Suy Niệm Tin Mừng Chúa nhật 30 Thường niên -B

Tin Mừng Chúa nhật 30 Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN30TNb a2


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 46-52)

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.


Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
 

Suy niệm

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đó là một câu ngạn ngữ từ xưa khi nói về giá trị tinh thần của đôi mắt. Nếu một ngày nào đó, đôi mắt khép lại, con người càng trở nên bí ẩn hơn bất cứ tạo vật nào trên thế giới. Con người là một mầu nhiệm, bản thân mỗi người chưa thể hiểu nỗi chính mình, nhờ có đôi mắt, cùng với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là khoa tâm lý chiều sâu, con người đã và đang giải mã cuộc đời của chính mình. Thiếu đi đôi mắt sáng, con người mất luôn con đường để đi vào chiều sâu nội tâm, mất đi cánh cửa để nhìn ra thế giới, nhìn tới anh chị em của mình. Câu chuyện anh chàng Ba-ti-mê được Con Thiên Chúa chữa lành đôi mắt chỉ là một biểu tượng về sự bí ẩn về tinh thần của con người, dù có đôi mắt thể lý sáng, nhưng đôi mắt tình người có thể bị mù, dù thấy đường đi lại trong thế giới nhưng họ không nhận ra con đường đến với Thiên Chúa, đến với tha nhân đang sống quanh mình.

Được trải nghiệm những ngày tháng hạnh phúc trên mảnh đất chảy sữa và mật, dân Do-thái đã vô tình quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, họ chạy theo những phong tục, những nghi lễ của dân ngoại, từ bỏ việc tuân giữ lề luật và nền phụng tự của cha ông để lại. Trước viễn cảnh đen tối đó, Thiên Chúa đã gởi tiên tri Giê-rê-mi-a tới với sứ mạng khuyến cáo sự vô tâm đó và kêu gọi họ thay đổi đời sống: “Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây. Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta”. Có dân tộc nào hạnh phúc cho bằng dân riêng của Thiên Chúa đã được Ngài cầm tay dắt trở về khi lầm đường lạc lối. Thiên Chúa vẫn luôn mong muốn quy tụ con cái Ngài trong một ngôi nhà, chứ không muốn để họ phân tán trong đau khổ, tội lỗi và tổn thương tinh thần.

Là một lá thư mục vụ gởi riêng cho cộng đoàn người Do-thái, tác giả thường đề cập đến vai trò nhập thể của Con Thiên Chúa giữa cộng đoàn, Ngài mặc lấy thân phận con người để cứu độ con người, Ngài hiểu rõ sự yếu đuối của con người và những lầm lỗi của họ, vì thế, Ngài đã chấp nhận cái chết như là dấu chỉ của tình yêu cứu độ, để đưa họ trở về với giá trị một tạo vật mang họa ảnh và hơi thở của Thiên Chúa: “Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy”. Con Thiên Chúa nhập thể dẫn đưa con người ra khỏi đêm tối của tội lỗi, ra khỏi sự bế tắc do hậu quả của tội, hơn nữa, Ngài còn mở đôi mắt tinh thần cho họ, dẫn đưa họ tới chính lộ dẫn về trời cao, đó là quê hương đích thực của họ.

Có nhiều người bị khiếm thị thời Chúa Giêsu, nhưng Ngài chỉ chữa lành cho một vài người, có nhiều người câm điếc hay mắc các chứng bệnh khác nhau, nhưng Ngài cũng chỉ chữa lành cho một số người, bởi Ngài không phải là một bác sĩ, Ngài chỉ đến để chữa lành những căn bệnh tinh thần, mở đôi mắt niềm tin cho con người, anh chàng Ba-ti-mê được chữa đôi mắt là một biểu tượng của con người khi được Con Thiên Chúa khai đường mở lối, giúp họ tìm tới những giá trị cuộc sống hiện tại và hướng về điểm đến cuối cùng của cuộc đời: “Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Dù đôi mắt thể lý của anh ta không sáng, nhưng đôi mắt của niềm tin vẫn sáng, vì thế, khi nghe nhắc tới Con vua Đavid sẽ đi ngang, anh kêu lên bằng niềm tin và khát vọng được gặp gỡ, trò chuyện với Ngài. Con người hiện hữu luôn cần có đôi mắt thể lý sáng và đôi mắt tinh thần cũng thế, tất cả giúp cho con người không bị nhầm lẫn trong tương quan, luôn biết mình là ai, đang đứng đâu, đang làm gì và đang sống như thế nào.

Đức Giêsu không mở một bệnh viện để chữa mắt hay chữa câm điếc, phong cùi, Ngài chỉ chữa lành một số người như là biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, Ngài chữa lành bệnh phong để đưa con người trở về với gia đình, với cộng đoàn, Ngài chữa đôi tai và cái miệng để con người biết lắng nghe sự hướng dẫn của Thiên Chúa và tạ ơn, Ngài chữa lành đôi mắt để con người không lạc vào mê trận của tội lỗi và sự chết. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài còn cho kẻ chết sống lại như một lời nhắc, Thiên Chúa là chủ tể sự sống, Ngài sẽ đưa con người tự cõi chết trong tội, trở về với sự sống đích thực của Thiên Chúa tình yêu.

Con người hôm nay được thừa hưởng những thành tựu của y học, vì thế mọi bệnh tật đều có thể được chữa lành, nhưng có căn bệnh mù lòa đôi mắt tinh thần, y học không thể làm gì được. Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, con người thường có những góc nhìn phiếm diện về tha nhân và chính mình, thế nhưng, rất nhiều lời bình phẩm, rất nhiều lời nhận xét về tha nhân thiếu tích cực, thiếu cảm thông được đúc kết từ một đôi mắt tinh thần mù lòa, quả là một nghịch lý trong cuộc sống. Biết là vậy nhưng con người vẫn coi đó là sự thật, là chân lý, vì thế cần có sự chữa lành từ Thiên Chúa, từ ánh sáng của Lời Thiên Chúa, để mỗi người khám phá mầu nhiệm con người, biết hơn về chính mình và hiểu hơn về tha nhân.

Mù chữ là một khó khăn cho con người, mù đường, mù kiến thức phổ thông hay tin học, dễ đưa con người tới chỗ phán đoán lệch lạc và lầm lẫn, thậm chí là chủ quan. Ai cũng mong mình có đôi mắt thể lý sáng và sạch, để được trải nghiệm cuộc sống hiện tại, nhưng có mấy người ước mong có đôi mắt tinh thần sáng hơn, để biết sống khiêm tốn, giản dị và quảng đại hơn. Đó là điều Thiên Chúa lưu tâm khi gởi đến cho con người câu chuyện chữa lành đôi mắt cho con trai ông Ti-mê.

Lạy Chúa, Chúa cho chúng con đôi mắt thể lý sáng để biết tìm về với Chúa trong gia đình Giáo hội, trong đời sống phụng tự, nhưng không thiếu những lúc đôi mắt tinh thần của chúng con mù lòa, xin Chúa chữa lành và che chở đôi mắt của trái tim, để chúng con biết Chúa là ai, biết mình là ai, và biết mọi người là ai. Người mù sau khi được chữa lành, đã đi theo Chúa, theo con đường Chúa hướng dẫn, xin giúp chúng con biết lắng nghe sự chỉ dạy của Chúa, biết đi theo con đường Chúa giới thiệu, dù con đường đó đi qua đau khổ, tử nạn nhưng điểm đến cuối cùng là sự vinh quang của mầu nhiệm phục sinh. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.