện, đồng thời người xin lễ cũng an tâm là lễ mình xin đã được niêm yết. Còn việc rao tên riêng trong lễ chỉ là hình thức phô trương bề ngoài, không có chút giá trị thiêng liêng nào cho người thụ hưởng ý lễ. Chắc chắn như vậy! Tuy nhiên, có nơi giáo dân quen xin lễ ngay đầu thánh lễ và muốn linh mục dâng trong thánh lễ đó, nhưng số người xin quá nhiều, như những dịp đầu năm hay lễ Các Đẳng, thì linh mục chỉ cần mời gọi cộng đoàn hiệp ý với tất cả những người xin dâng lễ và dâng theo ý chỉ của người xin họ là đủ. Sau đó, linh mục cũng phải ghi sổ cần thẩn và chuyển lễ cho “Tòa Giám Mục” như đã quy định.

4. CHUẨN BỊ SÁM HỐI.

Chỉ dẫn:

“Linh mục mời mọi người cử hành sám hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung, và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, tuy nhiên lời xá giải này không có hiệu lực của bí tích sám hối.” (x. QCTQ 51).

Vài điểm lưu ý:

Có bốn hình thức sám hối được Sách Lễ đề nghị:

(1)     Kinh “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng” cả cộng đoàn cùng đọc.

(2)     Hai câu đối đáp giữa linh mục và cộng đoàn.

(3)     Ba lời khẩn cầu được linh mục xướng lên và cộng đoàn đáp “xin Chúa thương xót...”.

(4)     Rảy nước thánh (trong các thánh lễ Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục Sinh).

- Nếu sử dụng hình thức (1) và (2) thì sau câu kết thúc của linh mục, thì đọc kinh “xin Chúa thương xót...”, kinh này có thể đọc đối đáp giữa ca đoàn với cộng đoàn.

- Trong mọi hình thức, linh mục đọc câu mời gọi và câu kết thúc.

- Sách Lễ không chỉ định làm dấu thánh giá khi linh mục đọc câu kết “xin Thiên Chúa toàn năng thương xót…”, vì nghi thức sám hối này chỉ là á bí tích, không thể thay thế cho bí tích giải tội, và câu kết này không phải là công thức giải tội.

5. KINH KYRIE ELEISON. 

Chỉ dẫn:

“Kinh ‘xin Chúa thương xót...’ là bài ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa” (x. QCTQ 52).

Vài điểm lưu ý:

- Theo chỉ dẫn của QCTQ Sách Lễ Roma, kinh “xin Chúa thương xót...” trước tiên là một lời ca tụng tiếp đến mới là một lời kêu cầu. Vì thế, trong hình thức sám hối (1) và (2) không có lời ca tụng, nên phụng vụ yêu cầu phải hát “Kyrie” liền sau phần chuẩn bị sám hối.

- Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng vì nghệ thuật âm nhạc hay vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Riêng mẫu sám hối số (3) của Sách lễ Roma, có thể thay lời mời gọi gợi ý bằng “một câu ngắn” khác được dọn sẵn, tránh ứng khẩu, với nội dung ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa phù hợp với buổi phụng vụ đang cử hành, và cộng đoàn cùng tung hô “xin Chúa thương xót chúng con”.

- Sách Lễ giữ lại tiếng hy lạp “Kyrie” để hát trong phụng vụ nhằm gợi nhớ rằng tiếng hy lạp là tiếng mẹ đẻ của Hội Thánh; các lời hát cũng không quá khó hiểu cũng như tiếng Amen hoặc Alléluia trong tiếng do thái.

Lm.Gs Lê Ngọc Ngà (gpcantho.com)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.