Suy niệm Chúa nhật 28 thường niên B

TIỀN BẠC CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC ĐỜI ĐỜI CHĂNG?

(Suy niệm Chúa nhật 28 thường niên B )

 

Làm người ai cũng ước mong có được hạnh phúc. Nhiều người đã cho rằng có nhiều tiền là hạnh phúc. Người khác cho rằng có sức khoẻ là có hạnh phúc. Người khác lại cho rằng hạnh phúc là có vợ đẹp con ngoan,.. Còn đối với Đức Giê-su, nếu chúng ta muốn có hạnh phúc đích thực, hạnh phúc đời đời là phải yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân. Như vậy, hạnh phúc của người Ki-tô hữu chính là Chúa. Chúa mới là tài sản, là vẻ đẹp và nguồn Khôn Ngoan của người Ki-tô hữu. Tuy vậy, hằng ngày nơi đời sống, chúng ta vẫn thích tiền bạc, của cải và danh vọng hơn là chọn Chúa. Chúng ta sẽ hiểu rất rõ điều này ngang qua đoạn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô 10, 17-30 của Chúa nhật 28 thường niên B hôm nay.

 

Người thanh niên giàu có sau đây phải chăng là hình ảnh rất thực của chúng ta hôm nay. Khi anh đến hỏi Chúa Giê-su rằng mình phải làm gì để có được sự sống đời đời, Chúa Giê-su đã đáp rằng anh hãy tuân giữ các điều răn. Nhưng khi Chúa nói anh hãy bán hết của cải, phân phát cho người nghèo và theo Người, anh lại ra đi buồn rầu, vì anh có nhiều tài sản. Quả thật, để đổi lấy Nước Thiên Chúa hay sự sống đời đời, anh thanh niên đã không dám từ bỏ sự giàu có của cải và tiền bạc của mình. Những anh ta đã muốn chiếm đoạt luôn cả hai: Tiền bạc và Thiên Đàng! Như vậy, anh thanh niên đã rời đi khỏi Chúa Giê-su vì anh ta không muốn từ bỏ hay bán của cải của mình, thì sự sống đời đời cũng khó có thể trở thành sở hữu của anh ta!

 

Như chúng ta đã biết tiền bạc, của cải tự nó không xấu. Thực tế, chúng là những phương tiện giúp chúng ta sống và làm nhiều điều tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, khi chúng ta để của cải chiếm lấy lòng mình, chúng trở thành một gánh nặng và cản trở hành trình theo Chúa. Trong câu chuyện này, người thanh niên không thể theo Chúa Giê-su vì anh bị trói buộc bởi sự giàu có của mình. Đây là điều Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10,23). Người thanh niên đã quá phụ thuộc vào tiền bạc. Thay vì được tự do, người thanh niên đã trở thành nô lệ của tiền bạc và của cải. Cũng vậy, một khi chúng ta để tiền bạc làm chủ và chi phối đời sống, chúng ta sẽ dành hết thời gian, sức lực và tâm trí về nó mà quên mất quan tâm đến gia đình, tình yêu, tha nhân cũng như đời sống thiêng liêng.

 

Chính Chúa Giê-su cũng đã nói: “Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Lc 12, 34). Càng có nhiều tiền bạc, chúng ta càng lo lắng, lo âu và càng trở nên tham lam – ích kỷ. Càng tương quan với tiền bạc nhiều thì chúng ta càng sa sút không muốn nói là mất đi tương quan với Chúa và với tha nhân. Càng có nhiều của cải tiền bạc, chúng ta càng xa rời Thiên Chúa và loại Ngài ra khỏi cuộc đời để tự đề cao chính mình. Quả thật, giàu có là điều được Thiên Chúa chúc phúc. Ngài không muốn ai nghèo khó. Tuy nhiên, Chúa muốn những người giàu có biết xả thân phục vụ anh chị em đồng loại, nhất là đối với những hoàn cảnh nghèo đói và bệnh tật.

 

Câu chuyện về người thanh niên giàu có nhắc nhở chúng ta rằng sự giàu có thật sự không nằm trong của cải vật chất, mà nằm ở mối quan hệ với Chúa và với tha nhân. Nghĩa là chúng ta phải biết rằng tất cả đều bởi Chúa mà ra. Không có Chúa, chúng ta chẳng có gì hết. Vì thế, chúng ta phải biết sử dụng của cải tiền bạc để phục vụ Chúa và tha nhân, nhất là những người cùng khổ. Đừng để của cải tiền bạc cản trở việc lành phúc đức cũng như đường về Thiên Đàng, hãy để nó là phương tiện hữu ích dẫn chúng ta hưởng được hạnh phúc đời đời.

 

Nơi bài đọc I, sách Khôn Ngoan đã nhấn mạnh rằng: “Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” (Kn 7, 8-9). Quả thật, Đức Khôn Ngoan chính là hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô. Có được Đức Khôn Ngoan là có tất cả. Đức Khôn Ngoan là Của Cải Thiêng Liêng không bao giờ mai một. Muốn chiếm được Đức Khôn Ngoan, mỗi chúng ta phải cầu nguyện, tương tác mật thiết và gần gũi với Ngài. Đức Khôn Ngoan hay Đức Giê-su phải là đối tượng duy nhất và ưu tiên hàng đầu của đời sống Ki-tô hữu. Vì thế, điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta không được đặt của cải trên lòng mến Thiên Chúa, vì “của cải anh ở đâu, lòng trí anh ở đó.” Nếu lòng trí chúng ta đã đặt vào của cải, còn lòng trí đâu dành cho Thiên Chúa và các việc của Ngài? Chúng ta không nói của cải không cần thiết, nhưng chúng ta phải đặt đúng thứ tự của nó: sau Thiên Chúa và sau tha nhân. Như vậy, của cải của chúng ta chính là Chúa, là tha nhân, là người nghèo chứ không phải là tiền bạc hay sự giàu có. Tôi thật sự đang chọn sự khôn ngoan nào: khôn ngoan của tiền bạc hay là khôn ngoan là Chúa?!

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.